Sinh trưởng trong một gia đình quyền quý, con quan tuần phủ Trần Thế Mỹ, rể quan tổng đốcLê Văn Định, Khái Hưng biết rõ hơn ai hết nội trường sống của mình, cho nên các nhân vật của ông có cả chính diện lẫn phản diện, điều mà các tiểu thuyết gia khác không nằm trong môi trường, thường có lối phê phán một chiều, đến chỗ cực đoan, phiến diện, ngay cả Nhất Linh cũng không tránh khỏi trong Đoạn Tuyệt.

(Khái Hưng)

Ở Khái Hưng, tâm thức phê phán giai cấp trưởng giả, quan lại, thiêu đốt từ bên trong.

Sinh trưởng trong một gia đình quyền quý, con quan tuần phủ Trần Thế Mỹ, rể quan tổng đốc Lê Văn Định, Khái Hưng biết rõ hơn ai hết nội trường sống của mình, cho nên các nhân vật của ông có cả chính diện lẫn phản diện, điều mà các tiểu thuyết gia khác không nằm trong môi trường, thường có lối phê phán một chiều, đến chỗ cực đoan, phiến diện, ngay cả Nhất Linh cũng không tránh khỏi trong Đoạn Tuyệt.

Tỉnh táo, trung dung, uyên thâm nho học, không bị nhiệt tình lôi cuốn, Khái Hưngcó cái nhìn nhân hòa, ít thiên kiến về xã hội trưởng giả Việt Nam đầu thế kỷ XX, người đọc tìm thấy ở ông những chân dung xác thực và gần gụi với con người. Có thể nói đến một văn phong trung tính, écriture neutre, nơi Khái Hưng, khác với văn phong nhiệt tính nơi Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, v.v… Khái Hưng chỉ tả. Không tố. Khái Hưng thể hiện nữ quyền trong tâm hồn người đàn bà không như một đòi hỏi mà như một xác định. Ông trình bày nữ quyền dưới cả hai khía cạnh tốt xấu.

Xã hội Việt Nam thời Khái Hưng được tiếp máu mẹ trong một hệ thần kinh nho giáo phong kiến tập tành Tây học. Đàn bà là vai chính trong gia đình. Quyền thế, độc đoán về tay những bà Án (trong Nửa chừng xuân), bà Ba (trong Thừa tự), bà Phán (trong Thoát ly). Phiá đối chất, phản kháng lại cái uy quyền ấy, cũng là phụ nữ, như Mai trong Nửa chừng xuân, Chuyên và Tính trong Thừa tự, Hồng trong Thoát ly,… Ở phần tìm tự do, hạnh phúc cá nhân, có Hiền trong Trống mái, Tuyết trong Đời mưa gió, Lan trong Đẹp. Ở phần tráng sĩ anh hùng có Nhị Nương trong Tiêu Sơn tráng sĩ… Như thế, nữ quyền hiện ra một cách toàn diện trên hai mặt, tốt và xấu của nó. Trên bình diện nào, Khái Hưng cũng trình bày người phụ nữ như một tác nhân, nếu không trực tiếp hành động thì cũng gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường.

Nam phái trong tác phẩm thường mờ nhạt, phản ánh tính chất bệnh hoạn của chế độ quan trường, nhu mì trong cái học từ chương, an phận của kẻ bị đô hộ. Họ thường không có lập trường, xuất hiện như những nạn nhân, đứng trước cảnh đã rồi, họ là con rối cho mẹ hoặc vợ giật dây. Sự bất lực của nam phái phải chăng là sự đầu hàng của trí thức trước gót giày thực dân? Là sự hèn mọn của giai cấp quan trường trưởng giả trước cường quyền và bạo lực?

Ở giai đoạn chuyển thể giữa Đông và Tây, nội loạn đảng phái, quốc nạn thực dân, trong gia đình Việt Nam, quyền lực nằm trong tay phụ nữ. Một thứ nữ quyền có chính diện lẫn phản diện, bởi Khái Hưng luôn luôn đứng ở thế trung dung, không xu phụ. Ông nhìn thấy cả cái yếu lẫn cái mạnh của người đàn bà, cho nên ngay những nhân vật “xấu” như bà Án, bà Ba… đều có những khía cạnh rất người. Sự tàn ác đem lại cho họ những hậu quả khốn nạn. Luật nhân quả chứng tỏ một Khái Hưng thấm nhuần Phật pháp, nhưng là một phật tử có đầu óc khoa học, tránh những bi kịch ngẫu nhiên, tiền định. Cái nhìn hai mặt nàyKhái Hưngkhông chỉ dành riêng cho xã hội thượng lưu mà ở cả những thành phần khác. Cho nên những nhân vật của ông, dù ở cùng một thành phần cũng có thể có nhũng bộ mặt hoàn toàn khác nhau: tiên phong đạo cốt như sư cụ chùa Long Giáng trong Hồn bướm mơ tiên, hoặc lý tài hạ tiện như sư cụ làng Giáp trong Thừa tự, hoặc hổ mang, thảo khấu như Phổ Tĩnh thiền sư trong Tiêu Sơn tráng sĩ… mỗi con người, một quyết định, một hành động, một nhân cách. Những nhân vật của Khái Hưng dù tu, dù tục, đều có hai mặt tốt xấu và nhận hậu quả hành động của mình như một nhân quả.

Chế độ gia đình trị và đa thê biểu hiện nét tương phản của xã hội trong khía cạnh sâu xa nhất: Những xung đột ghê gớm trong gia đình và sự ác liệt của những xung đột nằm trong bản chất trả thù truyền kiếp giữa những người đàn bà cầm quyền. Trước đây họ đã là nạn nhân, bây giờ lên cầm quyền họ trở thành thủ phạm. Được giáo dục dưới khuôn khổ tứ đức, tam tòng một cách từ chương mà chính họ cũng không hiểu rõ, chỉ sử dụng như những khẩu hiệu. Sống trong không khí thù nghịch gia truyền, họ chỉ biết: khi về làm dâu, bị mẹ chồng hành hạ, và chờ đợi thời cơ, khi đã cướp chính quyền rồi (mẹ chồng chết, hoặc chồng chết), họ bèn trả thù trên đầu con dâu, con chồng, như một thắng lợi.

Khái Hưng phơi bày trần trụi bộ mặt nữ quyền khi rơi và tay những bà mẹ lạm dụng tình mẫu tử như bà Án trong Nửa Chừng Xuân, mẹ ghẻ độc ác như bà Phán trong Thoát Ly. Sự xác định quyền sinh sát trên đầu những nạn nhân cùng phái là một thứ nữ quyền mù chữ, độc ác và toàn trị.

Những xung đột mẹ chồng nàng dâu, dì ghẻ con chồng, buôn con bán cái, còn phát sinh từ cái lợi. Lợi trong việc cưới gả “môn đăng hộ đối”; cưới rẻ, mua rẻ, tỳ thiếp cho chồng về làm đầy tớ không công. Trong truyện Thừa tự, Người mẹ ghẻ (tức Bà Ba, Troisème) dứ miếng mồi thừa tự ra khiến anh em nghi ngờ, thù ghét, rình mò nhau, xem ai ăn thừa tự? Rồi bà đem cái “vào hậu” ra để dụ sư cụ đê tiện, sẵn sàng bán đạo để kiếm chác tí “hậu” của các cụ lớn. Tất cả đều do đàn bà chủ mưu; những hiện tượng này được quan sát và chiếu sáng từ người “con đẻ của chế độ”: Khái Hưng.

Khái Hưng viết về xã hội trưởng giả của ông không khác gì J.P. Sartre viết về xã hội trưởng giả của mình.

Tiểu thuyết của Khái Hưng vẽ nên bộ mặt khả ố và đáng thương của xã hội trưởng giả Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Nửa chừng xuân mở cửa vào những danh gia, cho biết thủ đoạn gả bán con cái, tiêu diệt hạnh phúc để kiếm danh giá trong tiến trình môn đăng hộ đối. Gia đình phơi bày nỗi đắng cay của những người đàn bà như Nga, cả đời chỉ đeo đuổi một mục đích: Làm sao nên danh bà Huyện. Thoát ly, Thừa tự trình bày những xâu xé trong cảnh đa thê, dì ghẻ con chồng…

Khái Hưng trình bày tính chất tha hóa của những xã hội mà cực quyền nằm trong tay những kẻ dốt nát (ở đây là những bà Tuần, bà Án) nhân danh tôn ti trật tự, nhân danh tín đức tam tòng, nhưng chính bản thân những người “chỉ đạo” này cũng chưa một lần tìm hiểu thực chất của đạo lý ấy là gì, hành sự một cách cực kỳ tàn nhẫn mà trong lòng vẫn yên trí tin rằng đó là bổn phận của họ phải bảo vệ gia phong, giữ gìn nền nếp.

Đưa ra những mâu thuẫn cơ bản nhưng Khái Hưng không bi thảm hóa. Ngay trong Nửa chừng xuân, ở những đoạn gọi là bi thảm nhất như khi Mai bị bà Án đuổi ra cửa lúc đang có mang, bị Lộc phụ tình vì nghe mẹ, Mai vẫn có phản ứng lạc quan và có ý thức chống đối.

Đối lập vói thứ nữ quyền mù quáng của bà Án, là nữ quyền có ý thức của Mai. Mai thoát khỏi guồng máy đại gia đình nhờ ý thức tự do và tự lập. Mai chống đối xã hội cũng bằng khả năng của mình, chứng tỏ mình có đủ nghị lực và bản lĩnh để gánh trách nhiệm của cuộc sống tự do. Và sau này, khi Mai từ chối những đề nghị chắp nối, trở về với Lộc, cũng vẫn là một lựa chọn minh mẫn, không hề có tính chất lý tưởng mà chỉ là một quyết định thực tiễn: Tại sao lại trở về làm lẽ trong cái gia đình quyền quý, hủ lậu ấy mà bỏ nếp sống tự do của mình?

Trong xã hội mẫu quyền ấy, loại ký sinh trùng là những bà mối. Các mụ mối củaKhái Hưng, thường tên là bà Hai, có tính đồng cốt, tú bà. Họ là loại trung gian, một thứ vi khuẩn ăn bám vào hủ tục buôn con bán cái của xã hội. Với những mánh khóe gian hùng, xui nguyên dục bị, họ thao túng thị trường cưới gả trong những gia đình quan lại.

Những người cầm quyền là các bà Án, bà Phán, thường góa hoặc nếu còn chồng thì cũng là loại đàn ông nhu nhược, đã bị truất quyền. Họ là sản phẩm một chế độ gia truyền: bị mẹ chồng hành hạ bèn trả đũa lên đầu con dâu. Dốt nát, tham lam, hủ lậu nhưng có quyền. Sống trong vòng đạo đức, luân lý giả tạo, họ đi từ vị trí nạn nhân để trở thành thủ phạm, bằng cái vỏ nho giáo mà họ quấn vào người mà chẳng biết thực chất nó là cái gì.

Cái vòng luẩn quẩn ấy chỉ có thể mở được nếu người phụ nữ có ý thức về cá nhân và xã hội: Hồng trong Thoát ly không “thoát ly” được hoàn cảnh mẹ ghẻ con chồng vì không hiểu và không có khả năng tự lập, Hồng muốn dựa vào một kẻ khác (lấy chồng) để thoát ly gia đình và khi các dự tính lấy chồng của Hồng đều bị bà dì ghẻ phá đám, thì Hồng chịu. Phương cách thoát ly của Hồng chỉ là tạm bợ và ỷ lại, thoát cửa này để vào một cửa khác, bỏ sự lệ thuộc này để mua lệ thuộc khác. Hồng chưa thật sự tìm đến cối rễ nỗi đau của mình: nỗi đau lệ thuộc.

Khái Hưng đã chỉ ra cái tác hại của nữ quyền trong tay những kẻ dốt nát, trong hệ thống gia đình thủ cựu và đồng thời ông còn đề nghị một quan niệm mới về hôn nhân.

Hạnh phúc không nhất thiết phải đi tới hôn nhân. Từ Hồn bướm mơ tiên đếnNửa chừng xuân, Khái Hưng đã mở ra những lựa chọn tự do, khác với hôn nhân, mà người ta gọi là union libre, tự do sống chung, trong Đời mưa gió. Tình yêu và chênh lệch tuổi tác, trong Đẹp. Rồi trong Hạnh, trong Dọc đường gió bụi, Khái Hưng đều thấy cái ngắn ngủi, phôi pha của hạnh phúc.

Từ những đổ vỡ của gia đình trong chế độ cũ, tiểu thuyết của Khái Hưng mở ra những cái nhìn mới về mối tương quan giữa tình yêu và hạnh phúc, tình yêu và hôn nhân, thiên nhiên và thành thị, tình yêu và xác thịt. Ở đây Khái Hưng đã đưa mối hoài nghi mà ông tiếp nhận của Anatole France vào tác phẩm, tính chất phản diện trong các chân dung nhân vật, trong các vấn đề cốt lõi của con người, đã sớm đưa ra những xung đột không chỉ giữa cái cũ và cái mới trong buổi giao thời, mà còn tìm đến những xung đột muôn thuở giữa tu và tục, giữa hạnh phúc và hôn nhân, giữa nghệ thuật và sáng tác, giữa thiên nhiên và thành thị.

Về mặt văn phong, Khái Hưng đã đạt tới một tiếng Việt trong sáng, giản dị, gọn gàng, một humour kín đáo và ý nhị và tính lạc quan yêu đời tỏa ra trong ngôn ngữ.

Khái Hưng sử dụng đối thoại một cách tài tình, và cũng chính ở ngôn ngữ của ông, ở tiếng Việt của ông, do ông tự tạo mà văn học hiện đại bắt đầu trưởng thành từ Hồn bướm mơ tiên.

Thuỵ Khuê