Phong trào nữ quyền ra đời từ lâu, thế giới văn minh đã “giải phóng phụ nữ” cả thế kỉ rồi, và hôm nay ta thường xuyên hô hào bình quyền nam nữ, vậy mà ta cứ mắc kẹt. Bởi chính cái bẫy ngôn từ.

 

1. Thời hiện đại, nhân loại dù tiến bộ đến đâu vẫn còn rơi rớt lại bao tàn tích lạc hậu. Chế độ phụ hệ, hay nói mạnh hơn – xã hội nam quyền cùng mấy hệ lụy của nó, là một trong những tàn tích đó. Xã hội phương Tây, vợ ăn theo tên chồng: Jackie Kennedy, Hillary Clinton, chứ không ngược lại. Còn ở phương Đông, trong gia huấn ca, sự thiên vị cũng quá rõ ràng. Ở đó chỉ có bổn phận, nghĩa vụ của vợ, của mẹ; còn chồng, đàn ông luôn ở thế cao, thế sướng.

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, tuy thế phụ nữ muôn đời vẫn chịu ở thế lép. Pathang biai hadiip mơy pơng: Chồng bàn thì phận làm vợ em phải nghe. Một chiều nghe theo, làm theo; chả thấy tí tẹo nào phận sự của chồng đối với vợ – ôi bà vợ yêu quý của mình. Ngay cả cái họ, con cái cũng lấy họ cha, chứ không phải họ mẹ.

Xem thường trí tuệ phụ nữ, tổ tiên ta từng có:

Đàn ông nông nổi giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu

Mà có dừng ở đó đâu, quý ông còn đẩy sự xem thường lên một bậc cao hơn nữa: “Đàn bà đái không qua ngọn cỏ”!

Còn ở thực tiễn sinh hoạt đời thường thì sao?

Cùng làm đồng áng về, trong khi nàng túi bụi chuyện bếp núc muốn ngất xỉu, thì chàng ngồi nhâm nhi trà đặc với vểnh râu tán chuyện, mà không hề nghĩ đến chuyện san sẻ công việc với nàng. Có việc ra ngoài chung, không ít ông chồng ở quê phó mặc bà vợ gồng mình xách mấy gói to, gói “hổng đẹp”; bởi ông cho chúng không xứng với tư thế nam nhi của mình. Thưởng lãm nỗi thân phận liễu yếu xách nặng mà tội.

Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng – ông bà xưa nói vậy. Hiện tượng bất công kia dù đã đứt bong, nhưng có một cộng đồng không nhỏ nhân loại vẫn chấp nhận đàn ông có quyền lắm vợ. – Kinh! Còn chuyện trinh tiết thời nay dù không còn là một gánh nặng đầy đối xử phân biệt, song nó vẫn ám ảnh không ít bộ phận. Ám ảnh kia lại là “đặc quyền” dành riêng tặng cho quý cô, chứ không ai đặt vấn đề trinh tiết với cánh nam nhi cả.

Người ta còn thường xuyên đề cập đến sự phân biệt giới trong giáo dục hay trong bầu cử (ở Mỹ, mãi năm 1920 phụ nữ mới biết cầm đến lá phiều bầu), trong nghề nghiệp và thu nhập, phân biệt từ chuyện hiếp dâm hay vật thể hóa tình dục trong quảng cáo đến vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình… Sự thể diễn ra rành rành trước mắt, hằng ngày, là điều dễ nhận biết. Ở khía cạnh tế vi hơn, rất khó biện biệt, đó là sự phân biệt giới thể hiện qua ngôn ngữ.


* * * * *


2. Ngôn từ ta sử dụng ngày nay vẫn còn mang đậm “đực tính”. Thốt lên chữ “nhà văn”, hầu hết mọi người ngầm hiểu đó là quý ông, nghĩa là người viết giống đực. Để xác định giới tính phái yếu, ta thêm “nữ” hay “bà”. Nhà văn nữ, nữ nhà thơ, bà bác sĩ, nữ doanh nhân… tất tần tật. Ta là vậy, Tây cũng chẳng khác mấy. Prince – princess, doctor – doctoress… Như thể thứ hậu tố đầy tòng thuộc. Hay ta nói, “… là một nhà phê bình, ông/ anh phải…”. Tại sao không là từ nào trung tính hơn: “bạn, hay anh/ chị phải” chẳng hạn?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trả lời phỏng vấn báo Người Lao động, ngày 29-9-2015:

“Tôi nói thế này, anh là người viết, anh được tự do sáng tạo, không ai chui vào đầu anh để cấm hay chỉ cho phép anh viết cái nọ, viết cái kia. Trước hết là từ cá nhân anh. Vấn đề xuất bản có thể khó khăn, có thể tác phẩm của anh chưa xuất bản được nhưng không ai cấm được ngòi bút của anh cả.”

Thế đó! Mà có phải mỗi nam giới đâu, đại đa số người nữ cũng dùng chữ hệt vậy. Phong trào nữ quyền ra đời từ lâu, thế giới văn minh đã “giải phóng phụ nữ” cả thế kỉ rồi, và hôm nay ta thường xuyên hô hào bình quyền nam nữ, vậy mà ta cứ mắc kẹt. Bởi chính cái bẫy ngôn từ.

“Người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ”. Câu nói thời danh ấy của S. de Beauvoir đã vang lên hơn nửa thế kỉ qua, đến hôm nay nó vẫn còn nóng. Gần hai thập kỉ sau tuyên ngôn đó, Robert Stoller dấn thêm một bước mới, quyết liệt hơn: phân định rạch ròi hai khái niệm “giống” và “giới tính”. Hay nói như Harry Benjamin: Giống (sexe) là điều ta thấy, giới tính (genre) là điều ta cảm thấy. Giống là của trời cho, gắn liền với các đặc điểm sinh lí; còn giới tính, nó bị quy định triền phược bởi truyền thống văn hóa, tập tục, giáo dục, tôn giáo, chính trị. Chính tại điểm nhấn này, các nhà đấu tranh cho nữ quyền thế hệ thứ hai lập thuyết và đấu tranh.

Sang thập niên tám mươi, ảnh hưởng chủ nghĩa hậu hiện đại, thế hệ nữ quyền luận thứ ba đẩy tư tưởng nữ quyền tiến thêm một bước mới: vấn đề giới tính thực chất là vấn đề thể hiện. Thể hiện ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ngôn ngữ. Bởi ngôn ngữ nhân loại đa phần do nam giới áp đặt. Quá trình lịch sử lâu dài, người nữ đã phải nhận phận hậu tố tòng thuộc hay như một phái sinh đầy thứ yếu. Các nhà đấu tranh cho sự bình đẳng giới không chấp nhận đóng vai tòng thuộc đó. Không phải đảo ngược hay nổi dậy hô hào lật đổ: phụ nữ quan trọng hơn đàn ông, nữ quyền thay thế nam quyền, mẫu hệ đảo chính phụ hệ mà là, đạp đổ bức vách ngăn vô hình phi lí đầy tệ hại tồn tại suốt mấy ngàn năm lịch sử nhân loại. Bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, công cuộc ý thức để thoát khỏi cái bẫy ngôn từ đóng vai trò quan trọng.

Ngoài kia thế giới đã khởi động. Mỹ chẳng hạn, năm 1975, họ đưa ra đạo luật chống kì thị (Discrimination Act), qua đó đã có những thay đổi đáng kể. Ví dụ, so sánh: Chairman = chairperson; saleman = saleperson, congressman = congressperson, mailman = postalworker, fireman = fire fighter, polisman = public safety officer… Cùng với đó là sự xuất hiện “sự bình đẳng về giới trong một số từ”. Ví dụ: statesmen và stateswomen, congressman và congresswomen, sportman và sportwomen… (dẫn theo Nguyễn Văn Khang, “Xã hội học ngôn ngữ về giới: Sự kì thị và sự chống kì thị đối với nữ giới trong sử dụng ngôn ngữ”, http://www.cdsonla.edu.vn).

* * * * *

3. Trong thơ đương đại, đại bộ phận các bạn thơ nữ chưa vượt thoát khỏi mặc cảm “nữ nhi thường tình” trong sáng tác thơ, chấp nhận và an phận. Có lẽ bởi thói quen thơ Việt, thói quen bắt nguồn từ truyền thống nam quyền thống ngự lâu đời, nỗi mặc cảm thân phận mình là phái yếu, tam tòng đầy lệ thuộc còn đeo bám dai dẳng. Dù thế giới hiện đại bày ra trước mắt chị em bao nhiêu ý tưởng, sự kiện lồ lộ về/ của sự bình đẳng giới, và dù họ cũng nhiều lần thử vươn ra, vượt lên. Nhưng rồi đâu vẫn vào đấy: luôn chịu khép mình sắm vai phụ, rất phụ.

Mặc cảm liễu yếu, tòng thuộc thì rõ rồi. Tuy nhiên với nhà thơ nữ Việt, điều bất khả vượt này còn cắm rễ vào miền tối sâu thẳm hơn và có thể nói, nguy hiểm hơn: tiếng Việt. Tiếng Việt với các chủ ngữ thiếu trung tính. Vừa mở miệng xưng hô, cán cân thiên lệch nghiêng ngay về nam giới.

Ngôn ngữ thơ, thói quen “em” từ thời Thơ Mới vẫn chưa dứt ra được. Chị em làm thơ đặt bút xuống là EM có mặt, to tướng, không thể bôi xóa. Hơn thế, nó lại đầy… chất thơ, mới phiền! Quan hệ máu mủ, em so bì với anh, chịu lép vế là cái chắc; quan hệ gái/ trai, vợ/ chồng thì càng. Núp bóng “anh”, người nữ lúc nào cũng phải “dựa vào nam giới mới có thể định nghĩa chính mình”. Các nhà thơ nữ rõ sự vụ ấy quá chứ! Xưa, đã có tấm gương sáng Hồ Xuân Hương [cứ cho tác giả này là nữ] xưng “chị” gọi em ngang tàng ngang dọc. Thời gian qua, vài nhà thơ thử làm cuộc đảo chánh nhỏ, họ sử dụng chủ từ “tôi” cách sòng phẳng trong các sáng tác của mình. Thu Nguyệt nhuần nhị “tôi” hay “ta”. Trước đó, Nhã Ca còn đẩy chủ từ tới cùng hơn nữa – “tui”. Hi vọng thoát khỏi kiếp tòng thuộc. Còn đại đa số nhà thơ nữ ta mặc cảm vẫn hoàn mặc cảm. Nói như Lê Khánh Mai, “oan nghiệt ngày thường” trở thành “oan nghiệt phận thơ”. Có nỗ lực “tìm mình” thì cứ lại thấy một mình-phụ tùng. Có gắng gượng làm cuộc bứt phá tới đâu, sáng tác phẩm của mình vẫn rơi tõm vào cõi giới tính thứ hai tệ hại.

Trong dòng thơ đương đại, Vi Thùy Linh là đại biểu xứng danh. Đó như thể tiếng kêu gào khản cổ đòi được yêu, được âu yếm chứ không thăng hoa tình yêu; khao khát tình dục chứ không giải phóng tình dục: “Về đi anh! / Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh”, “Khi em tựa cửa / Là khi em cần anh”. Ở đó lộ thiên tinh thần “nữ tính” yếu đuối đầy tòng thuộc đồng thời phơi bày một trái tim dễ tổn thương, trầy xước khi bị bỏ rơi, ruồng rẫy: “Em khóc sập trời, anh vẫn cứ đi”, “Bị đánh mất khỏi anh / Em sẽ mất em / Khi thuộc về người đàn ông khác”, “Em có thể chết vì anh”.

Đặt bên cạnh Căn phòng 2.2-âm thanh sóng của Lê Thị Thấm Vân trước đó: mới mẻ trong cách viết, dữ dội mấy lần trong diễn tả, đồng thời nó sòng phẳng trong quan hệ hai giới: tinh nghịch, lành mạnh và sạch sẽ, ta nghe nó thê thảm xiết bao. Hay trước nữa, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, qua “Ngọn cỏ” đã giải truyền thống “Đàn bà đái không qua ngọn cỏ” cách oanh liệt. Qua đó, ngọn cỏ của tự nhiên được tự do đùa với gió mà không bị buộc phải chịu phận so đo trong tinh thần phân biệt đối xử của quý ông với sự đái. Cả sự đái của đàn bà cũng được cởi trói, để cuối rốt thân phận tòng thuộc của chị em được giải phóng toàn triệt (xem thêm: Inrasara, Thơ nữ trong hành trình cắt đôi hậu tố ‘nữ’, NXB Hội Nhà văn, 2015). Rồi thế hệ thơ hậu-@ với Phan Quỳnh Trâm, Lưu Mêlan, Kiều Maily… sự yếu đuối tòng thuộc gần như không còn lưa lại chút dấu vết, dẫu cỏn con.

Có chị em, bạn thơ [nữ] nào còn muốn vướng kẹt không!?

Nguồn Tiasang

Exit mobile version