Tamara de Lempicka (1898 –1980),
Le téléphone II, 1930.
Độc thoại trong cái lồng rộng
Sự cũ kỹ này nằm ngay trong thói quen cặp đôi từ ngữ: nữ quyền – nam quyền và người nữ thấy hiển hiện ngay trước mắt một mục tiêu tấn công, tranh đấu, đồng thời một cảm giác bại trận ngay từ phút đầu tiên. Cuộc đấu đó rốt cuộc có tồn tại hay không? (Tôi đã nghe những tiếng cười chộn rộn của các nhân sĩ quanh mình.) Trên giấy tờ, chúng ta có những biểu tượng phụ nữ Việt Nam đánh giặc, nhưng không có hình ảnh lẫy lừng nào trong cuộc chiến với đàn ông để làm điểm tựa: về khía cạnh này, thậm chí Hồ Xuân Hương chỉ còn là ví dụ về sự thất bại. (“Ví đây đổi phận làm trai được!”). Nhiều phụ nữ hiện nay từ chối đời sống gia đình, để không lựa chọn chiến tranh, để không phải mang nỗi oán giận vì tình cảnh nhân đôi bản thân (vừa là một người phụ nữ tự do như – đàn – ông, vừa là một phụ nữ như – phụ -nữ). Đàn ông cũng nhất định không để xảy ra chiến tranh: sự khôn ngoan/cầu an của đàn ông dẫn tới sự từ chối/ bỏ qua thản nhiên việc đối thoại với phụ nữ. Họ thương xót phụ nữ bất hạnh. Họ ứng xử thật thanh lịch. Họ mỉm cười trước sự hăm hở tranh đấu của các bà, các cô. Họ ca ngợi các bà, các cô không tiếc lời. Họ bồi đắp không thôi những biểu trưng của cái đẹp, của sự hi sinh, tần tảo, chịu đựng. Họ đồng nhất người mẹ với Tổ quốc, vinh danh “bà mẹ anh hùng”. Họ thể hiện mình là những người đàn ông cấp tiến trước những người phụ nữ tự do. Và khi (nhỡ may) có những người vợ tự do, họ khéo léo sơn son thiếp vàng cho những cái lồng của họ. Đôi khi cái lồng có vẻ rộng đến mức người phụ nữ làm vợ, làm mẹ thấy mình vùng vẫy cả đời ở đó cũng chưa hết. Nhưng cái lồng vẫn cứ là một hình ảnh khó chịu. Rộng đến độ nào mới thỏa mãn các cô đây? Không, chúng tôi không muốn nhìn thấy/có cảm giác về cái lồng, dù khi không có lồng, có thể chúng tôi cũng chẳng bay đi đâu quá xa (được) cả. Rút cục, không đối đầu, nhưng không muốn thỏa hiệp ngay, người ta làm gì? Những phụ nữ ngồi hàng giờ trong quán cà phê để nói chuyện về những cái lồng hẳn không phải biểu hiện của tự do. Một câu trích dẫn từ cuốn sách nổi tiếng của Simone De Beauvoir dường như vẫn thích hợp: “Là tất cả, phụ nữ không bao giờ là cái mà đúng ra họ phải là chính cái đó; họ là nỗi niềm thất vọng về cuộc sống vốn không bao giờ đạt tới và cũng không bao giờ dung hòa được với toàn thể nhân loại.” (Giới nữ, tập 1, NXB Phụ nữ 1996, bản dịch của Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh).
Thất bại thấy rõ của việc đòi hỏi nữ quyền như một tình thế đối đầu với nam quyền trong cặp quan hệ giả định phổ biến này: không đối đầu, không thỏa hiệp nhưng cũng không có đối thoại. Độc thoại ầm ĩ. Chỉ có phụ nữ nói, nói một mình hoặc nói với nhau. Phụ nữ nói về bản thân họ. Bằng kể lể trên các diễn đàn, các góc báo tâm sự. Bằng văn chương phơi bày. Phụ nữ nghiên cứu nữ quyền. Phụ nữ nghiên cứu về đực tính. Đàn ông tưởng như là đối tượng ảo. Họ chủ ý/vô ý vô hình? Họ có đang mưu toan một giải pháp hòa bình, một liệu pháp hòa hoãn, hay một kế án binh bất động? Lẻ tẻ có những phản ứng ngược: đàn ông tố khổ, lên tiếng về những gánh nặng của mình, nhưng vẻ như chỉ để xoa dịu cơn nóng giận của phụ nữ. Cuối cùng, tất cả nỗi khổ của hai bên là do một thứ áp lực “xã hội” siêu hình nào đó trùm phủ. Tốt nhất là chịu đựng nhau – chúng ta nói. Và không còn nạn nhân hay tội nhân, chúng ta đồng lõa để cùng làm nô lệ.
Nặng gánh chữ “đàn ông”
Tôi không dám nói gì về những nỗi khốn khổ của đàn ông, tôi không muốn thành kẻ thương vay khóc mướn hão huyền. Ở khía cạnh nào đó, với tôi, “đàn ông”, một danh từ, biểu thị một dạng sinh vật bị điều kiện hóa rất mạnh trong những quy tắc xã hội, bị gắn chặt trong những từ ngữ dương tính như cường tráng, làm chủ, chi phối… Từ “gánh nặng” (gia đình, giang sơn) từ bao giờ thành một biểu trưng và góp phần kiến tạo quyền lực nam giới. Có vẻ như họ xem việc “gánh nặng” đó là nguyên nhân khiến họ không muốn mất thời gian bận tâm mấy chuyện tranh cãi “tẹp nhẹp” của phụ nữ về nữ quyền. Điều tôi thấy bất ổn là, dường như ít khi họ thấy từ ngữ đó cũng đồng thời biến họ thành nô lệ của chính mình. Hệ quả, họ không có khả năng nhìn vào người khác (phái), đã đành, họ cũng không nhìn vào vấn đề của bản thân họ; họ chỉ nhìn ra các đại sự. Sáng tạo nghệ thuật với đàn ông dường như nằm ngoài cuộc đời cá nhân họ. Ở khía cạnh nào đó, sức chinh phục của những nghệ sĩ đồng tính nổi lên gần đây có thể là sức chinh phục của những tiềm năng sống động, chưa bị điều kiện hóa bởi những thành kiến ngặt nghèo về giới lên cả cái gọi là nam hay nữ chăng? Dường như tất cả chúng ta đang sở hữu thời điểm thuận lợi để ý thức về tình trạng bị điều khiển và bị động của mình, sự bất động của mình, khi những câu chuyện lớn như chính trị, chiến tranh, lịch sử không còn là diễn ngôn đặc quyền của nam giới, hay khi tất cả đã vỡ tan thành những câu chuyện nhỏ.
Từ đối kháng tới đối thoại
Một kiểu “nữ quyền đám đông”, nữ quyền “phong trào cách mạng”, dường như đã hết vai trò làm thức dậy vấn đề. Không thể trông đợi nữa một thứ quyền năng dẫn đường cho sự dâng hiến tập thể, sự xả thân vì lý tưởng mà tách biệt, thiếu thông hiểu các hoàn cảnh (tình cảnh trớ trêu của phụ nữ Mỹ sau khi tranh đấu để được đi làm trong công xưởng đã từng trở thành một ví dụ phản tư). Nữ quyền cũng không thể là dịch vụ kinh doanh nhân đạo hay làm món trưng bày sầu thảm của nhân quyền. Nữ quyền không phải một điển cố, nữ quyền là một ẩn dụ. Khi tôi nói “nữ”, hay một “nhà văn nữ”, tôi chỉ là “nữ” hay “nhà văn nữ” trong một quan hệ giả định, một tình huống giả định, và là “nữ” hay là “nhà văn nữ” chỉ có ý nghĩa trong những tình huống đối thoại cụ thể mà thôi.
Sự vô nghĩa của đối đầu và thiếu thông hiểu trong cách ứng xử thỏa hiệp dẫn tới lựa chọn hầu như là duy nhất của chung sống: quan hệ đối kháng phải trở thành một dạng quan hệ tác động. Khi phụ nữ tạo ra diễn ngôn về nữ quyền, họ là người điều khiển đồng thời chịu điều khiển bởi chính diễn ngôn đó. Vậy làm thế nào để không thành nô lệ khổ sai? Ý thức về sự bất ổn trong cái gọi là nữ quyền dẫn tới, hay là xuất phát từ, nỗ lực nới rộng khung khổ của từ ngữ – một biểu hiện là những hướng nghiên cứu quan tâm đồng thời tới các giới khác nhau. Một từ ngữ luôn như một ô cửa có khả năng nở rộng, bằng việc xóa bỏ các đường biên tạm bợ của nó trong không gian. Sự xóa bỏ đó, trong các quan hệ người, có thể được thực hiện bằng đối thoại mà từ đó, câu chuyện riêng có thể thành một thảo luận chung. Phụ nữ không chỉ cần liên kết để tạo sức mạnh chống đối mà còn cần đủ trí tuệ để độc lập và giao tiếp với nhau – và sự giao tiếp, sự độc lập của họ sẽ tạo ra sức mạnh. Cái sức mạnh này không đối lập sức mạnh của một nhóm nữ giới “cấp tiến” nào đó với cánh đàn ông (để đàn ông sợ hãi, tránh xa, hay bỏ qua, và đa số phụ nữ thì dè dặt hay xa lạ) mà là một lời đề nghị những sự trao đổi và thông hiểu, hoàn toàn không phải là sự thực hiện đầy thách thức những nhu cầu “đảo ngược” sơ khai hay đổi vai xã hội.
Nghĩ khác
Tôi vẫn nghĩ rằng, phụ nữ (nếu họ nhận thức mình là phụ nữ) không cần đọc các lý thuyết nữ quyền để thực hành nữ quyền, không cần biết về nữ quyền để sống nữ quyền.
Những ý tưởng phá dỡ sự cầm tù của các từ ngữ, các khái niệm, xóa đi những nét nghĩa áp bức của các thuật ngữ đang song hành với sự phá dỡ các thành trì xã hội, để mỗi tồn tại người là một cá thể tự do không mắc kẹt trong tấm lưới bùng nhùng của các thuật ngữ và những sự soi chiếu dán nhãn giăng đầy. Ta có thể xóa dần đi những từ ngữ đã trở nên chật chội, những câu hỏi đã trở nên vô ích để chuyển động mình trong những dạng thức quan hệ mới.
Đó hẳn là một câu chuyện dài, và không hề là một câu chuyện chỉ của/ về ngôn ngữ.
Nguồn: Tia Sáng