Như Vanvn.net đã đưa tin, Thượng tá, nhà văn Nguyễn Thị Như Trang đã từ trần tại Hà Nội ngày 5-12-2016, hưởng thọ 77 tổi. Trước khi nghỉ hưu, chị là biên tập viên văn xuôi của tạp chí Văn nghệ Quân đội; là tác giả của 14 đầu sách bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và bút ký. Chị đã từng giành Giải Nhì truyện ngắn báoVăn nghệ năm 1967; Giải Nhất kịch ngắn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam năm 1994; Giải A bút ký của Bộ Tư lệnh Hải quân năm 1994; Giải thưởng Bộ Quốc phòng về văn học nghệ thuật 5 năm 1989-1994; Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012…

Thượng tá, nhà văn Nguyễn Thị Như Trang (1939-2016)

Với một người cầm bút thì khối lượng tác phẩm và “bộ sưu tập giải thưởng” như thế là là chứng chỉ của sự thành đạt. Vậy mà mới đây đến thăm chị, khi tôi nhắc lại nhận xét nêu trên, Nguyễn Thị Như Trang lại tâm sự rất thật lòng: “Viết văn xuôi là một công việc nhọc nhằn, người viết thì chẳng mấy lúc tự bằng lòng mình, nhưng đấy vẫn là một công việc vô cùng lý thú. Tuy nhiên, tôi không cho rằng công việc này là quá ư quan trọng. Nghề văn không thay đổi được xã hội, có chăng nó chỉ làm cho con người sống tốt đẹp hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn. Được thế đã là quý lắm rồi…”.

Cách nay 5 năm, tôi đến thăm chị tại nhà riêng của chị trên đường Phan Đình Phùng-Hà Nội. Khi tôi hào hứng kể về chuyến công tác mới đây của tôi đến một vị bộ đội đóng ở Quảng Ninh, được nghe một số cán bộ ở đấy khoe trước đây từng đón chị về thăm đơn vị, chị bỗng trầm ngâm: “Mấy chục năm làm tạp chí Văn nghệ Quân đội, cũng là công biệc làm báo, nhưng là làm “báo văn”. Cuộc đời tôi chỉ có hơn 3 năm làm báo thực sự, đó là thời kỳ tôi làm phóng viên báo Quân Bạch Đằng, bây giờ là báo Quân Khu Ba. Chỉ hơn 3 năm thôi, nhưng đó là một quãng thời gian đặc biệt quan trọng, khởi đầu sự nghiệp cầm bút của tôi…”.

Nguyễn Thị Như Trang (mặc áo măng tô) trò chuyện cùng đồng nghiệp năm 1995.

Và thế là dòng hồi ức về những ngày làm báo Quân Bạch Đằng được khơi mạch. Nguyễn Thị Như Trang hào hứng kể cho tôi nghe về giai đoạn “khởi đầu sự nghiệp cầm bút” với giọng nói đã hơi khó khăn do tuổi già và hậu quả của một lần bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não…

Năm 1966, đang là học viên khóa 2 Trường bồi dưỡng viết văn Quảng Bá, Nguyễn Thị Như Trang được ông Mai Vui, Thư ký tòa soạn báo Quân Bạch Đằng lên tuyển về làm phóng viên bản báo. Lúc bấy giờ tòa soạn đã có các anh: Mai Vui, Đình Khản, Triệu Bôn, Kim Chuông và Lê Lựu. Xét về “giới tính” thì cả cơ quan chỉ mỗi Như Trang là nữ. Xét về “chức tước” thì mấy anh kia đều là sĩ quan, “lẹt đẹt” như Lê Lựu cũng là thượng sĩ chính qui, chỉ mỗi mình chị là công nhân viên thường phục, lương tháng ba mươi bảy đồng năm hào. Thế nhưng trong công việc làm báo thì cô phóng viên xinh đẹp 26 tuổi quyết không thua kém cánh sĩ quan mày râu. Bất kể nắng mưa, bất chấp bom đạn, hễ ở đâu có sự kiện là Nguyễn Thị Như Trang lại lóc cóc xe đạp bám gót hôm thì Lê Lựu, hôm thì Triệu Bôn, hôm thì… thân gái dặm trường vào tận cầu Hàm Rồng viết về trung đội nữ dân quân Yên Vực bắn rơi máy bay. Nhà báo Nguyễn Thị Như Trang là một trong những người đầu tiên viết về Ngô Thị Tuyển, người nữ dân quân Hàm Rồng đã vác những hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể, chạy băng băng dưới làn mưa bom lên các trận địa phòng không…

Cuộc chiến đấu trên các đảo còn nguy hiểm và gian khổ gấp bội các trận địa trên đất liền, nhưng Nguyễn Thị Như Trang vẫn không quản ngại. Chị theo thuyền 12 mã lực ra với bộ đội đảo Hòn Mê ở Thanh Hóa. Chị vượt sóng gió cấp 6, cấp 7 trên những con tàu chỉ vài trăm tấn để ra với các chiến sĩ đang canh giữ đảo Bạch Long Vỹ. Nghe tin ở “đảo đèn” có ông đảo trưởng gan dạ, năng động… chị theo thuyền đánh cá ra Long Châu viết bài tuyên truyền góp phần xây dựng điển hình tiên tiến Lại Văn Sầm thành Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân…

Chao ơi những năm tháng làm báo Quân Bạch Đằng gian khổ, khó khăn, nguy hiểm… nhưng sao mà hào khởi và lãng mạn thế! Cơ quan chị 6 người thì có tới 3 ông say mê viết truyện và làm thơ là Mai Vui, Lê Lựu và Kim Chuông. Cái không khí văn chương ấy đã cuốn Nguyễn Thị Như Trang theo. Vừa viết báo, vừa say mê sáng tác. Truyện ngắn, truyện dài, bút ký… đăng báo nhà, báo bạn và báo trung ương. Năm 1967, truyện ngắn “Màu tím hoa mua” của chị đoạt Giải Nhất cuộc thi 2 năm 1966-1967 của báo Văn nghệ. Cho đến nay, giới chuyên môn vẫn cho rằng đó là một trong những cuộc thi văn chương sang trọng bậc nhất của tuần báo Văn Nghệ, với sự phát hiện một loạt những cây bút sau này trở thành những tác giả nổi tiếng, như: Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Vương Trọng, Đỗ Chu, Lê Lựu, Nguyễn Thị Như Trang… Chính từ cuộc thi này mà sau đó Nguyễn Thị Như Trang được rút lên tạp chí Văn nghệ Quân đội, một “ngôi đền văn chương” trên phố nhà binh ở Hà Nội.

Mai Nam Thắng – Vanvn.net