Mới hơn 30 năm cuộc đời nhưng nhà văn Trần Thị Ngọc Lan đã nếm đủ những đắng cay, nghiệt ngã. Dù số phận không cho chị một thân thể lành lặn như bao người khác nhưng chị luôn lạc quan để sống và gieo vào mình những nguồn cảm hứng trong căn phòng vỏn vẹn 2m2.

Luôn mỉm cười dù là kể về nỗi đau

Hình ảnh đầu tiên cũng là cuối cùng tôi nhận được ở chị trước khi ra về là những nụ cười. Dường như nụ cười về cuộc sống luôn hiện hữu trên gương mặt và tâm hồn của chị. Nhưng mấy ai biết được rằng đằng sau nụ cười đó là những trải nghiệm đắng ngắt về cuộc đời của một người phụ nữ yêu văn chương.

Trần Thị Ngọc Lan sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo Thanh Hóa. Cái nghèo của làng quê cất giữ trong tâm hồn chị mà khi kể về nó tôi thấy chị như một đứa trẻ con khoe về tuổi thơ của mình. Những cánh đồng chị mải miết đi, rồi miệt mài viết. Những kỉ niệm về người anh trai leo cây hái trái ổi, hay những nghèo khó trong cuộc sống hằng ngày được chị hồi tưởng với nụ cười không tắt. Đó là những kỉ niệm đẹp ít ỏi chị kể cho chúng tôi nghe.

Còn giông tố mới là thứ chiếm phần đa tuổi thơ và cuộc đời chị. Khi chị lên 5, căn bệnh bại liệt quái ác đã cướp đi một phần cơ thể chị, từ đó tay và chân phải chị không thể cử động được. Người cha sau bao năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến lúc xuất ngũ chưa lâu thì qua đời, còn chị gái bước vào tuổi mười tám đôi mươi cũng về theo cha bởi căn bệnh ung thư quái ác. Người anh trai duy nhất lại bị tâm thần sau khi xuất ngũ.


Nhà văn Trần Ngọc Lan trong căn nhà 2m2

Khổ đau, vất vả và cùng cực, tưởng chừng chị sẽ gục ngã, nhưng không chị đã vươn lên tất cả những khổ đau và mất mát đó để bước tới những chân trời mới. Có lẽ bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời chị chính là việc chị cho ra mắt tiểu thuyết đầu tiên mang tên “Ánh sao rơi” lúc chị vừa tròn 15 tuổi. Cũng chính ánh sao ấy đã nâng đỡ cho chị bước tiếp con đường văn chương. Và đến nay, gia tài của chị là 4 cuốn tiểu thuyết, 4 tập thơ và 3 tập truyện ngắn…

Chị đã từng làm nên một kì tích mà ít người làm được là viết thư gửi nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển yêu cầu cho chị được tham dự kì thi vào đại học năm 1999. Trong thư chị viết: “Tôi là người có năng khiếu văn chương, đã có tác phẩm được xuất bản, và trên hết tôi muốn là người có tri thức, sống có ích cho xã hội. Đề nghị ông cho tôi được dự thi đại học, để tôi có thể thành công dân tốt, có ích cho xã hội, và để bản thân tôi, gia đình tôi đỡ thiệt thòi”.

Cảm động trước tấm lòng hiếu học và nghị lực của chị, Bộ trưởng đã đồng ý đặc cách. Năm ấy, chị đỗ đại học, trở thành học viên khóa 6 Trường Viết văn Nguyễn Du.

Cũng từ đó, văn chương gắn với chị như một định mệnh. Với năng khiếu trời cho và thời gian dài tự đọc, học, viết, người con gái tật nguyền xứ Thanh đã gặt hái được nhiều thành tích mà nhiều người bình thường cũng phải mơ ước: Đoạt giải thưởng Lê Thánh Tông của Hội Văn nghệ Thanh Hóa năm 1999; giải trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với tập thơ “Nỗi buồn cho em” năm 2000; giải thưởng cuộc thi viết cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 2001; giải khuyến khích bình thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam…

Số phận gán chị đến với văn chương.

Sự nghiệp văn chương bén duyên với chị khi chị lên 5 tuổi với tập truyện “Mùa hoa phượng”. Đó chỉ là những ghi chép tản mạn về góc sân, mảnh vườn, đàn gà, chú mèo khá ngây ngô được viết bằng thứ mực từ quả mồng tơi.

“Mùa hoa phượng” sau đó bị thất lạc để rồi chị cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Ánh sao rơi” là những cảm xúc chắt lọc, là những trải nghiệm thực thụ về cuộc đời của một nhà văn. Ở đó ngòi bút được viết ra từ nước mắt và sóng gió.


Đồ đạc được treo kín tường

Nhà văn Trần Thị Ngọc Lan nói rằng: “Văn học với chị không thể thai ngén trong một, hai ngày hay một, hai tháng mà nó được tích lại trong trí óc trong tâm hồn hàng nhiều năm và đôi khi phải đi hết cả cuộc đời mới có sự thấm đẫm trong suy nghĩ mới có thể viết nó thành từ, thành tác phẩm.”

“Phu bòn” là tác phẩm mà chị Ngọc Lan tâm đắc nhất. Ở đó có những đối đầu với bạn đọc, có những mâu thuẫn và giằng xé trong suy nghĩ và nó cũng phần nào thể hiện hết tài năng văn học của chị.

Chị yêu văn chương như thể chị yêu cuộc sống của mình. Đi giữa cuộc đời đầy sóng gió nhưng chưa hề một lần chị thấy nản lòng hay có ý nghĩ sẽ dừng lại. Có những khi nhốt mình trong căn phòng 2m2, lúc khóc lúc cười với cuộc đời ấy nhưng không gì làm chị nản chí, những tác phẩm vẫn thế ra đời qua năm tháng.

Nhà văn của tình yêu thương, hoài bão sống

Với chị cái đích thực của văn chương là tình yêu thương con người, là hoài bão vươn lên trong cuộc sống. Và tôi cho rằng đó là cái đích thực về cuộc đời thật mà chị đã đạt được.

Chị nói với tôi:“Chị bận rộn lắm! không có thời gian mà ra ngoài đi chơi hay hưởng thụ. Bởi chị bận với công việc đọc và viết lách”. Còn tôi lại thấy chị “bận” với những khắc khổ, bụi đời, “bận” sống và chiến đấu cho từng ngày với bệnh tật và những nỗi đau trong căn phòng 2m2 này.


Xoay xở trong căn nhà 2m2, thật khó để chúng tôi có thể có được một bức ảnh toàn cảnh nhà của chị.

Căn nhà 2m2 của chị làm chúng tôi có những thắc mắc và liên tưởng đến những điều kì diệu. Phải chăng diện tích của căn phòng sẽ làm chị bớt cô đơn và thấy ấm lòng hơn mỗi khi sóng đời ập đến.

Chị thường mỉm cười và liên tục để tay áp vào má tôi. Bàn tay rất ấm và giọng nói miền trong xứ Thanh lại có những chạm nhẹ trong lòng mà tôi phải suy tư: “Em à, Chị không quan tâm tới vấn đề ăn diện hay ra sao mà thứ chị theo đuổi là văn chương. Còn được sinh ra đã là một hạnh phúc rồi, chưa bao giờ chị thấy tắt những lạc quan vào hạnh phúc ấy ngay cả khi nhà của chị không có một chén nước mời khách, không có một chỗ ngồi rộng rãi…”.

Chị cũng có những hoài bão. Hoài bão của chị không dừng lại và bé nhỏ như căn phòng chị ở. Mà hoài bão ấy được chị trải dài trong văn chương trong nghệ thuật. Hoài bão về những khát vọng sống, về nghị lực và tình thương yêu con người.

Cuộc sống của chị không đơn giản và nó không cho phép chị thôi ý chí, thôi mạnh mẽ. Từng ngày chị vẫn mải miết với công việc tại Nhà xuất bản Văn học. Từng tháng chị vẫn gửi số tiền lương ít ỏi của một nhà văn cho người mẹ nghèo ở quê nuôi anh trai.

Còn với chị, chị thấy vui hơn khi có ai đó ghé qua căn phòng nhỏ để nói chuyện, khi nghe tin anh trai ở nhà đỡ bệnh hơn. Một ai đó vẫn âm thầm trả tiền lắp mạng Internet hàng tháng cho chị, và rất nhiều ai đó luôn mong muốn chị được hạnh phúc, tìm thấy những thanh thản trong cuộc đời. Với tôi chị là tấm gương sáng của ước mơ của tình yêu thương và nghị lực sống.

Trần Thị Ngọc Lan sinh năm 1979, tại Thọ Xuân, Thanh Hóa, hiện làm việc tại NXB Văn học.

Những tác phẩm đã xuất bản:

– Tiểu thuyết: Ánh sao rơi (1996); Sao nỡ chia đôi (1997); Có vơi niềm đau (2001); Phu Bòn (2003).

– Tập thơ: Trăng rằm (1996); Nỗi buồn cho em (1999); Mắt đá (2001); Liên quan gì đến tôi (2005).

– Tập truyện ngắn: Bến đợi (2000); Mẹ trần gian (2008); Gương mặt con người (2010).

Nguồn: Petrotimes