Hilary Mantel đã trở thành nữ nhà văn đầu tiên trong lịch sử từng hai lần đoạt giải thưởng văn học danh giá Man Booker – giải thưởng văn học quốc tế lớn nhất của Anh được trao định kỳ hàng năm. Phần thưởng giành cho bà có giá trị lên tới 50.000 bảng Anh.
Từ 6 tác phẩm tiểu thuyết xuất sắc nhất được đề cử trong danh sách chung khảo, cuốn Bring up the Bodies (Tạm dịch: Xây dựng nên thể chế) đã đem về giải thưởng văn học danh giá cho nữ tiểu thuyết gia 60 tuổi.
Hilary Mantel, nữ nhà văn Anh, đã hai lần giành giải Man Booker danh giá
Tác phẩm này là câu chuyện nối tiếp của tác phẩm Wolf Hall (Hang sói) đã nhận được giải Booker năm 2009. Cuốn tiểu thuyết lịch sử này kể về Thomas Cromwell – một nhân vật lịch sử cỡ lớn trong thời kỳ tại vị của vua Henry VIII (1491 – 1547). Ông là người đã thúc đẩy quá trình ly khai nhà thờ Anh ra khỏi nhà thờ La Mã và cho phép các cặp vợ chồng Anh được phép ly hôn – việc mà các lễ nghi Thiên Chúa Giáo lúc đó tuyệt đối cấm.
Thomas Cromwell cũng đã giúp vua Henry VIII ly hôn với Hoàng hậu Catherine để kết hôn với người vợ mới, sau này là Hoàng hậu Anne Boleyn. Ông cũng là người lập nên tất cả những kế hoạch để hạ bệ vị Hoàng hậu lộng hành thứ hai này và tiếp tục dẫn nhà vua tới cuộc hôn nhân thứ ba, cuộc hôn nhân này về sau lại thất bại khiến vị thế của Thomas Cromwell bị sụt giảm nghiêm trọng. Sau này, ông bị tịch biên tài sản và bị xử chặt đầu với những cáo buộc về tội phản quốc và dị giáo.
Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử đầu tiên xuất hiện tại giải Booker và đã trở thành bộ tác phẩm đầu tiên giành giải liên tiếp tại một giải thưởng văn học. Bộ truyện này của tác giả Hilary Mantel dự kiến có 3 phần, phần 2 này khắc hoạ Thomas Cromwell trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực.
Bring Up The Bodies – cuốn tiểu thuyết bán rất chạy của bà đã vượt qua cả tác phẩm được bán rất chạy khác tại Anh là Umbrella của nhà văn Will Self. Chỉ tính riêng ở Anh, Bring Up The Bodies đã bán được 100.000 bản và trở thành cuốn sách văn học lịch sử đáng đọc nhất trong nền văn học đương đại ở nước này.
Tác phẩm Bring Up The Bodies được bán rất chạy tại Anh
Cùng lọt vào vòng chung kết còn có tác phẩm của các nhà văn đến từ nhiều đất nước và châu lục khác như The Garden of Evening Mists (Tạm dịch: Khu vườn đêm huyền ảo) của tác giả người Malaysia Tan Twan Eng, Narcopolis (Tạm dịch: Khói thuốc phiện) của nhà văn người Ấn Độ Jeet Thayil, Swimming Home (Tạm dịch: Bơi trên sông quê) của nhà văn người Pháp Deborah Levy, The Lighthouse (Tạm dịch: Ngọn hải đăng) của nữ nhà văn trẻ tuổi người Anh Alison Moore.
Nhận xét về Bring up the bodies, chủ tịch hội đồng thẩm định của giải, ông Peter Stothard đã giành những lời khen hào phóng cho nữ nhà văn cùng tác phẩm của bà: “Cuốn sách xuất sắc hơn nhiều so với tập một Wolf Hall. Hai lần giành được giải Man Booker là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng với tầm vóc của nữ nhà văn Hilary Mantel. Mantel là nhà văn Anh xuất sắc nhất trong nền văn học đương đại. Khả năng tái hiện một cách hấp dẫn những câu chuyện lịch sử của bà quả thực tài tình.”
Trong lễ trao giải tại tòa thị chính Luân Đôn hôm 16/10 vừa qua, Hilary Mantel đã phát biểu rất khiêm tốn: “Tôi không bao giờ tưởng tượng mình lại có thể xuất hiện ở đây thêm một lần nữa. Giờ đây nhiệm vụ của tôi còn khó khăn hơn trước nhiều, tôi phải thực hiện phần ba của bộ sách – The Mirror and The Light (Tạm dịch: Tấm gương và ánh sáng) sao cho tương xứng với giá trị đã được ghi nhận của phần một và phần hai”.
Trước Hilary Mantel mới chỉ có hai tiền lệ đã từng đoạt giải Man Booker, đó là tiểu thuyết gia người Úc Peter Carey (giành giải năm 1988 và 2001) và tiểu thuyết gia người Nam Phi J.M. Coetzee (giành giải năm1983 và 1999).
Tác phẩm văn học xuất sắc của một đại diện Châu Á
Giải thưởng văn học này đã từng vinh danh không ít những tài năng sáng tác của Châu Á. Hai tác phẩm tiêu biểu được sáng tác bởi những nhà văn Châu Á từng nhận giải Man Booker là Life of Pi (Cuộc đời của Pi) do nhà văn Yann Martel sáng tác năm 2002 và Midnight’s Children (Những đứa trẻ lúc nửa đêm) do nhà văn Salman Rushdie viết năm 1981. Cả hai tác phẩm Life of Pi và Midnight’s Children đều đã được chuyển thể thành các tác phẩm điện ảnh và sẽ chính thức ra mắt khán giả thế giới vào tháng 11 năm nay. Một điều khá thú vị là những nhà văn gốc Ấn rất có duyên với giải Booker. Trong tổng số 43 kỳ trao giải thì có tới 4 kỳ giải thưởng danh giá này thuộc về những nhà văn gốc Ấn.
Năm 1993, từ 25 tác phẩm đầu tiên giành giải Booker, ban giám khảo đã chọn tiểu thuyết Midnight’s Children của nhà văn Salman Rushdie là tiểu thuyết hay nhất trong 25 năm của giải Booker, tác phẩm này được trao giải Booker of Bookers. Năm 2008, một giải thưởng tương tự được trao cho tác phẩm hay nhất trong lịch sử 40 năm của giải Booker, có tên The Best of the Booker và Midnight’s Children của Salman Rushdie một lần nữa lại là tác phẩm vinh dự nhận được giải thưởng này.
Những tác giả nhận được giải Man Booker sau này đều nổi tiếng thế giới, sách của họ được lưu hành rộng rãi và dịch ra nhiều thứ tiếng, bên cạnh đó là những hợp đồng xuất bản sách và phần thưởng trị giá 50.000 bảng Anh có thể khiến các tác giả trở thành những vị “đại gia” trong làng văn học thế giới.