Chúng tôi trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung cuộc trao đổi trên, qua bản dịch của Nhà báo-Dịch giả VŨ PHONG TẠO, để các vị phụ huynh học sinh và đông đảo bạn đọc tham khảo, nhân dịp Tết Trung thu sắp đến.
Nhà văn Dương Hồng Anh.
Tôn trọng hứng thú đọc sách của trẻ em
Báo “Dương Thành buổi chiều”: “Thư mục sách đọc cơ sở của học sinh tiểu học Trung Quốc” vừa được công bố trước kỳ nghỉ hè, truyện ngắn của chị “Tìm khu rừng vui hoạt” được tuyển chọn vào trong thư mục đó, việc này chị có biết không?
Dương Hồng Anh: Ồ, tôi không rõ. Thái độ của tôi đối với thư mục này khá thờ ơ, tôi không quan tâm lắm, loại thư mục hàng năm đều có, là tài liệu để tham khảo, không có gì đáng tranh luận. Nếu như là chính quyền mệnh lệnh bắt nhà trường giới thiệu, thì thái độ của tôi là: Phản cảm, không ủng hộ.
Báo “Dương Thành buổi chiều”: Cách làm này có lợi cho phụ huynh chỉ đạo trẻ em đọc sách không?
Dương Hồng Anh: Về vấn đề đọc sách của trẻ em, tôi cho rằng việc phụ huynh cần làm là tôn trọng hứng thú đọc sách, bồi dưỡng thói quen đọc sách của trẻ em như thế nào, làm cho trẻ em cảm thụ được đọc sách là một sự việc vui vẻ, từ đó mà thích đọc sách, đây mới là điều quan trọng nhất. Dứt khoát không nên bởi vị một loại thư mục nào đó mà tước đoạt quyền nói năng và quyền tự chủ về phương diện đọc sách của các em nhỏ. Trong nhà trường, văn chương trong sách giáo khoa, đối với các em có thể nói là một kiểu đọc sách có tính chất bắt buộc, các em không có biện pháp lựa chọn, mà đọc sách ngoại khoá là có thể lựa chọn. Con người có cá tính, đọc sách cũng là hoạt động có cá tính. Tôi nói ví dụ, trẻ em cùng một độ tuổi, sách mà bé trai và bé gái thích xem cũng khác nhau; Bé trai cùng một độ tuổi, sách thích đọc của trẻ hiếu động và trẻ hiếu tĩnh cũng không giống nhau. “Hứng thú là người thầy tốt nhất”. Nếu như sách ngữ văn của chúng ta cố gắng hết mức chọn lựa được nhiều bài văn mà các em ưa thích, thì các em học ngữ văn sẽ thấy nhẹ nhàng thoải mái.
Báo “Dương Thành buổi chiều”: Có một số phụ huynh cho rằng, buông cho trẻ em đọc sách tuỳ thích, liệu có tạo thành hiện tượng các em “ăn lệch”, không lợi cho việc xây dựng kết cấu tri thức toàn diện không?
Dương Hồng Anh: Đúng là rất nhiều phụ huynh có nỗi lo như vậy, tôi cũng đã gặp những bậc phụ huynh như vậy. Con trai của bà ấy chuyên chọn đọc những cuốn sách viết về binh khí, người mẹ rất lo lắng, chạy đến tìm tôi, nhưng tôi cảm thấy không có vấn đề, bởi vìnếu như không bóp chết hứng thú đọc sách của em về phương diện này, có thể sau này em sẽ có thể trở thành một nhà quân sự xuất sắc. Hơn nữa, sách về binh khíđề cập đến rất nhiều nội dung về lịch sử, địa lý, văn hoá phong tục tập quán dân tộc, thông qua am hiểu binh khí mà mở rộng những tri thức về những phương diện này, đây là việc thu được nhiều điều tốt lành! Tôn trọng trẻ em, phải bắt đầu từ tôn trọng hứng thú đọc sách của trẻ em.
Không nên đánh giá thấp năng lực đọc sách của trẻ em
Báo “Dương Thành buổi chiều”: Những sách như thế nào trẻ em thường ưa thích?
Dương Hồng Anh: Nói chung, những sách có thể thoả mãn óc tưởng tượng của trẻ em, thoả mãn lòng ham muốn hiểu biết của trẻ em, có thể hướng dẫn tâm linh các em trưởng thành, các em đều sẽ ưa thích. Đương nhiên, các em ưa thích nhất vẫn là những cuốn sách có thể làm cho các em cảm động, nhân vật, câu chuyện trong sách rất gần với cuộc sống của các em, các em có thể từ trong đó tìm thấy bóng dáng trưởng thành của mình, thu nhận được sức mạnh ấm áp và trưởng thành. Có khi, chúng ta đánh giá thấp năng lực đọc sách của các em nhỏ.
Báo “Dương Thành buổi chiều”: Chị thường xuyên ra nước ngoài tiến hành giao lưu về những vấn đề đọc sách của thiếu nhi, nước ngoài có những cái gì không giống Trung Quốc?
Dương Hồng Anh: Cái khác lớn nhất vẫn là trên vấn đề hạt nhân có “tôn trọng hứng thú đọc sách của trẻ em” hay không, ngoài ra còn khác về phương pháp hướng dẫn cụ thể. Ví dụ, người lớn của nước ngoài thường thường không chọn lựa sách thay cho trẻ em, hoặc là quy định trẻ em đọc sách gì, mà là dẫn trẻ đến hiệu sách hoặc thư viện, để cho trẻ em tuỳ ý chọn lựa, họ sẽ ghi nhớ trẻ em chọn lựa sách gì, từ đó mà phán đoán ra hứng thú đọc sách của trẻ em về phương diện nào. Chỉ cần nội dung của quyển sách này không có vấn đề gì, họ đều cổ vũ khuyến khích, còn cùng trao đổi với trẻ em, thậm chí không ngại phiền toái lắng nghe trẻ em kể lại câu chuyện trong sách, khiến cho trẻ em cảm thấy mình đã có thành tích. Họ đã bồi dưỡng hứng thú đọc sách và thói quen đọc sách của trẻ em như thế.
Đánh giá của trẻ em mới là cao nhất
Báo “Dương Thành buổi chiều”: Nếu như để chị lựa chọn, chị có giới thiệu truyện ngắn “Tìm khu rừng vui hoạt” cho các em học sinh lớp 1, lớp 2 không?
Dương Hồng Anh: Anh vừa nói “Thư mục đọc sách cơ sở của học sinh tiểu học Trung Quốc” đã tuyển chọn “Tìm khu rừng vui hoạt”, tôi cảm thấy hơi bất ngờ, bởi vì đại đa số thư mục đều không tuyển chọn sách của tôi (cười). Lý do mà họ tuyển chọn “Tìm khu rừng vui hoạt”, tôi đoán là vì truyện đồng thoại này đã từng được trao Giải nhất của “Cuộc thi đồng thoại-truyện thiếu nhi hai bờ eo biển”. Nguyên tắc bình chọn của cuộc thi này rất chi tiết, bình chọn khá trong sáng, các bậc tiền bối tham gia rất nhiều, khi ấy tôi còn trẻ, mọi người cũng cảm thấy kinh ngạc đối với việc tôi được giải thưởng. Nhưng, kỳ thực cũng chẳng nên kinh ngạc, từ 19 tuổi tôi đã bắt đầu công bố tác phẩm, sau mười năm viết mới được giải thưởng. Mười năm qua tôi đều viết truyện ngắn, nên cũng coi như thành thục rồi. Nhưng, nói chung tôi không giới thiệu tác phẩm cho trẻ em, mà tôi thường đến với các em, tức là cùng các em trao đổi cảm thụ khi đọc sách, từ đó mà tìm hiểu sách mà các em thật sự cần đọc là gì, rồi trở thành phương hướng sáng tác của tôi.
Báo “Dương Thành buổi chiều”: Vì sao rất nhiều thư mục đều không tuyển chọn tác phẩm của chị? Trong khi đó, từ trước đến nay, các em đều rất ưa thích tác phẩm của chị.
Dương Hồng Anh: Thư mục đều do người lớn tuyển chọn, mỗi người đều có thước đo của mình, thị hiếu của mình. Mặc cho người khác đánh giá tác phẩm của tôi như thế nào, sự đánh giá của trẻ em mới là cao nhất trong lòng tôi. Tôi tin tưởng trẻ em, tôn trọng trẻ em, bởi vì trước sau tôi không quên tôi là một nhà văn viết sách vì trẻ em. Tôi yêu cầu rất cao đối với mình, tôi yêu cầu sách của tôi viết, tất nhiên phải giống như một ngôi nhà thoải mái mà kiên cố, chỉ có thoải mái, các em mới tự mình bước vào, chỉ có kiên cố mới có thể chịu nổi khảo nghiệm của thời gian.
Vũ Phong Tạo dịch và giới thiệu
(Theo www.chinawriter.com.cn, 15-8-2011)