Con bé lai Tây về làng như một hiện tượng lạ chưa từng có. Bởi nó chẳng giống ai ở cái làng này từ già tới trẻ. Da nó trắng như lột, lấm tấm tàn nhang trên khuôn mặt ô van và nhất là đôi mắt xanh vắt như mắt mèo. Không định nghĩa được đó là xấu hay đẹp nhưng mà lạ. Tên nó là Sophia, cái tên hay và điệu quá mức độ làng, nên người ta cứ gọi là “con Sô Phì” cho dân dã.
Con Sô Phì về ở nhà cậu ruột trên khu đất bãi có một vườn chuối, một quầy vịt và một nhà chòi kiên cố che mưa nắng. Thấy bảo nó cũng có họ hàng xa bắn đại bác mới tới với nhà tôi. Tin Sô Phì sẽ về ở hẳn nhà gã Mập, ở hẳn cái làng nghèo róc xương này còn gây xôn xao và lạ lùng hơn cái khuôn mặt của nó. Mẹ tôi vừa xúc từng thuổng mắm tôm ra phơi cho giòn nắng vừa lẩm bẩm: “Tội nghiệp con nhỏ, tưởng Tây mà sang à? Con Mầm bỏ xứ lấy chồng mắt xanh tưởng được đổi đời, nào đâu lấy phải thằng nghiện, thằng Tây nghiện còn buôn ma túy bị bỏ tù à! Giờ mang con nhỏ về gửi thằng Mập nuôi rồi đi mần việc đâu ấy. Ôi chao đời tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa khô!”.
Tôi hiểu mẹ nói “vỏ dưa” ở đây là gì. Từ ngày còn bé xíu tôi đã ấn tượng bởi hình ảnh cô Mầm xinh đẹp, đôi mắt luôn mở tròn kiêu hãnh như muốn thu lại cả cái làng ọp ẹp và cặp môi cô cong lên trước những người đàn bà khóc thét vì bị đỉa bu kín chân. “Đây là cái làng mà đến hủi cũng còn chê!”. Tôi vẫn nhớ mãi những lời thốt ra từ cái miệng tròn duyên khó cưỡng ấy.
*
Vậy là gã Mập có người đỡ việc, hay là có thêm gánh nặng, không rõ nữa. Cơ mà chắc chắn cái nhà chòi của gã thêm hơi ấm. Gã đàn ông vâm váp trên cái bãi đất đơn điệu này nửa đời gắn phận mình với mùi vịt, mùi bùn nhão và mùi chuối chín lên hương. Gã không từng có ý định buộc mình vào những dây rợ của đàn bà.
Mẹ tôi vẫn bảo, trên đời mà đàn ông nào cũng như gã thì ắt những đứa con gái vừa tầm tầm vừa vụng thối như tôi sẽ ế chỏng chơ. Tôi nghe mà cảm giác như có một sa mạc đổ dài trong mắt. Kể ra con bé tôi thế nhưng cũng được cái sáng dạ mà. Tôi vẫn từng ngày nuôi khát khao cải hoán một điều gì đó trên cái mặt đất già cỗi này, nơi những người đàn bà không bao giờ biết son diện mà tóc vẫn đỏ quạch như nhuộm thuốc quanh năm, nơi ám ảnh tôi mỗi phút khi chứng kiến cảnh có ả khóc ngất trước mương khi moi từ trong cửa mình ra một con đỉa cụ.
Tôi không chán ghét nó giống cô Mầm thuở trước. Tôi chỉ ước có ai đó (hoặc là chính tôi) có thể xé toang tấm áo quá cũ kỹ mà không chịu rách này ném vào một cảnh giới hóa thạch nào đó. Và từ khi có gái lai Sô Phì về làng, khát vọng về những điều mới mẻ lại trào lên trong tôi như một dòng nham thạch nóng. Tôi lân la thân với nó dù lớn hơn cả chục tuổi với sứ mệnh bổ túc vốn tiếng Việt cho một đứa bập bẹ và đổi lại, nó cho tôi sáng láng hơn bởi thứ ngôn ngữ và văn hóa Tây đầy ma lực.
Khuôn mặt Sô Phì không hẳn đẹp với lốm đốm tàn nhang và cái mũi xương nhưng nó tựa bầu trời trong trẻo, có ánh sáng phát ra từ vầng trán nhỏ. Tôi mơ ánh sáng đó tỏa tràn sang mình và tất cả các gương mặt đã cũ, đã tối trong cái làng bé tí tẹo. Việc học tiếng Anh cho tôi nhiều thú vị, dù không dễ dàng gì với một con bé mới kinh qua bậc tiểu học. Tôi học theo đủ các thứ mẹo của một bộ não thích tiếp thu ánh sáng. “Yêu là lấm láp (love), ghét là hết (hate), bình minh là săn trai (sunrise)”…
Minh họa: Đào Quốc Huy. |
Mùa dưa cam đem đến một cảm hứng ngòn ngọt giữa cái nóng hè bỏng rẫy, cả khi đó là cảm giác bắt tận tay tên trộm dưa liều mạng. Ban đầu tôi ác cảm khi biết hắn người làng bên. Làng Chày với làng tôi vốn ghét nhau không bao giờ quan hệ. Có tích từ thời các cụ, thời còn đói rặt, làng tôi có người mò sang làng Chày mần khoai. Củ khoai bé teo bằng ngón chân cái chưa kịp đưa vào miệng người đói thì dân làng hô hoán nhau ra bắt trộm.
Ai cũng đói, ai cũng thiếu, động vào miếng ăn của nhau là động tới tổ kiến lửa. Nhưng họ xử ác quá, người xấu số chưa kịp no ruột đã bị những sợi dây thừng thít chặt và ngọn lửa liếm tràn trên cái xác khô quanh lời chửi rủa. Mối thâm thù bắt đầu từ đó. Những đứa trẻ trong làng từ lúc có nhận thức đã bị gieo vào đầu những hằn học truyền kiếp. Hai cái trường làng kề nhau thường xuyên xảy ra ẩu đả. Bọn nhóc tì trong làng cà nhẳng cà nheo mà rất máu chiến.
Đã bao năm rồi từ thời cô Mầm mà bóng tối vẫn chưa siêu thoát được khỏi làng. Viên ngọc xanh Sophia của tôi lấp lánh yếu ớt trong những hoài mộng, nhưng tôi lo sợ nó rồi cũng sẽ như những thửa đất khô khát nước, hấp thụ những hận thù tăm tối một cách tự nhiên như bao con người đất bãi. Tôi không bao giờ muốn là một bản nháp của những hằn học truyền đời. Nghĩ vậy nên tôi hạ giọng trước hắn, nhưng không nén được vẻ khinh bỉ:
– Dưa ngọt nhỉ, bạn làng bên!
Gương mặt đen nhẻm của hắn không lộ gì vẻ sợ sệt, còn ngoác miệng cười tươi như hai nửa trái dưa mới bửa:
– Xin cô em một quả nhé! Tui phụ hồ bên kia háo quá tưởng cô bé này là chủ ruộng đánh liều ra xin, cô í gật đầu cái rụp. Hì hì… Dưa thơm nhất đất bãi!
Tôi nhìn Sô Phì và cái bản tính loài mèo lại trỗi dậy khiến tôi muốn cào vào cái vẻ ngây thơ của nó. Cái con bé bên tôi như hình với bóng lại làm thui chột phút sĩ diện và đắc thắng trong tôi ngay lập tức.
– Forgive him! Cho đi, một quả thôi, chị! Trông anh ta rất là mệt.
Con Sô Phì năn nỉ tôi, mặt nó hiền khô, cái mắt mèo lại xanh vắt giữa nắng chói chang. Sao cái gương mặt ấy lúc này giống đức mẹ Maria quá chừng. Còn tôi, chắc giống một con mèo đen đuốc đứng bất lực trước một con chuột to kềnh đang sung sướng gặm dưa. Xem như nó có lý, nhưng tôi thấy tự ái. Tôi vẫn ấm ức muốn gọi hắn là tên ăn trộm, vì người hắn mở miệng xin trước không phải là tôi. Nếu hắn mà ngoác cái miệng tươi rọi kia xin tôi chắc là tôi cũng cho ngay ấy chứ. Ăn trộm mà cũng có duyên. Nhìn hắn nói cười mà tôi mơ thấy viễn cảnh hai làng sẽ có ngày mở tiệc hòa, tôi sẽ không bao giờ để con cháu chúng tôi biết về mối thù truyền kiếp kia nữa.
Gần con bé Sophia chắc tôi chóng tu thành Phật. Đầu mương bên này tôi mê mẩn bắt cho đầy thau ốc kịp buổi chợ thì đầu bên kia nó thi nhau thả ốc ra xa. Bị tôi bắt được quả tang thì nó lại năn nỉ, cái mắt mèo xanh vắt là xanh mở tròn và một Maria đồng trinh sáng láng lại hiện lên. Tôi không thể nào giận được nó, ánh mắt biết thôi miên và bên nó tôi thấy mình cũng là một ngọn đèn.
Ngọn đèn của tôi bắt đầu xanh bấc, khi Sô Phì mang về cho tôi một túi khoai lang, bảo quà hắn gửi bù thiệt hại một trái dưa cam ấm ức của tôi. Khoai làng Chày to mầm, mật ở ruột khoai thơm tràn ra đến vỏ. Hai chị em tôi không chờ luộc bẻ vội một củ ra gặm sống. Khoai sống mà cũng ngọt và tươi như cái điệu cười ngoác miệng bên ruộng dưa vàng nắng. Sau buổi bắt trộm không thành ấy, tôi chính thức nhớ hắn. Và tôi khẽ run lên khi cảm nhận hắn cũng quan tâm đến tôi.
Mẹ tôi biết chuyện có gã làng bên gửi khoai thì giận dữ vứt túi khoai và miếng khoai hai đứa tôi đang cắn dở ra bãi gò. Hai tay mẹ thoăn thoắt mang từng mẹt mắm ra phơi giữa trời nắng đốt, giọng mẹ cũng gắt như cái mùi mắm lên hơi giữa trưa. “Chúng bay đi ăn của quân ác bá, nó bỏ bùa mê thuốc chuột vào thì hay hớm nhỉ! Các cụ ngày xưa ăn có mỗi cái rễ khoai của làng nó còn bị đốt xác đấy! Bay còn quan hệ với mấy thằng làng đó thì đừng có mà nhìn mặt tao!”.
Ôi, thù làng! Cái vị khoai ngọt mát trở nên đắng nghét trong cuống lưỡi. Mắt tôi loang loáng nước nhìn Sophia và mong nó đừng bao giờ hiểu hay có ý niệm về hai chữ thù làng. Viên ngọc xanh Sophia lấp lánh của tôi sẽ mãi trong như thế. Và những tình cảm ban sơ mới chớm trong tôi sẽ là những ngọn đèn ấm áp chứ không phải thứ lửa hận. Tôi nằm trong chòi canh mà mắt lim dim tương tư một kẻ trộm dưa, không, là một kẻ tới ăn dưa với cái miệng rộng tươi tắn như trái dưa bửa đôi sóng sánh nắng.
Đã lâu lắm rồi tôi mới gặp lại cô Mầm. Nếu mẹ tôi không chỉ trỏ “con Mầm đó” thì tôi sẽ không tài nào nhận ra được người đàn bà gương mặt đầy hốc, ổ xám xanh kia từng là đóa hoa tươi vùng đất bãi. Hai mẹ con cô mếu máo chạy theo chiếc xe thùng màu xanh lại chở một người thân đi mất. “Cái số đâu mà người nhà vướng vào tù tội không à!”.
Dân làng cũng túm tụm chạy theo cái xe thần chết đến khi nó mất hút khỏi không gian toàn đất bụi này. Không ai có thể tưởng tượng được người ngồi trèo nghẻo trên xe kia là gã Mập, gã đàn ông mộc mạc cả đời chỉ biết có vịt làm tri kỷ, lấy tiếng “cạc cạc” làm tâm giao. Gã lỡ đánh chết thằng trộm vịt làng bên trong một đêm mưa rầm rĩ. Con Sô Phì đội trời mưa chạy theo cậu nó trong những lằn chớp sáng lóa. Những con vịt nháo nhác thoát ra khỏi hai bàn tay buông thõng đã không còn sức bóp chặt những cái cổ dài.
– Quân giết người!
– Quân trộm đạo!
– Quân máu lạnh!
– Quân tắt mắt!
Những tiếng thét rít lên trong gió kèm theo luồng khí nóng sực, tôi biết một cuộc chiến tranh thu nhỏ giữa hai làng bắt đầu nổ ra. Thanh niên làng vác gậy vừa chạy vừa hô hoán. Tôi cũng hớt hải chạy theo vì nghĩ đến hắn. Và khi thấy hắn cũng thấp thoáng trong đám đông hỗn loạn thì lòng tôi nhen lên một ngọn lửa ấm vì nghĩ rằng hắn cũng lo cho tôi mới chạy ra đây, giống tôi. Những đá hộc, những gậy gộc và chửi rủa giao tranh giữa hai làng khiến cái nắng như muốn nổ tung. Tôi vẫn đưa mắt kiếm tìm hắn trong cơn hoảng loạn. Nhưng tôi bắt gặp ánh mắt hắn đầy tha thiết và lo âu hướng về con bé dáng hình nhỏ nhắn đang lao đến như một mũi tên với hai tay bắt chéo nhau trước ngực.
– Stop! No war! Đừng đánh nữa!
Trời đất, con bé mắt mèo của tôi. Nó gan đến không thể tả được. Cái hòn đá không có mắt đã đáp trúng đầu Sophia. Tôi chen được tới chỗ thiên thần nhỏ của tôi thì sững lại vì nó đã gọn trong vòng tay của hắn. Hai bên giao chiến đều ngừng tay xúm lại quanh con bé có gương mặt kỳ lạ và cuốn hút như một Maria ánh sáng. Máu tươi trên trán nó tràn vào tay hắn. Hắn vội vã nhai lá chuối tươi rồi cẩn trọng đắp lên vết thương của nó và cái miệng rộng của hắn vừa gào vừa mếu:
– Không đánh nhau nữa! Các người ngừng ngay đi nếu không muốn bất cứ một sinh mệnh nào nữa phải chết!
Có những tiếng xì xào trong gió nóng:
– Đưa nó đi trạm xá ngay!
– Đánh đấm thì người cũng đâu có sống lại được!
– Thôi hòa nhé!
– Hòa nhé!
-…
Tôi như kẻ say nắng gắng mãi mới thốt được tiếng lí nhí và nắm chặt lấy bàn tay sũng mồ hôi của Sophia:
– Cố lên em, hòa rồi! Không đánh nhau nữa…
Đôi mắt mèo không mở to nhìn tôi được nhưng cái màu xanh vắt, màu xanh lạ kỳ khiến người ta cảm thấy yên bình khi nhìn vào ấy vẫn le lói sáng.
– Hòa, chị nhỉ!
Tôi thở dài mà thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Tôi chạy theo hắn đưa Sophia lên trạm xá. Ánh mắt ấy, cử chỉ ấy, chu toàn ấy… đều dành cho Sophia bé bỏng của tôi. Con bé ngả đầu trên vai hắn cố hé nhìn tôi nở nụ cười rồi nhắm nghiền mắt lại. Có một sa mạc đổ dài trong mắt tôi, hay sa mạc từ chính nụ cười bỏng rát ấy.
Nguồn Vnca.cnnd