NGÔ THỊ HỌC

Tác giả Ngô Thị Học sinh năm 1990

Quê Mỹ Lộc, Tiên Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng.

Hiện đang sống và làm việc tại Hải Phòng.

Các tác phẩm in chung trong: Tác phẩm mới; Góp nhặt hương đời tuyển thơ văn hương quê nhà 2014; Mùa Xuân và Valentine 2015; Quê hương và người chiến sĩ hôm nay 2014 (cuộc thi Sáng tác văn học, nghệ thuật)

Một số tác phẩm đăng rải rác trên các báo địa phương và trung ương.

Người thầy đầu tiên (ký, 2013); Quà  quê  năm nào, Mùa gió  lộng (tản văn, 2014); Mùa xuân Matxcơva (tản văn, 2015); Mùa hoa xuân, Nụ cười của mẹ (tản văn, 2015); Ám ảnh một bóng hình (truyện ngắn, 2015); Đông nhớ, Đợi chờ ngày nắng (thơ, 2016), v.v…

Đã in Mùa gió khô, Công ty Văn hóa và Dịch vụ Thiên Đức liên kết NXB Hội Nhà văn ấn hành quý 3/2016.

 

CÂY ĐÈN TUỔI THƠ

Mỗi mùa thu về, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ da diết những kỷ niệm ấu thơ của cái tiết Trung Thu ở quê: “Có bánh thơm, hoa quả ngọt và chiếc đèn đêm rằm sáng trong trẻo dưới ánh trăng quê nhà, những tiếng trống tùng rinh rộn rã – tiếng trẻ thơ nô đùa ríu rít, vui Tết Trung thu”.

Ngày ấy, miền quê nhỏ, nơi làng quê tôi nghèo bình dị mà thanh bình. Những người nông dân hiền lành, cần cù, họ sống và gắn bó với đồng ruộng, dòng sông và những vườn hoa trái tươi tốt.

Những đứa trẻ nghèo đen nhẻm, được sinh ra từ mảnh đất quê chân lấm tay bùn nên những ước mơ, khao khát của bọn trẻ con ngày ấy thật hồn nhiên, trong sáng và xúc động.

Miền quê nghèo, lam lũ. Cái miền quê nhỏ bé có bóng dáng của người cha, người mẹ tôi thức trắng trong những đêm không ngủ, mong trọn cho đến sáng ngày mai sẽ dành tặng cho con những điều bất ngờ, cả niềm vui sắp tới trong cái đêm rằm Trung thu tuổi thơ ấy.

Thuở bé, tôi đã háo hức như thế nào, cồn cào chột dạ đến nao nao lòng khi nghe mẹ kể mùa Tết của trẻ thơ. Tôi đã tưởng tượng ra cỗ trông trăng sắp đến, một mâm cỗ tươm tất có đầy đủ của hoa quả, nhiều bánh ngọt, và nhiều đèn thắp sáng.

Trong tôi thôi thúc, dội lên một niềm ước mong nho nhỏ, rằng cha sẽ tặng cho tôi một cái đèn để chơi Trung Thu. Mẹ sẽ mua cho tôi gói bánh để đón đêm trăng sáng vui liên hoan cùng các bạn nhỏ.

Niềm hạnh phúc của trẻ nhỏ, là sẽ tự tay mình cầm lấy một ngọn đèn sáng xanh nhấp nháy như hình của những chú sao nhỏ trên bầu trời đêm. Và đấy sẽ là đêm vui Trung thu tuyệt nhất!

Cha tôi ngày ấy, tự mình làm lấy chiếc đèn cho con. Cha đi gom nhặt nhiều hạt bưởi rải rác ở khắp góc vườn nhà, đem cho vào cái dần phơi hong nắng rồi đêm về ngồi bóc lần vỏ cứng đi, cha tôi tách nhân làm đôi, dùng chiếc lạt xâu lại thành từng chuỗi dài, đem phơi nắng một lượt cho mượt hạt. Thời gian làm những chiếc xâu lạt hạt bưởi như thế đòi hỏi người làm phải kì công lắm vì mất rất nhiều ngày.

Tôi bé, chờ đợi trong cái nỗi khao khát lớn dần. Đó sẽ là ngọn đèn sáng kì vĩ nhất trong đêm trông trăng của tôi. Nó sẽ tỏa ánh sáng xanh trong đêm Trung thu, sẽ đem lại nguồn hào hứng vô cùng cho tôi và cho những đứa trẻ quê nghèo bởi màu sáng lập loè đom đóm của nó. Tôi sẽ cười, hãnh diện và nói với những đứa nhỏ: ‘’ Đây là phát minh đầu tiên của cha tôi! Sự sáng tạo của một nhà bác học người nông dân đấy’’. Tất nhiên là nhiều đứa trong cái xóm nghèo sẽ thích lắm cây đèn kỳ diệu này.

Trong đêm rằm tháng tám, cha tặng món quà bất ngờ này cho tôi. Tôi thích thú, tay cầm những xâu hạt bưởi khô rồi cha châm lửa lên từng xâu một, ánh sáng tỏa xòe và lạ mắt con trẻ. Đôi khi từ một chiếc hạt bưởi nào đó xoè rộng ra ngọn lửa mạnh mẽ, giống như khi ta đốt bằng những vỏ cam, vỏ bưởi rồi tự nhiên có ngọn lửa dài màu xanh rờn phụt ra, nghe âm thanh xì xì ấy bằng tai thật vui.

Ngọn đèn nhỏ của tôi, tuy nó không phải là cây đèn lớn và sáng lấp lánh như những ngọn nến ở trong các cửa tiệm hàng bày bán. Nhưng lòng tôi vẫn rất thích và hạnh phúc. Tôi sung sướng, lòng ngập tràn khi đón nhận món quà từ tay của cha tôi tặng ngày bé. Cây đèn nhỏ, dù qua bao năm tháng tuổi ấu thơ vẫn mãi là nguyên vẹn trong ký ức ngọt ngào của tôi. Những chiếc đèn hình ông sao có cánh lớn hay đèn cá chép, đèn hình hoa có nhiều màu sắc rực rỡ làm thu hút biết bao đứa trẻ nghèo nơi miền quê, nhưng dẫu sao ngọn đèn sáng xanh của tôi cũng là một niềm vui thích thú cho con trẻ. Một thứ ánh sáng chập chờn dịu dịu tuổi thơ tôi. Một thứ ánh sáng do chính tự tay mình làm ra, vui biết bao khi đôi tay cha cùng tôi rong ruổi quanh sân, đung đưa mà nó vẫn cháy sáng rực rỡ. Mẹ nhìn cha con tôi cười hạnh phúc dưới ánh trăng rằm đêm Trung thu… Ngoài kia, vẫn tiếng gõ trống tùng rinh đều đều, tiếng hát trẻ gọi chị Hằng, chú Cuội vang lên trong sáng!

Nụ cười của mẹ 

Con nhớ cái nắng dìu dịu của quê nhà. Màu nắng mới tinh khôi ấy, cái màu nắng của nền trời mùa đông ấm áp, trong sáng. Nó hiện hữu, ấp ủ  những kỷ niệm thời thơ ấu tốt đẹp của con bên mẹ.

Con nhớ góc sân nhà, cái góc sân lát bằng gạch nung. Cứ sau những cơn mưa là nước đọng lại, cả một khoảng sân chìm ngập dưới làn nước trắng đục.

 

Ngày bé, con thích ngắm mưa. Nhìn lũ mối trời bay ra kín mít chái rạ. Hăm hở bắt những con mối chúa trắng tinh, rồi nô đùa, tắm mình dưới mưa. Mưa ở làng quê ta, thường là những cơn mưa kéo dài, mưa trắng xóa.

Làm sao con quên tuổi ấu thơ với những ký ức về khoảng trời mưa. Mưa là nỗi nhớ của con về hình ảnh nụ cười bố thân thương. Mưa là nỗi lo trong đôi mắt mẹ về những cánh đồng lúa cấy xuống bị ngập vì con nước. Mưa là nỗi niềm về những đêm thao thức, giấc ngủ con chập chờn vì căn nhà bị mưa dột. Nó ướt át và ẩm mốc dậy lên thứ mùi hôi của  rơm, mùi tanh của chuột đồng. Cái đêm mưa ngập, con nằm sát mép ổ rơm nếp, cái chăn mỏng đắp còn thiếu, chân con lạnh lắm. Đêm ấy, mẹ thức trắng, đôi mắt người mệt mỏi, chìm sâu trong bóng tối lặng lẽ. Căn nhà đắp bằng đất và cói, nó chỉ sáng lên một thứ màu sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu đang cháy cạn. Cánh cửa làm bằng nứa, cánh cửa duy nhất có thể che chắn nước mưa và những cơn gió thổi táp. Con nghĩ nó sẽ chắc chắn nhưng mưa và  lũ mọt gỗ làm nó mục ruỗng. Mẹ đã cố đan vào đó những thanh tre già. Mùa mưa bão mẹ khép chặt cánh cửa lại bằng đôi tay gầy guộc của người. Con ngủ say giấc. Ngọn đèn dầu cháy cạn trên chiếc bàn học tập của con, in thành vệt dài bóng hình mẹ nhỏ bé lên vách. Ngày nhỏ, con không thể hiểu được những cái vết xước hằn trên tay mẹ, những giọt nước mắt nóng chảy dài. Phải chăng nó là chuỗi nỗi đau, là tháng ngày cơ cực, vất vả của cuộc đời mẹ nuôi dưỡng con. Ngày ấy con rất hồn nhiên vô tư, không thể hiểu được nước mắt là hình hài của cô đơn và đau khổ.

 

*

*    *

 

Sau mùa mưa là những cơn nắng. Cái nắng khô và rát. Mẹ thường nói đó là nắng mới. Căn nhà có nắng hắt vào bên song cửa, nó trở nên khô ráo. Mùa nắng mới, mẹ thu gọn tấm chăn và áo đem giặt bên chiếc cầu ao, mẹ phơi những cái áo và tấm chăn lên bờ giậu ngô. Bờ giậu mà hoa và cỏ dại quấn đầy. Con thích hoa dại. Màu hoa xuyến chi trắng ngần, hương thơm của hoa rất dịu. Nó vương vất vào áo vào mái tóc con nhè nhẹ. Mùi hương nồng nàn quyện trong gió quê mang lại nụ cười rực nắng của mẹ bên con. Trong giấc mơ ấu thơ của con, vẫn luôn có nụ cười mẹ. Nụ cười hiền nhân hậu tỏa nắng ấm áp tâm hồn thơ bé con. Nụ cười ấy là niềm tin thúc giục con chiến thắng số phận. Và nó giống như một cây đèn thần sáng kỳ vĩ dẫn lối con đi.

Người mẹ của con, người đàn bà có gương mặt rỗ, đội cái nón mủn trên đầu và mặc màu áo bạc phếch. Mẹ gánh kẽo kẹt đôi quang đựng muối trên tấm lưng già. Chiều chiều, phiên chợ tan, con đứng trước ngõ ngóng chờ mẹ. Cái dáng hình gầy gộc, bước chân lam lũ ấy đọng lại trong con những tháng năm đường đời. Món quà tuổi ấu thơ con là cái bỏng ngô ướt dính đường, cái kẹo vồ gừng cay và vài thứ quả vườn… Con nhớ, có lần tay con đã ném cái bỏng ngô xuống đất vì cho đó là thứ quà nghèo đói. Mẹ mắng, mẹ đánh con bằng chiếc roi vọt. Con khóc òa lên. Nước mắt người rơi, mẹ ôm ghì con vào lòng vỗ về. Ngày ấy, con đâu hiểu cái nghèo đói đã làm nên những điều bất hạnh. Và mẹ đã gắng sức chăm chút, yêu thương, cưng nựng để bù đắp những thiếu thốn vật chất. Những nỗi đau, sự cực nhọc đổ dồn lên đôi vai mẹ. Tấm thân gầy guộc, xanh xao ấy có thể chịu đựng được bao lâu? Mẹ vẫn cố che chở cho đứa con bé bỏng mình bằng một tình thương bao la vô bờ bến. Con có nhận ra điều ấy đâu…

Mẹ ơi! Những vết đau hằn trên tấm lưng mẹ là hiện thân những cơn say của bố kéo dài, đổ ập lên tấm lưng mẹ những vết roi sắt. Cái nỗi đau vắt ngang cuộc đời con ngổn ngang những mảnh vỡ tình thương của bố. Đôi khi, con đã cố ghép lại những mảnh vỡ thành hình hài trái tim, nhưng nó lại tan ra thành nước mắt trong.

Bố! Người đàn ông đã ra đi. Bố không trở lại căn nhà đắp bằng đất và cói lụp xụp. Ông ra đi vì tiếng gọi của miền đất hứa. Căn nhà vắng ông. Nó chứa đựng nỗi ám ảnh trong giấc mơ con. Con rất sợ tiếng muỗi vo ve, sợ nỗi trống không trong căn nhà chỉ có hai mẹ con.

Nhiều đêm nằm, nghe tiếng cửa mở, con bàng hoàng tỉnh giấc và nghĩ bố đã trở về. Căn nhà trống trơn. Những vết ố của mưa đọng lại trên vách đất, chái rạ dột, tiếng mưa rơi  làm lòng con tê tái hơn. Nhưng đêm mưa ấy, mẹ khóc rất nhiều.

Con nhớ cái góc bếp nhà mình, nó đen sạm và nhiều bụi tro đắng. Góc bếp nhỏ ấy, con vẫn thường hay vụng về nướng trộm củ khoai, củ sắn. Cái góc bếp nhỏ, nơi đầy ấp kỷ niệm ấu thơ con…

 

*

 

*    *

 

Năm tháng đã qua đi. Thời gian hằn thêm vết thương trên gương mặt nghèo khổ, lam lũ ấy. Mái tóc mẹ đã điểm sương trắng. Con không thể nào lau hết được giọt nước mắt trong trái tim mẹ. Vết thương ấy theo năm tháng đã chai sạn trong nỗi cam chịu. Giờ ký ức về mẹ luôn bên con suốt hành trình dài…

Mẹ ơi, cuộc đời mẹ vất vả sương gió nắng mưa. Cái cuộc đời nghèo khó chưa khi nào cho mẹ được hạnh phúc. Con chưa bao giờ tặng mẹ – dù chỉ một bông hoa. Cũng chưa từng làm được gì lớn lao cho mẹ. Ngày ấy, con không hiểu hết tình thương yêu bao la của mẹ, không hiểu được cuộc đời: “hạnh phúc là đấu tranh”.

Con chưa thành nhà văn như con mơ ước, điều ước đó luôn cháy bỏng trong con. Dù lúc nhỏ con sợ học văn nhất và thường bỏ trốn giờ học trên lớp. Bài viết văn về bố con bị điểm không, cô giáo phê bình, con trả lời bằng cách im lặng trước những con mắt ngạc nhiên của chúng bạn. Tuổi ấu thơ, chưa bao giờ con được đón nhận tình cảm yêu thương đủ đầy của bố. Ông gửi vào lòng mẹ và trái tim non nớt của con những nỗi đau kéo dài…

Con đường con bước ngày hôm nay còn nhiều những chông gai và cả những giọt nước mắt đau đớn. Hình ảnh của mẹ luôn bên con, nó hiện hữu sáng ngời trong tâm hồn con. Con nhớ nụ cười mẹ, đôn hậu ấp ủ biết bao tình thương và sự che chở. Nụ cười ấy, luôn thầm nhắc trong trái tim con hãy biết yêu thương và chiến thắng số phận, biết vươn tới những điều tốt đẹp của một tương lai tươi sáng. Mẹ ơi! Trái tim người nhân hậu!

 

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài