Nhà văn trẻ Võ Thu Hương vừa cho ra mắt truyện ký NỤ CƯỜI CHIM SẮT (NXB Kim Đồng) được nhiều độc giả đón nhận. Ấn tượng đầu tiên xuyên suốt tác phẩm chính là cách dẫn dắt, lối hành văn giản dị mà hiện đại của tác giả, đưa tác phẩm tới gần hơn với bạn đọc. Chúng ta cùng chia sẻ với tác giả, vốn là sinh viên khoa Ngữ Văn  – Báo Chí (K2001), ĐH KHXH & NV để biết rõ hơn về tác phẩm và tác giả.


–         Chào Võ Thu Hương, bắt đầu từ nguyên nhân nào khiến bạn – là một người còn trẻ nhưng lại chọn đề tài cách mạng để viết?

–         Tôi bắt đầu ý định viết Nụ cười Chim Sắt từ sau những cuộc gặp gỡ, phỏng vấn các nữ tù chính trị để viết báo. Người nữ chiến sĩ- nhân vật chính Thu Nguyệt, có biệt danh Chim Sắt có một cuộc đời đầy biến cố đã khiến Hương cảm động, thấy cần phải chia sẻ nhiều hơn nữa. Và đó là “cái cớ” để viết truyện này. Xa hơn nữa, ngay từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi từng thích mê tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của bác Phùng Quán. Tác phẩm kể về những thanh thiếu niên ở Huế, thời kì kháng chiến chống Pháp. Tôi đọc tác phẩm gần 1000 trang sách này tới 4 lần và đã nghĩ mình sẽ viết về tuổi thơ, thanh thiếu niên chống Mỹ.

–         Đọc nhiều lần như vậy, chị có sợ bị ảnh hưởng văn phong một tên tuổi lớn không?

–         Không bạn ạ. Mỗi người có một văn phong khác nhau. Nói thật, nếu văn phong tôi giống được bác Phùng Quán thì tôi… rất mừng. Nhưng mà không giống tẹo nào cả (cười). Hơn nữa, mỗi tác phẩm lại có những số phận nhân vật khác nhau nên tôi không hề nghĩ tới việc sợ bị ảnh hưởng.

–         Viết “Nụ cười Chim Sắt” hẳn có nhiều khó khăn khi những câu chuyện này xảy ra cách đây từ lâu, gần 40 năm về trước?

–         Khó khăn lớn nhất là tôi nghĩ: Đề tài này có ai mặn mà không? Bởi đề tài về cách mạng truyền thống trước nay vẫn bị mặc định là khô. Vậy nhưng rất mừng là khi tôi đăng kí đề tài với NXB Kim Đồng, anh trưởng ban biên tập phía Nam đã đồng ý ngay lập tức với thái độ cực kì hào hứng. Khi tôi viết xong, sách ra, nhiều bạn bè, thậm chí cả những độc giả chưa từng quen biết đã đặt sách qua email, facebook khá nhiều. Điều đó là sự khích lệ lớn.

Còn khó khăn khi cầm bút thì vẫn là tình trạng nhiều nhà văn gặp, không riêng tôi. Có khi hào hứng cũng sẽ có lúc mệt mỏi muốn buông bút. Nhưng quan trọng là cuối cùng sách đã ra và được đón nhận.

–         Vậy bí quyết nào để viết sách truyền thống mà vẫn “hút hàng”?

–         Tôi chẳng dám nhận là “bí quyết”. Chỉ có một chút chia sẻ với các bạn bắt đầu cầm bút: Khi tôi còn học trong trường Nhân văn, tuy không được học thầy Nhật Chiêu nhưng vì chơi chung nhiều bạn học ngành văn học nên có nhiều cơ hội cùng các bạn ấy trò chuyện với thầy. Tôi học được ở thầy rằng: Nuôi được đam mê, cảm xúc, viết chân thành thì sẽ có tác phẩm và tác phẩm sẽ có độc giả nhất định. Sau này, khi đã xuất bản 6 đầu sách thì đối với tôi bài học ấy vẫn luôn còn nguyên giá trị và thầy vẫn là nhà văn tôi rất ngưỡng mộ.

–         Cảm ơn sự chia sẻ của nhà văn Võ Thu Hương.

Minh Huệ

Box: Võ Thu Hương tốt nghiệp ĐH KHXH&NV TP.HCM năm 2005. Hiện là phóng viên Báo Mực Tím – Khăn Quàng Đỏ TP.HCM. Đã xuất bản 6 đầu sách của NXB Kim Đồng, NXB Trẻ. CTV truyện ngắn trên các báo Phụ nữ, Thanh Niên, Tiếp thị Gia đình…

Giải thưởng VHNT Huỳnh Văn Nghệ (năm 2005, 2010), Giải thưởng Hồ Xuân Hương (năm 2010), Giải thưởng truyện ngắn hay báo Tiếp thị Gia đình (năm 2007, 2013)…

Nếu không có câu chuyện kể của cựu tù Côn Đảo này, hẳn chúng ta không thể biết đã từng có những không gian sống, những cuộc đời thật đẹp, tồn tại giữa hai làn đạn. Lịch sử, đôi khi vì lí do nào đó mà bị vùi lấp, lãng quên.

Gần như chỉ là một cuốn hồi kí được sắp xếp khéo, nhưng cuốn sách có thể được coi là một tác phẩm hiện đại, bởi cách sắp xếp tình tiết câu chuyện cuộc đời của một nữ biệt động Sài Gòn, những chiến công vang dội mà người làm nên nó lại rất thầm lặng, những năm tháng bị tù đày cùng đồng đội bất khuất kiên cường…

Võ Thu Hương đã mạnh dạn thử sức bằng lối viết dung dị, truyền thống, lại rất hiện đại bởi tính tư tưởng được soi chiếu bằng mạch tư duy hiện thực.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội nhà văn Việt Nam)

Câu chuyện này không hẳn thật mới, nhưng tại sao lại cuốn hút? Phải chăng tác giả đã biết chọn những trường đoạn, những chi tiết đắt nhất – phục chế được đời sống thị dân ở khu phố nghèo, đến miền Trung gió cát, nhà tù Côn Đảo… cùng những trận đánh đã đi vào trang sử, được kể với giọng điệu và ngôn ngữ văn chương. Những nhân vật trong “Nụ cười Chim Sắt” lần lượt hiện lên, tạo ấn tượng cho người tiếp nhận. Số phận họ được thể hiện không chỉ bằng lòng quả cảm, xả thân cho nghiệp lớn mà còn có tính cách dung dị thể hiện trong đời sống thường nhật lúc bấy giờ. Có thể nói rằng, khi nhà văn có tài phản ánh hiện thực, sẽ có tác phẩm hay.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung


Nụ cười Chim Sắt (NXB Kim Đồng 2013) kể về Thu Nguyệt – cô gái mồ côi mẹ lúc lên 5 và trở thành một trong những nữ biệt động Sài Gòn đầu tiên (đội Biệt Động 159, thành lập tháng 1/1959) lúc 16 tuổi. Bằng sự thông minh, nhanh nhạy và lòng quả cảm của mình, ở tuổi 20 cô đã lập nhiều chiến công oanh liệt, cả khi đã bị bắt giam từ đày, thì những phẩm chất quý báu của người chiến sĩ Việt Nam vẫn được toát lên rõ nét.

Giọng văn mượt và mềm, khá biến hóa, Võ Thu Hương đã có những trang văn đẹp, thấm đẫm nhân văn, gieo vào độc giả một sự cảm thông, ngưỡng mộ với nhân vật. Cái tài của tác giả còn ở việc khéo léo lồng vào những tiểu tiết, dựng lên cuộc sống đời thường, đồng thời bộc lộ được cá tính của nhân vật. Đời sống của những người dân bần hàn trong xóm lao động nghèo ở Sài Gòn những năm giữa của thế kỉ trước được tái hiện hết sức sinh động. Nơi ấy, những con người của một thành phố chỉ vài trăm năm, ngập chìm trong chiến tranh, đã sớm được hun đúc bởi tư tưởng quật cường từ thế hệ tiền nhân. Một bé gái đương độ tuổi đi học vẫn sẵn sàng nghỉ  để bươn chải nhọc nhằn lo nuôi dưỡng hai cháu nhỏ khi chẳng may mẹ của chúng đột ngột qua đời do cơn băng huyết sau khi sinh. Một ông chú lấy vỏ bọc làm nghề cắt tóc để hoạt động cách mạng. Một bác đạp xích lô không nề hà chở không công đoạn đường hơn trăm cây số giữa Sài Gòn để kịp đưa đứa cháu về nhà loan báo hung tin người thân mất, để rồi vẫn cười thật tươi vỗ về an ủi cháu bé khi nó mấp máy ngần ngại việc không có tiền trả công…

Phần trọng tâm của tác phẩm: cuộc đời chính thức hoạt dộng cách mạng của nhân vật chính. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt câu chuyện là một cô gái dẫu qua hoàn cảnh nào vẫn luôn tin tưởng vào ngày mai “ngày mọi gia đình không phải xa cách, tôi sẽ gặp lại ba tôi” với nụ cười hồn nhiên. Để Nguyệt từ một cô gái thùy mị trở thành tình nhân xen vào hạnh phúc của một gia đình là sự lạ, đánh dấu chuỗi thắt-mở nút đầy kịch tính. Ra đó chỉ là một màn kịch, sự phối hợp của Chim Sắt với đồng dội mình đã làm nên chiến công vang dội: một quả bom phát nổ tại sân bay Honolulu, nhận được lời khen ngợi của Bác Hồ: “đánh Mỹ trên đất Mỹ”. Đoạn thoát hiểm trong gang tấc trong chuyến vận chuyển vũ khí cho một trận đánh lớn sẽ khiến bạn hồi hộp rồi thêm phần cảm phục hình tượng người nữ chiến sĩ anh hùng Lê Thị Thu Nguyệt.

Còn một hình ảnh một Chim Sắt khác, một Chim Sắt ngoài đời thường. Nguyệt yêu nhạc lãng mạn, sợ đỉa, và say mê ánh trăng đổ vàng mặt đất. Viết ra những dòng này, tác giả như đã hóa thân được vào nhân vật, đẩy mạnh độ chân thực và thể hiện sự thấu đáo, chu toàn trong ngòi bút.

Hằng Dương