Thầm lặng ở một góc quán cà phê trên phố đông người, giữa rất nhiều hoa tươi và tiếng nhạc du dương, không mấy ai nhận ra chị, một người phụ nữ đã đi qua màn ảnh và để lại dấu ấn trong điện ảnh cách mạng Việt Nam với vai chị Út Tịch trong phim “Mẹ vắng nhà” (Đạo diễn Trần Khánh Dư).
Thầm lặng ở một góc quán cà phê trên phố đông người, giữa rất nhiều hoa tươi và tiếng nhạc du dương, không mấy ai nhận ra chị, một người phụ nữ đã đi qua màn ảnh và để lại dấu ấn trong điện ảnh cách mạng Việt Nam với vai chị Út Tịch trong phim “Mẹ vắng nhà” (Đạo diễn Trần Khánh Dư).
Vai diễn đầu tiên của chị là Thoa, vợ liệt sĩ trong phim nhựa “Bức tường không xây” của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, một bộ phim được đánh giá là được làm khá kỹ lưỡng vào thời điểm ấy. Không biết có phải từ vai người vợ liệt sĩ ấy mà sau này, Ngọc Thu luôn được các đạo diễn chọn vào vai những người phụ nữ kém may mắn; không ế chồng, đơn thân thì cũng là thiếu niềm vui trong hạnh phúc gia đình. Đó là Luyến của “Đàn chim trở về”; một nữ tu của “Sơn ca trong thành phố”; vợ của Chu Văn An trong “Học trò thủy thần”; cô giáo trong “Mặt trời bé con”…
NSƯT Ngọc Thu và Bùi Bài Bình.
Nghệ sĩ Ngọc Thu bảo rằng, chị là người Hà Nội, cũng được coi là “tiểu thư” ít phải chịu cảnh chân lấm tay bùn, nhưng chị lại luôn được nhận những vai diễn nghèo, ít được ăn mặc đẹp, ít cười, ít thoại, có lẽ chính vì vậy mà nó ám ảnh vào trong đời sống thường nhật của chị. Ngọc Thu luôn lặng lẽ, điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ, ngay cả khi tức giận một điều gì đó, chị cũng chọn giải pháp im lặng. Bởi vậy, nếu ai gặp Ngọc Thu lần đầu sẽ nghĩ rằng chị là một người phụ nữ khó tính, nhưng gần gũi chị, người đối diện sẽ cảm nhận được một cảm giác yên lành.
Nói về những bộ phim chị tham gia , chị vẫn dành nhiều tình cảm cho bộ phim “Mẹ vắng nhà” của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư. Bộ phim ra đời năm 1979, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Thi. Phim kể về cuộc sống của 5 chị em, trong đó em út còn đang tuổi nằm nôi. Trong giai đoạn Mỹ oanh tạc dữ dội các tỉnh miền Tây Nam Bộ, mẹ của các em là nữ du kích Út Tịch thường xuyên vắng nhà, đi chiến đấu.
Ngọc Thu trong vai chị Út Tịch và diễn viên Vân Dung trong vai Bé – cô con gái cả của chị – đã tạo dấu ấn đậm nét. Bộ phim đã giành giải Bông Sen Vàng ở LHP Việt Nam lần thứ 5 và giải Lọ hoa pha lê tại LHP Quốc tế Karlovy Vary vào năm 1980.
Chị Út Tịch của thuở xưa ấy luôn có đôi mắt mở to và không có dấu hiệu của sự “nổi loạn” nghệ sĩ. Nhắc đến những ngày làm phim “Mẹ vắng nhà”, nghệ sĩ Ngọc Thu kể: Năm đó chị mới ngoài 20 tuổi, chưa lấy chồng, nhưng không hiểu sao, chị lại được đạo diễn Trần Khánh Dư mời vào vai mẹ của 4 đứa trẻ. Chị nhớ nhất là cảnh chị Út Tịch cho con bú. Mặc dù có diễn viên đóng thế là mẹ ruột của em bé nhưng Ngọc Thu vẫn phải diễn đến đoạn vén áo lên, trong khi cả đoàn làm phim và rất nhiều người dân đứng xung quanh xem diễn xuất, chị vừa ngượng, vừa lúng túng vì chưa biết cách cho con bú.
NSƯT Ngọc Thu và hai con trai.
Hơn 3 tháng trời sống ở miệt vườn cùng 4 “người con” của mình, Ngọc Thu đã thực sự được làm “mẹ” vì ngoài đời, các em bé vẫn gọi chị bằng cái tên thân mật là “má” để quen miệng. Chị nhớ những buổi ăn cơm ngay trên bờ ruộng và nghỉ trưa ở phim trường, các em bé ngủ luôn trên cầu mà hằng ngày các em vẫn đi qua, thỉnh thoảng đoàn làm phim lại phải chạy đến khi nghe một tiếng “ùm”, có nghĩa là có em ngủ quên nên đã rơi từ trên cầu xuống kênh.
Tuy đóng nhiều phim, nhưng Ngọc Thu vẫn công nhận rằng, cho đến nay, vai người mẹ, tuy không phải là vai chính nhưng thành công nhất của chị, chị như một cái bóng, không xiêm y rực rỡ, không lời thoại bóng bẩy nhưng lại làm nên cả một hình tượng đặc sắc của người phụ nữ miền Nam trong chiến tranh. Dù hồi đó, rất nhiều người lo sợ rằng, Ngọc Thu là một diễn viên trẻ miền Bắc thì khó có thể diễn cho “nuột” vai diễn một người phụ nữ miền Nam, nhưng bản thân chị đã không phụ lòng đạo diễn.
Chị chia sẻ, theo tôi nghĩ, người phụ nữ dù ở miền Bắc hay miền Nam thì vẫn là người phụ nữ của Việt Nam. Tình yêu thương các con và tình yêu đất nước đều sâu sắc như nhau, nhưng mỗi nơi có cách biểu hiện hơi khác một chút. Như hình ảnh chị Út Tịch, đó là người phụ nữ rất quyết liệt, gặp kẻ thù nào cũng sẵn sàng đánh. Còn phụ nữ nơi khác có thể biểu hiện sự quyết liệt theo cách khác.
Vai chị Út Tịch trong phim “Mẹ vắng nhà” đã nhận được những lời nhận xét đánh giá rất tốt. Đó là một vai diễn có diễn xuất nội tâm dung dị, sâu sắc, không hề khoa trương, thể hiện được nội tâm dồn nén…
Thời kỳ mở cửa, NSƯT Ngọc Thu vào một loạt vai diễn phim video như vai người mẹ của Hạ trong phim “12A4H”. Chị cũng đóng vai người vợ trong các phim “Anh và em”, “Chuyện vặt gia đình” mà người đóng vai chồng không phải ai khác chính là diễn viên Bùi Bài Bình, chồng ngoài đời của chị.
Nói về kỷ niệm khi đóng cảnh vợ chồng trên phim với chính chồng mình, Ngọc Thu kể, sáng sáng hai vợ chồng cùng chở nhau đi, chiều chiều lại đón nhau về. Hai vợ chồng hiểu nhau nên cũng diễn rất ăn ý. Hôm nào chỉ có vai của chồng mà không có vai của vợ hoặc ngược lại, thì cảm thấy “thiêu thiếu” cái gì đó! Khi chị sinh cậu con trai thứ hai và Bùi Bài Bình nhận được nhiều lời mời làm phim dài tập, phải vắng nhà thường xuyên, thì chị đã lựa chọn góc quán bình yên ở một con phố làm chỗ nương bóng của mình dù chưa giây phút nào trong cuộc đời chị quên những khát vọng được thể hiện mình trong thế giới lung linh huyền ảo của nghệ thuật thứ 7.
Kể lại duyên phận của mình, Ngọc Thu chia sẻ, từ ngày ngồi chung lớp đại học với Bùi Bài Bình, chưa bao giờ chị nghĩ rằng, chị rồi sẽ gắn bó cuộc đời của một “tiểu thư Hà Nội” với anh chàng học cùng lớp gầy gò, lêu nghêu, mảnh khảnh ấy. Nhưng dường như “ông tơ bà nguyệt” đã chọn họ để làm nên một gia đình với đủ đầy những cung bậc cảm xúc. Bùi Bài Bình trên phim và ngoài đời không mấy khác nhau, giản dị, chân tình, là một người ít nói, có nét kiêu bạc riêng nhưng cũng có sự ấm áp rất riêng. Họ có hai cậu con trai lấy được hết nét đẹp của cả mẹ và bố. Đặc biệt cậu thứ hai thì “thần tượng” bố và quyết định thi vào khoa đạo diễn điện ảnh để nối nghiệp điện ảnh của bố mẹ.
Năm 2006, sau bộ phim “Gió mùa thổi mãi”, Ngọc Thu quyết định rời Hãng Phim truyện Việt Nam để về hưu non cùng đợt với các nữ diễn viên như Minh Châu, Thanh Quý, Diệu Thuần… Chị bảo, đó là một quyết định khó khăn và là một sự mất mát lớn. Cả đời theo đuổi nghiệp diễn, về hưu non có nghĩa là một sự thất bại trong chặng đường nghề nghiệp của mình. Thất bại không phải vì mình không có năng lực, không phải mình không yêu nghề, nhưng thực sự là chuyện “cơm áo không đùa”.
Hồi đó, lương của Hãng có vài trăm nghìn, lại chỉ được lĩnh hơn một nửa, cả hai vợ chồng chị đều “nghèo” như nhau, không đủ tiền để nuôi các con, chị đành lui về hậu trường mở quán cà phê tại nhà riêng trên đường Đoàn Trần Nghiệp, làm tròn thiên chức của người phụ nữ, nuôi dạy hai con ăn học nên người. Trong sự hy sinh của chị, lại là một chỗ dựa vững chắc cho người bạn đời tỏa sáng. NSND Bùi Bài Bình đã có những thước phim ghim vào lòng công chúng những ấn tượng không mờ phai, một Bùi Bài Bình không hề trộn lẫn trong những thước phim truyền hình và trong lòng nhân dân.
NSƯT Ngọc Thu (trái) trong phim “Mẹ vắng nhà”.
Chị Thu kể, rất nhiều người đến uống cà phê không biết chị là một chị Út Tịch của “Mẹ vắng nhà” một thời nổi tiếng, nhưng ai cũng biết anh Bùi Bài Bình. Biết anh Bình có người hỏi chị rằng, có thấy “ghen” với những vai diễn “tình cảm” của anh ấy, chị chỉ cười vì trên thực tế, để quay một cảnh tình cảm như hôn nhau chẳng hạn, người diễn viên phải quay cho đạt với ý của đạo diễn, có những cảnh phải quay đi quay lại đến nỗi người diễn viên phải làm cố cho xong.
Nói về điều này, chị nhớ lại thời chị và Bùi Bài Bình đi diễn kịch, vở “Tạm biệt Andruxa”, Bùi Bài Bình vào vai Andruxa còn Ngọc Thu vào vai người yêu của anh trai Andruxa. Trong đó có cảnh Andruxa chạy vào thì bắt gặp hai anh chị của mình đang hôn nhau. Cảnh của kịch thì vậy nhưng hầu hết trong tất cả các suất diễn, Andruxa – Bùi Bài Bình toàn chạy vào trước khi nụ hôn đó bắt đầu. Sau này hỏi ra tại sao anh lại “phá vỡ kịch bản” như thế thì Bùi Bài Bình chỉ cười trừ!
Tôi nhắc lại lời của cố nhà văn Hòa Vang, từng nhận xét về vai diễn của NSƯT Ngọc Thu: “Chừng nào điện ảnh dân tộc vẫn cần một thiếu phụ thật Việt Nam, giản dị, nhân hậu và đôi chút mơ màng (chợt gợi liên tưởng đến tranh lụa Nguyễn Phan Chánh) thì chừng đó vẫn còn lý do để chờ đợi và gặp được tiềm năng diễn xuất Ngọc Thu”, chị Thu chỉ cười.
Chị bảo, chị là một người có duyên nhưng chưa có phận với điện ảnh, vì có cái duyên là đã chạm được vào nó, nhưng điện ảnh còn kèm theo nhiều yếu tố, đôi khi ngoài cơ hội còn cần cả sự may mắn và liều lĩnh. Chị không quá vui nếu ai đó đến uống cà phê còn nhận ra một chị Út Tịch của thời vang bóng, nhưng cũng chẳng quá buồn nếu có vị khách hách dịch gác chân lên ghế nói trống không “cho cốc cà phê”, bởi đấy là con đường mà chị đã chấp nhận chọn lựa.
Với Ngọc Thu, niềm vui và thành công của chị bây giờ là hai cậu con trai thông minh, ngoan ngoãn. Một người chồng nổi tiếng Bùi Bài Bình thường vắng nhà nhưng mỗi lần về nhà câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi “Mẹ đâu con?”. Bên cạnh chị vẫn có những người bạn đạo diễn luôn dành những vai diễn cho chị tham gia, có vai thích chị đóng, vai không thích chị từ chối. Mới đây, chị đã nhận lời đóng phim “Gia phả của đất” của đạo diễn Quốc Trọng như một sự đánh dấu chị trở lại phim trường ở tuổi sắp lên chức… bà nội. Đối với chị, điện ảnh giờ chỉ là một ký ức đẹp, không thể mờ phai trong tâm trí cũng như chị Út Tịch và “Mẹ vắng nhà” đã là một phần đời đẹp nhất của chị…
Theo Huy Tuấn – Công an Nhân dân