Hà Nội đã ngàn năm dựng đất, trải qua bao thăng trầm lịch sử. Nhưng có khi cả trăm năm cũng chả chắc tạo được một dấu ấn, không lưu được một dòng trong sách.
Nhà văn Lê Minh Hà.
Nhưng có một quãng vài ba chục năm thôi, nó là dấu ấn cả một thế hệ… đó là thời gian người Hà Nội quay quắt trong nền kinh tế bao cấp. Gạo 15 kg một đầu người, dầu hỏa vài lít, thực phẩm vài trăm gram một tháng, vải hai mét một người trưởng thành, lốp phân phối, săm phân phối… lúc đó có lẽ chỉ có không khí – so với bây giờ gọi là khá sạch- thì không phân phối thôi!
Người Hà Nội thời ấy cũng bớt đi cái cảnh vẻ trong ăn uống, may mặc, bởi xoay xỏa đủ ăn đã là mệt. Nhưng cái nết ăn uống cầu kì nó vẫn đâu đó rơi rớt, nấu cơm độn bobo cũng phải trần qua hạt bobo cho mềm rồi mới nấu cơm, mỳ sợi thì ngoài độn cơm thì để nấu…thêm quả cà chua, vài cọng hành, tí mỡ chưng ớt tương lấy mầu mè là đã xì xụp ngon lành rồi…
Đã qua vài chục năm, ngót một đời người…nhưng cái vị đắng cay kia gần như vẫn phảng phất đâu kia. Với những người lưu lạc, xa quê thì những hương vị xưa cũ đấy vẫn đầy ám ảnh. Giả dụ các đấng trên cao xanh kia có ưu ái, cho họ sống thêm một cuộc đời nữa thì những hương cũ vị xưa nọ cũng là những kí ức đầu tiên họ nhớ tới khi nhớ về một thời mà lứa trẻ ngày nay gọi là cổ tích.
Cũng đã nhiều nhà văn viết về Hà Nội, ai đó thì lịch lãm, ai đó thì buông tuồng, ai đó thì bay bướm…mỗi người một vẻ. Nhà văn Lê Minh Hà là người Hà Nội, chị xa quê đã lâu…những kí ức của chị đâu có to tát gì! Nó chỉ là một phần nhỏ những bươn chải của Hà Nội.
Là người đắm đuối Hà Nội như bao người Hà Nội xa quê khác, những đêm trắng trời Âu tiếng rao đêm Hà Nội vẫn vẳng trong giấc ngủ xa xứ của chị. Rồi cuộn chảy về hình ảnh những đêm xếp hàng bên máy nước công cộng chờ từng xô nước, rồi mua dầu, đong gạo, nhảy tàu lên Bờ Hồ ăn kem… cả một quãng niên thiếu thiếu thốn đủ bề nhưng vô cùng thẳm sâu.
Ai xa quê mà chả nhớ nhung, với Lê Minh Hà là nỗi nhớ nhung nho nhỏ trong cả triệu nỗi nhớ. Nỗi nhớ ở trong chị có những lúc bị khuất lấp bởi cuộc sống bận rộn thường ngày, nhưng nó khó mà phai mờ. Với chị, nỗi nhớ Hà Nội là một ám ảnh, như một mặc định trong tâm trí và rồi nó đã được viết ra.
Cuốn sách “Thương thế, ngày xưa” chính là những hoài vọng xa xứ của nhà văn Lê Minh Hà.
Chúng ta cùng tưởng tượng, nhớ lại quãng quá khứ trong những câu chuyện Lê Minh Hà đã viết ra. Rồi cùng đắm đuối vào những nỗi nhớ của chị và biết đâu đó, trong đó cũng hiện lên những nỗi nhớ của chính chúng ta…
Theo Tô Chiêm – Tiền phong online