Đúng vào lúc phần ba của cuốn tiểu thuyết bí hiểm 1Q84 vừa xuất hiện trên các quầy sách, tôi đã có một cuộc gặp gỡ với tác giả của nó, nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Ngôi sao văn chương này với dáng vóc trẻ trung kỳ lạ ở lứa tuổi 63, thích chọn những khoảng lặng im đầy hàm ý hơn là đưa ra những câu trả lời.
(Bài viết Emma Brockes, phóng viên tờ TheGuardian)
Căn phòng “tổng thống” tại khách sạn Hyatt trên bãi biển Waikiki – Hawaii , nhô ra trên cao, hướng tầm nhìn ra bãi biển bị chia cắt thành nhiều mảnh bởi những dãy núi chạy dài xuống tận mép nước, một bức ảnh hoàn hảo cho quảng cáo! Đó là nơi tôi đã gặp gỡ và có một cuộc trò chuyện với Haruki Murakami. Đã 63 tuổi, Murakami vẫn có dáng dấp trẻ trung của một cậu thiếu niên vừa tháo đôi giày trượt patanh ra để tiếp chuyện tôi. Giờ đây ông phân phối thời gian của mình cho Hawaii, Nhật Bản và một địa điểm thứ ba mà ông gọi là “nơi ấy”, đó là nơi nhà văn “mai danh ẩn tích” khi ngồi viết tiểu thuyết, Ở “nơi ấy” các cư dân của nó đang chen nhau để được sinh ra và sống đến cùng kiệt những số phận của mình, những nhân vật hiện ra theo một phác họa “kiểu Murakami”: bí ẩn, vô cảm, nghẹn họng và bội thực bởi những cảm xúc bị kiềm chế tối đa, những nhân vật ấy được thường được giới thiệu bằng những dòng chữ dửng dưng đến tàn nhẫn. Murakami giờ đây gần như là được tôn thờ ở khắp nơi, từ Đông sang Tây. Trước chuyến bay của tôi đến Hawaii, một người bạn đã thú nhận với tôi rằng, lòng hâm mộ Murakami nơi anh ta có một phần nguyên nhân quan trọng bắt nguồn từ sự ham muốn được gia nhập vào “hội những người yêu mến Murakami”…
“Tôi không coi mình là một nghệ sĩ – nhiều lần trong cuộc phỏng vấn, tiểu thuyết gia Nhật Bản đã lặp lại câu nói đó – Đơn giản tôi chỉ là một gã biết viết, vậy thôi!”. Murakami có được phong thái thoải mái này là nhờ vào những phẩm chất lạnh lùng trong quá khứ của một ông chủ câu lạc bộ nhạc jazz, khi ông mới hơn hai mươi tuổi. Và cũng nhờ vào chế độ tập luyện nghiêm ngặt của một vận động viên điền kinh, bí quyết mà ông mới hé lộ trong tác phẩm: Chân dung tự họa của một tác giả trong cuộc chạy tiếp sức, ông thường “dậy vào lúc 4h sáng, ngồi viết cho tới trưa, tiếp đó là việc rèn luyện chạy maratông và lang thang lục lọi bới tìm trong các cửa hàng bán đĩa cũ, trở về ăn tối cùng vợ lúc khoảng 21h”. Cái chế độ sinh hoạt này, cái thời gian biểu này của ông cũng nổi tiếng gần bằng các tác phẩm của ông. Và cái dáng vẻ trẻ trung tới mức “điên rồ”của ông lan tỏa ra xung quanh những nơi ông có mặt như mùi hương của một loại nước hoa quyến rũ, chắc chắn đó là phần thưởng có được từ nhịp sống ấy, đây cũng là thứ kỷ luật cần có để một người có thể cặm cụi trong ba năm ngồi xe sợi và thêu/ đính hàng ngàn chi tiết kết hợp lại thành một tác phẩm đồ sộ trải ra trên một ngàn năm trăm trang viết, chứa đựng trong ba tập sách dày, mang tên 1Q84 này.
Với Murakami, một người đàn ông lực lưỡng như một con bò mộng, đó là vấn đề sức lực: “Đây là sức khỏe cơ – lý. Nếu một ai đấy muốn ngồi viết ròng rã trong ba năm, ba năm không nghỉ một ngày! Trước hết đó phải là một người khỏe mạnh về cơ bắp, một điều rất quan trọng! Cả về mặt trí óc và về cơ bắp, đều phải rất khỏe”. Cái thói quen nhắc lại, lặp lại một mệnh đề là phong cách của ông hay đơn giản chỉ là hệ quả của việc ông đang tìm từ ngữ để chuyển dịch một câu? Dù gì đi nữa, chúng đã biến những lời Murakami nói ra thành những biểu cảm mang chiều sâu thăm thẳm. Ông đã viết về tầm quan trọng (mang tính ẩn dụ) của việc tập chạy việt dã, viết tiểu thuyết với ông, đó cũng là một phần của cái hoạt động hàng ngày, một dạng kiểu như luyện tập yoga Ấn Độ. “À, …ừ. …vâng”. Ông cất lời sau một khoảng trầm tư rất dài. “Tôi cần đến sức lực bởi vì tôi cần mở cửa”. Ông giơ tay thể hiện một điệu bộ đang cố gắng mở một cánh cửa. “Mỗi ngày tôi tới văn phòng, ngồi vào bàn. Bật máy tính lên. Và rồi tôi phải mở cửa ra. Đó là một cánh cửa rất lớn, rất nặng. Phải mở được nó ra để sang Một Căn Phòng Khác. Ẩn dụ, tất nhiên là ẩn dụ. Và rồi sẽ phải quay trở lại căn phòng này. Và phải khép cánh cửa đó lại. Nếu tôi đánh mất cái sức lực đang có, tôi sẽ không thể viết được tiểu thuyết nữa. Tôi có thể còn viết được truyện ngắn, nhưng tiểu thuyết? Không thể!”.
Những hoạt động lặp đi lặp lại vào mỗi buổi sáng này, phải chăng nhằm giúp ông vượt lên một nỗi sợ hãi nào đó? “Đó đơn giản chỉ là một nếp sinh hoạt quen thuộc – ông cười lớn – Cái đó có một chút gì đó đơn điệu và chán ngắt. Nhưng đó là một nếp quen. Và thói quen, sự quen thuộc tới mức thuần thục là một cái gì đó rất quan trong”. Bởi vì nó hàm chứa sự hỗn mang? “Vâng… Đúng thế. Tôi thâm nhập vào trong tiềm thức của mình, tôi phải đi ngang qua một đám hỗn loạn các ý tưởng và những tưởng tượng. Hàng động đi vào trong đó và quay trở lại là một nếp quen. Cần phải có một đầu óc thực tiễn. Nhưng mỗi lần tôi nói rằng nếu ai đó muốn viết một cuốn tiểu thuyết, cần phải có một đầu óc thực tiễn, cái đó làm mọi người thấy chán, độc giả thấy thất vọng”. Ông lại cười một lần nữa. “Họ chờ đợi để được nghe nói về một cái gì đó đột phá, phi thường, đầy sáng tạo và nghệ thuật. Nhưng cái mà tôi muốn nói, muốn nhấn mạnh, đó là: cần phải có đầu óc thực tiễn”.
Thiên hướng nảy sinh đột ngột trước một trận bóng chày
Những ai có thói quen dậy sớm gần như là song hành sống hai cuộc đời. Một dạng nhân vật của Murakami. Một cuộc sống bị cắt lìa thành hai phần tách biệt bởi sự xuất hiện/ nảy sinh một chuyển biến căn bản nào đó của các tình huống hay là sự bập bênh giữa cuộc sống bên trong và cuộc sống bên ngoài của cùng một cái tôi bị phân chia. Trong 1Q84, nhân vật nữ, Aomame – “Đậu Xanh” theo cách gọi của người Nhật – đang ngồi trong một chiếc taxi, bị mắc kẹt trong một vụ tắc đường trên con đường cao tốc trên cao của Tokyo. Đó là vào năm 1984, (người ta không thể không liên tưởng tới cái tên “một – chín – tám – tư, tác phẩm nổi tiếng của George Orwell – ND ). Để khỏi bị chậm trễ, cô rời khỏi taxi, leo qua bờ rào chắn của đường cao tốc, tụt xuống một chiếc cầu thang sắt hoang vắng (dành cho việc cứu hộ trong những trường hợp khẩn cấp) để tìm đường ra ga xe điện ngầm, chính lúc đó cô đã phát hiện ra sự tồn tại của một thế giới khác song hành với thế giới cô đang sống. Để ghi nhớ điều đó cô đặt tên cho năm mình đang sống là 1Q84 , chữ Q – Question – như một nghi vấn day dứt trong cô. Như trong rất nhiều hư cấu của Murakami, đó là một phong cách văn chương trần thuật, một hỗn hợp hòa trộn những hiện thực quen thuộc đầy chi tiết sống động và những hoang tưởng siêu thực thấm đẫm chất mê sảng, mấp mé bờ vực điên loạn – những chiếc đồng hồ bỗng bay lên khỏi mặt đất, những con chó giữ nhà bỗng nổ tung với ruột gan văng tung tóe, những thực thể mang tên Người tý hon đêm đêm chui ra từ miệng một con dê mù đã chết để chế tạo Nhộng không khí… Những biểu tượng đậm chất nghịch lý này luôn đột ngột xuất hiện và gây hoang mang cho độc giả về ý định thực sự của tác giả.
“…Người đọc bị bỏ rơi trong một ma trận bí hiểm của những dấu chấm hỏi. Họ sẽ có khuynh hướng quy trách nhiệm về sự thiếu vắng những lời giải thích cho thói lười biếng của tác giả”, đó là lời của một biên tập viên nhà xuất bản, nhân vật trong 1Q84, nói với nhân vật Tango, tiểu thuyết gia – ngôi sao. Và đây là câu trả lời của nhân vật tiểu thuyết gia – ngôi sao đó: “Khi một tác giả đã thành công trong việc viết ra một cuốn tiểu thuyết được “kết cấu một cách tuyệt hảo”, người đã “thu hút người đọc đi cùng mình tới tận cùng”, ai dám nói tác giả đó là một kẻ lười biếng”. Một tháng sau khi ra sách, 1Q84 đã bán được hơn một triệu bản, chỉ tính riêng ở thị trường Nhật Bản!
Một vài thời khắc trong cuộc đời đã thực sự trở thành bí hiểm với chính Murakami. Ông không thể tìm ra được cái nguyên nhân thực sự đã thúc đẩy ông trở thành nhà văn? Cái ý định viết văn đã đột ngột đến với ông trong khi xem một trận bóng chày, một trận bóng mà ông cũng chẳng tha thiết xem lắm. Đó là lúc ông sắp sửa tròn 30 tuổi. Đang quản lý một quán bar chơi nhạc jazz. Quán có tên “Peter bé bỏng” – tên con mèo của Murakami. Đó là vào năm 1978, lúc mà những cảm xúc nổi loạn với ông đã lắng xuống, nói đúng hơn đã trở thành quá khứ. Là con trai duy nhất của cha mẹ ông, một giáo sư đại học và một phụ nữ nội trợ, cũng như các bạn cùng trang lứa, ông đã lảng tránh con đường mà cha mẹ ông đã vạch sẵn cho ông. Ông cưới vợ gần như ngay tức khắc sau khi rời khỏi ghế giảng đường đại học.Thay vì theo đuổi tiếp việc học hành như nguyện vọng của cha mẹ, ông đã đi vay mượn tiền để dựng nên một hộp đêm chơi nhạc jazz và dành trọn tình yêu cho âm nhạc. Bạn bè xung quanh vẫn tiếp tục nổi loạn, vài người trong số đó tìm đến cái chết để kết liễu cuộc đời. Chủ đề đó trở thành nỗi ám ảnh và thường xuyên được đề cập đến trong những tiểu thuyết của ông. “Họ đã ra đi vĩnh viễn. Đó là một thời kỳ hết sức hỗn loạn. Tôi vẫn luôn luôn thương tiếc họ. Đôi khi tôi ngạc nhiên khi thấy mình đã 63 tuổi. Tôi có cảm giác may mắn của một kẻ đã sống sót. Mỗi khi nhớ tới họ, tôi lại thấy mình cần phải sống, sống mãnh liệt. Bởi vì tôi không muốn cuộc đời mình bị cuốn trôi đi, tôi đã chọn mục đích cho mình là phải sống.Và bởi vì tôi là kẻ đã sống sót, tôi có nhiệm vụ phải làm đầy ắp cuộc sống này. Mỗi khi ngồi viết, tôi hay nhớ về những người đã ra đi, những người bạn”.
Ngoái lại nhìn quá khứ, cuộc sống của ông khi đó mới bấp bênh làm sao. Gánh trên vai một đống nợ nần, ông và vợ đã làm việc miệt mài hàng giờ mỗi ngày trong quán bar mà chẳng bao giờ dám đặt chút hy vọng nào vào tương lai. “Trong những năm 1968 hay 1969, mọi thứ đều có thể xảy ra. Rất kích động nhưng cũng đầy bất trắc. Thách thức thật là lớn. Nếu thắng, sẽ thắng to, nhưng nếu mất, cũng sẽ mất tất”. Cái quán bar đó đã từng là một nguy cơ, một bất trắc với ông? “ Aaaaaargh… – Murakami trả lời – Quyết định cưới vợ, đó là tôi đã lao thẳng vào cái bất trắc lớn nhất của đời mình! Khi đó tôi chỉ mới 20, 21 tuổi. Tôi chẳng biết gì về thế giới, tôi thực sự là một gã ngốc. Ngây ngô. Đó thực sự là một thách thức. Thách thức cho cuộc sống của chính tôi. Nói ngắn gọn, tôi là một kẻ đã sống sót”.
Vợ ông, Yoko Takahashi luôn là độc giả đầu tiên của ông. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát, nảy sinh từ cảm hứng chợt đến khi xem một trận bóng chày, đã giành được giải nhất trong một cuộc thi dành cho các nhà văn trẻ. Trong một khoảng thời gian tiếp theo đó, ông vừa viết văn vừa tiếp tục quản lý cái quán bar của mình, đó là một quyết định đúng đắn bảo đảm cho sự phát triển sau đó cái nghiệp văn chương của ông. ”Tôi có cái câu lạc bộ nhạc jazz và kiếm khá tiền từ đó, vì thế tôi không có nhu cầu viết văn để sống, cái đó rất quan trọng. Khi cuốn tiểu thuyết Bản ballade của cái bất khả bán ở Nhật Bản và đạt doanh số 3 triệu bản, Murakami không còn cần đến sự tồn tại của quán bar đó, nhưng trong ông, vẫn mơ hồ tồn tại cái ham muốn có lại một đời người với hai cuộc sống song hành, cuộc sống của một ông chủ quán bar và của một nhà văn, ông cũng không tin rằng cuộc sống của một ông chủ quán bar sẽ kém hạnh phúc hơn cuộc sống của một nhà văn.
Viết bằng trực giác, không theo một kế hoạch nào cả.
“Tôi có ý thức được về lối sống đan xen này không? Ummm-a, tất nhiên là có, thậm chí tôi cảm thấy điều này rất lạ lùng, đôi lúc tôi vẫn tự hỏi vì sao bây giờ mình lại là một tiểu thuyết gia, chưa từng tồn tại một dự kiến hay kế hoạch nào biến tôi thành một nhà văn! Một cái gì đó đã xảy ra và tôi đã trở thành một người viết văn, và giờ đây là một nhà văn nổi tiếng! Khi tôi đến Mỹ và châu Âu , rất nhiều người biết tôi là ai. Cái đó thực sự là kỳ lạ. Cách đây vài năm tôi có tới Barcelona và dự một buổi ký tặng sách ở đó; hàng nghìn người đã tới dự, các cô gái ôm hôn tôi! Tôi vô cùng ngỡ ngàng. Cái gì đã xảy đến với mình thế này?”.
Murakami viết bằng trực giác, không bao giờ ông xây dựng trước một khung – sườn hay một sơ đồ sẵn cho cuốn tiểu thuyết đang sáng tác. Với cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông (1Q84), cảm hứng đến một cách đột ngột khi ông đang mắc kẹt trong một vụ tắc đường trên đường cao tốc trên cao của Tokyo “Cái gì sẽ xảy ra nếu ta rời khỏi cái con đường chênh vênh trên cao đang nghẽn ứ người và xe cộ này để đi xuống bằng cái cầu thang cứu hộ cũ kỹ hoang vắng nằm bên lề đường, tìm cách thoát khỏi cái đám đông ngột ngạt này? Cái gì sẽ xảy đến với ta? Số phận ta, cuộc đời ta sẽ thay đổi ra sao?”. Những suy nghĩ ấy đã trở thành điểm khởi hành cho hành trình ba năm viết cuốn tiểu thuyết 1Q84. “Khi ấy tôi có một linh cảm rằng đây là một cuốn tiểu thuyết lớn. Cuốn tiểu thuyết của những tham vọng lớn.Tôi cảm nhận rõ cái đó. Tôi đã viết xong cuốn tiểu thuyết Kafka bên bờ biển trước đó khoảng chừng 5 hay 6 năm. Và tôi chờ đợi sự xuất hiện của cuốn tiểu thuyết tiếp theo. Rồi nó đến. Nó đã đến. Tôi biết rằng đó là một “dự án” lớn. Tôi cảm nhận được điều đó”.
Tài năng và sự khéo léo của Murakami đã biến một cuốn tiểu thuyết rất dày như 1Q84 thành một cuốn tiểu thuyết của những ẩn dụ, dẫu rằng người đọc bị ức chế bởi cảm giác lạ lùng về sự không thỏa mãn. Những biểu tượng ẩn dụ có dáng dấp nhân tạo được tác giả gia cố thành một bản chất của cái thế giới nhân tạo này (nơi chúng ta đang sống? ND). Một giọng điệu lạnh lùng và thản nhiên, rất nhiều lúc giống như một sự khiêu khích: “Từ lúc Tengo nhận ra có hai mặt trăng cùng tồn tại và nhìn thấy Nhộng không khí hiện nguyên hình trên giường của cha anh ở phòng điều dưỡng, không có gì có thể làm anh ngạc nhiên được nữa”. Giống như ở những cuốn tiểu thuyết trước, một số đoạn tinh tế nhất luôn “giả bộ” nằm ở lớp vỏ bên ngoài hay bên rìa của những kết cấu chính. Trong tiểu thuyết Bản ballade của những bất khả, cuốn sách mà Murakami đã viết với một phong cách ước lệ nhất có thể với hy vọng tạo ra một thành công lớn về thương mại, đó chính là những cuộc trò truyện giữa nhân vật chính và người cha đã chết của cô bạn gái. Còn trong 1Q84, đó là những cảnh diễn ra giữa Tengo (người mà Aomame luôn dâng hiến trọn vẹn tình yêu trong trái tim cô dẫu rằng đó cũng là người không hề biết tới sự tồn tại của cô trong những tháng năm dài – ND) với người cha quá cố, người cha mà khi còn sống anh ta cảm thấy rất khó khăn để yêu mến. Phần lớn các nhân vật của Murakami đều có một tuổi thơ nhuốm vị đắng cay, đó chẳng phải là ngẫu nhiên, ông nói như vậy. Thời thơ ấu của ông, cũng không có gì quá nghiêm trọng xảy ra. Tuy vậy: “Tôi vẫn luôn cảm thấy mình phải chịu đựng một đối xử bất công, bởi bố mẹ tôi luôn muốn con mình phải như thế này hay thế kia, nhưng tôi lại chẳng bao giờ thành được như thế này hay thế kia.”Ông cười: “Họ hy vọng tôi có điểm số tốt ở trường, nhưng tôi chẳng bao giờ có, tôi không bao giờ ngồi ở bàn học lâu được. Tôi chỉ muốn làm cái gì tôi thích thú. Tôi rất cứng đầu. Họ muốn tôi vào một trường tốt và kiếm được một vị trí ở Mitsubishi hay một chỗ nào tương tự thế. Nhưng tôi đã không làm thế. Tôi muốn độc lập. Và thế là tôi mở một câu lạc bộ nhạc jazz và tôi cưới vợ khi còn là sinh viên. Những chuyện đó đã từng làm bố mẹ tôi khá rầu lòng”.
Họ thể hiện ra sao về chuyện này? “Đơn giản là tôi làm họ thất vọng, cái đó thực sự là nặng nề với một đứa trẻ khi cảm nhận được sự thất vọng đó. Tôi nghĩ rằng họ là những người tốt, tuy vậy tôi bị thương tổn. Tôi vẫn còn nhớ về cảm giác này. Tôi cũng đã muốn trở thành một đứa trẻ ngoan trong mắt họ. Nhưng tôi không thể làm được. Hiện nay tôi không có con, đôi lúc tôi hay tự hỏi cái gì sẽ xảy ra nếu tôi có những đứa con. Tôi không tưởng tượng nổi điều đó. Tôi đã từng là một đứa trẻ không có được nhiều niềm vui và tôi cũng không biết mình có thể trở thành một người cha hạnh phúc không, tôi thực sự không biết”.
Vậy thì ông đã lấy ở đâu ra những niềm tin đủ để ông lao vào thực hiện những việc ông muốn làm. “Tôi biết rõ những gì mình yêu thích. Tôi thích đọc sách.Tôi thích nghe nhạc và tôi yêu quý những con mèo. Ba cái đó tôi biết rõ. Ba điều yêu thích đó của tôi không hề thay đổi suốt từ khi tôi còn nhỏ cho đến tận bây giờ. Giờ đây tôi cũng hiểu rõ những sở thích và ham muốn của mình. Đó chính là niềm tin. Khi mà người ta không biết mình muốn gì, người ta sẽ đánh mất mình”.
Những mối quan tâm của Murakami đều gắn chặt với những vấn đề của nước Nhật đương đại. Là một trong những nhà trí thức Nhật Bản được biết đến rộng rãi nhất trên thế giới, dẫu rằng rất khiêm tốn thậm chí có thể gọi là nhút nhát, nhưng ông luôn dấn thân, có mặt và tham gia vào những cuộc luận chiến về những vấn đề lớn của đất nước như vụ tấn công bằng khí độc sarin năm 1995 ở nhà ga xe điện ngầm ở Tokyo hay vụ động đất mới đây ở Nhật Bản.
Ông đang có mặt ở Hawai vào cái ngày mà cơn động đất và sau đó là sự cố hạt nhân tàn phá nước Nhật. Cái đó đã làm thay đổi nước Nhật, ông nói: “Người dân đã mất đi niềm tin. Những người dân Nhật Bản từ sau thế chiến đã làm việc hết sức miệt mài. Trong nhiều năm. Mức sống càng được nâng lên, họ càng cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng thật bất hạnh, chúng ta đã không thể trở nên hạnh phúc thật sự được. Trận động đất xảy ra, vô số những con người đã phải đi sơ tán, bỏ lại nhà cửa đất đai của mình. Trước đây chúng tôi tự hào về nền công nghệ của mình, nhưng các nhà máy điện nguyên tử sau trận động đất đột nhiên trở thành cơn ác mộng. Những người Nhật nhận thấy rằng cần phải thay đổi lại cách thức sống. Tôi tin rằng đó là một sự chuyển hướng rất lớn của Nhật Bản”.
Sự cố động đất và thảm họa hạt nhân này của Nhật Bản được ông so sánh với sự kiện ngày 11 tháng 9, sự kiện theo ông đã làm rẽ hướng đột ngột dòng chảy của lịch sử. Trên quan điểm của một tiểu thuyết gia, đó là một “sự kiện thần kỳ”, với xác xuất cực thấp để có thể xảy ra. “Khi tôi xem băng video hai chiếc máy bay lao vào những tòa tháp, trong con mắt của tôi nó như một câu chuyện thần kỳ. Về mặt chính trị thì quả là không nghiêm túc khi nói rằng nó đẹp nhưng tôi phải nói rằng có một vẻ đẹp gì đó ở đây. Chuyện này thật kinh khủng, đúng là một thảm họa. Nhưng tuy vậy ở đây có một một cái gì đó thuộc về cái đẹp. Cái sự việc xảy ra này quá hoàn hảo. Tôi nhiều lúc thậm chí không thể tin được rằng nó đã xảy ra. Đôi khi tôi tự nhủ rằng, nếu hai chiếc máy bay này không lao vào tòa tháp, thế giới sẽ khác xa cái thế giới ngày hôm nay như chúng ta đang thấy”.
Bước ngoặt mà nước Nhật chọn lựa vừa qua, theo Murakami, đến từ việc tự ý thức trở lại sau những mất mát to lớn và từ việc nhìn nhận lại các giá trị. Những gì là quan trọng, là ưu tiên số một của ông? Đó đều là những thứ rất đơn giản. “Nếu bạn thực sự giàu có, cái đó rất tuyệt. Bạn sẽ không phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền, cái tốt nhất mà người ta có thể mua được bằng tiền là sự tự do, là thời gian. Tôi không biết tôi kiếm được bao nhiêu tiền một năm. Thực sự không có chút hiểu biết gì về chuyện đó. Tôi không biết mình đóng thuế bao nhiêu một năm. Tôi không muốn nghĩ về chuyện thuế”. Một khoảng im lặng kéo dài. Thật là tuyệt vời. Tôi có một kế toán. Và vợ tôi quán xuyến tất cả chuyện này. Đấy là công việc của họ, tôi không muốn dính líu vào. Tôi chỉ ngồi viết, đó là một loại lao động cật lực. Vậy thì ông chắc hẳn thực sự tin tưởng nơi vợ ông. Chúng tôi cưới nhau được hơn bốn mươi năm, đó luôn luôn là một người bạn của tôi. Chúng tôi trò chuyện, luôn luôn có những buổi trò truyện. Cô ấy giúp tôi rất nhiều. Cô ấy cho những lời khuyên trong lúc tôi sáng tác hay chỉnh sửa tác phẩm. Tôi tôn trọng quan điểm của cô ấy. Đôi khi xảy ra tranh luận giữa hai chúng tôi. Quan điểm của cô ấy rất cứng rắn. Cái đó đôi khi xảy ra”. Có thể đó chính là cái cần thiết cho ông?. “Tôi cũng nghĩ thế. Nếu nhà xuất bản làm điều tương tự như thế với tôi, chắc chắn sẽ làm tôi nổi khùng”, Murakami nhún vai: “Tôi có thể chia tay với nhà xuất bản này để tìm nhà xuất bản khác, nhưng tôi không thể chia tay với vợ mình”. Cha ông đã mất cách đây hai năm, mẹ ông thì vẫn còn đang khỏe mạnh. Ông mong rằng những thành công trong nghiệp văn chương của ông làm họ thấy hạnh phúc, nhưng ông cũng không dám chắc vào điều đó. Murakami cũng có những nguồn an ủi động viên riêng của mình. Ông tham gia vào một câu lạc bộ điền kinh ở Hawai và ông vẫn được xếp vào loại trẻ trung ở đó. Ông chạy và ông viết mỗi ngày. Sự đều đặn, điều đó là quan trọng nhất. “Tôi thích đọc sách. Tôi thích nghe nhạc. Tôi sưu tầm các đĩa cổ. Và những con mèo. Giờ đây tôi không nuôi mèo trong nhà. Nhưng mỗi lần đi dạo, nhìn thấy một con mèo là tôi lại thấy mình rất hạnh phúc”.
Dương Thắng
Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Bref, J’ai Survécu” của Emma Brockes trong “Dossier: La Littérature Japonais”, đăng trên Le Magazine Littéraire, số tháng 5 năm 2012