Chuyên mục TRUYỆN HAY hôm nay, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn NƠI NẮNG CÒN VƯƠNG của tác giả Lê Đình Trung
Lê Đình Trung
– Sinh năm1996
– Nghề nghiệp: lao động tự do
– Quê quán: Xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Tác phẩm:
– Đã có truyện ngắn, tản văn, bài viết đăng trên một số báo như Văn nghệ Công an, Báo phụ nữ TPHCM, Báo thanh niên, Báo thế giới tiếp thị, Dân Việt, Báo Xây dựng, Báo Thanh Hóa…
– Sách in chung: Hà Nội Thành phố tôi yêu (năm 2021).
Giải thưởng
– Giải nhất cuộc thi viết “Hà Nội thành phố tôi yêu” của báo Thanh niên năm 2021
– Giải nhì cuộc thi viết tản văn Mùa xuân, Tổ Quốc và mẹ của diễn đàn Quán Chiêu Văn năm 2021.
– Giải khuyến khích cuộc thi “Ăn tết thời COVID” do báo Dân Việt tổ chức (lấy tên tác giả Nguyễn Thị Thanh) năm 2021.
– Giải khuyến khích cuộc thi viết thư “phòng chống dịch Covid-19” của diễn đàn Quán Chiêu Văn năm 2021.
– Giải nhì truyện ngắn cuộc vận động sáng tác văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc với chủ để “Người chiến sĩ Công an Lào Cai vì bình yên cuộc sống, vì nhân dân phục vụ” năm 2022.
– Giải Khuyến khích Trại sáng tác văn học về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân năm 2022.
– Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn “Tiếng vọng thời đại” năm 2022 của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh.
Mời quý vị nghe truyện ngắn NƠI NẮNG CÒN VƯƠNG của Lê Đình Trung qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà
NƠI NẮNG CÒN VƯƠNG
Mơ Thắm một buổi sớm mùa đông sương giăng ngập khắp bản nhỏ. Sương nhờ nhợ màu tro. Sương che khuôn mặt người. Sương làm ướt át cả đám cỏ ven đường. Khi đợt lạnh cuối cùng của mùa đông thổi từng cơn gió qua tấm liếp thông thống vào nhà, cây lê đầu ngõ háo hức đón chờ mùa xuân vội vã bật những bông hoa trắng muốt. Sau một đêm những cánh hoa mỏng manh uống no sương nặng trĩu, rớt từng giọt xuống dưới gốc cây tạo thành một vũng nước lớn.
Bên cạnh vũng nước có một tảng đá nhỏ là chỗ ngồi quen thuộc của Lả mỗi buổi chiều đông. Khi mặt trời gom những tia nắng cuối ngày về phía đằng Tây thành một khoảng trời tím đỏ, Lả xách ấm chè lá vối đang lục bục sôi từ trên bếp lửa lững thững đi về phía cây lê. Đặt chiếc ấm bên cạnh rồi ngồi lên tảng đá, lưng dựa vào gốc cây, ánh mắt Lả mơ màng hướng về phía con dốc dẫn ra đường lớn. Thi thoảng Lả nâng ấm nước lên ngậm vòi vào miệng tu ừng ực từng ngụm nước lớn rồi lại đặt xuống, hướng ánh nhìn không đổi.
Lả ngồi bất động, im lìm như đang ganh đua với tảng đá xem ai trơ lì với cái buốt lạnh của mùa đông miền núi hơn. Lả như đang chìm trong một miền ký ức nào xa xôi lắm. Có lẽ ở đó Lả được bay lên cùng với sương, được vượt qua trùng trùng núi, được hòa mình cùng với những áng mây trắng bồng bềnh để thả hồn mình trôi đi giữa đại ngàn xanh thăm thẳm. Lả cứ ngồi vậy cho đến khi trời nhá nhem tối, cả bản nhỏ lại ngập trong làn sương mờ đục mới trở vào trong nhà để chuẩn bị nấu bữa tối.
*
Hai mẹ con Lả sống trong một căn nhà nhỏ ở cuối bản. Nhà lên thị trấn khá xa, nhưng sự bất tiện đó không làm cho Lả thôi yêu thích căn nhà của mình. Từ vị trí ngôi nhà có thể nghe thấy tiếng thác Vân. Tiếng thác ầm ầm đổ từ trên cao xuống tung những bọt nước trắng xóa màu mây trời từ trong rừng vọng ra. Dưới chân thác Vân là suối Sậy với dòng nước trong xanh như ngọc. Chẳng dữ dội như thác Vân, suối Sậy chảy hiền hòa quanh bản trước khi đổ ra sông lớn.
Người ta nói con gái Mơ Thắm đẹp nức tiếng trong vùng do từ bé đã tắm suối Sậy, uống nước suối Sậy mà lớn lên. Đàn bà, con gái ở Mơ Thắm ai cũng đẹp, giọng nói trong như tiếng suối reo, mái tóc đen chảy dài chạm đến hông, nước da trắng ngần cùng hàm răng đều như hạt ngô nương làm bao chàng trai dưới xuôi lên say đắm quên đường về.
Mơ Thắm là một địa điểm du lịch thu hút lượng lớn khách tới tham quan. Ban đầu chỉ một vài nhóm nhỏ những thanh niên ưa khám phá, nghe đâu trên vùng đất miền núi này có thác nước cảnh đẹp tựa như chốn bồng lai tiên cảnh nên tìm đến. Tiếng lành đồn xa, những dòng người từ khắp nơi kéo về ngày một đông. Có đoàn từ trên tỉnh đến chơi nhờ người dân bản nấu hộ cho bữa cơm ăn tạm buổi trưa. Món cá suối với rau rừng đạm bạc thế mà trở thành đặc sản.
Rồi những sạp hàng bán đồ lưu niệm, các loại lá, thuốc hái từ rừng lần lượt nối đuôi nhau mọc lên vây kín dưới chân thác. Trong những sạp hàng lợp mái cọ đơn sơ đó có một sạp hàng luôn thu hút đông đúc khách hàng. Khách đến vì mua hàng thì ít mà để ngắm và trò chuyện với người bán hàng thì nhiều. Lạ một nỗi chẳng riêng gì du khách đến từ nơi xa mà ngay cả trai bản vốn không lạ lẫm gì với những món đồ bày bán nơi đây cũng nêm chặt kín sạp hàng nhỏ của Lả.
Năm đó Lả mười sáu, vẻ đẹp tuổi trăng rằm. Lả đẹp hơn tất thảy những cô gái Mơ Thắm. Đôi má ửng hồng, mắt đen láy như hòn than góc bếp, đôi môi đỏ mọng như quả chín trong rừng. Cái đẹp của Lả làm bao người lâng lâng như uống rượu men lá. Nồi rượu vừa mới nấu bên bếp lửa đưa hương thơm lừng nơi cánh mũi những ngày trời đông buốt giá. Uống một ngụm lại muốn uống hai, uống đến khi cạn cả can rượu nấu định bụng dành mời bạn dịp tết lúc nào không hay.
*
Bố mẹ Lả từng có công cứu giúp nhiều người trong bản, nên khi cái bụng Lả lùm lùm lên sau lớp áo. Không có chồng mà chửa là một điềm xấu, mang đến những xui xẻo, tai ương cho bản. Lả bị đuổi ra một cái chòi ngay sát bìa rừng cách xa địa phận của ngôi làng. Cả bản hắt hủi, xa lánh đứa con gái xinh đẹp như bông hoa chuối nở đỏ thắm giữa rừng ấy. Lả là bài học được bố mẹ mấy đứa con gái chưa lấy chồng lôi ra để răn đe con mình.
Ngày đũng quần ướt sũng, một mình trong căn nhà dựng tạm, Lả miệng ngậm chặt miếng vải, hai tay bấu vào hai đầu sợi dây thừng buộc sẵn từ xà nhà xuống, mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt, những sợi tóc bết dính hai bên má quằn quại một mình sinh con. Đứa bé sinh ra khóc oe oe, tự tay Lả vót nhọn thanh nứa cắt dây rốn cho con rồi đem chôn xuống dưới gốc cây lê trước nhà. Lả chuẩn bị củi để sưởi lửa cho hai mẹ con.
Hết chín ngày Lả mời thầy mo đến cúng làm lễ thôi sưởi lửa “nhá phay” để đặt tên con. Nhà chẳng có bóng đàn ông, Lả tự mình đan tạy ho cho con rồi treo lên, tạy ho này sẽ theo đứa bé đến tận ngày con lên gặp Mường trời. Thầy mo bắt đầu lầm rầm khấn bái báo cáo tổ tiên, cúng cho đứa bé khỏe mạnh, cho bầu vú của Lả nhiều sữa, không tắc để nuôi con. Thầy mo thay luôn mẹ Lả cắt tóc đứa bé, buộc chỉ vào cổ tay của hai mẹ con để chúc phúc, cầu bình an. Treo nôi đáng lẽ là công việc của bà ngoại nhưng Lả nhờ thầy mo làm thay rồi cũng chính thầy mo thay luôn bà nội đặt đứa bé vào nôi ru ngủ.
Lả đặt tên con là Phiêng với ý nghĩa bãi cỏ rộng như sự ghi nhớ nơi đứa bé được gieo mầm sự sống. Xong xuôi thầy mo ra về, Lả nhìn đứa bé ngủ ngon lành mà bật khóc nức nở tủi thân, lễ thôi sưởi lửa của con mà chẳng có lời chúc, không có người thân nào bên cạnh để uống chén rượu mừng.
Đàn bà đẹp không có tội, nhưng đàn bà lăng loàn chửa hoang mà lại đẹp thì luôn là cái gai trong mắt những người đàn bà khác trong bản. Lả vốn đẹp, có con rồi lại càng thêm đẹp, vẻ đẹp mặn mà của người đàn bà khiến bao gã đàn ông đêm đêm mò đến dưới chân nhà Lả. Lả một tay bế con, tay xách con dao qoắm chỉ thẳng mặt gã đàn ông lạnh lùng:
– Ông mà bước tới thì đừng trách tôi.
Gã đàn ông hằm hằm quay mặt bước đi. Trước khi đi hắn còn nhỗ toẹt bãi nước bọt:
– Đã làm đĩ còn bày đặt thanh cao.
Nhìn gã đàn ông say rượu loạng choạng rời khỏi nhà, Lả mới dám thả con dao trên tay xuống. Lả khóc. Nước mắt Lả tuôn như suối, rơi ướt cả tóc con bé. Nhìn mắt, nhìn mũi đứa bé Lả càng tủi thân khóc to hơn làm con giật mình khóc thét lên.
*
Ông Chựa bố của Lả vốn là thầy lang nổi tiếng cứu người bị rắn độc cắn. Có người cả cơ thể tím tái, co giật, độc đã gần ngấm đến tim, hơi thở mỏng như sợi tơ con nhện giăng nơi xó nhà chờ bị con ma rừng bắt đi. Người nhà hết cách mang đến nhà ông Chựa cầu cứu. Ông bảo vợ vào nhà lấy mấy loại lá giã nhuyễn vắt nước cho người bệnh uống, phần bã còn lại thì đắp vào vết thương. Bài thuốc của ông Chựa chỉ đơn giản vậy mà người bệnh thoát chết. Sau khi qua cơn nguy kịch thì mang về nhà chăm sóc thêm ít hôm là khỏi hẳn.
Ở Mơ Thắm đối với người đi rừng không có gì đáng sợ hơn con ma rừng. Người bản có một câu nói bất hủ về chốn rừng thiêng, nước độc “rắn cắn có ma, hùm tha có số”. Con ma rừng đã chọn ai nó sẽ sai con rắn độc đến đế bắt người đó theo hầu, còn khi ghét ai nó sẽ sai con hổ đến ăn thịt. Ông Chựa cứu sống được người khác, nhưng ông không cứu nổi mình.
Một lần nhà hết thuốc ông một mình vô rừng tìm hái còn chưa kịp đến nơi thì ông bị chính rắn độc cắn chết. Người dân trong bản bảo nhau, ông Chựa đắc tội với con ma rừng vì cướp từ tay nó bao nhiêu người nó chọn nên bị bắt thay thế. Mẹ Lả từ cái chết của chồng không nhận chữa trị rắn cắn nữa, mà chỉ chữa các bệnh thông thường vì sợ con ma rừng trả thù bắt đi như chồng.
Nhà có tám chị em gái, bảy chị trước Lả đều đã đi lấy chồng nên khi ông Chựa chết trong căn nhà nhỏ chỉ còn lại hai mẹ con. Hàng ngày mẹ Lả vào sâu trong rừng tìm các cây thuốc mang về rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi khô để Lả mang ra sạp bán cho du khách. Một buổi sớm mùa đông, khi trời còn đẫm hơi sương mẹ Lả đeo theo gùi, chân bước thoăn thoắt như rẽ sương mà đi vào rừng. Có những loại cây thuốc phải hái trước khi mặt trời ló rạng nên phải đi sớm cho kịp. Giữa đường bà nghe thấy có tiếng người kêu cứu, phải mất một lúc lần mò trong lớp sương ken đặc tầm mắt bà mới tìm đến nơi người thanh niên đang vật vã, đau đớn.
*
Mẹ sai Lả rót nước ấm lau rửa mặt mũi và vết thương cho chàng thanh niên. Nhìn người đàn ông sắc mặt trắng bợt đang nằm bất tỉnh nơi góc nhà, Lả biết ngay người này bị rắn cắn.
– Mẹ à, thế còn… còn con ma rừng.
Mẹ Lả thở dài:
– Chả nhẽ thấy chết lại không cứu à con, mẹ đã cho uống và đắp lá ở trong rừng rồi chắc một lúc nữa sẽ đỡ hơn.
Người thanh niên sau khi được cứu mặt bắt đầu có thần sắc hơn. Ngồi bên cạnh ngắm nhìn chàng trai người dưới xuôi lên lòng Lả xốn xang một xúc cảm lạ kỳ. Mái tóc anh đen mượt, những lọn tóc bị gió thổi bay cuốn theo mùi hương của phố thị, sống mũi cao, nước da trắng thư sinh không giống những người khách mà Lả từng gặp, càng không giống các chàng trai trong bản.
Người thanh niên tỉnh lại sau hơn nửa ngày li bì. Anh kể với Lả mình là sinh viên năm cuối trường địa chất, sáng sớm vào rừng để nghiên cứu, đo đạc cho bài luận cuối khóa. Giữa đường vì lớp sương mù dày đặc nên anh bị lạc, đang loay hoay không biết đi hướng nào thì anh cảm thấy dưới chân đau nhói. Nhìn xuống thấy có con rắn đang cuộn tròn quanh chân, anh thét lên thất thanh.
Lả bê tô cháo gà, vừa múc ra từ trên bếp khói bay nghi ngút làm mờ cả chiếc kính cận của người thanh niên. Lả đưa bát cháo cho anh, vừa nhìn chàng trai ăn, vừa say mê nghe anh kể về đất, về nước, về các loại khoáng sản, những công trình cao tầng mà anh được học. Dù chẳng hiểu những gì anh đang nói nhưng Lả như bị ai đóng đinh nơi đầu giường, cứ ngồi nghe, nghe mãi không biết chán chẳng thể đứng lên làm việc gì khác. Anh chàng xin mẹ Lả được ở lại mấy hôm cho đến khi làm xong bài luận, mẹ Lả thương tình đồng ý.
Từ hôm đó mẹ đi bán thuốc, Lả thay mẹ đi rừng và tình nguyện làm người hướng dẫn để chỉ đường cho người thanh niên. Lả đưa anh lên trên đỉnh núi nơi khởi nguồn của thác Vân, anh khoan khoan, đục đục, ghi ghi, chép chép còn Lả ngồi bện những vòng hoa cỏ moan. Cỏ moan chỉ mọc hai bên bờ đỉnh thác Vân, cỏ có lá thon dẹp màu xanh nhạt mọc từng mảng đan xen với nhau thành một tấm thảm màu xanh mát mắt.
Người trong bản kể rằng ngày xưa có một đôi nam nữ yêu nhau say đắm, nhưng gia đình cô gái chê nhà chàng trai nghèo không sắm đủ trâu, đủ lợn mang đến nhà cô gái nên cấm cản. Hai người bỏ làng chạy vào rừng, chạy mãi, chạy mãi, chạy cả ngày cả đêm, chạy không biết qua bao nhiêu cánh rừng đến đỉnh thác Vân thì cả hai kiệt sức chết. Nơi hai người nằm xuống từ đó mọc lên loài cỏ dại, dân bản gọi là cỏ moan. Cỏ moan là biểu trưng cho một tình yêu vĩnh cửu, người con trai, con gái yêu nhau nếu tặng nhau chiếc nhẫn cỏ moan sẽ mãi mãi không xa rời. Lả vừa kết vòng hoa vừa tủm tỉm nghĩ về câu chuyện đó, đến khi ngẩng mặt lên thấy chàng trai đang chăm chú nhìn mình nở nụ cười tươi rói, làm hai má của Lả đỏ lên như bông hoa gạo.
Lả chỉ cho anh các loại thuốc quý, dạy anh cách phân biệt các loại cây có độc và kể cho anh nghe về loài cỏ moan nơi đỉnh thác. Lả đi trước, anh theo sau rón rén từng bước chân, vừa nghe Lả nói vừa chăm chú quan sát dưới chân vì nỗi ám ảnh sau cái lần bị rắn cắn suýt mất mạng. Đang kể hăng say thì nghe tiếng anh hô lớn “có rắn đằng trước” làm Lả giật mình bước lùi về phía sau va phải người anh làm cả hai ngã ra đất.
Hai người vội vàng ngồi dậy, anh chỉ con rắn đang nằm phía trước, Lả bật cười thì ra đó chỉ là rễ của một loại dây leo. Tiếng cười của Lả làm mặt anh đỏ bừng vì xấu hổ. Lả chợt nhận ra hai người đang ngồi rất sát nhau, Lả nghe trống ngực đánh từng hồi rộn rã. Anh đưa tay vuốt lại mấy lọn tóc đang xõa ra của Lả. Lả e thẹn cúi đầu xuống hai tay vân vê nơi gấu áo. Bờ môi mềm của Lả nằm gọn trong bờ môi anh.
Tim Lả đập thình thịch, cái mùi mồ hôi ngái ngái của đàn ông nơi anh làm người Lả như có ngàn con kiến bò ngứa ngáy. Từng cái cúc áo, từng lớp váy được cởi ra. Hai thân thể quấn lấy nhau, bụi cây rập rềnh những con sóng làm xáo động cả khu rừng. Những tiếng thở gấp gáp như hòa quyện với tiếng thác đổ tạo nên những thanh âm đê mê giữa đại ngàn.
Anh tặng cho Lả chiếc nhẫn được kết từ cỏ moan cùng lời hứa sau khi tốt nghiệp sẽ về cưới Lả làm vợ. Ngày anh đi Lả tiễn anh nơi con dốc dẫn ra đường lớn, trời chiều đông hoang hoải một nỗi buồn mênh mang. Bóng anh đã khuất xa từ lâu Lả vẫn đứng đó đến khi bóng đêm bủa vây và sương mù ken đặc tầm mắt mới trở về nhà.
Con ma rừng đã không trả thù mẹ Lả bằng cách sai con rắn độc, nhưng trong một chuyến đi rừng bà trượt chân té ngã khi đang cố hái một loại thuốc mọc trên một tảng đá cheo leo. Người ta tìm thấy bà khi mấy con chim rừng đã bắt đầu rỉa xác. Từ đó Lả sống một mình trong căn nhà cuối bản cho đến ngày bị dân làng đuổi ra phía bìa rừng.
Lả vẫn đi rừng và bán thuốc, sạp hàng có thêm một đứa bé đã bớt đi nhiều những vị khách ghé thăm, thế nhưng số tiền kiếm được vẫn đủ để hai mẹ con Lả trang trải, để Lả chờ người con trai đó quay trở lại.
*
Mùa đông nối tiếp những mùa đông, đứa bé mới đó đã lên năm tuổi, Lả vẫn ngồi bên tảng đá ngóng trông về phía con đường lớn, nhưng người đó như làn sương mờ hiển hiện nhưng chẳng thể với tới và biến mất không dấu vết khi mặt trời rọi những giọt nắng xuống.
Lả bán hàng ở sạp, nghe mọi người xôn xao sắp tới trên đỉnh thác Vân người ta sẽ xây dựng cái khu “rì sọt” gì đó to lắm. Cả bản phấn khởi vì lượng khách du lịch sẽ ngày một đông, người dân sẽ có thêm thu nhập. Lả vừa trông con vừa giới thiệu các loại thuốc cho khách du lịch thì thấy có một chiếc xe ô tô biển màu xanh từ đâu xuất hiện. Nghe đâu là đoàn khảo sát lên để đánh giá công trình. Nhìn đám người lục đục đưa theo các thiết bị mang lên đỉnh thác Vân, Lả bất ngờ giật mình làm rơi cả nắm thuốc trên tay đang định bốc cho khách.
Đêm ấy và những đêm sau nữa điện nhà Lả sáng lâu hơn mọi ngày. Đến khi tiếng chó dưới chân cầu thang sủa inh ỏi, thêm một cái bóng đen xuất hiện chảy dài trên bức tường đèn mới tắt. Lả khóc, người đàn ông ôm chặt lấy Lả, hứa sẽ không để mẹ con Lả phải khổ. Người đó chỉ đến vào buổi tối, khi lớp sương mù và bóng đêm che kín mặt người. Chỉ như thế cũng đủ làm Lả hạnh phúc, Lả như bông hoa héo úa trên cánh đồng khô hạn gặp cơn mưa rào ướt át tưới tắm bung sắc thắm. Lả bỏ mặc những tiếng bấc, tiếng chì về việc có người đàn ông đêm đêm đến bên ngôi nhà nơi bìa rừng.
Lần này anh về Mơ Thắm với vai trò là một kỹ sư, anh nghiên cứu địa chất nơi thác Vân phục vụ cho việc xây khu resort Mơ Thắm của tỉnh. Khu resort khang trang, hiện đại là một trong những công trình trọng điểm kích cầu du lịch của huyện miền núi này, nên được đặc biệt quan tâm. Nếu làm tốt anh sẽ được đề bạt lên chức nên anh dốc toàn tâm sức của mình để nghiên cứu đánh giá cho ra một bản báo cáo chính xác nhất.
Sau khi nhận được báo cáo từ anh, nhà thầu nhanh chóng đưa các loại máy móc, xe cẩu, xe lu đến để tiến hành khởi công công trình. Hôm khởi công Lả và bà con trong bản bỏ cả việc bán hàng lên xem. Lả thấy anh mặc bộ áo vest lịch lãm, miệng cười tươi rói, bắt tay hết người này đến người khác. Bên cạnh anh còn có một người đàn bà trẻ trung xinh đẹp đang bế trên tay đứa con trai đâu chừng khoảng hai, ba tuổi. Lả chết lặng.
Người ta ủi sạch hai bên bờ thác Vân, những cây cỏ moan bị vùi lấp dưới những lớp đất đá. Lả chuếnh choáng bế theo con, nước mắt chảy dài đi về phía rừng.
Anh rời đi, y như năm năm về trước bỏ lại Lả trong một chiều đông u buồn, chỉ khác lần này chẳng còn cỏ moan cho anh kết nhẫn để tặng Lả. Anh đi để lại nơi giọt nắng còn vương một ánh nhìn hoang hoải của người đàn bà chưa kịp trẻ đã già.
*
Và những hoàng hôn cứ nối tiếp qua đi, qua đi… và một ngày xa lắm, người đàn bà nhìn xuống dưới chân dốc, thấy một người đàn ông đang cắm cúi tìm lên. Ông ấy đi một mình, không còn có ô tô đưa đón…