Nguyễn Quang Hưng

Tưởng chừng đã lắm vụ đạo văn bị phát hiện, bị lên án trong quá khứ thì đời sống văn chương sẽ lắng trong. Ai dè gần đây lại thêm nhiều lần khuấy đục.

1. Đầu tháng 10, nhà thơ Lê Đình Hiếu lên tiếng về bài thơ lục bát “Đừng em” của mình đã đăng báo và in tập mấy năm qua, vừa bị đạo toàn bộ. Mới đây, bài “Lời thỉnh cầu từ nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng viết năm 1995, bị chỉnh “chút xíu” và đăng tải đàng hoàng dưới tên người khác. Dư luận lại vừa biết có đến sáu bài giống nhau trong hai tập thơ “Đồng đội tôi” (NXB Hội nhà văn, 2012) của tác giả Trần Sơn Lâm và “Màu mây tầng mỏ” (cũng NXB Hội nhà văn, 2010) của tác giả Trần Luyến. Nhà văn Ngô Phan Lưu cũng vừa ngán ngẩm khi truyện ngắn “Buổi sáng biến mất” của ông, từng được giải Nhất cuộc thi của báo Văn nghệ năm 2007, bị một tác giả khác “dùng lại” với cái tên “Người đòi chết”…

Lạ lùng là sự nhục nhã và tai tiếng vì đạo văn đã được phân tích đến “nát” cả giấy bút, nhưng vẫn có những kẻ dẫm vào vết xe đổ, nuôi ảo tưởng mua danh bằng chất xám người khác. Càng kỳ quặc nếu đối tượng vi phạm tác quyền nghĩ rằng “cái kim sẽ ở trong bọc mãi”! Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý – Tạp chí Văn nghệ quân đội bình luận: Một sự háo danh vô cùng dại dột! Việc này trước sau cũng lộ ra. Kẻ đạo văn có thể lừa những biên tập viên ít đọc nhưng khó qua mắt bạn viết, bạn đọc gần xa. Chính Nguyễn Hữu Quý cũng từng là nạn nhân, nhà thơ kể: “Năm 1997-1998 gì đấy, tôi vô cùng sửng sốt khi thấy bài thơ “Đi tìm đồng xu nhỏ bé” mình làm trước đó mấy năm, in lần đầu ở tờ Ngân hàng Quảng Trị, sau in lại ở Văn nghệ quân đội số Tết, đăng trên một tờ báo với cái tên tác giả nữ lạ hoắc. Tôi tức tối kể với nhà thơ Vương Trọng, anh cười nói: “Trước hết chúc mừng em có bài thơ hay được bạn đọc yêu thích. Có yêu thích thì người ta mới chép lại của mình chứ! Nhưng cái tội của người chép là lấy tên mình điền vào tên tác giả… Việc này, cứ nên bình tĩnh mà xử lý”. Tác giả thật đã đến tờ báo đó với tất cả chứng cứ. Tòa soạn mới biết mình bị lừa và ra một thông báo nho nhỏ vào số báo tiếp theo.

2. Lý giải một phần nguyên do của việc bao năm nay vẫn tái diễn các vụ vi phạm trắng trợn và lố bịch, ngoài sự háo danh, háo sang, thích ăn sẵn của đạo tặc, nhà thơ Nguyễn Trọng Văn – Đài PTTH Hà Nội cho rằng: Hình như tất cả chúng ta đều chấp hành không nghiêm luật pháp? Khi tác phẩm văn học được tác giả in báo, in sách… thì mặc nhiên nó được coi là đã đăng ký bản quyền cho dù các tác phẩm đó chẳng được ai đóng dấu bản quyền gì cả. Thêm nữa, một tác giả văn học công bố được tác phẩm trên báo hay trong sách thì có khi đã mãn nguyện rồi, nếu có ai nói đi đăng ký bản quyền cũng thấy ngại mà thôi. Những lỗ hổng đó từ phía luật và phía tác giả, đã tạo điều kiện cho đạo văn hoành hành.

Rõ ràng, việc bảo vệ tác phẩm sau khi ra đời vẫn thường để ngỏ. Và không thể cứ đợi một ngày ý thức chôm chỉa câu chữ của người khác tắt ngấm trong đầu những kẻ lười lao động. Tác giả lên tiếng, tòa soạn đính chính, dư luận phê phán, “đạo tặc” xin lỗi ngay hoặc “miễn cưỡng” xin lỗi sau thời gian quanh co…, có lẽ chưa đủ! Cần những điều chỉnh về luật pháp để ngăn chặn và xử lý những hiện tượng, đối tượng này. Chứ còn như nhà thơ Nguyễn Trọng Văn thì: “Xin lỗi xong tất cả lại về mà. Đấy cũng là lỗi về những lỗ hổng!”.

 

 

 

PGS, TS nhà văn Ngô Văn Giá – Trưởng khoa viết văn – báo chí – Trường ĐH Văn hoá Hà Nội:

“Cần đưa ra pháp luật”

Theo ông, phê phán nhiều thế sao người ta vẫn “ham muốn” đạo văn?

– Đây thực chất là hành vi ăn cắp trắng trợn không thể chấp nhận được, cần phải lên án mạnh mẽ. Kẻ đạo văn có thể nghĩ chắc không ai biết. Hoặc có khi sốt ruột nổi tiếng, muốn xuất hiện bằng mọi giá, bất chấp liêm sỉ, nên sinh ra làm liều.

Ông nghĩ thế nào về kẻ đạo văn, thái độ đối với họ?

– Đó là những kẻ vô đạo đức nghề nghiệp! Nếu anh vi phạm đạo đức nghề nghiệp như vậy, thì đừng bao giờ mong trở thành người viết chuyên nghiệp được. Tôi lấy làm lạ, có người khi nghe chuyện đạo văn lại lập luận: Ối dào, có kẻ ăn cắp của nhân dân số tài sản lớn đến mức mua được cả một khu phố còn chẳng làm sao nữa là… Nói như thế chẳng hóa ra buông xuôi mọi thứ ư? Phải biến thành một dư luận xã hội mạnh mẽ, thường xuyên, và thật kiên nhẫn, thì mới hy vọng đẩy lùi được nạn đạo văn hiện nay.

Nên xử lý thế nào để hạn chế ở mức thấp nhất nạn đạo văn?

– Trước nhất, kẻ đạo văn phải chịu trách nhiệm trước tòa soạn đã đăng bài đạo văn. Tòa soạn phải truy thu nhuận bút, “cấm cửa” không cho tái xuất hiện nữa. Sau đó, tòa soạn, mà cụ thể là tổng biên tập chịu trách nhiệm xin lỗi tác giả bị đạo văn và bạn đọc rộng rãi. Nếu đạo văn tới mức trầm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cần đưa ra pháp luật. Người bị đạo văn, cũng không nên xuê xoa dễ dãi, mà cần tố giác để góp phần làm trong sạch môi trường tri thức và trí thức của chúng ta.

Nguồn: Thời nay