Mật Hùng
Trại sáng tác phối hợp giữa Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật An Giang với chủ đề “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc” diễn ra từ ngày 1 đến 14 tháng 8 năm 2017 tại thành phố Châu Đốc. Qua mười lăm ngày dự trại, với ba chuyến đi thực tế: đi tàu trên kinh Vĩnh Tế để cảm nhận được cái mênh mang thi vị mùa nước nổi miền Tây; thăm Tức Dụp, căn cứ địa của huyện ủy Tri Tôn và tỉnh ủy An Giang, nơi được mệnh danh là Sơn đạo thép trong chống Mĩ, kết hợp nghe và trò chuyện cùng các vị lão thành cách mạng, các cựu chiến binh từng chiến đấu ở vùng này, ghé thăm khu tưởng niệm những nạn nhân bị Polpot giết hại tại Ba Trúc năm 1978; đi thăm sư đoàn 330 và trung đoàn bộ binh 20, để hiểu thêm cuộc sống cũng như tâm tư tình cảm của người lính hôm nay. Cùng với đó, những chuyến thâm nhập thực tế của cá nhân các trại viên cũng làm phong phú thêm những hiểu biết về đất và người An Giang… Kết thúc trại sáng tác, ba mươi tác giả tham gia trại đã cho ra đời hơn chín mươi tác phẩm cả văn xuôi và thơ có chất lượng, đa dạng về đề tài.
Về văn xuôi
Với hơn năm mươi tác phẩm nộp về trại, trong đó có mười lăm tác phẩm kí, ghi chép, bốn mươi truyện ngắn, các tác giả đã tập trung khai thác các đề tài: chiến tranh cách mạng và người lính, lịch sử, văn hóa vùng đất, các vấn đề xã hội nóng bỏng hiện nay…
Đề tài chiến tranh cách mạng và người lính
Đây là đề tài được tập trung đầu tư thu thập tư liệu để viết của cả Ban tổ chức và các trại viên. Vì thế, hầu hết các tác phẩm đều lấy cảm hứng từ cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của những người con mảnh đất miền Tây, đặc biệt là An Giang trong chống Mĩ và biên giới Tây Nam. Thế mạnh của thể loại kí chân dung được phát huy tối đa cho những khắc họa này. Bút kí Sống như một dòng sông của Võ Diệu Thanh viết về cô Ba Hương, người con của mảnh đất An Giang, một người chiến sĩ cách mạng kiên trung bất khuất, bị địch bắt tra tấn dã man, trong đó có những dòng khiến ai đọc tới cũng phải lặng người vì tội ác của kẻ thù: “Dòng điện tàn bạo ngày nào đi vào như vẫn còn ở y đó. Mỗi khi trời chuyển mưa giông sấm chớp, cô lại thấy dòng điện ấy bật lên chạy rần khắp cơ thể, co cứng quai hàm, tê buốt từng thớ thịt” rồi “nước xà bông ớt xộc vào từng xoang mũi, tưởng như tràn vào tận óc”. Còn Ngày trở về – bút kí của Hoàng Thị Trúc Ly lại là những khúc quyện của mênh mang: mênh mang đồng nước, mênh mang điên điển nở vàng cả trong hiện tại và quá khứ, mênh mang vui, buồn, mất mát trên từng nhịp chèo khi hai người lính già trở về quá khứ trên chuyến xuồng kí ức. Bên cạnh đó, một số bút kí khác như: Người quân báo bắt cướp, Những người bước ra từ cuộc chiến Biên giới Tây Nam của Võ Quốc Tuấn… là những phác thảo rõ hơn về sự anh hùng cũng như mất mát đau thương của vùng đất này. Đặc biệt, nhà văn Trần Hữu Dũng của thành phố Hồ Chí Minh, dù không phải là trại viên trại sáng tác nhưng cũng hưởng ứng bằng hai bút kí giàu cảm xúc: Tàu 43 – đoàn tàu không số: kí ức hào hùng người lính; Họa sĩ Phong Ba – người vẽ chân dung Bác Hồ.
Với thời gian chỉ mười lăm ngày bao gồm cả những chuyến đi thực tế, vì thế truyện ngắn về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính ở nhiều tác giả vẫn đang trong quá trình thai nghén. Tuy nhiên, có những ăng ten tâm hồn khá nhạy đã bắt được tần số cảm xúc vùng đất để vụt thành tứ truyện ngay trong các chuyến đi. Đó là Gió sông Bình của Vũ Thanh Lịch, Tiếng vọng của Lê Quang Trạng, Ngụ ngôn tháng Tư của Tú Ngọc. Với Ngụ ngôn tháng Tư, hiện thực hôm nay thổn thức trong quá khứ đẹp buồn cuộc chiến Biên giới Tây Nam, trong câu chuyện người lính đi tìm bông hoa súng đỏ trên cánh đồng mênh mông nước theo ước nguyện của người yêu đang cơn hấp hối; thổn thức trong lịch sử vùng đất này thời tướng Võ Văn Vương đuổi theo Nguyễn Ánh và mắc kẹt ở đây để rồi neo tâm hồn người đọc lại vùng đất có tên Búng Bình Thiên.
Các tác giả dự trại sáng tác tham quan thực tế tại miền Tây – Ảnh: Trương Chí Hùng
Ngược với Ngụ ngôn tháng Tư, Cuộc chờ của tác giả Nguyên Chương lại là câu chuyện hết sức giản dị nhưng đầy khắc khoải. Kể về mối quan hệ của ba người, tựa như một tam giác có một đỉnh là người lính mất tích trong chiến tranh. Hai đỉnh kia, là cô gái tên Miên – như chính cái tên mình, miên viễn cuộc chờ thủy chung với linh cảm người yêu mình vẫn sống và Quyết – đồng đội của người lính mất tích với lời hẹn sẽ về chăm sóc Miên nếu người còn lại hi sinh. Bên cạnh đó, các truyện ngắn khác như Dấu chấm treo của Thu Trân, Họa sĩ làng của Dương Đức Khánh cũng là những câu chuyện đầy ám ảnh về đề tài này.
Đề tài xã hội
Nếu như với đề tài chiến tranh, rất nhiều truyện ngắn, bút kí còn đang được thai nghén sau những chuyến đi thực tế thì hầu hết các tác phẩm đề tài xã hội đã được nhiều tác giả bắt đầu từ trước khi dự trại và hoàn thành trong thời gian diễn ra trại viết. Phố Cối của Vũ Thanh Lịch là một câu chuyện khá phổ biến ở các vùng miền cả nước hôm nay: Làng lên phố! Nhưng khác với các truyện ta thường gặp khai thác cái bi, sự đánh mất bản sắc của làng, Phố Cối lại là một câu chuyện dí dỏm và đầy tình người. Tác phẩm có những trang văn diễn tả tinh tế tâm lí của một người đàn bà quê mùa đã trót dại có mang, sau đó vì sợ lại tiếp tục trót dại vào vai đội lễ dành cho những cô gái đồng trinh trong một lễ hội thiêng của làng… Hồi quang, Tiếng hát lau sậy, Tiếng sáo của Bảo Thương là những truyện ngắn có những trang văn giàu sức gợi. Bên cạnh đó, những phận người, cảnh đời, những tình yêu đẹp đầy nhân văn cũng hiện lên qua các truyện ngắn: Mộ núi của Nguyễn Thị Việt Hà, Giấc mơ của thần rừng của Nguyễn Văn Toan, Rồi tan tro bụi của Nguyễn Thu Phương, Cỏ mọc ở sân của Vũ Thiên Kiều và trong tác phẩm của các tác giả khác như: Phan Duy, Đỗ Quang Vinh. Tiểu Quyên, Trương Thị Thanh Hiền, Trương Chí Hùng… Mảng đề tài lịch sử cũng được tập trung khai thác, thể hiện qua các tác phẩm: Mây trôi viễn xứ của Tú Ngọc, Thiên chức, Trăng lạnh của Phạm Hữu Hoàng, Cánh mai đen của Lê Vũ Trường Giang, Mùa cá linh, Rồng ngủ đất phương Nam của Triều La Vỹ.
An Giang – vùng đất của những trầm tích văn hóa, của cảnh sắc thiên nhiên và lòng người nhiệt thành ấm áp đã níu giữ hồn người. Đó cũng là lí do để nhiều tác giả khai thác, tìm cảm hứng qua những bút kí về vùng đất. Núi Cấm hiện lên với “một thứ tinh thần riêng biệt, tường trình cái căn cước thiêng liêng” để cho ta “đắm đăm thả dòng suy tư của mình miên miết trôi giữa vết xước sương mù, nỗi thâm trầm rừng già và niềm ngưỡng vọng chân lí” trong bút kí Lên Cấm Sơn của Lê Vũ Trường Giang. Chông chênh đá của Trương Chí Hùng như chính cái tên đã đặt, là những chông chênh vùng đá, phận người. Đá Tri Tôn gắn với cuộc đời chìm nổi của người gánh đá mướn gần ba mươi năm. Đá Ô Tà Sóc, Ma Thiên Lãnh gắn với câu chuyện cảm động của bảy người lính bị kẹt lại khi bom Mĩ đánh sập cửa hang. Đá núi Cấm, Đá núi Sam gắn với sự linh thiêng thành kính. Những tên đất, tên làng Nhơn Hưng, Phú Lộc cũng hiện lên qua các bút kí của Trần Sang, Lê Quang Trạng… như một chỉ dấu văn hóa, lịch sử đối với người đọc.
Về thơ
Nhắc tới An Giang là nhắc đến những nguồn thi hứng bất tận. Cũng bởi An Giang đậm sâu về văn hóa, giàu có về tình người, đa dạng về phong cảnh và kiên cường bất khuất trong mọi cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Chính những điều này đã làm nên một tinh thần sáng tạo không ngừng cho những tác giả tham gia trại viết lần này.
Cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam của Tổ quốc diễn ra chưa xa. Khi những đau thương mất mát của những Ba Chúc, Ô Tà Sóc, Ma Thiên Lãnh… vẫn nhoi nhói đến hôm nay, khi niềm tự hào về một thời đứng lên “đuổi quân cướp nước, dẹp lũ bạo tàn” được nhân dân An Giang hàng ngày nhắc đến thì cũng là dịp cho thơ ca được mở lòng, đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc được thể hiện một cách nổi bật nhất.
Nội kể những năm bình định quê mình bám đất, giữ làng/ Nội kể có lần Pôn-pốt tràn sang tàn sát bà con/ Nội kể những người đồng đội xác còn gởi lại chiến trường/ Nội kể và rồi nội khóc/ Tuổi già mắt lệ như sương… đó là những câu thơ trong bài Kí ức ông tôi của Trương Trọng Nghĩa. Một bài thơ mà chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ gợi nhắc cho ta về một thời, đủ làm lòng ta lặng xuống. Dù tác giả không đi vào một hình ảnh cụ thể nào nhưng sự gợi ám về cuộc chiến lại mang đến nhiều day dứt.
Mẹ ngồi nhớ bóng anh xưa là một bài thơ thấm đẫm câu chuyện nhân văn của tác giả Trương Nam Chi. Khi hi sinh đã có sự chuyển hóa giấc mơ người trao gửi giấc mơ cây thì mảnh đất nơi người ngã xuống cũng được hồi sinh: Đất hồi sinh sau những tháng năm dài/ rừng xanh cành thiếu nữ/ gỡ niêm phong ngày cũ/ mẹ giờ nhớ tuổi xuân anh.
Trong niềm xúc động khi đến thăm Ba Chúc, nơi mà trong suốt mười hai ngày chiếm đóng từ 18 đến 30 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ đã giết chết 3.157 dân thường, nhà thơ Vũ Thiên Kiều đã viết nên những câu thơ đầy ám ảnh: Miền biên giới của thời bão lửa/ trận cuồng phong xanh lá hóa màu tro/ nơi cửa Phật ngỡ người người qua nạn/ máu chảy ngập chùa/ tiếng thét xối vào không (Gọi tên ai).
Những vần thơ lục bát của tác giả Lê Quang Trạng lại làm lòng ta lay động bởi những điều có và không trên hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc. Người lính nào khi ra trận cũng có tên tuổi nhưng khi nằm xuống đất mẹ thì không phải ai cũng có dòng tên trên mộ chí của mình. Sự hi sinh, mất mát của người lính qua thơ anh càng trở nên cao cả hơn và cũng đau xót hơn: Tiếng gió rơi vào mênh mông/ một hàng mộ, một hàng không tên người/ mùa nào súng nổ rách trời/ tên ghi lên áo, tuổi đời mang vai (Mùa gió trên dốc Bà Đắc).
Viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc trong trại viết lần này không thể không nhắc đến những bài thơ như Bóng núi của Nguyễn Thanh Hải, Một trăm hai tám ngày đêm của Nghiêm Quốc Thanh, Chuyến về của Phan Duy… Không chỉ ở đề tài này, các tác giả khi tham gia trại viết còn có những xúc cảm rất sâu đậm về mảnh đất và con người An Giang. Trong đó phải kể tới những sáng tác của các tác giả Đỗ Quang Vinh, Trương Chí Hùng, Lê Quang Trạng, Phan Duy, Trương Nam Chi, Vũ Thiên Kiều…
Với mười lăm ngày ngắn ngủi, những gì ở trên mới chỉ là sự khởi đầu: khởi đầu sau những khuấy lên để lắng lại cảm xúc về một vùng đất ta vừa khám phá, vùng đất ta đã đi qua và giờ đi lại. Đó là khởi đầu của những trang bản thảo lấp loáng nắng gió, mênh mông mùa nước nổi, nồng nàn ấm áp yêu thương, chia sẻ của người An Giang. Giống như một tảng băng chìm, trên chín mươi tác phẩm ở trại mới là phần nổi, còn rất nhiều, rất nhiều những cảm xúc đang ủ men vùng đất An Giang, trong thời gian tới sẽ được chưng cất thành những bài thơ, bút kí, truyện ngắn, thậm chí là cả những tiểu thuyết để gửi tới độc giả trên cả nước.
M.H
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài