TUYẾT LOAN

 

Các dịch giả trong đợt ra mắt sách đầu tiên của năm 2018.

 Năm nay đã là năm thứ 5 những cuốn sách dịch văn học Nga – Việt ra đời từ dự án Dịch sách văn học Nga – Việt theo chỉ thị của Tổng thống Nga. Những cuốn sách là sự nối dài dòng chảy hợp tác Nga – Việt trong lĩnh vực văn học nói riêng và trong văn hóa nói chung.

Khởi động từ năm 2013, đây là dự án xuất bản lớn của chung hai bên Nga và Việt Nam, bao gồm việc dịch những tác phẩm văn học kinh điển của Nga nổi tiếng trên thế giới sang tiếng Việt và những kiệt tác văn học Việt Nam sang tiếng Nga. Các đơn vị thực hiện dự án này là Cơ quan Hợp tác LB “Rossotrudnichestvo”, Ngân hàng VTB và NXB Lokid Premium, các đơn vị Việt Nam tham gia là Hội nhà văn Việt Nam và Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga – văn học Việt Nam trực thuộc Hội. Thông qua cầu nối là Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, các dịch giả của Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga – văn học Việt Nam, cho đến cuối năm 2012 những bộ sách đầu tiên đã ra mắt. Đó là những tác phẩm nổi tiếng nhất của Fedor M. Dostoevskiy. Sách được hỗ trợ in ấn hoàn toàn ở Nga.

Các tập sách văn học Việt Nam được chọn dịch sang tiếng Nga gồm tập truyện “Cây ngải trên núi”, “Hồn bướm mơ tiên” và mới đây là bộ Truyện Kiều được dịch giả Vũ Thế Khôi dày công chuyển ngữ từ bản Kiều cổ nhất.

Cho đến nay, hơn 30 đầu sách trong đó có những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng, những nhà văn, nhà thơ vĩ đại của văn học Nga đã lần lượt được giới thiệu tới độc giả Việt Nam như Dostoevskiy, Puskin, Alexandr Griboedov, K.Stanhiukovich, Pautovski… Những người tham gia dịch sách là những tên tuổi trong làng dịch văn học Nga – Việt hoặc những dịch giả lâu năm, những người yêu và dày công nghiên cứu ngôn ngữ Nga, như các dịch giả lão niên Hoàng Thúy Toàn, Vũ Thế Khôi, Nguyễn Chiến, Phạm Vĩnh Cư, Dương Cầm, Đỗ Trọng Thiều, Phùng Hồ…

Mói đây nhất, dự án giới thiệu các tác phẩm “Truyện cổ tích” của A. Puskin, tuyển tập thơ “Mùa rươi”, Tuyển tập thơ và Trường ca nhỏ của S. Esenin , bộ tiểu thuyết “Sông Ugrum nghiệt ngã” của V. Siscop, “Khúc tưởng niệm” của Anna Akhmatova. Đợt ra mắt sách năm nay có điểm mới là có sự tham gia của các NXB Kim Đồng, Thế giới, Thanh Niên, Hội Nhà văn…

Chia sẻ trong buổi lễ giới thiệu các tác phẩm, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Nga tại Việt Nam Vadim Vladimirovich Bublikov bnói: “Việc dịch các tác phẩm văn học Nga tại Việt Nam không chỉ giới hạn ở dự án quy mô lớn: các dịch giả bậc thầy liên tục mở rộng danh sách tác giả và tác phẩm được dịch, ngày càng nhiều các tác phẩm văn học Nga đã đến tay đông đảo độc giả Việt Nam. Với việc công nhận những đóng góp của các dịch giả Việt Nam trong việc củng cố mối quan hệ giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ của nhân dân hai nước chúng ta và trình độ chuyên nghiệp xuất sắc của họ, Hội nhà văn Nga cách đây không lâu đã trao tặng dịch giả Việt Nam Nguyễn Thụy Anh một giải thưởng chuyên nghiệp có uy tín” (dịch giả Nguyễn Thụy Anh mới đây được Hội Nhà văn Nga và Quỹ Văn học “Con đường cuộc sống”trao Giải thưởng “Ngôn từ là sợi chỉ gắn kết”) .

Nguyễn Thụy Anh cũng là dịch giả được xếp vào lứa trẻ kế cận các dịch giả cao niên trong việc nối tiếp sợi dây hợp tác văn học dịch. Tác phẩm “Olga Bertgolts của tôi” của chị không chỉ gồm thơ, mà còn là chân dung, thông tin, tư liệu về nhà thơ mà Nguyễn Thụy Anh đã dày công tìm hiểu, sưu tầm trong nhiều năm qua. Chị chia sẻ rằng, với chị dịch không chỉ là công việc chuyển ngữ đơn thuần, mà còn phải tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác, sự nghiệp sáng tác cũng như mọi thông tin liên quan về tác giả và tác phẩm. Một cách dịch chỉ có thể có được ở người toàn tâm toàn ý với công việc và hết mình với công việc dịch văn học Nga.

Dòng chảy văn học Nga – Việt không chỉ là trao đổi tác phẩm giữa hai bên, mà còn ghi nhận sự góp mặt của văn giới hai bên trong từng sự kiện. Đầu năm 2017, nhà văn đương đại nổi tiếng của Nga Albert Likhanov, tác giả cuốn “Ông tướng của tôi” đã có cuộc giao lưu với nhiều thế hệ bạn đọc của NXB Kim Đồng nhân dịp tái bản cuốn sách, và đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với những người từng yêu mến và lưu giữ những hình ảnh đẹp về cuốn sách của ông qua nhiều năm tháng cuộc đời.

Văn học Nga hiện nay có thể còn mờ nhạt trước sức cạnh tranh mạnh mẽ từ các thể loại sách dịch cũng như văn học từ các nước khác đối với bạn đọc trẻ. Chính vì thế cho nên, nói như dịch giả Nguyễn Thụy Anh, những dịch giả dịch văn học Việt Nga không bao giờ xác định mục đích thương mại lên hàng đầu, mặc dù công việc dịch thuật vô cùng vất vả và đòi hỏi sáng tạo không kém gì sáng tác. “Tôi biết có những dịch giả trẻ vẫn đang làm việc, nhưng chúng ta chưa biết đến để khai thác họ, để lan tỏa được nét đẹp của văn hóa Nga.”

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài