M.A

Những tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn Nga được dịch tại Việt Nam.
 Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917- 7-11-2017), nằm trong chuỗi hoạt động Những ngày sách Nga tại Đường sách TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức buổi nói chuyện cùng các dịch giả nổi tiếng trong việc dịch các tác phẩm văn học Nga.
Buổi nói chuyện diễn ra vào 9 giờ 30 phút, chủ nhật, ngày 5-11, tại sân khấu chính, Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Trước năm 1986, xuất bản phẩm của nước Nga – Liên bang Xô Viết được dịch và xuất bản với tỷ trọng đáng kể trong tổng số tựa sách cũng như bản sách in của thị trường xuất bản Việt Nam và ảnh hưởng lớn đến thói quen, nhu cầu đọc của công chúng.

Tuy thế giới đã có nhiều biến động lớn những năm gần đây, song tinh thần của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra cách đây tròn 100 năm – tự do và bình đẳng cho mọi con người – đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong buổi tọa đàm này, các diễn giả sẽ cùng nhau ôn lại kỷ niệm của mình trong việc dịch/đọc văn học Nga-Xô viết trong quá khứ và hiện tại, đồng thời nói lên suy nghĩ về ảnh hưởng của văn học Nga-Xô viết đối với giới văn chương và người đọc Việt Nam, cũng như triển vọng tiếp tục giới thiệu văn học Nga-Xô viết, đặc biệt là văn học Nga đương đại, đến các thế hệ người đọc trẻ nước ta.

Tham gia buổi nói chuyện có các diễn giả: Dịch giả Phạm Ngọc Thạch, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng.

Dịch giả Phạm Ngọc Thạch đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm như: Những cánh buồm đỏ thắm (bản dịch mới, Nhã Nam), Chúng ta (của Zamyatin, Tao Đàn).

Dịch giả, nhà văn, BTV Trần Tiễn Cao Đăng, quê ở Huế, hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Anh dịch nhiều tác phẩm văn chương, như: Từ điển Khazar (M. Pavic, nhà văn Serbia, dịch từ tiếng Nga), Biên niên ký Chim vặn dây cót (Haruki Murakami), Nếu một đêm đông có người lữ khách (Italo Calvino)…

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài