Nhà thơ Phan Hoàng
Tôi nghĩ ở bất cứ thời điểm nào thì yếu tố chất lượng tác phẩm cũng đặt lên hàng đầu, sau đó mới xét đến những yếu tố phụ có tính khuyến khích như trẻ, vùng miền,… Tôi cũng nghĩ đến việc nên khai trừ khỏi Hội những nhà văn có tư cách yếu kém hoặc có những hoạt động phá hoại Hội, làm ảnh hưởng đến thanh danh của Hội.
* Cách đây hơn một năm, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức, với hơn 100 đại biểu đến từ các tỉnh thành cả nước. Đây là những đại diện tiêu biểu của hàng trăm người viết trẻ trên toàn quốc hiện nay. Tuy nhiên số hội viên dưới 40 tuổi của Hội Nhà văn Việt Nam mới chưa đầy 20 người. Anh nhận xét gì về điều này?
– Tôi nghĩ vừa bình thường vừa bất thường. Hiện nay đội ngũ sáng tác trẻ đông đảo, nhưng không phải cây bút nào cũng có nội lực và bản lĩnh để khẳng định được mình, cũng đủ tiêu chuẩn để gia nhập Hội. Vì vậy, số lượng hội viên dưới 40 tuổi còn ít là điều bình thường. Đồng thời, có một số cây bút còn trẻ, tuổi đời trên dưới 40, thực sự có năng lực theo đuổi con đường văn chương lâu dài và đã có tác phẩm gây ấn tượng nhất định trong nhiều năm nay, như Nguyễn Quyến, Lê Mỹ Ý, Tiến Đạt, Song Phạm, Trần Tuấn, Hoa Ngõ Hạnh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Bình Nguyên Trang, Trần Lê Sơn Ý, Trương Gia Hoà, Nguyễn Hồng Lam, Đào Đức Tuấn, Huỳnh Văn Quốc, Nguyễn Thu Phương, Vũ Thanh Hoa, Huỳnh Thuý Kiều, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phương Trinh, Nguyễn Lãm Thắng, Hoàng Thuỵ Anh, Nhuỵ Nguyên,… và còn nhiều bạn văn trẻ khác nữa trên mọi miền đất nước, nhưng không hiểu vì sao họ chưa vào Hội. Có thể họ chưa có nhu cầu. Cũng có thể họ đã làm đơn nhưng chưa được xét. Và đó chính là điều bất thường.
* Hiện anh đang là Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng là nơi tập trung đông đảo người viết sung sức nhất hiện nay. Anh lắng nghe và cảm nhận ra sao về tâm tư nguyện vọng của các bạn viết trẻ tại đây?
– Thú thực có vài năm tôi không quan tâm đến thế giới văn chương, mà lao vào công việc báo chí và từ thiện, chỉ giao du khép kín với vài bạn văn thân thiết, nên không nắm rõ tình hình bạn văn. Sau khi bất ngờ được tín nhiệm giao chức “chạy việc” như trên và điều hành trang Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (nhavantphcm.com.vn), đặc biệt là qua hai hội nghị viết văn trẻ của TP Hồ Chí Minh và toàn quốc năm 2011, tôi mới tìm hiểu, đọc và nắm tương đối rõ hơn về lực lượng viết trẻ.
Thời nào cũng vậy, không có năng lực và tình yêu lớn lao đối với văn chương thì không ai lao vào con đường vừa hư danh quyến rũ vừa trắc trở đớn đau này làm gì. Tôi rất tự hào khi TP Hồ Chí Minh hội tụ nhiều cây bút trẻ tài năng và cá tính như Trần Nhã Thuỵ, Nguyễn Ngọc Thuần, Tiến Đạt, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Trần Văn Thưởng, Song Phạm, Trần Lê Sơn Ý,… Tôi cũng cảm thấy hụt hẫng khi những Gia Bảo, Nguyễn Khắc Cường, Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Bùi Thanh Tuấn,… vì lý do nào đó lần lượt “mất dạng” trên văn đàn. Bên cạnh ấy, có bạn vượt qua rất nhiều khó khăn thường nhật để được sống với trang viết, như Phan Trung Thành, Trần Huy Minh Phương, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Ngô Thuý Nga, Hoàng Hiền,… Có bạn dù bận rộn đến đâu cũng luôn tỏ rõ niềm đam mê văn chương như Trương Anh Quốc, Phùng Hiệu, Nguyễn Phong Việt, Hoa Nip, Nguyễn Hoài Sâm, Võ Thu Hương, La Thị Ánh Hường, Lê Thuỳ Vân, Tịnh Thuỷ, Trần Hoàng Nhân, Tiểu Quyên, Nguyễn Vân,… Điều băn khoăn nhất là làm sao để tác phẩm của họ được in và đến với người đọc rộng rãi, nhất là tác phẩm đầu tay. Đó cũng chính là tâm tư của nhiều bạn viết trẻ không chỉ ở TP Hồ Chí Minh.
* Văn chương cần sự bền bỉ, kiên nhẫn của mỗi người. Tuy nhiên môi trường sáng tác cũng như các yếu tố mang tính khích lệ, khuyến khích họ có ý nghĩa rất lớn. Theo anh, Hội Nhà văn Việt Nam cần làm gì để khích lệ, động viên cũng như phát hiện kịp thời “đội ngũ tương lai” để bổ sung cho Hội?
– Dù không phải ai cũng đồng tình, nhưng việc tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc theo định kỳ, theo tôi là hết sức cần thiết. Từ kinh nghiệm bản thân mình và nhiều bạn văn qua những lần tham dự, tôi học hỏi và thu nhận được nhiều điều bổ ích. Bổ ích hữu hình và bổ ích vô hình!
Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, Hội Nhà văn Việt Nam nên thành lập một quỹ văn chương dành cho sáng tác trẻ, dù là hội viên hay không hội viên. Tôi tin quỹ này sẽ hỗ trợ được nhiều bạn viết trẻ và tác phẩm chất lượng kịp thời đến với công chúng rộng rãi.
* Thơ của anh đã xuất hiện khá lâu, tạo được dấu ấn trong làng thơ trẻ; nhưng mới năm vừa qua anh mới được kết nạp vào Hội. Vì anh chậm gửi đơn hay bị “xét duyệt” lâu?
– Nhiều người cũng hiểu nhầm là tôi bị “xét duyệt” lâu. Tôi đâu có gửi đơn và phải chờ nhiều năm? Vào Hội hay không, tôi thấy cũng là chuyện bình thường thôi. Sẵn bạn hỏi tôi nói rõ hơn điều này một chút. Đúng là thơ tôi xuất hiện từ đầu thập niên 1990 và xuất bản tập thơ đầu tay Tượng tình năm 1995 được báo chí bấy giờ quan tâm. Tôi cũng liên tục được cử đi tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc từ lần IV/1994 đến lần VIII/2012, khi là đại biểu khi là khách mời. Năm 1998, Ban Nhà văn trẻ do hai nhà thơ Hữu Thỉnh và Trần Ninh Hồ phụ trách, có đề nghị tôi vào danh sách lên Ban Chấp hành Hội Nhà văn để kết nạp. Nhưng khi rà soát lại, nhà thơ Nguyễn Hoa cho biết tôi chưa nộp đơn. Nhà thơ Trần Ninh Hồ gọi điện vào TP Hồ Chí Minh bảo tôi gửi hồ sơ ra gấp. Sau khi suy nghĩ, tôi gọi xin lỗi nhà thơ Trần Ninh Hồ là tôi chưa nghĩ tới chuyện vào Hội. Cũng từ đó, những lần có dịp gặp nhau, nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Lê Văn Thảo cùng một vài nhà văn đàn anh có trách nhiệm ở Hội có đề nghị tôi làm đơn vào Hội nhưng tôi đều từ chối. Tôi luôn quý trọng Hội Nhà văn Việt Nam, xem đó như ngôi đền thiêng hội tụ bao tinh anh của nền văn học nước nhà trong hơn nửa thế kỷ qua. Còn việc tôi có vào Hội hay không, chỉ đơn thuần là nhu cầu cá nhân.
Chưa vào Hội, nhưng từ lâu tôi lại là một trong những người quen của ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu ở Hà Nội, cũng như toà soạn báo Văn Nghệ và Văn Nghệ Trẻ, bởi như bạn biết tôi có nhiều bạn bè ở đây. Từ năm 1994, lần đầu tôi ra Hà Nội và viết ký sự đầu tiên ở miền Bắc có tên Làng rắn tiệc rắn, là nhờ nhà thơ Hữu Thỉnh cho mượn xe của Hội, vợ chồng nhà thơ Trần Ninh Hồ đưa đi và nhà thơ Lương Ngọc An cầm lái.
Tôi nhớ khoảng năm 2009, một sáng mùa thu đẹp trời, điện thoại tôi bỗng hiện tên nhà thơ Hữu Thỉnh. Từ Hà Nội, anh gọi vào nói rằng có thể đây là nhiệm kỳ cuối cùng của anh ở Hội Nhà văn Việt Nam, anh muốn tôi vào Hội để anh em có một kỷ niệm đáng nhớ với nhau. Tôi cảm ơn anh và nói rằng nếu vậy thì tôi sẽ làm đơn ngay và đề nghị anh mời thêm nhà thơ Bùi Chí Vinh và vài nhà văn đích thực khác của TP Hồ Chí Minh cùng vào Hội. Anh Hữu Thỉnh nhờ tôi cho số điện thoại và anh gọi ngay cho các anh ấy.
Tôi gửi đơn ra Hội Nhà văn Việt Nam, năm ấy đã được Hội đồng Thơ bỏ phiếu thông qua, nhưng lên Ban Chấp hành Hội lại không đủ phiếu quá bán. Đến năm sau – 2010, tôi mới được kết nạp. Tất nhiên đằng sau đó còn có nhiều việc mà sau này có dịp tôi sẽ nói kỹ hơn.
Điều mà nhiều người biết, xung quanh việc anh Hữu Thỉnh nhiệt tình trong công tác kết nạp hội viên đã có nhiều giai thoại khác nhau, buồn vui thật giả lẫn lộn. Tuy nhiên, ở góc nhìn cá nhân và qua sự việc liên quan đến tôi, tôi nghĩ việc những người có trách nhiệm ở Hội, mà đặc biệt là người đứng đầu như nhà thơ Hữu Thỉnh đã có những động thái như vậy là cần thiết và đáng quý đối với công việc phát triển hội viên.
Từ bài học nghĩa cử của các anh Hữu Thỉnh, Lê Văn Thảo, Trần Ninh Hồ,… về sau khi phụ trách Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tôi đã mạnh dạn mời nhiều bạn văn trẻ tham gia Hội. Mời bạn văn vào Hội là một trách nhiệm, còn người được mời có tham gia hay không là chuyện khác.
* Trước đây, khi quyết định gửi lá đơn xin vào Hội, anh mong muốn điều gì?
– Tôi mong mình được tiếp lửa thêm cho trang viết.
* Việc trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có ý nghĩa với anh như thế nào? Có tác động ra sao đến việc sáng tác của anh?
– Chẳng có ý nghĩa nào, mà chỉ có cảm giác. Cảm giác của một anh chàng độc thân thích lang thang phiêu bạt, bây giờ bỗng có một đại gia đình nhận mình là bà con, là thành viên, dù cái máu của một kẻ lữ hành thì không từ bỏ được. Hội là nơi để người cầm bút trên hành trình sáng tạo đơn độc của mình, thi thoảng hướng về hơn và nếu có dịp thì quay về đoàn tụ…
* Trong cuộc họp BCH Hội nhà văn vừa qua, một trong những nội dung được BCH quan tâm đó là việc xét kết nạp Hội viên, với mong muốn mỗi kì kết nạp sẽ phát hiện, kết nạp được những người xứng đáng vào Hội. Theo anh việc kết nạp Hội viên hiện nay cần chú trọng điều gì?
– Tôi nghĩ ở bất cứ thời điểm nào thì yếu tố chất lượng tác phẩm cũng đặt lên hàng đầu, sau đó mới xét đến những yếu tố phụ có tính khuyến khích như trẻ, vùng miền,… Tôi cũng nghĩ đến việc nên khai trừ khỏi Hội những nhà văn có tư cách yếu kém hoặc có những hoạt động phá hoại Hội, làm ảnh hưởng đến thanh danh của Hội.
* Xin cảm ơn anh!