Vũ Từ Trang
Nhà văn Nam Ninh, tên khai sinh: Lê Ninh. Sinh ngày 5-10-1946, mất ngày 1-6-2014. Quê: An Khê, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Có thời gian dài sống ở Quảng Ninh. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994. Ông là tác giả của nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết. Đoạt nhiều giải thưởng văn học.
Nhà văn Nam Ninh
Sinh thời, ông từng tâm sự: “Tôi bắt đầu viết văn từ năm 1971, lúc đó cũng chưa mường tượng được nghiệp văn chương nó khốn khổ thế nào, chỉ biết phải được làm một cái gì đó khi cuộc sống bế tắc. Tôi viết hết mình, viết bằng nội lực để tìm con đường cho cuộc sống. Hóa ra văn chương là một nghề khắt khe mà rộng mở…”
Mùa hè năm 1974, trong chuyến đi công tác Quảng Ninh, tôi tranh thủ ghé Uông Bí thăm bạn viết. Uông Bí ngày ấy là mảnh đất đặc trưng của nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa, vừa bước qua những năm tàn khốc của cuộc chiến tranh phá hoại. Đó là Nhà máy nhiệt điện Uông Bí với ống khói cao ngạo nghễ thả lên trời những cột khói bụi trắng mờ mịt, là những nồi hơi với tiếng xả hơi phì phì như tiếng thở của con trâu mộng khổng lồ. Đấy là con sông Uông với đập nước tràn, đen kịt váng than. Đấy là những dãy lán nhà ở cấp bốn tạm bợ và nóng hầm hập cho công nhân. Đấy là tiếng ủng khuya lịch bịch của buổi giao ca lúc nửa đêm. Đặc biệt, nơi đây lại tập trung đông anh em viết văn làm thơ. Ấy là: Yên Đức, Trí Dũng, Phạm Doanh, Long Chiểu, Nam Ninh, Hoàng Gia Điền… Nhà thơ Đào Ngọc Vĩnh tuy ở Cẩm Phả, nhưng cũng hay tá túc ở đấy. Trước nữa, có nhà thơ Thái Giang, với trường ca “Lửa sáng rừng”, giải Nhất cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ, tiền thân của báo Văn nghệ bây giờ. Đấy là cuộc thi thơ nổi đình nổi đám của thời miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước; làm tên tuổi nhà thơ Thái Giang đang làm việc ở Uông Bí nổi như cồn, bao bạn viết xa gần muốn đến gặp gỡ, làm quen.
Nhà văn Nam Ninh dạo ấy còn là công nhân kỹ thuật, làm việc ở Nhà máy nhiệt điện Uông Bí. Anh có phần lặng lẽ, khuất lấp giữa đám anh em viết lách ồn ào, nhiệt tình tới bốc đồng. Tuy nhiên, anh có truyện in báo từ mấy năm trước đó, đã được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn do báo Văn nghệ tổ chức năm 1971. Anh em viết ngày ấy rất quý nhau. Dù mới chỉ đọc văn thơ của nhau trên báo, gặp nhau, là thân nhau ngay. Nam Ninh ít nói, sống chân tình và viết truyện ngắn khúc chiết, hơi hướng chặt chẽ như một truyện ngắn kinh điển. Tôi hỏi đùa, có phải anh mê văn ông Mô-pát-xăng, nên có lối kết cấu truyện ngắn chặt chẽ, súc tích vậy? Anh không trả lời và chỉ cười hiền lành. Anh thường viết về nhà máy, về vùng mỏ quen thuộc. Nhưng sau mỗi công việc thường nhật, là hiện rõ số phận mỗi người. Dù viết về đề tài công nghiệp, anh đã sớm hướng trang văn mình về vẻ đẹp nội tâm, giàu chất nhân văn của con người. Nhân vật của anh, là những người bình thường trong cuộc sống. Nhưng thường có số phận éo le, họ luôn toát lên vẻ đẹp riêng. Mà như riêng anh phát hiện ra cái vẻ đẹp chìm khuất mà lung linh, kỳ ảo ấy. Anh say sưa kể về bao con người, bao cảnh đời trắc trở quanh anh. Đó là một cô gái bị người yêu lừa gạt. Một sự rạn vỡ của đôi vợ chồng vẫn khoác bên ngoài cái vỏ hạnh phúc giả tạo bao năm. Về sự chèn ép, kèn cựa nhau của toán kỹ sư trong nhà máy. Về cái vẻ hợm hĩnh sự giầu có, ăn xổi ở thì của bà vợ ông giám đốc quen vơ vét, tham nhũng. Về cái làn sóng di tản của lớp thợ trẻ khát làm giàu từ vụ người Hoa bị xua đuổi năm 1979. Sau mỗi trang viết, tôi đều nhận ra tình yêu thương của nhà văn dành cho các nhân vật của mình. Cho dù là khuôn mẫu nhân vật tích cực, hay tiêu cực, anh đều muốn dành cho họ lòng thương yêu, cảm thông. Dường như anh muốn nói, cuộc sống chỉ khá lên, tốt lên được, khi con người có tình yêu thương biết dành cho nhau.
Sau mấy chục năm sống và viết ở đất mỏ, khi chuyển về Hà Nội, trang viết của anh như mở rộng biên độ. Anh càng để tâm khám phá vẻ đẹp lặng thầm các nhân vật của mình. Anh viết khỏe hơn. Đầu sách in ra nhiều hơn. Anh được nhiều giải thưởng qua các cuộc thi truyện ngắn do các báo, tạp chí văn chương uy tín trao tặng.
Tôi nhớ chuyến cùng anh trở lại Uông Bí, mảnh đất nuôi bao hoài bão thời trai trẻ của anh. Anh từng kể, phải bỏ quê Thái Bình ra đất mỏ kiếm sống, vì thành phần gia đình. Chính cái định kiến thành phần gia đình khá giả ở làng quê đã bóp nát mộng tưởng vào trường đại học của anh. Quảng Ninh, cái vùng đất mỏ ngày đó là nơi chứa chấp những cảnh đời éo le, khốn đốn. Và anh quyết chí lập nghiệp, lập thân ở đấy. Anh coi là quê hương thứ hai của mình. Gặp lại bao người xưa, cảnh cũ, anh có niềm vui khôn tả. Nhà máy điện trải qua bao trận tàn phá đổ nát của cuộc chiến tranh phá hoại, lại ngạo nghễ đứng dậy. Cây cột ống khói vẫn sừng sững vươn lên trời, đùn ra những tầng khói trắng đục mù mịt. Không còn mơ hồ và mộng mơ tưởng tượng về những tầng khói trắng đục mờ như những chiếc bánh xốp thơm thảo khổng lồ ngày xưa nữa, anh lo ngại cho đời sống bao thế hệ thợ mới lại theo anh, như anh, bước vào nhà máy chả biết có còn với bao háo hức trước công việc như anh ngày xưa? Môi trường lao động có được cải thiện, hay vẫn bị ô nhiễm nặng nề? Bao niềm tin tươi trẻ trước cuộc sống có được nuôi dưỡng, hay sớm què cụt, thui chột vì cuộc sống thực dụng? Bao tình yêu trai gái còn đắm say, ngất ngây trong đời sống lao động sản xuất? Bao trẻ thơ công trường lớn lên sẽ ra sao, giữa tiếng nồi hơi nhà máy xả hơi như tiếng thở bè bè đầy bất trắc rình rập? Bao vui buồn thấm đẫm trên khuôn mặt của người từng trải. Không còn là anh công nhân kỹ thuật hồn hậu thưở nào, ý nghĩ của một kỹ sư điện, của một nhà văn từng trải, từng quan tâm, đeo đuổi bao số phận người thợ, anh nói rằng, sẽ viết tiếp những trang văn về con người và mảnh đất này. Năm tập truyện ngắn: Căn nhà ở phố, Khoảng trống đêm tất niên, Cuộc ly hôn hẹn trước, Dòng chảy, Bảy ngày mở hội đã nâng anh lên vị trí những cây truyện ngắn cao thủ. Rồi anh lao vào viết tiểu thuyết. Hai cuốn đã in. Khoảng khắc đời người, dày hơn 400 trang in, Đường vòng, hơn 200 trang in. Một cuốn còn dang dở. Những nhân vật trong trang viết, vẫn là mẫu hình thân quen thưở trước. Nhưng nay họ đã nghĩ khác, sống khác. Trang văn của anh vẫn đằm thắm theo bước chân của họ.
Sang năm 2014, anh biết mình gánh bạo bệnh. Anh càng dốc sức viết nốt cuốn sách dang dở. Nhưng số phận như định sẵn. Cơn bạo bệnh đổ xuống quá nhanh. Anh không còn kịp chống đỡ nữa. Những trang sách viết dở dang, anh không còn viết tiếp được nữa. Tôi nhớ những ngày cuối của anh trong bệnh viện. Đấy là những ngày hè với vòm trời cao xanh cuối cùng của anh. Nằm trong căn phòng màu trắng, mắt anh thao thiết vòm trời ngăn ngắt xanh ngoài ô cửa. Anh nói, thèm đi, thèm viết. Lúc ấy, tôi thương anh quá. Một người ham sống, ham đi, ham viết, tuổi chưa phải là cao, nay đành bất lực nằm bệt trên giường bệnh. Tôi muốn khuyên nhủ anh một câu nào đó, nhưng lòng tôi nghẹn lại. Vì biết, thời khắc đã quá mỏng manh, ngắn ngủi với anh rồi.
Phải mãi sau này, khi lâm bệnh, phải vào nằm viện, tôi mới càng thấm thía thêm cái khao khát trời xanh ngoài ô cửa sổ của nhà văn Nam Ninh năm ấy. Tôi chợt thấy như có sự vô lý nào đó của tạo hóa. Con người khỏe mạnh, sống hồn hậu vậy, sao phải ra đi nhanh chóng thế. Tôi nhớ ngày nào, khi ổn định gia đình ở ngôi nhà gọn gàng trong ngõ gần phố Ngọc Khánh, Nam Ninh có nhờ tôi đóng cho một chiếc bàn gỗ gụ, bốn chân tiện, hai ngăn kéo, mẫu bàn làm việc kiểu Pháp cổ điển. Anh rất vui khi chiếc bàn được đặt vào phòng làm việc của mình. Chiếc máy tính, những chồng sách bạn bè tặng xếp ngay ngắn góc bàn. Và Nam Ninh viết. Một loạt truyện ngắn, cuốn tiểu thuyết viết dở dang trên cái bàn gỗ gụ chân con tiện. Hễ gặp nhau, nhà văn Nam Ninh lại khoe rằng, bao con chữ thật tâm, thật gan ruột, đã ra dời từ cái bàn viết trang trọng này. Tôi biết, thời gian ấy, anh còn cộng tác, giữ một chuyên mục cho một tuần báo. Những bài báo của Nam Ninh, sau này một nhà xuất bản tập hợp thành bộ sách Theo dòng lịch sử, ba tập: Định đô, Thế thời phải thế, Bước ngoặt. Nam Ninh khi ấy thường nói đùa với tôi, là tôi đã góp công để anh làm được nhiều việc. Quý nhau, anh nói vậy thôi, chứ tôi có giúp được gì anh đâu.
Sau ngày anh mất, một thời gian dài, gia đình anh vẫn giữ nguyên cái không gian của nhà văn Nam Ninh, như lưu giữ kỷ niệm. Thi thoảng có trở lại thăm, nhìn chiếc bàn gỗ gụ bốn chân tiện, tôi lại chút ngậm ngùi. Thì ra kiếp người vốn ngắn ngủi làm sao. Ngắn ngủi hơn cả đời sống của một đồ vật. Giá nhà văn Nam Ninh không bị trời bắt gánh bệnh trọng, thì hiển nhiên anh vẫn ngồi làm việc bên cái bàn gỗ gụ bốn chân tiện kia. Những dòng chữ vẫn hầm hập hơi nóng của cảm xúc hồn hậu của anh. Có thể lúc thư thái, chúng tôi, mấy anh em quen mặt, nào Hoàng Gia Điền, Nguyễn Tùng Linh, Nguyễn Khắc phục, Hoàng Minh Tường… lại kéo nhau ra quán cà phê nhỏ trong ngõ nhỏ gần nhà anh. Hoặc bốc lên, kéo nhau ra quán bia hơi ven hồ gần đấy. Bên tách cà phê, hoặc bên cốc bia, nhà văn Nam Ninh cùng lũ chúng tôi bàn tán về thế sự, trao đổi về trang sách đang viết dở. Có khi chuyện tào lao trên trời dưới bể. Những chuyện tưởng vô bổ ấy, nó lại vào trang viết khi nào không hay. Và khi ấy, có một ông bạn nào đấy, kêu lên rằng sắp hết năm rồi, làm được gì đây, viết được trang sách gan ruột nào không. Hẳn Nam Ninh cũng như chúng tôi, lại nôn nao chờ sang năm mới. Không khí xã hội tốt hơn, không khí văn chương cởi mở hơn. Và viết. Và đi chơi. Tiếng trống hội làng vùng quê Kinh Bắc đã đổ dồn nhịp ba tùng tùng cắc, náo nức từ làng này sang làng kia. Lại nhớ bữa về làng Nội Duệ Cầu Lim, người nhà gia đình Nam Ninh quý trọng mấy anh em làm văn làm báo, mời sang ăn cỗ hội làng và nghe cho tàn canh quan họ. Nam Ninh ơi, cái đêm hội làng quan họ gốc ấy, nó da diết làm sao. Có phải cái vị say của rượu làng Vân, hay những vạt áo tứ thân mớ ba mớ bảy, cả cái con mắt lúng liếng tình tứ, cái lời hát như vắt, như chắt ra từ nỗi niềm đầy uẩn ức của liền chị liền anh quan họ. Cái đêm ấy, Nam Ninh và cả mấy anh em chúng tôi cùng bốc, cùng dốc cả ruột gan, cả nỗi niềm vào câu hát, hóa thân thành liền anh khi nào không hay. Chuyện thường tình, mới ngày nào, vậy mà thành xa lăng lắc. Nam Ninh đi xa rồi. Lũ chúng tôi ai còn thiết tha về làng quan họ ăn uống hội hè đình đám gì nữa.
Lại nhớ bữa cùng nhau về quê gốm Chu Đậu, Hải Dương. Ông giám đốc công ty gốm Chu Đậu hào phóng mời đoàn nhà văn nhà báo ký tên vào chiếc lọ độc bình cao ngang đầu để làm kỷ niệm. Chữ ký run rẩy của Nam Ninh, của chúng tôi, với bút lông vẽ men chàm. Chiếc độc bình được chuyển vào lò nung. Qua nhiệt nung, các chữ ký như chập chờn sống động. Nam Ninh khi ấy lo lắng, chả may chiếc độc bình vỡ, thì tên tuổi cả lũ ra mây khói. Nào ai ngờ đâu, anh phải ra đi bất chợt, để chữ ký của anh vẫn lung linh cùng chữ ký bạn bè trên chiếc lọ độc bình vẫn trầm tĩnh đứng trong phòng khách công ty. Thì ra, cái mong manh có khi lại tồn tại lâu bền hơn một kiếp người.
Chả biết có phải cái tâm sáng, hồn hậu, vị tha của anh, mà chúng tôi cũng dễ đồng tình với cách xử lý một sự cố văn chương của anh. Chả là năm ấy, chương trình sân khấu truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam phát vở kịch có nội dung kịch bản y xì một kịch bản sân khấu của Nam Ninh vừa viết. Điều đáng bực, là không phải tên tác giả Nam Ninh, mà tên một nhà văn khá quen thuộc. Mấy anh em rất bất bình với ông nhà văn kia. Nam Ninh gạt đi, thôi cho qua, chấp làm gì. Ấy rồi câu chuyện không phải dừng lại đấy. Ông nhà văn kia lại còn cãi chày cãi cối, là sự trùng hợp ngẫu nhiên và cũng chẳng đọc kịch bản của Nam Ninh làm gì cho bận việc. Thái độ kẻ cả của hành vi ăn cắp, đạo văn đúng là vừa ăn cướp vừa la làng, làm chúng tôi rất bức xúc. Một nhà văn đã đứng ra dàn xếp cuộc gặp gỡ giữa nhà văn kia với Nam Ninh. Khi đối chiếu giấy trắng mực đen, hai năm rõ mười, ông nhà văn nọ buộc phải thôi trò to mồm cãi trắng và xin nhận lỗi. Tôi thấy nể thái độ ôn hòa của Nam Ninh khi ấy. Nhưng có người bạn đã bực với tính xuề xòa của Nam Ninh, toan xúi Nam Ninh cho ông nhà văn kia một trận, bởi thái độ hống hách, kẻ cả của kẻ đã sai lại kênh kiệu. Cho đến bây giờ, chúng tôi càng thêm nể thái độ điềm tĩnh và sẵn lòng bỏ qua mọi chuyện của Nam Ninh. Nhưng tôi còn nhớ cái dáng vẻ đau khổ của anh khi ấy, tự tay vò tai, than nhỏ với tôi, sao trong giới cầm bút, lại có kẻ tồi vậy!
Bây giờ, nhà văn Nam Ninh đi xa đã ba năm. Có những cuộc chia tay không thể khỏa lấp, không thể có gì thay thế. Thế là, những người bạn viết mà tôi quen thân từ Uông Bí, như nhà thơ Đào Ngọc Vĩnh, nhà thơ Yên Đức và nhà văn Nam Ninh… Những người bạn tốt, vội vã ra đi, để lại cho tôi một nỗi buồn hoang hoải khó cắt nghĩa.
Nguồn Văn nghệ số 48/2017
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài