Lê Nguyệt Minh
Tôi có một anh bạn, anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 1986 anh một thân một mình đi lao động tại Đức. Anh đã ở Đức suốt hai mươi bảy năm, nếm trải qua bao nhiêu cay đắng và cực nhọc, tất nhiên có cả vinh quang. Những gì anh làm được trong gần ba mươi năm ở xứ người là kiếm thật nhiều tiền. Tiền, tiền, và tiền. Có lẽ thước đo của tuổi trẻ, nhất là của những người đàn ông chân chính, phải mưu sinh nơi xứ người, điều đắt giá nhất họ cần hiểu ra, chính là phải kiếm nhiều tiền, để gửi về cho gia đình ở Việt Nam.
Thế nhưng, suốt hai bảy năm xa quê hương, từ một cậu choai choai mười bảy tuổi, cho tới giờ khi đã thành đàn ông trung niên, chưa một phút giây nào anh quên mất Hà Nội trong mình. Cũng như chưa bao giờ anh tự xã hội hóa chính mình thành một việt kiều Đức, dù anh nói tiếng Đức rất rành, dù anh ăn bánh mì uống sữa mỗi ngày. Dù rất rất nhiều thứ của một xã hội công nghiệp, lạnh lùng và kiệm lời cuốn lấy anh.
Có tin được không, sau này khi trở về Việt Nam, ngồi với anh, nói chuyện cùng tôi, anh đã tiết lộ một bí mật, như một sợi dây kí ức anh luôn mang bên mình, đã nuôi sống tâm hồn anh suốt ngần ấy năm: đó chính là kỷ niệm.
Kỷ niệm của anh sâu sắc và ngắn gọn, chỉ có hai chữ thôi: Hà Nội. Thế nhưng, anh ôm trọn hai chữ ấy trong lòng, mỗi một lần muốn gục ngã, mỗi một lần muốn buông xuôi ở xứ người vì quá cơ cực, nghĩ tới thành phố ở Việt Nam nơi anh sinh ra, anh lại gồng lên chịu đựng và vượt qua. Anh muốn có một ngày được trở về, quây quần bên gia đình ở nơi ấy.
Anh kể, có nhiều khi trời trở lạnh, cảm giác cái lạnh như cứa vào da thịt, một mình băng qua đại lộ, tiếng hát của ca sĩ Cẩm Vân (Anh thường có thói quen nghe những bài hát về Hà Nội bằng tai nghe vào những lúc đi bộ) càng khiến anh nhớ về Hà Nội phát khóc. “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa, cái rét đầu đông, khăn em bay hiu hiu gió lạnh”. Một mình anh hát bài hát đó giữa những người bạn ngoại quốc, rất cố chấp, anh cứ hát đi hát lại, tới nỗi nhập tâm vào cả bạn bè anh. Họ bắt chước anh, cũng ngọng nghịu hát: Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa…
Hà Nội của anh, không phải là thành phố nhiều nhà cao tầng, càng không mọc lên san sát những khu thương mại và những đại lộ xe pháo nườm nượp. Ngày anh đi, Hà Nội cổ kích và thâm trầm, có nhiều nơi quá cũ kỹ. Với anh, đó là một Hà Nội quá nhỏ bé và u uẩn, giống như một hình ảnh yêu thương và gần gũi, như mẹ anh, cặm cụi và tiết kiệm nuôi anh lớn lên. Thế nhưng, khi trời tây càng lạnh, càng xa xôi và càng khép kín bởi một cuộc sống hiện đại, anh càng nhớ như cắt nỗi nhớ về quê hương anh, một thành phố bình yên đến dai dẳng.
Khi chia tay cô vợ người Đức, sau quãng thời gian đau buồn, việc đầu tiên anh nghĩ tới là phải về ngay với mẹ. Nhưng mẹ đâu còn nữa. Anh chỉ còn Hà Nội. Hơn hai mươi năm, Hà Nội đã đổi khác rồi, lòng anh chợt cồn lên một nỗi nghẹn ngào. Anh sợ ngày về, Hà Nội bình yên và cổ kính của anh từ những năm 1986 sẽ biến mất, thay vào đó là một Hà Nội như thế nào đây, anh thật không dám nghĩ nữa. Người ta thường yêu thành phố này bằng kí ức nhiều hơn. Nhớ về Hà Nội, là bắt đầu nhớ về một ngày xưa, rất xa rồi với ăm ắp kỷ niệm, với bạn bè, với tiếng leng keng của tàu điện, với khăn quàng cổ bay bay trong gió đông hay những tán bàng đỏ rực đổ xô trên mái ngói. Hà Nội của anh đấy, nó gắn liền với những điều bình dị mà thiêng liêng. Anh cũng giống như bao nhiêu người, khi nhớ về nơi ấy, là không thể quên được hoa sữa, được cà phê Lâm, cà phê Giảng hay những món ăn rất nên thơ: sấu dầm, cốm…
Còn với riêng tôi, một người trẻ ba mươi tuổi, từng sống và học Đại học ở Hà Nội, tôi yêu Hà Nội bằng sự cuồng nhiệt và vội vã của tuổi trẻ.
Người nào từng học ở Hà Nội, rồi rời xa nơi ấy, khi có mặt ở Sài Gòn, nghĩ về Hà Nội là nghĩ về quãng đời không quá dài với một mối tình đau đáu không thành với ai đó ở nơi ấy. Để rồi, có lúc nghĩ Hà Nội dần xa xôi quá, so với sự náo nhiệt, xô bồ và quá nhanh của Sài Gòn, Hà Nội như một dấu chấm, lơ lửng đâu đó, có lúc lại hiện về thật rõ. Những ngày mới vào Sài Gòn sống, đi đâu, gặp ai, tôi cũng chỉ nghĩ và liên tưởng về Hà Nội. Nếu đi ngoài phố, gặp một quán cà phê nhỏ xinh, hay một quán bún chả, lòng lại nghĩ ngay tới Hà Nội và liên tưởng về những góc quán ấy. Có những ngày vừa lĩnh lương xong, tôi vội vã mua vé máy bay, chỉ để về Hà Nội rủ bạn bè đi cà phê rồi tối lại vội vã bay vào Sài Gòn. Sự điên rồ của tuổi trẻ thường làm người ta nhớ phát khóc mỗi khi không còn có cơ hội để trở về thương xuyên nữa.
Chúng tôi, những người cùng học cùng một lớp thời Đại học có chung một kí ức về một con ngõ nhỏ của Hà Nội. Ngõ 189 Giảng Võ. Suốt bốn năm Đại học, chúng tôi đã từng ở chung kí túc xá, từng ngồi thâu đêm suốt sáng trên sân thượng chỉ để đàn hát và nói những câu chuyện không đầu không cuối, từng hàng ngàn lần đi về trên ngõ nhỏ nối liền hai con đường: Đê La Thành và Giảng Võ. Ngõ nhỏ ấy, mở ra đường Giảng Võ, đi một đoạn băng qua đường là tới Trần Huy Liệu, bắt ra phố Nam Cao, Núi Trúc và hồ Ngọc Khánh. Chúng tôi đã thuộc từng quán nhỏ, từng ngôi nhà trong những góc phố ấy. Dù ra trường hơn mười năm, mỗi dịp về lại Hà Nội là chỉ hẹn nhau ở 189 Giảng Võ. Con hẻm ấy, có một chị chuyên bán hoa hồng quanh năm, mùa đông những bông hồng vàng hồng đỏ của chị căng tràn lên màu tươi rói, chúng tôi thường mua về cắm vào bình, đặt bên giá sách cho lãng mạn dù sinh viên vốn chẳng dư dả gì. Lại có một chị chuyên bán rau, mà lúc nào chị cũng sẵn lòng bán chịu cho lũ chúng tôi, nợ bao ngày cũng được. Chưa một lần chị phàn nàn hay nhăn nhó vì lũ học trò viêm màng túi nợ quá lâu không trả. Nhớ về chị, tôi cứ nhớ mãi nụ cười hiền lành ấy và câu nói thường trực: Chị cho nợ đấy, cứ mua đi đừng ngại. Tôi nhớ nhất là ông Trình bán quán nước sát bên kí túc. Chúng tôi gọi nôm na quán ông là Trà Trình. Có lần tôi và Cẩm mang hai cuốn sách dày cộp ra đọc và chỉ gọi có hai cốc trà… nóng. Ông nói vọng ra: Uống có hai cốc trà mà đọc hẳn hai cuốn sách dày cộp. Hết nhớ gọi bác nhé! Chỉ 1000 đồng cho hai cốc trà, chúng tôi ngồi mất cả tối, chiếm nguyên cái bàn của ông. Vậy nhưng, ông chẳng phàn nàn. Thiếu chúng tôi, ông sẽ nhớ. Cũng như ngày nào ông đóng cửa quán vì bận là chúng cả lũ lại thấy thiếu vắng.
Chúng tôi yêu Hà Nội từ những kí ức như thế. Hà Nội có một cái mà có lẽ ở bất cứ đâu trên thế giới này không có, là khi chỉ xa một ngày thôi, đã thấy biết bao kí ức và nỗi nhớ ùa về. Nó khiến người ta nhớ đến mất ăn mất ngủ. Hãy tin tôi, chắc chắn có người từng khóc khi xa Hà Nội. Dù rằng, Hà Nội chỉ cách Sài Gòn 1719 km và ở Sài Gòn cũng có quá nhiều quán cà phê Hà Nội, quán ăn Hà Nội và quá nhiều người Hà Nội sinh sống.
Mẹ nuôi của tôi, bà không phải là một nghệ sĩ lãng mạn, bà chỉ là một phụ nữ thích nội trợ hơn là việc xã hội. Thế nhưng, bà có một đặc điểm rất dễ nhận ra. Bà vô cùng yêu hoa và thích cắm hoa. Bà coi việc đó như cơm ăn áo mặc hàng ngày. Những ngày Hà Nội vào thu, hoa theo chị theo bà ra phố, rực rỡ cả trời đông, cũng là những ngày bà ngủ dậy thật sớm, ra chợ (chỉ để mua hoa). Bắt đầu một ngày của bà là chăm chú cắm những bình hoa cúc hay hoa hồng hay hoa ly rực lên trong căn phòng nhỏ. Sau đó bà mới nghĩ tới việc đánh răng, rửa mặt. Những ngày bà vào Sài Gòn thăm chúng tôi, bà vẫn giữ thói quen ấy. Dù hoa ở Sài Gòn rất đắt, bà vẫn không từ bỏ sở thích cắm hoa vào mỗi sáng khi ngủ dậy.
Người Hà Nội là thế, họ sâu sắc và lãng mạn, tất nhiên họ không thích chạy đua, họ sống thật lòng và hết mình với những thời khắc chuyển giao của bốn mua. Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà. Họ yêu nhau và thương nhau từ những điều nhỏ bé nhất, giản dị nhất.
Tôi sống ở Sài Gòn đã mười năm. Thế nhưng, mười năm xa Hà Nội, chưa có ngày nào tôi quên Hà Nội. Có bao nhiêu người nhớ Hà Nội như tôi? Những câu hát bình dị và thân yêu đến lạ, bất kể ai từng đi qua nơi ấy, làm sao có thể quên: Nhớ đến một người để nhớ mọi người, hay như Bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời…
Mấy hôm nay, trên Facebook, một anh bạn tôi khoe hình ảnh anh đang đi chơi ở Hà Nội. Thấy anh gặp lại bạn bè xưa, thấy anh quàng khăn len, thấy anh ngồi bên một góc phố quen, tôi biết anh đang nhớ Hà Nội. Và tôi cũng biết tôi nhớ nơi ấy. Làm sao có thể quên, khi một phần quãng đời mình, đã đi qua ở nơi ấy, Hà Nội!
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài