Nhà khoa học người Thuỵ Điển Anphrét Bécna Nôben (Alfred Bernhard Nobel)
Alfred Nobel bắt đầu tập trung nghiên cứu chất nổ nitroglycerine, một loại hóa chất có sức công phá mạnh nhưng hết sức nguy hiểm khi sử dụng. Trải qua nhiều năm tháng, cho đến tận cuối đời, ông không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến chất nổ đó, tìm ra những cơ chế và cách thức biến nó thành thứ thuốc nổ an toàn và ứng dụng thành công vào công nghiệp, đặc biệt là trong việc xây dựng đường sá, hải cảng, đường hầm xuyên núi hay xuyên biển, khai thác mỏ … Alfred Nobel là chủ sở hữu của 355 bằng phát minh sáng chế, 93 công ty, xí nghiệp ở 20 quốc gia. Ngoài thuốc nổ, ông còn nghiên cứu sản xuất cao su tổng hợp và tơ lụa nhân tạo. Ông cũng đã bắt tay vào nghiên cứu việc truyền máu, công trình mà sau này nhà bác học áo Karl Lantsteiner thực hiện thành công và đoạt giải Nobel Y học năm 1930. Sinh thời Alfred Nobel lừng lẫy là một tài năng xuất chúng và nghị lực phi thường, nhưng ông cũng là một nhân vật đầy mâu thuẫn, thậm chí là bất hạnh. Ông thích nghiên cứu, thí nghiệm khoa học hơn nhưng buộc phải bỏ một phần rất lớn thời gian cho việc kinh doanh, lập và điều hành vô số công ty, tính toán chống đỡ những đòn cạnh tranh, phá hoại từ phía các đối thủ và cả các chính phủ. Ông sản xuất và kinh doanh, làm giàu bằng thuốc nổ và sớm nhận ra mặt trái của phát minh này của mình, nhất là đối với hòa bình nhân loại. Ông muốn các nhà chính trị và khoa học tìm mọi cách ngăn cản và loại bỏ chiến tranh, xây dựng một thế giới hòa bình bền vững. Ông từng mơ ước chế tạo được một chất hay một cỗ máy có sức công phá lớn đến mức đẩy lùi được mọi cuộc chiến tranh. Ông có những ý tưởng đậm màu sắc nhân đạo như từng đề nghị thị trưởng Paris lập một khách sạn dành cho những người muốn tự tử, ở đó “khách” có thể được ăn một bữa thịnh soạn, qua một đêm vui vẻ rồi được chết nhanh chóng và không đau. Về cá nhân, ông là người ưa cô độc, sống tách biệt, nhưng lại quá nổi tiếng, phải tiếp xúc, đi lại nhiều nơi khắp thế giới. Trong cuộc sống riêng, ông gặp lắm điều không may: bốn người anh em của ông mất sớm; người cha 8 năm cuối đời bị bại liệt; em trai Emil 21 tuổi chết khi làm thí nghiệm tại xí nghiệp sản xuất thuốc nổ; mẹ và hai anh trai còn lại lần lượt qua đời trước ông, để ông trơ trọi một mình. Ông trải qua vài mối tình nhưng suốt đời sống độc thân. Năm 43 tuổi, ông yêu Sophie Hess, một thiếu nữ Vienne trồng, bán hoa 20 tuổi xinh đẹp, nhưng như cô tiết lộ về sau, mối quan hệ giữa họ chỉ là sự giúp đỡ “tài chính” từ phía ông. Năm 1876, ông đăng báo “Một người đàn ông trung niên giàu có và học thức cao sống ở Paris muốn tìm một phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành giỏi ngôn ngữ để làm thư kí và quản gia”. Cô Bertha Kinsky 33 tuổi lọt vào sự lựa chọn của Alfred Nobel, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, cô quay về Áo lấy chồng. Về sau Bertha Kinsky (với họ chồng là Berttha von Suttner) trở thành một nhà hoạt động hòa bình nổi tiếng và bà vẫn giữ mối quan hệ bạn bè với Alfred Nobel, thường xuyên thư từ qua lại. Chính bà đã có ảnh hưởng tích cực tới quyết định của Alfred Nobel lập ra giải Nobel Hòa bình và năm 1905 bà đã được tặng giải thưởng này.
Alfred Nobel mất ngày 10-12-1836 tại nhà riêng ở San Remo, Italia vì xuất huyết não, không một người thân thích bên cạnh, để lại một tài sản khổng lồ 33.200.000 cuaron Thụy Điển, tương đương 9 triệu USD. Ông chỉ tặng các cháu ruột hai triệu cuaron, còn tất cả chuyển vào Quỹ Nobel, dưới hình thức cổ phiếu an toàn, nên tất sinh lời. Trước khi mất một năm, ông viết một Di chúc, chủ trương mỗi năm khen thưởng một lần những cá nhân bất kể chính kiến, màu da, quốc tịch trong năm trước đó có đóng góp to lớn nhất cho lợi ích của loài người, trong các lĩnh vực vật lí, hóa học, sinh lí học hoặc y học, văn chương và hòa bình. Các giải thưởng ấy mang tên ông và giá trị vật chất không ngừng tăng lên, do lãi suất của Quỹ Nobel luôn theo kịp thời đại, Quỹ còn được bồi bổ thêm nhờ tiền hiến tặng của nhiều cá nhân và tổ chức trên toàn cầu. Những năm đầu, một giáo sư đoạt giải có thể sống và làm việc bình thường trong mười lăm năm mà không cần tới lương bổng. Giờ đây, mỗi giải trị giá gần 1,5 triệu USD. Sau nhiều bàn cãi của những người được Nobel ủy quyền và sau không ít trục trặc của cơ chế xét tặng và các thủ tục khác, những Nobel đầu tiên được trao năm 1901. Từ 1969, giải Nobel kinh tế ra đời, theo đề xuất của Ngân hàng Thụy Điển, nhân ba trăm năm Ngân hàng khai mở. Đáng chú ý, từ lâu cả thế giới băn khoăn về một giải Nobel còn khuyết. Thì ra, cô gái trồng bán hoa “hiến mình cho ông” như nói trên lòng thòng cả với nhà toán học Thụy Điển lừng danh Gosta Mittag-Leffler, người từng thương lượng rất nhiều với ông, để được tham gia quản lý tài sản cho ông, nhưng không thành. Ông không thích ông ta và sợ một ngày kia Nobel toán học về tay kẻ tình địch. Để lấy lại công bằng cho một khoa học cơ bản, Hội toán học quốc tế chấp nhận đề nghị của giáo sư toán học John Charles Fields, sáng lập giải Fields, năm 1936 ở Toronto, Canada, dù giá trị khiêm tốn, chưa tới 2.000 euros , vẫn được coi như Nobel toán học. Trừ Nobel hòa bình trao ở Na Uy, các giải khác đều được trao ở Thuỵ Điển, đúng vào ngày mất của Nobel, 10 tháng mười hai.
Các giải Nobel nhắc nhở và nêu gương, ghi nhận và khẳng định, cổ vũ và thúc giục, đối với các lĩnh vực hoạt động chủ chốt của con người, đối với từng tiến bộ và đổi mới của các khoa học quan trọng, đối với cả cộng đồng và từng cá nhân, đối với cả hiện tại lẫn mai hậu. Chúng là những dấu mốc của sự phấn đấu toàn diện không mệt mỏi và đầy niềm tin của toàn nhân loại cho sự tồn vong và phát triển của mình. Uy tín nổi bật và tác động âm thầm của chúng chỉ có không ngừng lan tỏa. Như mọi giải thưởng khác trên hành tinh, Nobel cũng hết sức tương đối. Nobel hóa học năm 1918 cho nhà bác học Đức Fritz Haber (1868-1934), một trong những người khởi xướng việc dùng hơi độc trong chiến tranh, bị phản ứng dữ dội. Anbert Einstein (1879-1934) phát kiến Thuyết tương đối năm 1905, nhưng mãi năm 1921, ông mới được trao Nobel vật lý cho một công trình mà tầm vóc nhỏ hơn nhiều. Đó là hiệu quả quang điện và chuyển động Brao (Brown). Nobel y học năm 1998 đáng lẽ vinh danh Salvador Moncada, nhà bác học Anh gốc Honduras, người đầu tiên tìm ra vào tháng 7 năm 1987 vai trò quan trọng của No (bạch cầu nitơ đơn nhân to), thì lại về tay ba nhà khoa học Mỹ Robert Furchgott, Louis Ignarro và Ferid Murad. Hơn một trăm năm qua, 94 Nobel hòa bình đã được trao tặng, nhưng loài người vẫn phải chịu khoảng 300 cuộc chiến tranh lớn nhỏ, với chừng 130 triệu người bỏ mạng. Chiến sỹ hòa bình vĩ đại toàn cầu Mahatma Ganhdi (1869-1948), năm lần được đề cử, ba lần vào “chung kết”, nhưng vẫn không được vào Ngôi đền Nobel sừng sững. Lý do khá tế nhị: quan hệ giữa Vương quốc Anh (trước tháng tám 1947, Ấn độ thuộc Anh) và Na Uy (một ủy ban trong quốc hội Na Uy xét tặng Nobel Hòa bình) từ lâu đã khá trục trặc. Do những nguyên nhân khác nhau, một số năm, Nobel các loại bị hủy bỏ. Đáng ngạc nhiên, số Nobel hòa bình không có chủ cao gấp hơn ba lần Nobel y học và vật lý, gấp hơn bốn lần Nobel hóa học và văn chương. Vậy đấy, hòa bình, tức sự yên ổn sinh sống và làm ăn, hay tâm trạng thanh thản thường trực – hạnh phúc đích thực của mỗi sinh linh – vẫn là cốt tử. Và đấu tranh cho hòa bình vẫn là gay go nhất. Văn chương, suy cho cùng, xa hay gần, nhiều hay ít, đều tham gia, và tham gia tích cực nhất, vào cuộc đấu tranh này. Cho nên Nobel văn học vẫn luôn luôn được quan tâm nhất. Không ngẫu nhiên, Nobel văn chương là mơ ước, tự hào, thậm chí hạnh phúc của không chỉ các ngòi bút cự phách mà cả các cộng đồng, dân tộc và quốc gia. Từ đầu thế kỷ 21, một bất ngờ thú vị lớn: Alfred Nobel hiện ra như một nhà văn thứ thiệt hàng đầu. Năm tháng trôi qua, nhân cách soi đường của ông mà bản chất và động lực là tình yêu nhân loại không cùng càng ngày càng rạng rỡ. Tình yêu ấy được hun đúc từ tình yêu thương con không kể xiết của mẹ, người làm tất cả và hy sinh tất cả cho con, từ những năm tháng gian truân mà mẹ một mình kiên cường chống chọi với bao nhọc nhằn để nuôi dạy đàn con thơ dại. Nếu không có sự tận tụy hết lòng của mẹ, ông hẳn không sống nổi khi mắc nhiều bệnh tật, trong có có bệnh động kinh hãi hùng.
Ông từng phải chịu những tổn thương và tước đoạt phi lý và nhục nhã, ví như bị nghi là gián điệp nên phải rời bỏ CH Pháp, nơi ông định cư từ 1873 tới 1891, hay tòa án Anh vừa xử thắng cho hai kẻ đã khôn khéo lừa chiếm phát minh chất nổ không khói của ông vừa buộc ông nộp án phí, thực chất là “xử phạt”, 30.000 bảng Anh, món tiền không hề nhỏ. Thế nhưng tâm huyết với đồng loại và với đời của ông không suy giảm, mà sáng suốt hơn. Ông có lẽ là công dân thế giới đầu tiên, xê dịch rất nhiều trên khắp trái đất, cho nên dễ nghiệm ra những vấn đề hóc búa nhất của nhân loại và những giải pháp tối ưu để giải quyết chúng. Đối với ông, chủ nghĩa vị kỷ là nguồn gốc của mọi bất ổn và tai hoạ, sự bao dung tích cực và có nguyên tắc là chìa khóa hóa giải lần lượt các vấn đề của mọi cộng đồng. Sự bao dung đó, cần phải là của cả cộng đồng, chỉ phát huy tác dụng nếu những nhà trí thức biết nặng lòng với nhân dân dấn thân quên mình và làm việc hết tầm hiệu quả. Từ đó, lòng vị tha hơn người của ông đi tới một hành động thánh thiện là đầu tư hầu như toàn bộ tài sản vật chất và tinh thần của mình vào công cuộc khích lệ những đầu óc tư tú nhất của loài người kiên tâm phấn đấu cho các xã hội ngày thêm lành mạnh. Đương nhiên, ông có quyền được gọi là một văn nhân, vì ông say mê đọc sách và sáng tác thơ từ nhỏ. Song ông thật sự tự biết – phẩm chất thường bị vô hiệu hóa nơi các nghệ sỹ ngôn từ – , nhận chân được giá trị thơ ca của mình, nên về sau hủy đi rất nhiều. Tuy thế, ông giữ lại một trường ca có tính tự truyện viết bằng tiếng Anh, thỉnh thoảng sao tặng những người bạn chí cốt. Hiện người ta sưu tầm được rất nhiều thư viết bằng tiếng Pháp của ông, mà phần lớn được đánh giá là những kiệt tác văn chương nao lòng. Xúc động hơn cả là những bức thư gửi mẹ, bao giờ cũng bằng tiếng Thụy Điển. Lưu lại cho hậu thế một tấm gương làm người, ấy là một sứ mệnh và đã là một thành tựu đáng mơ ước của nhà văn. Và ông xứng đáng được tặng một Nobel văn học! Nét lạ nhưng quen này trong chân dung nhà phát minh vĩ đại được những người thực hiện di chúc của ông thấm nhuần suốt hơn một thế kỷ. Nó cũng giúp lý giải một hiện tượng không có trong các giải văn chương bè bạn. Đó là việc Nobel tôn vinh những nhân vật không phải nhà văn chuyên nghiệp, chẳng hạn nhà sử học kiêm chính trị gia Đức Théodor Mommsen (1817-1903) – đoạt giải năm 1902; nhà trriết học Pháp Henri Berson (1859-1941); thủ tướng Anh Wilson Churchill (1874-1965) hoặc nhà triết học kiêm nhà toán học Anh Bertrand Russell (1872-1970), chiến sỹ hòa bình lỗi lạc, từng mở phiên toà xét xử đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam…Theo những thông tin rò rỉ mấy năm nay, một nhà báo Ba Lan chuyên viết về văn học và danh ca Mỹ Bob Dylan được đề cử cho Nobel văn học liên tiếp mấy năm rồi.
Điểm lại 102 Nobel văn chương, trong đó có ba giải đồng hạng, vào các năm 1904, 1966 và 1974, các nhà nghiên cứu thấy rõ rằng, về phương diện con người bình thường, các cây bút đoạt giải đều là những nhân cách mẫu mực, dù hoàn cảnh sống và sáng tác không phải bao giờ cũng thuận lợi. Công chúng văn chương nhiều nơi trên thế giới vẫn xao xuyến về lòng thương mẹ của Alexandre Soljenitsyne, về tình yêu vợ của Juan Ramon Jimenez, về nỗi đau thiếu thốn tình cảm gia đình của Yasunari Kawbata, một nguyên nhân quan trọng khiến ông tự sát dù luôn phản đối và lên án tự sát…, hay lòng tự trọng, một phẩm chất cơ bản của con người, của Erik Axel Karlfeldt. Erik Axel Karlfeldt (1864-1931) xuất thân nông dân, nhưng tài cao học rộng, chỉ viết về vùng quê thân yêu của mình, lưu lại một trong những tiếng thơ hút hồn nhất của đồng quê muôn thuở. Ông là thư ký vĩnh viễn của Viện hàn lâm Thụy Điển, cơ quan xét tặng Nobel văn học. Không muốn bị hiểu lầm là mẹ hát con khen hay, ông cương quyết từ chối vinh quang này mà Viện dành cho ông năm 1920. Song Viện nhất quyết không bỏ sót một giá trị đích thực, nên vẫn trao Nobel văn chương 1931 cho ông sau khi ông qua đời, ghi lại biệt lệ duy nhất trong Lịch sử Giải Nobel. Trên tư cách nghệ sỹ, các nhà văn đoạt giải Nobel đương nhiên phải bản lĩnh hơn người. Bản lĩnh ấy thể hiện truớc tiên ở ý chí phụng sự đời sống. Tin vào giá trị và sức mạnh của văn chương của mình, Alexandre Soljenitsyne đã có thời gian dù bị o bế đến tuyệt vọng, vẫn cuồng nhiệt viết trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, được một vài trang, lại cho vào lọ, chôn xuống đất, rồi chuyển như hàng lậu ra nước ngoài xuất bản. Điển hình nhất cho quyết tâm thực hiện ước mơ là Harry Martinson (1904-1978), Thụy Điển. Ông mồ côi bố, mẹ đi bước nữa, được dân làng luân phiên nuôi dạy, lớn lên làm đủ việc nhọc nhằn, lang thang kiếm sống hầu khắp hành tinh, nhưng bền bỉ tự học, mê mải luyện tập nghề văn, rồi về Tổ quốc, từng bước tự khẳng định là một nhà văn vô sản tầm cỡ nhất thế giới hồi bấy giờ. Ông vẫn kiêu hãnh nhắc lại rằng nhà thơ xô viết lớn Maiakovsky (1893-1930) đã ảnh hưởng quyết định tới sự nghiệp của ông. Biểu hiện thứ hai của bản lĩnh văn nhân Nobel là sự gắn bó máu thịt với một vùng đất, với nhân dân. Là động lực thúc đẩy nhà văn dấn thân vô điều kiện, sự gắn bó ấy xuất phát từ tình yêu thương vô bờ dành cho quảng đại dân chúng, những người lao động bình thường. Cây bút nữ Hoa Kỳ Pearl Buck (1892-1973) do sống và làm việc nhiều năm ở Trung Quốc trước khi về Mỹ, chuyên viết về người dân đất nước này, được hâm mộ trên khắp thế giới, không kém những cây bút Trung Hoa cự phách nhất. Trường hợp của Derek Walcott mà nơi chôn nhau cắt rốn là quốc đảo Sainte-Lucie, 616 km2, 150.000 dân, thuộc quần đảo Antilles, thật đáng được suy ngẫm. Mất cha sớm, nhà rất nghèo, ông thấu hiểu nhân dân Quốc đảo và thấy Antilles như một thế giới thu nhỏ các dân tộc và chủng tộc. Vì vậy, tâm thức của cư dân ở đây có những nét riêng, không thể trộn lẫn. Từ đó, ông trăn trở cho một phong cách “đắc địa”, ấy là kết hợp tuyền thống cổ điển và nhiều yếu tố của văn học dân gian. Tiếng thơ ca ngợi Quê cha Đất tổ của ông, chan chứa đòi hỏi công bằng cho nó, in đậm dấu ấn của Antilles, đặc sắc đến thành duy nhất. Về “vùng sâu” dường như không đáng quan tâm này, Nobel văn học 1987 Josep Brodsky tự hào viết: “Colombo đã tìm ra nó, người Anh đã chiếm nó làm thuộc địa và Derek Walcott làm cho nó trở thành bất tử”.
Biểu hiện thứ ba của “Đặc sản Nobel”, văn nhân phải là một nhà tư tưởng. Dĩ nhiên, những tư tưởng ấy, kim chỉ nam cho công cuộc thâm nhập cõi người của mọi ngòi bút đích thực, không mấy khi phát biểu trực tiếp mà chủ yếu qua tác phẩm. Đấy ví như J.M.G Le Clézio được Viện hàn lâm Thụy Điển tuyên dương năm 2008 là “tác giả của những cuộc lên đường mới, của phiêu lưu đầy chất thơ, của ngất ngây nhục cảm, nhà thám hiểm một nhân loại tồn tại ở phía trước và ở bên dưới nền văn minh đang ngự trị”. Nhân loại này, tức các cộng đồng thổ dân châu Mỹ, các dân tộc ít người, các dân tộc bị xem là man di mọi rợ…, với lối sống hài hòa trong nội bộ và với thiên nhiên, cần được thế giới văn minh thừa nhận và tôn trọng. Việc cứu vãn những nền văn hóa “phải lẽ” của họ là tất yếu không chỉ cho họ mà cả cho các dân tộc tự cho là hơn họ. Tư tưởng đó của Le Clézio thẫm đẫm trong hàng loạt truyện ngắn và tiểu thuyết của ông, định vị ông như một cây bút cổ điển mới giàu thi vị. Chưa biết ông có chịu ảnh hưởng của Octavio Paz không, song trong tập chính luận phê bình Mê lộ của sự cô đơn, 1950, của mình, Paz đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh rằng các quốc gia văn minh không được cắt đứt mối ràng buộc với nguồn gốc của họ. Biểu hiện thứ tư, tổng hòa các biểu hiện nêu trên, của bản lĩnh văn chương Nobel là tác phẩm phải bộc lộ một lý tưởng mạnh mẽ. (Đây là yêu cầu ghi trong di chúc của Alfred Nobel đối với một tác giả muốn được tặng Nobel văn học). Lý tưởng ấy là chiến đấu cho những khát vọng muôn thuở của nhân dân. Hơn một trăm năm tồn tại, Nobel văn chương quả đã quyết liệt bênh vực người nghèo và các dân tộc yếu thế, kiên cường bảo vệ điều hay lẽ phải, trong đó có tự do, bình đẳng, dân chủ, hòa bình, hạnh phúc, nhất là phẩm giá con người. Đa phần các nhà văn đoạt Nobel viết về các phó thường dân, lên án các thế lực bóc lộ, áp bức và đày đọa họ. Hơn một phần mười trong số Nobel ấy là người do thái. Cây bút do thái Mỹ Isaac Singer, chuyên sáng tác bằng tiếng Yiddish, ngôn ngữ nói của dân do thái ở Đức và Đông Âu, đã vô cùng kiêu hãnh khi được tặng Nobel năm 1978, vì thế là cộng đồng quốc tế công khai thừa nhận và tôn vinh “ngôn ngữ của lưu đày, không lãnh thổ, không biên giới, không được chính quyền nào ủng hộ…”. Dù còn khá vô danh trên văn đàn nhân loại, năm ngoái nữ văn sỹ Đức Herta Muller vẫn được Nobel đội vương miện, vì bà đã đấu tranh cho công bằng của các cộng đồng bé nhỏ sống trong lòng các cộng đồng đông đảo và hùng mạnh. Như vậy, hàm lượng lý tưởng như vừa đề cập đã được ban xét tặng Nobel tuân thủ trong suốt hơn một thế kỷ. Điều ít được bàn luận ấy giờ đây được đưa ra để lý giải vì sao Nobel đã bỏ qua những cây đại thụ của văn chương toàn cầu, Lev Tolstoi, Marcel Proust, James Joyce. Tạm gác sang bên đôi điều tiếng, chẳng hạn Thụy Điển với mấy triệu dân dành được số Nobel văn chương nhiều hơn hẳn cả châu Á khổng lồ, chúng ta nhận thấy về cơ bản Nobel văn học đã ôm trùm và kích thích được đời sống văn chương hành tinh, đúng như tâm nguyện của Người sáng lập giải.
Lại Quỳnh Quyên