Vậy là nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn đã được vinh danh với giải Nobel văn học 2012, điều không bất ngờ với nhiều độc giả trên thế giới.

Nhà văn Mạc Ngôn

Với thái độ không né tránh hiện thực, bằng ngòi bút tài hoa và bản lĩnh phi thường, Mạc Ngôn đã dũng cảm đề cập đến những lĩnh vực được cho là “nhạy cảm” nhất trong lịch sử Trung Quốc: Cuộc đàn áp của nhà cầm quyền đối với những người yêu nước chống ngoại xâm cuối đời Thanh (Đàn hương hình), những ấu trĩ bất cập của thời Cách mạng văn hóa, Cải cách ruộng đất, xây dựng nền kinh tế thị trường (Cây tỏi nổi giận, Tửu quốc, Rừng xanh lá đỏ, 41 chuyện tầm phào…), chiến tranh kháng Nhật (Cao lương đỏ) và ngay cả cuộc chiến tranh biên giới Việt- Trung năm 1979 cũng được Mạc Ngôn tập trung phản ánh (Ma chiến hữu)…

Phải nói rằng, tác phẩm của Mạc Ngôn cuốn nào cũng hấp dẫn nhờ có một cái tứ độc đáo để thể hiện một chủ đề xuyên suốt, nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến tiểu thuyết Phong nhũ phì đồn.

Phong nhũ phì đồn ra đời năm 1995. Nó không những được độc giả Trung Quốc hoan nghênh, mà sức sống đã lan toả ra nhiều quốc gia. Khi sang Việt Nam, tên cuốn sách được dịch là Báu vật của đời. Dịch giả đã tránh không dịch nguyên nghĩa Vú to mông nở, một cái tên “gợi sex”, nhưng vẫn tạo nên một cơn sốt và nó vẫn có sức sống bền bỉ cho đến tận bây giờ. Ở tất cả các cửa hàng sách trên phố Nguyễn Xí, Báu vật của đời là cuốn sách không bao giờ bán giảm giá bìa.

Điều gì khiến cuốn sách có một sức hấp dẫn kì lạ như thế?

Cuốn sách dày 860 trang này lấy cảm hứng từ những bầu vú phụ nữ Trung Hoa, mà tiêu biểu là bầu vú của bà mẹ mang tên Lỗ Toàn Nhi. 8 lần sinh nở trong cay đắng, 9 đứa con con lần lượt ra đời trong những hoàn cảnh kinh hoàng của giặc giã, của những trận đói rút ruột. Những đứa con đã bấu vào hai bầu vú của bà mẹ, hút kiệt, lớn lên và ra đi. Từ đây, mạch truyện được “chia nhánh”. Những đứa con gái của bà mẹ họ Lỗ bị cuộc đời xô đẩy mỗi người đã gắn với một người đàn ông đại diện cho một tầng lớp xã hội Trung Quốc đang thời kì rối loạn: Quân giải phóng, Quốc dân đảng, thổ phỉ, người ngoại quốc… Các thế lực chính trị thay nhau đổi ngôi gây ra cảnh tao loạn đầu rơi máu chảy, kéo theo hàng loạt hệ luỵ đau đớn. Những đứa con mải mê đuổi theo những lí tưởng riêng, đối kháng nhau. Khi thắng thế thì vùng vẫy dọc ngang một cõi, khi thất thế sa cơ khốn đốn lại quay về. Bà mẹ dang tay đón nhận tất thảy. Bà trở thành trung tâm của các mối quan hệ đan xen chằng chịt giữa xã hội và gia đình, giữa cái chung và cái riêng, giữa tình yêu và lòng thù hận…Hoá giải làm sao đây cho hợp lí hợp tình?

Phong nhũ phì đồn hấp dẫn trước hết ở cốt truyện như thế.

Khi viết cuốn sách này, nhà văn Mạc Ngôn chưa đầy 40 tuổi. Bút pháp nghệ thuật ông sử dụng trong Phong nhũ phì đồn là hiện thực pha huyền ảo, một bút pháp không mới mà các nhà văn trẻ trên thế giới vẫn thường sử dụng. Nhưng Mạc Ngôn là nhà văn giỏi xây dựng chi tiết. Một hệ thống chi tiết trùng trùng điệp điệp tạo thành một mạch kể cuồn cuộn cuốn độc giả mê man từ trang này sang trang khác. Đọc Báu vật của đời là lạc vào một mê hồn trận với đủ trạng thái cảm xúc: Hồi hộp đến thót tim với cảnh bà mẹ vật vã vượt cạn trong tiếng súng càn của quân Nhật đang tới gần; rùng mình ớn lạnh trước cảnh bầy quạ nhào xuống đánh nhau với người sống để ăn xác người chết; thương đến quặn lòng trước cảnh bà mẹ phải nuốt đậu sống vào bụng rồi về nhà móc họng nôn ra rửa sạch giã lên quấy hồ loãng cứu những đứa cháu đứa con đang kiệt sức; đau đến rã rời trước cảnh các nữ trí thức trẻ vì đói đến mụ mẫm phải lần lượt đi theo miếng bánh nhử của một tên vô lại để rồi tất cả bị hắn cưỡng đoạt trong rừng… Hầu như ở hoàn cảnh nào Mạc Ngôn cũng tìm được ít nhất một chi tiết đắt. Những chi tiết đã đọc một lần là in mãi vào trí nhớ, trở thành nỗi ám ảnh.

Nhưng nếu chỉ có chi tiết và chi tiết thì cuốn sách cũng chỉ cần đọc một lần. Báu vật của đời có thể đọc được nhiều lần nhờ văn hay. Văn của Mạc Ngôn là thứ văn của đời sống ngổn ngang nhưng mạch lạc, hư mà thực, đẹp mà gần gũi. Những trang văn thấm đẫm nhân tình, đau thương đến cùng cực nhưng khát vọng sống thì mãnh liệt, lãng mạn đến vô bờ. Cần ghi công cho dịch giả Trần Đình Hiến, với vốn văn hoá uyên thâm và kho từ vựng phong phú ông đã chuyển ngữ một cách sáng tạo, giữ được gần như trọn vẹn giá trị tác phẩm.

Mạc Ngôn là người có biệt tài miêu tả. Ngôi làng vùng đông bắc huyện Cao Mật hiện ra cực kì sinh động với với đủ sắc thái: khi ảm đạm thê lương, lúc lung linh diễm lệ; những người nông dân Cao Mật hiện ra lúc khốn khổ bần cùng, lúc ngạo nghễ hiên ngang bất khuất theo mỗi bước thăng trầm của lịch sử.

Trong cuốn sách này, Mạc Ngôn dụng công nhiều nhất cho đặc tả bầu vú. Dưới ngòi bút của ông, bầu vú của đủ mọi lớp người như những sinh thể độc lập biết buồn vui, biết cười khóc, biết rung động phập phồng. Vú được nhà văn ví với đủ các hình tượng “đôi chim câu gù trong nắng sớm”, “chiếc sừng tê chọc thẳng vào mắt người đời”, “đôi bánh bao ấm nóng”, “cặp tuyết lê mơn mởn chào mời”…, tuỳ nghề nghiệp và tuổi tác mà những bầu vú mang dáng hình, hương vị khác nhau. Riêng bầu vú vĩ đại của bà mẹ Lỗ Toàn Nhi có mặt từ đầu tới cuối, đi cùng với quãng thời gian gần 100 năm dằng dặc từ đầu thế kỉ 20 cho đến những năm Trung Quốc đổi mới với biết bao biến cố vật đổi sao dời, trở thành chứng nhân cho một thời kì bi tráng của xã hội Trung Quốc. Bởi thế bầu vú của bà mẹ Lỗ Toàn Nhi không còn là bầu vú sinh học thông tục, mà đã trở thành một ẩn dụ nghệ thuật huy hoàng.

Còn một nguyên nhân nữa khiến Báu vật của đời lấy được tình cảm của độc giả Việt Nam, đó là sự tương đồng của hai nền văn hoá, hai hoàn cảnh xã hội. Ở Trung Quốc Phong nhũ phì đồn được xếp vào dòng “Văn học vết thương”, có giá trị phản tỉnh xã hội trước những vết thương quá khứ. Ở Việt Nam, độc giả tìm đọc Báu vật của đời cũng là một cách chiêm nghiệm, đối chiếu.

 

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version