Giới bình luận báo chí trên Le Figaro đã thốt lên: “Đấy là một sự ngạc nhiên đối với người Pháp chúng tôi!(1). Vì sao? Bởi họ chờ đợi một cái tên như Bob Dylan – nhà thơ, họa sĩ và huyền thoại âm nhạc, hay Adonis – nhà thơ kiêm nhà hoạt động chính trị Syrie…

Kỳ thực, Tomas Transtromer đã nổi tiếng từ lâu. Những năm của thập niên 80, thơ ông đã được dịch ra hơn sáu mươi thứ tiếng trên thế giới. Dù ông sống ẩn dật, lặng lẽ trên một hòn đảo, sau cơn bạo bệnh vào năm 1990, nhưng những vần thơ sâu sắc, giàu tính suy tưởng, cách luận giải mới mẻ về con người và cuộc sống đã vang khắp thế giới. Người ta đọc thơ ông trên
métro, trong giáo đường… 

Transtromer được giới thiệu ở Pháp bằng tuyển tập OEuvres complètes(1954-1994) de Tomas Transtromer, chuyển dịch từ tiếng Thụy Điển bởi Jarques Outin, do Nxb Le Castor Astral ấn hành vào năm 1996, với lời giới thiệu trang trọng của Marc Blanchet: “Đấy là một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ XX”(2). Còn ở Việt Nam, chúng ta được biết đến T.Transtromer từ năm 2000, qua bản dịch tiếng Pháp của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, do Nxb Văn học ấn hành. Và Tạp chí Sông Hương cũng đã từng hân hạnh giới thiệu một chùm thơ của ông vào năm 2006. Như vậy, T.Transtromer đâu phải là nhà thơ xa lạ với chúng ta!? 

Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh Nobel cho Tomas Transtromer bởi tác phẩm của ông đã đặt ra những vấn đề lớn lao của thời đại: “về cái chết và lịch sử, về ký ức và thiên nhiên”. Transtromer được mệnh danh là bậc thầy của phép ẩn dụ/ Maitre de la métaphore. Thơ ông là kết hợp siêu hình, ám ảnh “Những bí ẩn của thơ ca cư trú trong sự kết hợp bất ngờ của một tầm nhìn rộng lớn và một giác quan chính xác” (Terre à ciel des poètes/ Poésie d’aujourdhui)(3). 

Hình như Tomas Transtromer đã quyến rũ bạn đọc bởi ba điều đặc biệt: sự khắc khoải của nỗi đau tội lỗi; sự dồn nén của ngôn ngữ câm lặng; sự du dương của những bản thánh ca tràn đầy nhục cảm trần thế? 

Khi thơ ca là lời sám hối cho những tâm hồn tội lỗi

Tomas Transtromer là một nhà thơ, kiêm nhà tâm lý học. Ông từng làm việc trong các tổ chức từ thiện để giúp đỡ cho những người bệnh tật và lầm lỗi. Đối diện với nỗi đau của mặc cảm tội lỗi, thơ ông là niềm thấu hiểu sâu sắc về cuộc đời và con người. Những hoạt động trong trại tập trung Roxtuna (cải tạo trẻ em phạm tội, giới nghiện ma túy) là dịp để Transtromer thể nghiệm thơ ca. Thơ ông đã cất lên từ những nỗi đau sám hối của loài người 

Như khi ai đó đã chìm quá sâu trong giấc mơ 
sẽ không bao giờ hắn có thể nhớ mình đã ở đó 
lúc trở lại căn phòng. 
Như khi ai đó đã ở quá sâu trong bệnh tật 
những ngày tháng cũ trở thành những điểm nhấp nháy, một chùm, 
lạnh lẽo và yếu ớt ở chân trời

(Đường ray) 

Khi thơ ca vang lên từ chốn câm lặng…

Với T. Transtromer thơ ca là sự dồn nén của thế giới ngôn ngữ câm lặng (4). Trong chốn thâm u, huyền bí, thơ ca gợi ra niềm ẩn mật của tâm linh. Đối thoại với thế giới nội tâm, thơ ông đã đúc kết thành những triết lý sâu thẳm về thiên nhiên, con người giữa cõi nhân thế… 

Ban đêm, bầu trời gào thét. 
Không cho ai biết, chúng ta rút sữa từ hoàn vũ, để sống còn

(Những nét gạch xóa của lửa) 

Phải chăng, cuộc sống ẩn dật khiến cho thơ ca của Tomas Transtromer có một sức quyến rũ riêng? Cú ngã đột quỵ vào năm 1990, làm cho Transtromer không còn diễn đạt ngôn ngữ như một người bình thường. Bàn tay phải cũng không thể cầm bút để sáng tạo như xưa. Trong nỗi đau câm lặng của bệnh tật, trong sự bất lực của niềm khát khao giao cảm với cuộc đời, thơ Transtromer đã vang lên bằng một thứ ngôn ngữ dồn nén khắc khoải. Đó chính là sự bí ẩn, kỳ thú, mà chỉ những nghệ sĩ tài hoa, thượng đế mới ban tặng cho đặc ân này. Nỗi đau, sự khốn cùng, thường là nơi chốn để thơ ca, nghệ thuật thăng hoa. Ít ai viết thành công trong niềm hân hoan hạnh phúc. Đó cũng là một nghịch lý thú vị của nghệ thuật với cuộc đời này: Dostoievski viết trong cơn động kinh man rợ, Balzac viết trong chốn nợ nần vây quanh, Nietzsche viết trong sự khốn cùng của nỗi đau bị đàn bà chối từ… 

Hơn một phần tư cuộc đời, Transtromer phải đối diện với cuộc sống bệnh tật. Lánh xa chốn nhân gian ồn ào, Transtromer đã biến nỗi đau riêng tư thành sức mạnh của ngôn ngữ thơ ca. Ám gợi, siêu hình và mang tầm triết học, thông qua những biểu tượng, Transtromer đã biểu đạt sự phong phú, kỳ bí của thiên nhiên và tâm hồn con người. Đó có thể là một thế giới bên kia, ngăn cách niềm giao cảm giữa nhà thơ với cuộc đời: 

“Tôi đã viết cho các bạn thật ít ỏi. Nhưng những gì tôi không thể viết 
đã phồng lên và phồng lên như một khinh khí cầu kiểu xưa 
và cuối cùng trôi đi qua bầu trời đêm”

(Gửi những người bạn ở bên kia một biên giới) 

Đôi lúc, trong những khoảnh khắc xao động, Transtromer đã hình dung về thế giới bằng một thứ ngôn ngữ mang màu sắc hiện sinh: 

…Những kỷ niệm mơ hồ chìm xuống đáy đại dương 
để sững lại dưới ấy – những pho tượng dị kỳ. – Xanh rêu 
là cây nạng của mi. Kẻ 
đi biển trở lại hóa đá.

(Trầm tư xao động) 

Khi thơ ca cất lên giai điệu của âm nhạc…

Tomas Transtromer từng là một cây piano tài hoa. Ông am hiểu sâu sắc lĩnh vực âm nhạc, vì thế, thơ Transtromer tràn đầy nhạc tính. Có những câu thơ dìu dặt, réo rắt. Có những câu thơ kéo dài, ngân nga như những bản sérénade. Có những câu thơ đứt gãy, vỡ vụn, tan ra trong không trung… 

…Rơi rơi 
mọi hành động của chúng ta 
trong như pha lê 
không vào một đáy sâu nào hết 
ngoại trừ ở bên trong chính chúng ta.

(Đá) 

Tính triết lý, biểu tượng và sự du dương âm nhạc, là những đặc điểm làm nên phong cách thơ của Transtromer như các nhà phê bình Tây âu nhận xét.

Về con người Tomas Transtromer?

Chào đời vào năm 1931 tại Stockholm, nhưng lại sống gần như ẩn dật tại một hòn đảo, sau cơn đột quỵ oan nghiệt vào năm 1990. Trường trung học Latin Sodra và tấm lòng nhân ái của người mẹ là nơi nuôi dưỡng tâm hồn thi ca của Tomas Transtromer. Những vần thơ nhen nhóm, khi còn tuổi ấu thơ. Tập thơ gây chú ý với độc giả, khi Transtromer đang là sinh viên tâm lý học,17 poèmes (17 Diker), do Nxb Bonners ấn hành 1954. Đó cũng là khởi phát cho sự nghiệp và niềm đam mê thi ca của Tomas. Năm 1956, ông nhận bằng cử nhân tâm lý học và được tuyển dụng vào Viện Kỹ thuật tâm lý của trường Đại học Stockholm. Tuy nhiên, Transtromer luôn bận tâm đến vấn đề nghệ thuật, thi ca và lịch sử. Chính điều này đã tạo ra một phong cách đa diện, phong phú trong nghiệp tác của Transtromer. 

Mặc dù đau đớn trong bệnh tật, Transtromer vẫn miệt mài đam mê sáng tạo. Năm 2004, ông cho ra đời tác phẩm Bí mật của đời tôi. Ngoài ra, ông còn viết hồi ký. Tập Những kỷ niệm đang nhìn tôi, đã được bạn đọc quan tâm bởi hình tượng tự thuật là tác giả. 

Ngoài giải thưởng Nobel cao quí vừa được vinh danh 10 – 2011, Tomas Transtromer đã từng nhận được nhiều giải thưởng đặc biệt khác, như giải:Bellmanpriset (1966), Prarque của Đức (1981), giải thưởng văn học quốc tếNeustadt của Mỹ (1990), giải Augustpriset năm 1996… Với những giá trị đã đạt được, Tomas Transtromer được đánh giá là một trong những thơ đương đại lớn nhất của thế kỷ XX. Transtromer đã góp phần quan trọng để làm nên diện mạo thơ ca của dân tộc Thụy Điển và thế giới. 

Trên hết, thơ Tomas Transtromer là bản hoan ca về cõi nhân thế. Bằng tính quyền uy của ngôn ngữ, Transtromer đã mở ra những giới hạn về con người và cuộc đời. Lay động, run rẩy và khắc nghiệt, thơ ông đã đánh thức từng giác quan của chúng ta trong thế giới vô cảm của xã hội hậu hiện đại. Viện Hàn lâm đã trao giải cho Tomas Transtromer, vì lời xưng tụng con người bằng một thứ ngôn ngữ tuyệt đẹp đó.

T.H.S.
(273/11-11)

_________________


(1) Transtromer: “Une surprise pour nous les Francais”, Le Figaro, htt://www.lefigaro.fr/livres Các tư liệu trong bài được tổng hợp từ nguồn tiếng Pháp. Các bài thơ là bản dịch của Nguyễn Xuân Sanh. Chúng tôi có xem thêm bản tiếng Pháp của Jacque Outin trong tuyển tập OEuvres complètes (1954- 1994) de Tomas Transtromer, Éditions du Castor Astra, 1996. 
(2) Le mensuel de la littérature contemporaine, htt://www.lmda.net/din/tit 
(3) Terre à ciel des poètes -Tomas Transtrosmer, htt://terreaciel.free.fr/poetes/poetesttanstromer 
(4) Le poète du silence, nguồn hh:/www.critiqueslibres.com

 

(Nguồn: Tc Sông Hương)