“Không chỉ chăm chăm đào bới và khai thác ký ức cá nhân, trải nghiệm riêng tư mà còn biết hướng ánh mắt, nhịp tim đến với cuộc sống bao la quanh cái tôi nhỏ bé, hứa hẹn một nguồn năng lượng giàu sức sáng tạo của văn đàn nước nhà”.
Chín tác giả đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 5 tại lễ trao giải sáng 28-8. 15 tác giả vào chung khảo (ba tác giả còn lại đang ở nước ngoài) và đông đảo các cây bút, độc giả yêu văn chương đã tham dự lễ trao giải – Ảnh: Hữu Khoa
Đó là những chia sẻ của ông Dương Thành Truyền – thành viên ban tổ chức Văn học tuổi 20 lần 5 khi nói về niềm tin ở những tác giả đoạt giải lần này.
Ban tổ chức lễ trao giải Văn học tuổi 20 dành cho giải nhất một clip đặc biệt, và khi trên màn ảnh xuất hiện dòng chữ Người ngủ thuê thì dưới hàng ghế, Nhật Phi không kìm được xúc động, anh mím môi, đưa tay sửa đôi mắt kính vì khóe mắt đang ứa ra những giọt vui mừng…
Lễ trao giải Văn học tuổi 20 lần 5 diễn ra sáng 28-8 tại báo Tuổi Trẻ, TP.HCM đã khép lại với niềm vui…tươi mới như thế, khi lần đầu tiên, một tác giả thuộc thế hệ 9X đoạt giải.
Đây cũng là lần đầu tiên giải nhất thuộc về một cây bút phía Bắc. Nhật Phi với tác phẩm Người ngủ thuêcủa Văn học tuổi 20 lần 5 chính là một phát hiện thú vị.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức dí dỏm tâm sự một chi tiết thuộc về “nội bộ ban giám khảo”: “Thoạt đầu nghe tên truyện có chữ “ngủ thuê”, tôi chọn đọc trước vì cứ nghĩ đây là bạn trẻ viết về nội dung… sex. Nhưng khi đọc, mới thấy hóa ra đây là câu chuyện hiện đại ngoài sức tưởng tượng của tôi. Và đã có bốn trong năm giám khảo chấm truyện này giải nhất – một sự đồng thuận cao so với các lần giải trước thường giám khảo gặp bất đồng trong khi chọn giải nhất”.
Và có những phát hiện không phải ở tác giả mà thuộc về tác phẩm, như Cơ bản là buồn của Nguyễn Ngọc Thuần. Tác giả thì quá quen, nhưng tác phẩm thì mới lạ. Nhà văn Lê Văn Thảo tại lễ trao giải đã dành một diễn từ đáng kể cho Cơ bản là buồn.
Theo ông Thảo, Nguyễn Ngọc Thuần trong truyện này đã có cách dẫn truyện bằng suy nghĩ của nhân vật. Cũng theo ông, “Nguyễn Ngọc Thuần chỉ trình bày cuộc sống chứ không chỉ dạy, như vậy là hình thức mới. Đặc biệt, Thuần còn dành rất nhiều khoảng trống cho người đọc”. Và trong một tập sách mỏng, nhưng chiến tranh được nhắc đến rất nhiều, kể cả vấn đề con lai.
Hóa ra, đây cũng là một hình thức đặc biệt khi viết về chiến tranh, đề tài mà nhà văn Lê Văn Thảo tin rằng “các thế hệ con cháu sau này chắc cũng còn sẽ viết về nó, có khi còn hay hơn cả những người trực tiếp trải qua chiến tranh như tôi”.
Văn học tuổi 20 đặt tiêu chí quan trọng là phát hiện cây bút mới. Còn bạn đọc của Văn học tuổi 20 thì luôn theo dõi các cây bút này trong hành trình sáng tác về sau. Cho nên, những tâm sự tại buổi trao giải còn hé lộ những niềm tin.
Như Nguyễn Thị Khánh Liên (tác giả truyện dài Charao mùa trăng) vẫn tha thiết với cảnh đời những người dân tộc thiểu số.
Lê Minh Nhựt tự nhận mình xuất thân từ nông dân nên những vấn đề nông thôn không chỉ trong Gia tộc ăn đất mà “luôn thường trực” trong đề tài sáng tác của anh.
Phương Rong – tác giả truyện dài Nhiệt đới buồn tự nhận mình thích những điều cũ kỹ với lớp bụi thời gian bởi cứ lo người ta sống vội quá mà không còn kịp nhận ra những hay ho ở đó nữa…
Còn Phạm Bá Diệp của Urem – người đang mơ lại cho biết từ lâu anh đã thích thú thể loại văn học fantasy, nên “nếu không viết thể loại này thật tình em cũng chưa biết viết loại nào khác”.
9 tác giả – tác phẩm đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 5 ● Giải I – Người ngủ thuê của Nhật Phi: Hình tượng độc đáo thể hiện khá sinh động nghịch cảnh trớ trêu và sự vượt thoát khỏi nghịch cảnh đầy bất ngờ mà tự nhiên của nhân vật chàng họa sĩ trẻ. Tác phẩm của Nhật Phi ít nhiều làm người ta liên tưởng đến Momo – một sáng tác kỳ ảo lừng danh của Michael Ende. ● Giải II – Cơ bản là buồn của Nguyễn Ngọc Thuần: Nỗi buồn chiến tranh không của một thời, không của riêng ai, vẫn hiện hữu đâu đó trong không gian sống, không gian tâm thức của các nạn nhân. ● Giải III – Gia tộc ăn đất của Lê Minh Nhựt: Nỗi ám ảnh về sợi dây liên hệ huyền bí giữa “đất” và “người” phương Nam qua một thấu kính lồi đầy ám ảnh. (Ba truyện ngắn xuất sắc: Gia tộc ăn đất, Mệnh lênh đênh, Ruồi). ● Giải III – Hạt hòa bình của Minh Moon: Hòa trộn mơ và thực, mất mát và ân nghĩa thành cuộc phiêu lưu lạ về người gieo “hạt hòa bình”. ● 5 giải khuyến khích: Urem – người đang mơ của Phạm Bá Diệp, Mất hút bên kia đồi của D. (Dương Liên Trang Nhã), Lý Hàng Khơi của Đoàn Phương Nam, Nhiệt đới buồn của Phương Rong, Charao mùa trăng của Nguyễn Thị Khánh Liên. |
Lam Điền
Nguồn: Tuoitre.com.vn