Sự nghiệp văn chương, dịch thuật của Nhượng Tống được các học giả đời sau ngợi ca trong buổi tọa đàm tại Hà Nội, ngày 9/12.

Nhượng Tống (1906 – 1949) tên thật là Hoàng Phạm Trân, là một trong những thành viên chủ chốt thành lập Nam Đồng Thư xã – một cơ sở chuyên xuất bản sách tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước. Cuộc đời Nhượng Tống để lại nhiều cống hiến trong lĩnh vực báo chí, văn chương, dịch thuật. Buổi tọa đàm “Nhượng Tống – nhà văn, nhà báo, dịch giả” diễn ra tối 9/12 tại Hà Nội nhằm làm rõ hơn chân dung học giả với lớp hậu sinh.

Ba diễn giả tham gia chương trình gồm nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Tiến sĩ Trần Trọng Dương và nhà phê bình Mai Anh Tuấn. Tại tọa đàm, các diễn giả khẳng định Nhượng Tống là một nhà ái quốc. Tình yêu đó dẫn dắt ông đi qua nhiều lĩnh vực với nhiều tác phẩm có sức ảnh hưởng.

nhuong-tong-trong-mat-hau-sinh

Nhượng Tống – Hoàng Phạm Trân.

Sự nghiệp báo chí của Nhượng Tống được ôn lại. Ông sinh ra trong một gia đình Nho học, thông thạo chữ Hán từ nhỏ, sau mới tự học thêm tiếng Việt và tiếng Pháp. Từ năm 16 tuổi (1921), Nhượng Tống đã bắt đầu sự nghiệp báo chí với những bài đăng trên báo Khai hóa, sau đó là các báo Nam thành, Thực nghiệp dân báo, Hồn cách mạng, Hà Nội tân văn

Tiến sĩ Hán – Nôm Trần Trọng Dương nói về sự nghiệp dịch thuật của Nhượng Tống. Đầu thế kỷ 20 có rất nhiều dịch giả. Giới Hán học thường nhắc tới ba người: Nhượng Tống, Trúc Khê và Thiều Chửu (Nguyễn Hữu Kha). Nhượng Tống tuy không nhiều tác phẩm dịch bằng hai người còn lại, nhưng về độ tài hoa, minh triết, ông là người đứng đầu. “Chúng tôi ở thế hệ cháu chắt của ông, làm việc với bất kỳ một tác phẩm từ triết học tới văn học kinh điển, sử liệu đều phải nhắc tới ông”, tiến sĩ Trần Trọng Dương nói.

nhuong-tong-trong-mat-hau-sinh-1

Từ trái qua: Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Tiến sĩ Trần Trọng Dương, nhà phê bình Mai Anh Tuấn tại tọa đàm.

Nhượng Tống có khoảng 30 tác phẩm dịch. Ông là dịch giả đầu tiên chuyển ngữ những tác phẩm triết học kinh điển, sử liệu Trung Quốc nhưNam hoa kinh, Kinh thư, Sử ký (Tư Mã Thiên)… Những tác phẩm, sử liệu của Việt Nam cũng được ông dịch ra quốc ngữ như Đại Việt Sử ký toàn thư, Bình ngô đại cáo. Nhượng Tống dịch nhiều tác phẩm văn chương chữ Hán sang chữ quốc ngữ như Ức Trai thi tập, Hồng Lâu Mộng, Ly taoThơ Đỗ Phủ, Tây Sương ký… Bên cạnh đó, Nhượng Tống cũng dịch các tài liệu y học.

Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn nói về các tác phẩm do Nhượng Tống sáng tác. Anh bày tỏ sự yêu thích với Lan Hữu. Theo anh, tác phẩm cho thấy nhân cách con người tác giả: “Lan Hữu nằm trong tinh thần văn xuôi lãng mạn 1930 – 1945. Sự dằn vặt giữa tình yêu và tự do, đạo đức trong Lan Hữu không có gì mới. Tác phẩm cũng không đánh thức đạo đức xã hội như một số tác phẩm thời đó. Nhưng Lan Hữu cho thấy sợi dây đạo đức của một anh nhà nho. Theo tôi căn cước của Nhượng Tống vẫn là một nhà Nho”.

nhuong-tong-trong-mat-hau-sinh-2

Một số tác phẩm của Nhượng Tống mới được tái bản.

Ông Đào Kim Thi – biên tập viên nhà xuất bản Giáo dục – đánh giá cao cuốn Nguyễn Thái Học: “Tác phẩm vừa là sách sử, vừa là hồi ký, tự truyện. Nhượng Tống là người bạn của Nguyễn Thái Học, cuốn sách viết sau khởi nghĩa Yên Bái 15 năm nên các sự kiện trung thực. Đằng sau hình tượng Nguyễn Thái Học, tôi còn thấy hình tượng của tác giả. Sự xả thân của các chiến sĩ bồi đắp thêm cho tôi lòng yêu nước”.

Theo Lam Thu – Vnexpress