(Tham luận tại Hội nghị Lý luận, phê bình văn học lần thứ 2 họp tại Đồ Sơn tháng 10. 2006)
Công cuộc Đổi mới đã thổi một luồng gió mới đầy sinh khí vào nền văn học nước ta. Ít ra là gần mười năm đầu, văn chương nước ta khá khởi sắc. Hàng trăm tác phẩm ra đời, gây ấn tượng sâu rộng trong sinh hoạt xã hội. Bởi nó khuấy động bầu không khí dân chủ, cởi mở và cả sự giải tỏa nỗi bức xúc chưa từng có. Công chúng đang kỳ vọng ở tiếng nói nhà văn. 

Đáng tiếc, tính cởi mở và sự thông thoáng của giai đoạn đầu Đổi mới không còn được duy trì. Không khí sáng tác bị chững lại rồi chùng xuống trong khoảng hơn mười năm sau đó. Hy vọng Hội nghị Lý luận, phê bình văn học lần thứ hai này sẽ là cơ hội khai thông sự trì bế và thúc đẩy cho nền văn học nước nhà phát triển. 

Xin đi thẳng vào vấn đề mà chúng ta đang quan tâm. Thật khó tìm thấy một nhà văn nào đó học lý luận sáng tác trước khi bắt tay vào viết tác phẩm. Nhưng bằng vào sáng tác phẩm của nhà văn, nhà lý luận phê bình có thể dễ dàng chỉ ra được phương pháp luận sáng tác của anh ta. Mặc dù (đôi khi) anh ta không thừa nhận. Vậy phương pháp luận sáng tác ấy nó phát xuất từ đâu? Phải chăng trong cấu trúc tư duy của nhà văn đã hàm chứa cả phương pháp luận sáng tác? 

Chúng ta bền bỉ bàn về lý luận văn học. Thậm chí nhiều người còn nói, chúng ta đang rơi vào tình trạng khủng hoảng lý luận hoặc chân không về lý luận. Khủng hoảng thường xảy ra theo hai trạng thái: thừa hoặc thiếu. Dường như nền lý luận của chúng ta mắc vào cả hai trạng thái đó cùng một lúc. Nghĩa là chúng ta quá thừa cái mà ta không cần và quá thiếu cái mà ta cần. 

Trong khi đó giới lý luận văn học nước ta trong thời gian quá dài (tạm lấy mốc từ 1955-1985) được định hướng chặt chẽ tới mức phụ thuộc vào ngành lý luận văn học Xô Viết. (Tất nhiên đây là hạn chế mang tính lịch sử.) Bởi vậy, nền lý luận văn học nước ta thiếu đi bản lĩnh cần thiết. Ví dụ chúng ta lệ thuộc hoàn toàn vào phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong khi cuộc sống lại diễn ra đa sắc thái. Nhớ vào khoảng năm 1963 của thế kỷ trước, nhà lý luận số một, uỷ viên thường vụ Đảng Cộng sản Pháp, ông Roger Garaudy là người từng sùng bái phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, ném ra tác phẩm D’un réalisme sans rivages (Về một chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến). Sau tác phẩm động trời này, ông chia tay với đảng của mình để trở thành giáo sư triết học của trường đại học danh tiếng Sorbonne. 

Đó là một trong những điềm báo trước cho sự tan rã của hệ lý luận Xô Viết, đồng thời ghi nhận thiên chức dự báo của văn học thông qua các nghệ sĩ có độ nhạy cảm cao. 

Hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, không chỉ giới lý luận nước ta (trong đó có lý luận văn học) lao đao mà cả nhà nước ta cũng rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Mặc dù sau này gượng dậy được, và Ban Tư tưởng Văn hoá cũng như Hội đồng Lý luận Trung ương có đề ra “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, đó là định hướng mờ nhạt. Vì rằng “định hướng xã hội chủ nghĩa” nhưng lại hoạt động “theo cơ chế thị trường”. 

Định hướng xã hội chủ nghĩa với cơ chế thị trường khắc chế nhau như nước với lửa nhưng lại song song tồn tại. Do vậy các nhà lý luận Việt Nam trên mọi lĩnh vực đều lúng túng như gà mắc tóc. Cho nên tình trạng lý luận nước ta rơi vào khủng hoảng triền miên là một sự đương nhiên. Và mọi hoạt động chỉ là cầm chừng. Một nền văn học lành mạnh phải dựa trên cơ sở sáng tác và lý luận phê bình cùng phát triển. Sáng tác rất cần phê bình, tới mức không thể thiếu một nền phê bình minh triết để chỉ ra hướng đi cần thiết cho cả nền văn học. Không lý gì phê bình khủng hoảng mà sáng tác lại phát triển. Do đó, bình diện sáng tác của chúng ta hiện nay cũng nằm trong sự chi phối của tình trạng khủng hoảng. 

Lập tức có người hỏi: vậy thời các nhà văn, các nhà phê bình của chúng ta không làm việc sao? Xin thưa, họ vẫn tích cực làm việc. Tựa như người nông dân cần mẫn cầy trên thửa ruộng nhỏ bé của mình thôi. Nghĩa là hết sức manh mún. Và sự gặt hái cũng chỉ thu được thành tựu mang tính ước lệ. 

Đừng bằng vào số lượng đầu sách in ấn hàng năm mà đánh giá kết quả. Mỗi năm thị trường sách có cả ngàn tập thơ được xuất bản, nhưng công chúng đang dị ứng với thơ. Văn xuôi cũng không có ngoại lệ. 

Điểm mặt các hàng hoá tiêu dùng trên thị trường, chúng ta thấy hàng ngoại chiếm trên dưới 80 %. Thị trường sách cũng cho kết quả tương ứng, nghĩa là sách dịch (kể cả văn học và các khoa học khác) chiếm lĩnh hầu hết thị phần sách của nước ta. Có thể có một vài nhà văn có sách ra đều, hoặc có một vài cuốn sách nội ăn khách, không đồng ý với nhận định này. Song đó là một thực tế nghiệt ngã buộc ta phải thừa nhận. 

Một thời giới phê bình lý luận nước ta thổi vào biết bao sinh khí, nếu không nói là hà hơi tiếp sức, thậm chí cả tiếp máu nữa để tạo ra các đỉnh cao văn học. Trong đó vạch ra đủ thứ tính nào là tính giai cấp, tính Đảng, tính nhân dân… tựu trung là hướng cho nó đi đúng vào quỹ đạo của hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các tác phẩm mà Bộ Giáo dục đã phải đưa vào chương trình giáo khoa như Vùng mỏ của Võ Huy Tâm, Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, Cái sân gạchVụ lúa chiêm của Đào Vũ. Về sân khấu thì có Chị Tấm anh Điền… Các nhà phê bình lý luận trưng ra đủ các thứ tính trong các tác phẩm trên, nhưng nó chỉ thiếu có mỗi một tính, ấy là tính nghệ thuật. Vì thế nó rơi vào tình trạng chết yểu, dù nó có được trao các giải hàng đầu. 

Các thế hệ học sinh của chúng ta cảm nhận mỹ học cứ cùn nhụt đi, chai lì đi còn bởi Bộ Giáo dục cứ nhẫn tâm bắt con em chúng ta phải học những tác phẩm phi nghệ thuật. Và tới ngày nay chúng ta lãnh đủ. 

Tôi được biết Ban tổ chức rất có thiện chí thông qua Hội thảo này nhằm khai thông bế tắc đặng dọn đường cho nền lý luận phê bình, nền văn học nước nhà phát triển. Cho nên, theo tôi dù đau đớn chúng ta cũng phải dũng cảm nhìn vào sự thực. Sự thực là trong nửa thế kỷ qua, đội ngũ các nhà văn và bằng các sáng tác phẩm của mình đã phục vụ rất tốt cho công cuộc giải phóng dân tộc. Sứ mệnh đó các nhà văn chúng ta đã làm được, và chúng ta có quyền tự hào. Chúng ta cũng hài lòng vì nó là văn chương phục vụ nên không thể hoặc chưa thể tạo ra được đỉnh cao. 

Song cái thời chinh chiến khắc nghiệt đó đã qua đi trên 30 năm rồi, nền văn học của chúng ta xem ra vẫn giậm chân tại chỗ, vẫn chưa tạo ra được đỉnh cao. Nói cho công bằng, truyện ngắn chưa vượt được “Chí Phèo”, tiểu thuyết chưa vượt được Số Đỏ, kịch chưa vượt được Vũ Như Tô… 

Rõ ràng là chúng ta đang mắc vướng vào một cái gì đó lớn lắm. Nếu không gỡ bỏ ra được, chúng ta chỉ gồng sức chạy tại chỗ mãi thôi. 

Sự vướng mắc đó là cái gì? Theo tôi, đó là thiếu dân chủ trong phê bình, thiếu tự do trong sáng tác. Tôi đề nghị trên phương diện quốc gia, các nhà lãnh đạo nên có cái nhìn thông thoáng. Khoa học công nghệ thông tin đang làm phẳng thế giới, còn ta cứ mãi duy trì các vùng lõm. Phải lãnh đạo đất nước bằng trí tuệ chứ không thể bằng quyền lực. Bởi người bị lãnh đạo tuy vẫn là công nông, nhưng đó là công nông cổ cồn chứ không phải cổ cày vai bừa như thế kỷ trước. Hơn nữa đội ngũ trí thức nước ta không còn manh mún, ấu trĩ nữa. 

Cần tôn trọng tự do sáng tác của nhà văn và thông thoáng cởi mở trong in ấn. Về phần người cầm bút, tôi luôn phấn đấu để vượt qua nỗi sợ hãi như cái vòng kim cô đã trùm chụp lên đầu biết bao thế hệ nhà văn. Và nhà văn phải dũng cảm vượt khỏi nỗi sợ hãi ám ảnh đó, phải tự giải phóng mình trước khi đòi được giải phóng. Và ngòi bút phải thoả mãn đến tận cùng cái mà nhà văn thật yêu hoặc thật ghét. Tất nhiên sự yêu hoặc ghét của nhà văn phải thuộc về nhân dân mình, Tổ quốc mình. Do đó, nhà văn có quyền được viết tất cả những gì luật pháp không cấm. Nhà văn trước hết phải thực thi đầy đủ quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp. 

Một điều hiển nhiên mà cực kỳ vô lý rằng ta chấp nhận dịch những tác phẩm văn học nước ngoài như Phế đô của Giả Bình Ao, Đàn hương hìnhBáu vật của đời của Mạc Ngôn mà không chấp nhận các tác phẩm và các vấn đề xã hội tương tự của Việt Nam do nhà văn Việt Nam viết ra. 

Phải thừa nhận, chúng ta không có hoặc chưa xuất hiện các nhà văn thật lớn, nhưng những vấn đề xã hội như các tác phẩm dịch vừa nêu, đều nằm trong tầm tay của các nhà văn nước ta. 

Viết ra được những vấn đề xã hội gay cấn trong hơn nửa thế kỷ qua, vừa là giải toả cho các nhà văn vừa là giải toả nỗi bức xúc cho hàng triệu người đã từng tham dự vào các sự kiện xã hội đó. 

Trở lại các vấn đề lý luận văn học đang lâm vào khủng hoảng ở nước ta. Chỉ khi nào giới sáng tác vượt qua cơn khủng hoảng này thì giới phê bình mới có lối thoát. Ví dụ sau đại chiến thế giới lần thứ hai, nếu Albert Camus [1] không viết ra L’Etranger (Người xa lạ), Jean Paul Sartre [2] không viết La nausée (Buồn nôn) hoặc Les mouches(Ruồi)… thì phương Tây làm gì có chủ nghĩa hiện sinh. Rõ ràng là thi pháp được tạo ra từ nhà văn, còn nhà phê bình sẽ chỉ ra đúng tên gọi của nó và hoàn thiện nó về mặt lý thuyết. 

Và nữa, nếu không có cuộc triển lãm 1874 ở Paris trong đó có bức họa mang tên “Ấn tượng mặt trời mọc” của họa sỹ Claude Monet [3] thì nhà phê bình nghệ thuật Louis Leroy không thể chỉ ra được trường phái ấn tượng (Impressionnisme) sau đó. 

Hoặc ngược về thế kỷ 16, nếu Pierre de Ronsard [4] cùng các bạn ông không lập ra nhóm “Pleiade” mà ta thường gọi là “Thất hiền”, để làm mới lại hình thức và khơi nguồn cảm hứng cho thi ca Pháp, thì chủ nghĩa lãng mạn Pháp không thể xuất hiện vào đầu thế kỷ 17 và làm chói sáng nền văn học Pháp suốt ba thế kỷ sau đó. 

Tóm lại sự vướng mắc của học thuật nước ta kéo dài nhiều thập niên, chỉ gói gọn trong có 4 chữ: Dân chủ & Tự do mà nó được biểu hiện trong tiêu ngữ từ ngày mới lập nước. Đó là: 


Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 
Độc lập Tự do Hạnh phúc


[1]Albert Camus (1913-1960) nhà văn Pháp sinh tại Mondovi (Algérie). Giải Nobel văn học năm 1957
[2]Jean Paul Sartre (1903-1980) nhà triết học, nhà văn Pháp, sinh tại Paris. Năm 1964 được tặng giải Nobel văn học nhưng ông từ chối.
[3]Claude Monet (1840-1926) họa sĩ nổi tiếng thuộc trường phái “Ấn tượng”, sinh và mất tại Paris (Pháp)
[4]Pierre De Ronsard (1524-1585) nhà thơ Pháp, sinh tại Vendômois. Ronsard cùng các bạn sáng lập nhóm Pleiade (Thất hiền), chủ trương làm mới lại hình thức thơ ca Pháp và thối cho nó nguồn cảm hứng.
Hoàng Quốc Hải