Với tôi, “Những vùng biên trong trí nhớ” là tuyển tập phóng sự đáng đọc giữa bối cảnh suy thoái kéo dài của thể loại này.

Gặp cái tôi giữa đám đông

Làm báo, dễ rơi vào trạng thái căng thẳng khi tác nghiệp cùng hàng trăm đồng nghiệp ở một sự kiện lớn và tập trung. Cuộc cạnh tranh thông tin phân định mạnh, yếu giữa các tòa soạn và bộc lộ đẳng cấp cao, thấp giữa cánh nhà báo. Mảng tường thuật, phóng sự càng dễ thấy tay nghề của nhau. Hoàng Văn Minh không giỏi trong điều kiện cọ xát như vậy, thậm chí cứ như gã ngơ ngác sao đó. Nhưng ngoài thông-tin-cứng cần thiết, Minh thi thoảng thả vào trang viết của mình loại thông-tin-mềm bất ngờ, thú vị, riêng có và từ đó làm nên khác biệt.

Tháng 5 năm ngoái, tất cả báo đài trong nước, cùng một số đồng nghiệp quốc tế, ngày đêm bám tàu cảnh sát biển, kiểm ngư VN ngăn chặn giàn khoan HD-981 xâm phạm lãnh hải, vờn nhau với tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc. Những ngày ấy mặt báo đầy ắp tường thuật tình hình căng thẳng trên vùng biển Hoàng Sa. Bạn đọc đọc hết bài này lập tức đọc sang bài khác. Đọc bằng trái tim nóng, dù thông tin đại thể không khác nhau mấy. Giữa những chi tiết gần như trùng lặp và có thể đoán trước như vậy, người ta bỗng bật cười mà chảy nước mắt khi đọc tới Minh: “Cú đâm của thằng hải cảnh 4044 làm sập toàn bộ lan can mạn phải tàu kiểm ngư 763. Mặc kệ máy bay địch lúc này vờn lượn ngay trên đầu, anh em kiểm ngư viên lúi húi đi tìm dép. “Mất thêm chiếc nữa rồi. Cứ mỗi lần tụi Tàu phun vòi rồng là dép trên tàu lại mất, chắc mấy hôm nữa cả tàu mình đi chân đất”, một người lẩm bẩm”. Và bạn đọc ngẩn người một giây khi gặp… con cò trên tàu kiểm ngư, trong cuộc đối đầu sinh tử. Chỉ một nhà báo thấy nó, nhận ra nó và biến nó thành nhân vật phóng sự, là Hoàng Văn Minh: “Nó là thành viên thứ 29 của tàu kiểm ngư 763 – được một kiểm ngư viên vớt lên từ biển. Nó được các thành viên trên tàu chăm sóc, coi như một người bạn và thậm chí tôi còn cho nó cùng nghe nhạc. Mỗi lần nhìn thành viên cò nỗi nhớ đất liền trong chúng tôi nguôi ngoai đi một chút. Những lúc chuyện phiếm, anh em thường nhắc đến thành viên cò và hỏi nhau vì sao cò lại ra biển? Vì sao nó đến đây một mình?”… Hơn một năm trôi qua, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ một chi tiết lạ trong chùm phóng sự ra biển chống Tàu của Minh và tin là không ít bạn đọc chia sẻ với tôi điều đó: “Sau một ngày quần thảo mệt lử, tôi thường nằm lắc lư trên võng ở đuôi tàu và mở bản Going home trên điện thoại (Kenny G độc tấu saxophone), bật loa về phía các tàu Trung Quốc”… Vì: “Sang Tàu, tôi chứng kiến Going home được bật lên ở khắp các nhà hàng, siêu thị, ga tàu, trường học… như gián tiếp nhắc nhở đã kết thúc một ngày làm việc, đã đến lúc mọi người về với mái ấm gia đình”…

Cây bút Huế với miền cuối Việt

Trong một phóng sự, Hoàng Văn Minh có câu cảm thán: “Dặm dài đất nước, từ địa đầu cho đến cuối trời lắc lơ, nơi những vùng biên tôi từng qua đêm, đâu đâu cũng nghe ngổn ngang, rối bời”. Nếu dõi theo Minh, và chỉ riêng mật độ đề tài trong tuyển “Những vùng biên trong trí nhớ” (“Phát canh thu tô” ở U Minh Hạ, U Minh – “túi nghèo” trên mảnh đất xanh – Lao động digan – đắng cay và nụ cười của Đức Phật – Liêu xiêu nơi cuối Việt – Không còn động lực làm giàu – Những nông dân bị “bắt” làm giám đốc – Vì họ biết bằng lòng với hiện tại…), dễ nhận ra trong những vùng biên viễn ấy, cây bút người Huế đã dành nhiều buồn – vui – trăn – trở cho miền cuối Việt.

Trong phóng sự của mình, Minh không chỉ muốn góp phần khám phá tinh thần sống của một lớp người Nam Bộ hiện nay: “Người lao động lang thang từ địa phương này sang địa phương khác để kiếm ăn thì Việt Nam mình đâu cũng có. Nhưng du mục kiểu dân digan, mang theo cả cha yếu mẹ già cùng chó mèo, thậm chí cả con chuột và đi đến đâu “lập làng” sinh sống trên các bờ kênh, ruộng mía… đến đó như ở Long An thì đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp. Lạ lùng là chúng tôi nhìn thấy ở họ sự đắng cay cơ cực, nhưng họ luôn nhìn chúng tôi với nụ cười không âu lo và đầy Phật tính”… mà Minh còn mất ngủ vì cái nghèo, vì tương lai mờ mịt của một vùng đất trót yêu: “Kết cấu xã hội ở miền Tây đã và đang bị phá vỡ từ những gia đình. Bây giờ ở Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Tây Ninh…, đến đâu chúng tôi cũng gặp những ngôi làng ban ngày chỉ toàn thấy đàn ông bởi phụ nữ bận “đi làm xí nghiệp” để kiếm tiền, tức làm công nhân cho một công ty nào đó ở Long An, Sài Gòn, Tây Ninh… Trong lúc ngược lại các ông chồng cam chịu ở nhà đi chợ, nấu cơm, chăm lo nhà cửa…”.

Với những chuyến đi dài ngày, lặp lại trong nhiều năm liên tục, để khám phá một vùng đất xa “lắc lơ”, với những phóng sự xuất hiện đều đặn có hệ thống, và qua đó với vai trò của người viết báo có lương tâm và trách nhiệm, Minh lên tiếng báo động thực trạng con người và cơ cấu xã hội kinh tế ở đấy đang suy thoái, đổ vỡ từng ngày, Hoàng Văn Minh một lần nữa vô tình làm nên khác biệt trong bối cảnh phóng sự “ăn xổi” phổ biến hiện nay.

Trong trí nhớ ai

Khác biệt trong phát hiện chi tiết phóng sự và khác biệt bằng “dự án” phóng sự dài hơi như thế có thể là cơ hội khiến những vùng biên trong trí nhớ nhà báo hóa thành những vùng biên trong trí nhớ bạn đọc.

Trong trí nhớ bạn đọc – đích cuối trong mơ của người viết, và không riêng thể phóng sự.

Theo Vĩnh Quyền – Lao động cuối tuần số 31 (ngày 01/08/2015)