Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Kim Quyên.
Gồm các truyện:
– Những vòng tay ấm
– Thành phố trắng
Nhà văn Kim Quyên
Tên thật: Hùynh Kim Hường
Bút danh: Kim Quyên
Sinh năm 1953
Quê quán: Cai Lậy, Tiền Giang
Sinh sống và làm việc tại tp HCM
Giáo viên Ngọai ngữ
Hội viên Hội Nhà văn VN
Hội viên Hội Nhà văn TP HCM
Hội viên Hội Điện ảnh Thành phố HCM
Đã xuất bản gần 20 tập truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, bút ký, tản văn
Có 6 kịch bản phim và sân khấu
Huân chương kháng chiến hạng 3
Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng năm 2004)
Giải thưởng bút ký của Hội Nhà văn Việt Nam (2008)
Giải thưởng thơ của Tổng công ty Cao su VN (2012)
Giải thưởng truyện ký viết về đề tài giao thông của Bộ Giao thông Vận tải (năm 2015)
Giải thưởng tập truyện ngắn “Đi biển một mình” về đề tài nông thôn, nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp (2016)
Giải thưởng Mekong 7 nước Đông Nam Á lần thứ 7 cho tiểu thuyết “Tình không biên giới” (2017)
Giải thưởng của Ban Tuyên Huấn Thành Ủy thành phố HCM cho tiểu thuyết “Thành phố bên sông” (2019)
Giải thưởng viết về đề tài Giáo dục của Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn VN (năm 2020)
Giải thưởng Tôn vinh những tác giả viết về biển đảo và biên giới xuất sắc nhất của Hội Nhà văn VN từ năm 1975 đến 2020.
Những vòng tay ấm
Kim Quyên
Từ lúc căn nhà và miếng đất ở gần cầu C.T bị giải tõa để làm cầu, số tiền được đền bù chị Tư không mua được chổ ở mới vì đất nhà ngày càng lên giá mà tiền đền bù thì chỉ bằng phân nữa số tiền cần mua nơi ở mới.
Tính tới tính lui, chị Tư đành giải tán cái quán nhỏ gần sông, nơi đã nuôi lớn con cháu chị tới ngày nay, biết bao kỷ niệm vui buồn trong căn nhà nhỏ cạnh dòng sông, nơi vợ chồng chị đã gắn bó với nhau từ lúc còn trẻ cho tới khi anh lâm bệnh hiểm nghèo rồi mất đi, để mẹ con chị bơ vơ. Mẹ con bàn bạc với nhau mấy ngày, cuối cùng chị đành bỏ nghề buôn bán, lên thành phố xin làm osin cho một gia đình khá giả, thằng con trai lớn về ở nhờ bên vợ ở Vĩnh Long, vợ chồng thằng nhỏ lên Sài Gòn làm công nhân cho một công ty làm giày xuất khẩu, chúng nó thuê mướn nhà, cơm nước tự nấu lấy ăn. Mọi việc tạm ổn khiến chị cũng yên lòng vì chị và con cái đã có nơi để làm việc, ăn ở.
Tuy không quen công việc osin nhưng với sức vóc còn khá khỏe mạnh, nhiệm vụ của chị là chăm sóc, đỡ đần cho bà cụ già trên tám mươi tuổi bị bệnh tim mạch và hai chân bị khớp không đi được. Bà cụ còn tỉnh táo minh mẫn nhưng rất khó tính. Ăn uống, ngủ nghê khó khăn, bắt lỗi bắt phải từng chuyện lớn chuyện nhỏ, để ý từng miếng ăn miếng uống của người làm khiến chị nhiều lúc tủi thân, muốn bỏ đi tìm chỗ làm khác nhưng nơi chốn phồn hoa xa lạ này, chị biết đi tìm việc ở đâu, đành cam chịu để hy vọng dành dụm được it tiền sau này về quê mua lại chút đất, cất cái nhà làm chốn nương thân lúc tuổi già.
Nhiều đêm, nằm ngủ cứ chập chờn nhớ cái quán nhỏ bên đường. Tuy bán buôn vốn liếng không nhiều nhưng được bà con cô bác tới lui uống ly cà phê, ăn ổ bánh mì hay ăn cái bánh ít nhưn dừa béo ngậy do chị làm, những câu chuyện làng xóm vui vẻ râm ran, thăm hỏi nhau chuyện nhà chuyện cửa khiến chị ấm lòng biết bao.
Từ ngày có lệnh giải tỏa những ngôi nhà lụp xụp gần chân cầu, chị biết gia đình mình sẽ gặp nhiều trắc trở gian nan mà không biết phải tính toán thế nào? Tiền đền bù tuy có giấy tờ hẵn hoi nhưng không đáng là bao vì ban giải tỏa cho đây là công trình vì lợi ích công cộng, không ai được quyền thắc mắc hay khiếu nại điều gì cả. Tiền lãnh ra trả nợ một phần, phần cho vợ chồng thằng con lớn để nó lo cho vợ con, cho vợ chồng thằng nhỏ để nó đi kiếm việc làm lo cho con vợ đã mang bầu. Còn lại chút ít, chị lận lưng để nhờ đứa em dẫn lên Sài Gòn tìm việc.
Gia đình từ đây tan đàn, xẻ nghé, mạnh ai nấy đi tứ tán kiếm miếng ăn, không còn cảnh đoàn tụ xum vầy trong mái nhà nhỏ năm xưa. Đêm đêm, chị nằm nghe tiếng đồng hồ gõ nhịp trên tường mà trăn trở hoài, không ngủ được.
Từ 5 giờ sáng, chị đã trở dậy lo lau bàn lau ghế, tưới cây kiểng quanh hành lang, nấu nước pha trà, pha cà phê để chút nữa bà cụ thức dậy phải lo cho bà rửa mặt, đi toillette, ăn sáng xong xuôi rồi dọn dẹp phòng ngủ của bà sạch sẽ.
Trong các việc làm trong nhà, chị sợ nhất là việc ẩm dìu bà ra vào toillete. Bà nặng 65 kg, cao 1,6m, lớn gấp đôi chị nên việc đưa bà ra vô phòng chị sợ sức mình không kham nổi, có ngày gây sự cố là lớn chuyện. Nhiều lúc cố sức, đêm nằm đau thắt cả xương sống, không ngủ được phải xoa dầu rồi tự xoa bóp mình. Đêm, có khi bà đau bụng hay đau mình đau mẩy, bà kêu chị chậm chạp một chút là bị bà mắng sa sả:
- Mày ngủ gì như chết vậy mậy? Tao bỏ tiền ra mướn mày để mày ăn ngủ mập như con heo vậy hả?
- Con nghe bà kêu mà đau lưng quá dậy không kịp, mong bà… thông cảm.. cho con …
- Làm không nổi thì nghỉ đi.. Tao có tiền… tao kêu thiếu gì đứa giỏi hơn mày… Đồ làm biếng…
Vừa đỡ cho bà ngồi vào xe lăn vừa cố giữ cho chiếc xe đừng nhúc nhích, chị quên cả những lời chửi bới, miễn sao cho công việc xong xuôi là mừng rồi.
Ngày tháng dần qua, chị cũng dần quen công việc và quen với tính nết khó chịu, cùng những câu chửi rủa của bà. Tiền lương lãnh ra chị tiện tặn từng đồng, gom góp cũng được số tiền nho nhỏ. Hy vọng ngày kia sẽ về mua được cái nền nhà dưới chốn quê xa.
****
Làm cho bà được nửa năm thì dịch tràn tới. Con Covid 19 này nghe nói nó xuất xứ đâu ở nước ngoài, nó lây lan nhanh và nguy hiểm vô cùng. Bà cụ bị nhiễm nặng do có bệnh nền, một mình chị phải đưa bà vào bệnh viện vì đám con cháu không dám đến gần. Tuổi già sức yếu, bà không qua khỏi nên gia đình nhờ bệnh viện đem đi thiêu, còn chị thì bị lây lan phải vào bệnh viện dã chiến.
Ở bệnh viện, bệnh nhân ngày càng đông mà thuốc men thiếu thốn, ăn uống không đầy đủ nên bệnh chị trở nặng. May sao, gặp được bác sĩ Hưng quen thân với gia đình bà cụ chủ nhà, biết chị nên hết lòng giúp đỡ. Sau mấy ngày thở máy, chị qua được cơn nguy kịch, bác sĩ nhờ mấy F0 là tình nguyện viên mua thức ăn, chăm sóc cho chị nên dần dần hồi phục. Hơn nửa tháng sau, chị xuất viện ra về.
Về đâu? Không biết phải về đâu khi bà cụ đã mất rồi, không còn việc làm để tiếp tục. Chị gọi điện cho con gái của bà, giọng cô lạnh lùng:
- Chị mới hết bịnh, không biết như thế nào, về đây rủi lây bệnh cho tụi tôi thì sao. Chị đi đâu một thời gian đi rồi tôi giới thiệu cho chỗ làm khác.
Biết đi đâu trong hoàn cảnh này. Chị xách giỏ quần áo ngồi trên băng đá của bệnh viện mà nước mắt ngắn dài. Chị gọi điện cho thằng con nhỏ:
- Má xuất viện rồi mà giờ không biết đi đâu, chỗ ở cũ người ta không cho má trở lại con ơi. Giờ má tính về quê ở tạm nhà dì Hai mầy rồi tính, dù sao bà con mình ở dưới cũng tình nghĩa hơn ở đây con à…
- Má khỏe rồi vợ chồng con mừng lắm. Vợ chồng con cũng bị nghỉ làm rồi, tính về quê mà vợ con bụng bầu đã lớn, con chở Honda đi đường dài sợ không tiện má ơi, xe đò đâu có mà đi. Má còn tiền… không… Cho tụi con chút đỉnh, nhà trọ có bớt tiền nhưng con còn nợ họ mấy tháng. Con trả tiền họ rồi con mới về được, con về bên quê vợ con…
- Con làm cách nào đi qua đây lấy, má đưa cho.
- Dạ. Để con đi test, có giấy xác nhận đi đường mới được.
- Ờ. Con lo nhanh đi. Má không ngồi lâu ở đây được…
Bác sĩ Hưng đi tới, thấy chị, ông hỏi:
- Ủa, sao chị chưa về?
- Tôi… ở đây để chờ… kiếm vệc làm… chớ tôi không… có nhà để về…
Nỗi lo buồn đã ứ đầy trong lòng khiến nước mắt tuôn ràn rụa. Cám cảnh dân nghèo, vị bác sĩ vội nói:
- Chị chịu làm tình nguyện viên cho F0 không?
- Dạ..được bác sĩ.
- Vậy chị vào phụ với đội nấu cơm thiện nguyện rồi bưng thức ăn cho bệnh nhân nghe.
- Dạ được… Khi nào tôi làm vậy bác sĩ?
- Chị đi theo em. Em gởi chị cho chị Thiện nhóm trưởng, có gì chị báo với chị Thiện nghe, chị ấy hiền lắm, cũng mới vừa hết bệnh đó.
- Dạ… Cám ơn bác sĩ rất nhiều.
Như người chết đuối ôm được phao cứu sinh, chị nhanh chân đi theo vị bác sĩ còn trẻ trung mà rất nhân hậu.
****
Vợ chồng thằng Long phải có giấy tờ test xác nhận chúng nó không bị Covid và nhờ bụng bầu của vợ nó mới thoát được mấy trạm kiểm soát giao thông. Khi về tới ngã ba Trung Lương thì vợ nó bị ra huyết, người tái xanh và làm mệt.
Đang lúc bối rối chưa biết tính sao thì Long chợt nhớ thằng bạn làm cùng xí nghiệp, quê ở Tiền Giang, nó đã về quê trước Long mấy hôm. Long vội kêu bạn phụ giúp. Hoàng chạy tới, phụ đưa vợ Long vào bệnh viện Khoa Sản Tiền Giang. Bác sĩ bảo vợ Long bị động thai, cần nghĩ ngơi cho thật khỏe và không được đi xa.
Hoàng đưa vợ chồng Long về nhà. Ngôi nhà lá nho nhỏ, sạch sẽ ngăn nắp. Hoàng ở với bà mẹ già. Cậu chưa có vợ. Hoàng và má lo cho vợ chồng Long thật chu đáo. Vợ Long đã khỏe, cái thai cũng ổn định, vợ chồng Long quyết định về quê ở nhờ nhà người dì, chờ một thời gian nữa cho bớt dịch rồi trở lên thành phố làm lại. Quê nghèo dù nhiều tình thương nhưng không có tiền bạc làm sao sống nổi. Vợ Long nói với chồng, giọng buồn buồn:
- Mình săp có con thì phải chịu thương chịu khó làm ăn để lo cho con sau này có nghề nghiệp đàng hoàng, không được… lang thang như… cảnh đời của mình… nghe anh.
- Ờ. Nhất định con mình phải vươn lên, không được… như mình…
- Sáng mai mình về. Ở đây lâu nhìn má con của Hoàng lo lắng cho mình thấy tội quá anh ạ.
- Hôm qua, anh có đưa cho bà già mấy trăm ngàn mà bà không lấy. Nói để mình đi đường mua thức ăn. Thấy tội bà già quá. Thằng Hoàng cũng thất nghiệp gần chết, nó có tiền bạc gì đâu…
Vợ Long thở dài. Hai mắt rươm rướm đỏ hoe.
Con đường từ Tiền Giang về tới C.T còn xa dịu vợi. Long chở vợ đi thật chậm, tránh ổ gà ổ voi dọc theo đường. Chỗ nào có bóng cây thì dừng lại nấu cơm ăn, nghỉ ngơi rồi hai vợ chồng đi tiếp. Có cô bác thấy cảnh vợ chồng khốn khổ thì đem cho gạo, thức ăn và chút ít tiền… Đêm tối họ cho hai vợ chồng ngủ nhờ trước mái hiên.
Ngày hôm sau, hai vợ chồng về tới nhà người dì Hai. Bà dì mừng rỡ đón hai cháu đã về tới an toàn. Bà dì chạy qua nhà hàng xóm mượn gạo để nấu cơm cho hai cháu. Còn một ít tiền trong túi, Long đưa cho dì mua gạo, dì nay đã trên bảy mươi, không làm gì ra tiền, thỉnh thoảng con đi làm ở Sài Gòn gửi tiền về cho dì nhưng mấy tháng nay con dì cũng thất nghiệp. Nhờ còn dành dụm chút ít nên dì cũng lây lất qua ngày.
***
Chị Tư cùng với nhóm nhà bếp nấu cơm, nước gần cả ngàn khẩu phần cho bệnh nhân, y tá và bác sĩ. Mấy chị nấu xong thì phân chia ra từng hộp, đội thiện nguyện sinh viên đem xe đẩy đến chở đi phân phối cho bệnh nhân và y bác sĩ.
Làm việc ở đây đã được hai tháng mà chị không nhìn thấy bác sĩ Hưng, lòng chị bồn chồn không yên. Bác sĩ, y tá của bệnh viện này cũng bị lây lan nhiều, nhiều trường hợp không qua khỏi. Chị hỏi thăm mấy chị em cùng nấu ăn thì không ai rõ, vì bác sĩ này mới chuyễn về. Đêm đêm chị ra chỗ tượng Mẹ Quán Thế Âm cầu nguyện cho ông và gia đình chị được tai qua nạn khỏi.
Một hôm chị mang cơm vào phòng Hội chẩn cho các bác sĩ thì nghe mọi người báo với nhau là bác sĩ Hưng bị lây nhiễm Covid và qua đời cách nay nữa tháng.
Đêm đã khuya, chị Tư ra ngồi dưới chân tượng mẹ Quán Thế Âm, khóc thương người bác sĩ trẻ đã cứu giúp đời chị trong những ngày bệnh tật ốm đau. Nếu không có ông thì chị đã đi rồi. Còn mong gì sống sót mà lo cho các con.
Chị gọi thầm “Bác Hưng ơi! Hồn bác có linh thiêng thì về đây phù hộ cho bệnh nhân, cho dịch bệnh mau hết để chúng tôi còn đi làm ăn kiếm sống nữa bác ơi… Bác có biết nỗi khổ của… chúng tôi không? Ơn bác, chúng tôi nhớ hoài, không bao giờ quên đâu bác ơi…”. Tiếng khóc của chị hòa trong tiếng còi xe cấp cứu hú rống riết giữa đêm khuya.
****
Vợ thằng Long sanh được thằng con trai 3,2 kg. Nó gởi hình thằng cháu nội đỏ hỏn vừa sanh trong mùa dịch, chị nhìn thằng nhỏ mà rươm rướm nước mắt. Con ơi! Con sanh ra làm chi trong hoàn cảnh hoạn nạn như vầy… Chị gởi tiền về cho vợ chồng nó ăn uống, thuốc men. Tiền đi làm osin chi chuyện này chuyện kia cũng không còn bao nhiêu. Hôm trước gởi cho vợ chồng thằng Thanh mấy triệu vì gia đình nó bị Covid. Chuyện trồng rau màu bên vợ nó bán không được phải cho người chở đem cho từ thiện trên thành phố. Gia đình không còn nguồn thu nào.Thằng Thanh phải chạy xe ôm trong tình hình dịch bệnh. Nhưng ai cũng sợ, ít người đi nên xe ế ẩm không thu nhập được bao nhiêu.
Tình trạng này kéo dài, không biết con cháu chị sẽ sống ra sao. Nỗi lo chồng chất nỗi lo khiến chị không biết tính thế nào? Đêm đêm giấc ngủ chập chờn trong tiếng kêu thê thiết của còi xe cứu thương…
***
Thành phố mỗi ngày có hàng ngàn người không thoát khỏi nanh vuôt của tử thần Covid. Đội ngũ y bác sĩ, Công an như những chiến sĩ ngoài tiền tuyến thời chiến tranh, bên cạnh đó đội tình nguyện viên là sinh viên, là Đoàn viên đến từ các trường học và các cơ quan, ban ngành cũng xông pha không kém. Nhân dân và các mạnh thường quân đóng góp tiền bạc để mua vaccin, các y bác sĩ và bộ đội ở Hà Nội, từ các tỉnh khác đến chi viện đông đảo. Từ hạt gạo, con cá, cọng rau ở các miền quê hẻo lánh được các xe tải tấp nập chỡ lên cho các “Chợ không đồng”…
Chưa có ở đâu, chưa có thời kỳ nào mà tình người chia sẻ, đùm bọc nhau chân tình, cảm động đến như vậy. Trong nỗi đau nỗi khổ tận cùng, con người biết nhìn lại mình và biết nghĩ đến người khác. Tình thương đó khiến cho nỗi sợ hãi vơi bớt, làm cho làn sóng Covid từ từ bị chận bớt.
Vaccin đợt 1 được phủ khắp nơi, thành phố bị giãn cách và 5K nghiêm ngặt. Mọi người trông ngóng vaccin như trời hạn trông mưa, như người sắp chết đuối mong những chiếc phao cứu sinh…
Trong nỗi khổ chung của mọi người, chị Tư thấy nỗi lo buồn của mình cũng vơi đi rất nhiều. Nhóm nhà bếp của chị thương yêu giúp nhau tận tình khiến chị thấy ấm lòng hơn trong cảnh chết chóc tang thương.
Đợt vaccin thứ 2 bắt đầu phủ kín trên diện rộng khiến cho số lượng bệnh nhân tử vong giảm dần và thành phố bớt phong tỏa để cho người dân đi lại dễ dàng hơn. Các công ty kêu gọi công nhân trở lại làm việc, tiền lương sẽ được trả hậu hĩ hơn trước.
Thằng Thanh phụ bên vợ lo trồng lại rau màu, khi nào rảnh rang thì chạy xe ôm. Thằng Long trở lên công ty làm lại, vợ nó ở nhà dì Hai lo nuôi con nhỏ.
Chị Tư phụ giúp nhà bếp bệnh viện một thời gian rồi cũng được chị Thiện Tổ trưởng giới thiệu cho chị về chăm sóc, nấu ăn cho một gia đình quen với chị Thiện.
***
Thành phố này hồi mới lên, chị Tư ngỡ ngàng lạ lẫm vì sự giàu sang hiện đại nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều cuộc đời khổ cực gian nan. Thời gian sống ở đây chưa lâu nhưng chị đã tiếp xúc với những người giàu có mà lạnh lùng vô tình, vô nghĩa nhưng còn rất nhiều tình người đã thương yêu, chân tình giúp chị những lúc khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi.
Về sống với gia đình mới này, chị Tư thấy ấm lòng lắm vì vợ chồng Lan tánh tình vui vẻ, hiền lành. Hai vợ chồng sáng ngày đi làm, đứa con gái trường cho nghỉ học vì dịch, ở nhà với chị. Chị ở nhà lo dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng ngày 3 bữa cho cả nhà. Quê vợ chồng Lan cũng cùng tỉnh với chị nên hai dì cháu xem nhau như người thân.
Chị Tư mừng lắm. Công việc đã ổn định, gia đình đối xử tử tế khiến chị bớt nhớ con cháu mình.
Đêm đêm, chị hay nằm mơ, thấy cái quán cóc của mình rộn rã tiếng cười, tiếng con cháu chị vui đùa nghe thật vui tai…
Người thành phố này đã cưu mang chị. Rồi đây chị chịu thương, chịu khó làn ăn, chắc thế nào cũng sẽ có mái nhà nho nhỏ như mẹ con chị luôn ước mong.