Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã xuất hiện một lớp nhà văn – chiến sĩ với những trang viết sống động, mang tính tư liệu lịch sử quý giá. Hơn 40 năm đã qua, giờ đây những trang viết của họ vẫn còn tươi mới.

Cách đây 45 năm, nhà văn Chu Cẩm Phong đã ngã xuống trong một trận càn của địch vào ngày 1-5-1971 khi mới 30 tuổi. Ông là người thường xuyên viết nhật ký. Lúc chuẩn bị đi vào vùng chiến sự căng thẳng ở Quảng Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng hiện nay), nhà văn Chu Cẩm Phong đã gửi lại 3 quyển nhật ký cho nhà thơ Thanh Quế. Còn quyển nhật ký cuối cùng thì biến mất lúc ông hy sinh.

Sau ngày giải phóng Đà Nẵng, một hôm có người tìm đến cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung bộ gặp một nhà thơ và nói rằng có một người bạn là lính nhặt được quyển sổ này, nay xin gửi lại cho các anh giải phóng. Nhờ đó, cả 4 cuốn đã hợp thành tác phẩm Nhật ký chiến tranh dày hơn 900 trang của nhà văn anh hùng Chu Cẩm Phong được xuất bản năm 2000 đã gây xúc động cả nước, nhất là những người trẻ sinh ra sau ngày đất nước hòa bình thống nhất hiểu sâu hơn bức tranh chân thực đầy khắc nghiệt của chiến tranh.

Tương tự, 2 quyển nhật ký của Đặng Thùy Trâm cũng được cựu sĩ quan quân báo Frederic Whitehurst của Hoa Kỳ lưu giữ và trả lại cho gia đình của nữ bác sĩ anh hùng vào cuối tháng 4-2005, tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy Trâm nhanh chóng được biên tập, xuất bản trở thành một hiện tượng văn học trong hơn 10 năm qua. Quyển nhật ký có số phận đặc biệt của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hợp cùng với quyển nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc vốn được gia đình lưu giữ và xuất bản thành tác phẩm Mãi mãi tuổi hai mươi, đã trở thành những nguồn tư liệu quý giá và nguồn cảm hứng cho những nhật ký chiến tranh lần lượt ra mắt bạn đọc.

Những quyển nhật ký chiến tranh có số phận đặc biệt đã được tìm thấy, lưu giữ và xuất bản thành những cuốn sách chất chứa cảm xúc và nguồn tư liệu lịch sử quý giá

Trong lúc đó, không may mắn như Đặng Thùy Trâm hay Nguyễn Văn Thạc, những trang bản thảo viết ngay trên chiến trường của các cây bút tài năng như Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ và một số nhà văn – chiến sĩ khác nữa đã mãi mãi biến mất cùng với sự hy sinh của họ. Đó là chưa kể bao nhiêu dự định, dữ liệu từ vốn sống và chiến đấu mà họ chưa kịp thể hiện trên trang viết. Chẳng hạn như Hồng Tân, một người sinh ra ở Sài Gòn, tập kết ra Bắc tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cho thấy là một cây bút lý luận phê bình văn học nhiều triển vọng qua những bài nghiên cứu đầu tiên, nhưng đã sớm hy sinh giữa tuổi đôi mươi sau khi xung phong về quê hương chiến đấu và ấp ủ giấc mơ công trình giới thiệu văn học cách mạng miền Nam. Hai tài năng văn học Lê Anh Xuân và Hồng Tân hy sinh cùng lúc bên nhau, để lại bao ước mơ sáng tạo dở dang.

Nhớ về số phận những trang bản thảo viết ở chiến trường, may mắn còn tồn tại hay mãi mãi biến mất, để thấy rằng từng có những thế hệ người cầm bút đã hiến dâng tài năng và cả sinh mệnh một cách vô tư, trong sáng cho Tổ quốc. Họ viết một cách tự nguyện, không chút toan tính vụ lợi. Họ viết vì sứ mệnh cao cả của người cầm bút trước vận mệnh đau thương của dân tộc dưới mưa bom bão đạn. Những trang văn của họ không những phản ánh hiện thực ác liệt của chiến tranh, mà còn thấm đẫm tinh thần nhân văn với tất cả tình thương yêu đồng chí, đồng đội và nhân ái với cả người bên kia chiến tuyến…

Ngẫm về số phận những trang bản thảo viết từ chiến trường và soi rọi đời sống sáng tác văn học thời kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta không khỏi cảm thấy đau lòng. Trong khi những tài năng đích thực như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ, Dương Thị Xuân Quý,… tay súng tay bút đã ngã xuống lúc mới trên dưới 30 tuổi, hoặc lớn hơn một chút là nhà văn Nguyễn Thi cũng mới ở tuổi 40, nhưng kịp để lại những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nhân văn, thì không ít cây bút trẻ hiện nay sống và sáng tác trong điều kiện vật chất đủ đầy lại viết toàn những trang “ngôn tình” chạy theo thị hiếu thấp kém, góp phần làm xuống cấp văn hóa đọc.

Có cây bút trẻ còn tìm mọi cách để được nổi tiếng, tự đánh bóng thương hiệu bởi những thứ tầm phào ngoài trang văn, thậm chí lăng mạ vu vạ cho đồng nghiệp nhằm tự đề cao mình. Kỳ khôi hơn, có cây bút vừa nhận được giải thưởng nho nhỏ, lại lên mạng lớn tiếng kêu gọi bạn đọc góp tiền, góp ý tưởng cho mình viết tiểu thuyết lịch sử để “PR cho lịch sử Việt Nam”, nhưng mới thể hiện được dăm chục trang viết đã cho thấy sự kém cỏi về tri thức lẫn nhân cách khi bị phát hiện đạo văn…

Đất nước mới hòa bình thống nhất hơn 40 năm. Những trang văn viết từ chiến trường còn tươi màu mực, mồ hôi lẫn máu. Các bạn trẻ mới bước vào con đường văn chương hãy lắng lòng ngoái nhìn các thế hệ cha anh để tự soi lại mình, tìm cho mình hướng đi phù hợp, đúng đắn với trách nhiệm của người cầm bút!

HOÀNG VĂN – nhavantphcm.com.vn