Đọc tập truyện “Hành trình của người lính” của Lê Hoài Nam, NXB Hội Nhà văn, 2016).
Mỗi nhà văn đều đến với bạn đọc bằng con đường riêng của mình. Có những người thích dấn thân tìm kiếm những miền đất và con người mới lạ để thỏa sức khám phá. Lại có người thích đi sâu vào những vùng đất và những con người mình đã quen thuộc – nhất là khi nó ngấm sâu vào máu thịt và biến thành một vùng kí ức không thể nào quên! Có lẽ Lê Hoài Nam là nhà văn thuộc loại thứ hai, bởi ông đã có mười sáu năm trong quân ngũ, để rồi trong vòng hai năm liên tục xuất bản hai tập truyện về đề tài chiến tranh cách mạng: “Đi qua Gạc Ma tới đảo Sinh Tồn” (2014) và “Hành trình của người lính” (2016).
Đề tài về chiến tranh không phải là mới song nó cũng không bao giờ là cũ. Bởi hiếm có một dân tộc nào như Việt Nam, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, các cột mốc quan trọng đều thấm đẫm máu xương của biết bao người con ưu tú đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất của cha ông. Chỉ có điều, đến nay chiến tranh đã được nhìn nhận lại, ở góc độ khác nhau, con người hơn, nhân văn hơn. Vì thế, “Hành trình của người lính” vừa mới xuất bản song đã nhận được không ít bài nghiên cứu, đánh giá của giới phê bình. Vậy điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm? Với tôi, thì đó là một sự ám ảnh!
Bìa cuốn “Hành trình của người lính” của nhà văn Lê Hoài Nam.
Viết về chiến tranh, cũng như thế hệ nhà văn sau năm 1975, Lê Hoài Nam không tráng lên một lớp men hồng mà ông đi thẳng vào những mảng màu thô nhám, những khoảng tối, những góc khuất của chiến tranh. Đó là hiện thực khốc liệt của cuộc chiến. Chiến tranh luôn gắn liền với những nguyên tắc phi nhân (L.Tolstoi), có sức hủy diệt khủng khiếp đối với con người.
Trong “Cuộc gặp gỡ muộn mằn” là sự hi sinh tức tưởi của những người lính trẻ măng – những chàng sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường đã phải xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Bốn người lính ấy là Chương, Học, Tảo, Quế. Học bị đạn bắn “hất tung xác lên cao hàng chục mét”. Quế thì bị dính mìn, mất cả hai chân. Còn Tảo thì hi sinh trong hoàn cảnh ai oán khi anh bị điếc (hậu quả sau tiếng nổ từ chiếc chiến xa của kẻ thù do anh bắn cháy) và đang ngồi “hố mèo” (đào lỗ, đi vệ sinh). Rồi trong “Xạ thủ”, “Chuyện rồi sẽ kể”, những cái chết thương tâm ấy vẫn diễn ra như một phần tất yếu của chiến tranh. Tỉ mỉ và đau đớn.
Sau năm 1975, văn học đã có sự nhìn nhận lại, các nhà văn không chỉ tiếp cận con người ở tư cách công dân mà còn ở phương diện cá nhân. Tức là, có những người, dù lí tưởng chung là cao đẹp, song trong sinh hoạt cá nhân, họ vẫn mắc những sai lầm, thậm chí ích kỉ, hẹp hòi. Đó là Trung đoàn trưởng Bùi Hạ (Xạ thủ) có tài, lập được nhiều chiến công nhưng tính tình nóng nảy, hống hách và hay chấp vặt. Là sự thiếu trách nhiệm của hai người lính trẻ Chương và Tảo (Cuộc gặp gỡ muộn mằn). Sai lầm của họ đã khiến cho đồng đội bị quy vào tội đảo ngũ, “chiêu hồi”, thậm chí tan nát gia đình.
Đáng nói nhất là nhân vật Đồng Quý Phái trong “Hành trình của người lính”. Con người này ta như bắt gặp đâu đó trong cuộc đời. Nó thật đến mức tưởng như nhân vật đã bước ra khỏi trang viết để sống một cuộc đời thực của mình. Đồng Quý Phái cũng có những mặt tốt nên anh mới trở thành sĩ quan (trung úy) ở Phòng Ngoại vụ Quân khu.
Đẹp trai, giỏi tiếng Anh, tuy nhiên, ẩn trong con người đó vẫn có sự giả dối, ích kỉ, thù dai và nhẫn tâm. Bản thân đã có vợ con nhưng khi gặp Lượt – người nữ chiến sĩ 19 tuổi trẻ trung, sắc sảo, bản lĩnh thì Quý Phái đã giấu nhẹm việc có gia đình để tán tỉnh Lượt. Hậu quả khiến Lượt có thai, phải phá bỏ và mất đi khả năng làm mẹ. Rồi Đồng Quý Phái còn xúi giục Vũ Thị Lượt tìm cách đẩy Lê Hiệp Hòa – một người lính trung thực đã có nhiều chiến công phải ra khỏi Tỉnh đội về đơn vị chiến đấu vì cho rằng Hòa đã rình mò quan hệ của họ.
Qua những trang văn, Lê Hoài Nam đã cho chúng ta thấy rằng con người ta không ai là hoàn hảo cả. Tuy nhiên, với cái nhìn trìu mến, thấu hiểu của một nhà văn đã trải qua những năm tháng đau thương, mất mát của đất nước, Lê Hoài Nam không bao giờ để cho nhân vật của mình xấu hoàn toàn. Chính sự thức tỉnh, sự sám hối của các nhân vật là những chi tiết đắt để chất nhân văn được tỏa sáng.
Sứ mệnh của nhà văn chân chính không phải chỉ biết lên tiếng tố cáo cái ác, mà còn phải đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người để nâng đỡ, ngợi ca. Các nhân vật của Lê Hoài Nam luôn có sự đấu tranh với hoàn cảnh, với chính mình để hoàn thiện bản thân.
Trong “Hành trình của người lính”, bên cạnh một Đồng Quý Phái ích kỉ, nhỏ nhen, người đọc vẫn thấy sự hướng thiện của anh ta khi hàng năm luôn đến nghĩa trang thành phố thắp hương tưởng nhớ Lưu Phương Lan, người nữ đồng đội đã hi sinh. Phải chăng anh ta muốn sám hối, muốn đi tìm sự thanh thản trong tâm hồn để bù đắp những sai lầm đã gây ra? Bên cạnh một Trung đoàn trưởng Bùi Hạ hống hách là sự ăn năn khi đã đuổi người lính xạ thủ giỏi ra khỏi đơn vị (Xạ thủ).
Cũng trong “Hành trình của người lính”, ta thấy vẻ đẹp nhân văn trong tâm hồn của những người lính như Lê Hiệp Hòa và Nguyễn Phiền. Dẫu phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách và mất mát do chiến tranh để lại nhưng họ vẫn sáng ngời vẻ đẹp của đức hi sinh, lòng vị tha, nhân ái. Hòa đã tha thứ cho Lượt tất cả những lỗi lầm trước kia, còn Phiền đã chấp nhận thương đau để mang đến cho cô một hạnh phúc gia đình thực sự. Rồi các nhân vật như người cựu chiến binh tên Đính (Thung lũng sỏi), chiến sĩ Thuyên (Sói con), chiến sĩ Nghinh (Chuyện rồi sẽ kể)… đều hiện lên là những người lính đẹp đẽ vô cùng. Nhà văn đã cho chúng ta thấy một niềm tin đau đáu vào sự hướng thiện của con người.
Cách kết thúc của các câu chuyện cũng rất có hậu. Một tương lai với những niềm tin, hi vọng đã được Lê Hoài Nam hé mở. Tác giả không nói nhiều song bạn đọc đều có thể cảm nhận được điều đó. Kết thúc “Sói con” là dòng email hứa hẹn một cuộc hội ngộ hạnh phúc sẽ đến giữa người chiến sĩ Thuyên với cậu bé hoang dã năm xưa anh cứu, nay đã thành một thành viên trong hội đồng quản trị của một công ty thương mại. Ta tưởng như đây là cái môtip “trồng cây và được ngày hái quả”. Kết thúc “Cuộc gặp gỡ muộn mằn” là niềm hi vọng về sự oan khuất của người lính sẽ được hóa giải.
Với “Kí ức đường 9” là niềm xúc động của hai người lính trước tấm lòng bao dung của Tướng Nguyễn Huy Hiệu trước những suy nghĩ thiển cận của họ khi xưa. Nó giống như sự “đốn ngộ” của tâm hồn. Xúc động nhất là kết thúc của truyện dài “Hành trình của người lính”. Ở đây, nhà văn đã cho chúng ta thấy sức mạnh của tình yêu thương là vô cùng to lớn, nó vượt lên trên tất cả, giúp người ta chiến thắng cả đau thương, mất mát.
Ám ảnh sau khi gấp lại những trang văn trong “Hành trình của người lính” là những triết lí, thông điệp mà nhà văn gửi gắm. Nó được phát biểu trực tiếp hoặc gián tiếp qua đối thoại, độc thoại của các nhân vật.
Có những triết lí về nghệ thuật, về nghề văn: “Các tác phẩm của Tường Khuê… thường viết về những trạng huống bình dị, những con người bình thường, nhưng ông nhìn thấy từ bên trong trạng huống ấy, con người ấy le lói một điều gì đó, nhiệm vụ của ông là làm cho tia le lói đó lấp lánh lên, soi rọi vào tâm hồn bạn đọc để họ cùng ông ngẫm ngợi về lẽ đời, về thân phận, về nhân sinh” (Phúc lành).
Có những triết lí về sự tồn tại của con người trong cuộc sống mà ta không khỏi ngao ngán. Ấy là lời của Bảnh truyền lại kinh nghiệm sống cho Hòa (Hành trình của người lính): “Phải biết sống chung với sự phi lý như đồng bào ở đồng bằng sông Cửu Long sống chung với bão lũ. Ngược lại, sẽ bị chính bão lũ nó tiêu diệt”. Ở đây, tác giả đã chỉ ra cho ta thấy một thực trạng trong xã hội: Để tồn tại, con người trong không ít trường hợp phải biến đổi theo hoàn cảnh, phải sống méo mó không đúng là mình, phải chấp nhận kiểu sống ngoài một đằng trong một nẻo. Đồng thời ta như thấy đâu đây tấm lòng trăn trở của nhà văn: phải làm sao để con người được là chính mình, được sống với đúng thiên chức cao quý – là người?
Có thể nói, “Hành trình của người lính” chính là hành trình tái hiện lại một cách chân thực sự khốc liệt của chiến tranh, mặt sáng – tối trong con người, nhưng trên hết là hành trình tìm kiếm, ca ngợi vẻ đẹp nhân văn của cuộc đời.
Vĩnh Yên, tháng 5-2016
Theo Nguyễn Thị Thanh Hương – Văn nghệ công an