Ban điều hành Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga ra mắt (Từ trái qua: Thúy Toàn, Lê Đức Mẫn, Thụy Anh). Ảnh: Vanvn.net

 

Có thể nói, chưa bao giờ câu chuyện dịch thuật văn học lại sôi nổi như những ngày gần đây. Hóa ra, công việc khó nhọc này vẫn từng và đang được rất nhiều người quan tâm, trăn trở cùng những vấn đề còn gợi nhiều tranh cãi: từ những quan niệm, phương pháp dịch thuật cho đến việc gây dựng, đào tạo một đội ngũ dịch thuật văn học giỏi và chuyên nghiệp, đồng thời cả những khúc mắc xung quanh vấn đề tài chính để tổ chức dịch thuật, biên tập, xuất bản, giới thiệu các tác phẩm của nền văn học thế giới với bạn đọc Việt Nam.

Từ một tín hiệu nho nhỏ

Ngày 11/5/2012, tại trụ sở Hội nhà văn Việt Nam, BCH Hội nhà văn Việt Nam công bố quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam- văn học Nga, theo đó, Quỹ này có nhiệm vụ thu hút mọi nguồn lực để dịch các tác phẩm Việt Nam ra tiếng Nga và các tác phẩm văn học Nga ra tiếng Việt. Bên cạnh đó, tuy chưa được chính thức đưa vào nội dung hành động, nhưng ban điều hành Quỹ đã bày tỏ mong muốn được tập hợp những dịch giả vẫn đang âm thầm làm việc để tạo thành một cộng đồng chuyên môn, trao đổi, chia sẻ các khó khăn cũng như đào tạo và tự đào tạo mình trong lĩnh vực dịch văn học. Ngoài ra, giám đốc Quỹ, dịch giả Thúy Toàn còn cho biết về một hướng đào tạo dịch giả thông qua Quỹ bằng cách kết nối để những dịch giả tiếng Nga ở Việt Nam có thể dự các khóa học ngắn hạn vài ba tháng ở LB Nga, để có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, văn hóa Nga đương đại, trau dồi cảm nhận về văn chương và nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Còn sớm để có thể phát biểu được điều gì, nhưng đây dù sao cũng là một tín hiệu tốt đẹp cho phép chúng ta nghĩ tới một nền văn học dịch chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Cá nhân tôi cho rằng, dịch văn học là một “loại hình nghệ thuật” chứ không đơn giản là công việc chuyển ngữ văn bản, đồng thời, nó còn mang sứ mệnh tạo điều kiện cho người đọc Việt Nam được giao tiếp với nền văn hóa thế giới, vì thế, thật đáng ngạc nhiên nếu dịch văn học không được quan tâm thấu đáo từ tất cả các cơ quan chuyên môn hay các tổ chức hội đoàn văn học nghệ thuật cấp quốc gia. Những Quỹ dịch thuật, những trung tâm dịch thuật hoặc những hội đồng chuyên môn về dịch thuật văn học đang được hứa hẹn hình thành lẽ ra phải hình thành từ lâu rồi! Dẫu vậy, “muộn còn hơn không”. Với sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga nói trên, lại được biết về thông tin hoạt động của Quỹ quảng bá văn hóa văn học Nga do đích thân cựu Tổng thống LB Nga Medvedev chỉ đạo thành lập, chúng ta có thêm đôi chút cơ sở để hy vọng vào sự quan tâm về dịch thuật văn học ở cấp quốc gia. Câu chuyện dịch thuật không dừng lại ở những vấn đề thuần túy chuyên môn mà còn là vấn đề chiến lược về giao lưu văn hóa, đặt ra kế hoạch ngắn hạn và dài hạn trong việc thẩm định và lựa chọn các tác giả tác phẩm để chuyển ngữ, đào tạo đội ngũ dịch giả, in ấn, xuất bản, phát hành… Để có được một nền dịch thuật văn học chuyên nghiệp, cần có sự đồng bộ trong tất cả các khâu nói trên. Dịch giả trẻ Nguyễn Trương Quý, đồng thời cũng là một biên tập viên NXB Trẻ lại cho biết quan điểm của mình từ góc độ người dịch và người tham gia biên tập, xuất bản: “Theo tôi, việc đào tạo hay nâng cao trình độ dịch thuật phải tiến hành trong bối cảnh đồng bộ cùng các khâu biên tập, phê bình. Hiện tại, mọi khâu của nền dịch thuật chúng ta đều phần nhiều tự học và tự phát. Người dịch thì nhiều, nhưng để có được bản dịch tốt thì khâu biên tập phải có khả năng đứng ở vị trí quyết liệt hơn về lựa chọn câu chữ. Vai trò của biên tập rất quan trọng, chẳng thế mà nhiều cuốn sách của các NXB lớn trên thế giới đề hẳn tên người biên tập ra bìa. Do số bản sách in cho một đầu sách ở VN quá thấp, thù lao cho dịch giả cũng như thu nhập của biên tập viên không có tính cạnh tranh, vì vậy nhiều người có khả năng chọn những nghề khác. Trong khi đó, các nhà xuất bản hay công ty làm sách gần như không có kế hoạch nào nâng cao nghiệp vụ cho biên tập viên. Tất cả đều là dựa trên kinh nghiệm của người đi trước hoặc bằng sự mẫn cảm ngôn ngữ của từng cá nhân. Trong khi các tờ báo như tôi biết hàng năm đều có những khóa tập huấn do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy, hoặc có nhiều học bổng báo chí được giới thiệu, thì ngành xuất bản gần như đóng băng trong lĩnh vực này.”

…đến niềm hy vọng vào những cộng đồng dịch thuật đang được hình thành

Gần đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, dịch giả Lê Quang phát biểu: “Có 100 lý do để dịch giả bỏ nghề…” với hàm ý nêu ra cả trăm cái khó nó “bó” dịch giả. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà “ló” được cái khôn: rằng nếu chưa thể lấy dịch thuật văn học làm nghề làm nghiệp để có thể “sinh ư nghệ tử ư nghệ” thì người dịch bây giờ, gắn bó với một công việc mưu sinh khác, vẫn âm thầm giữ một góc nhỏ cho niềm say mê của mình.

Nếu lên mạng Facebook, một trong những mạng xã hội đang rất “hot” ở Việt Nam, đây đó, bạn có thể cảm nhận được không khí sôi nổi của dịch thuật văn học với những hội những nhóm “dịch bút” đang được hình thành. Có nhiều nhóm tập hợp những người dịch không kể tuổi tác, không kể không gian địa lý, và họ chia sẻ với nhau tất cả những vấn đề lớn nhỏ của dịch thuật văn học, từng từ khó, từng cách cắt nghĩa khác nhau, cả những câu chuyện xa gần, những điển cố điển tích thú vị. Có may mắn được “ngó” vào một số trang như vậy, tôi không khỏi cảm thấy vui mừng. Những cộng đồng nhỏ ấy thật cần thiết biết bao cho những người đang mong muốn làm việc, những người đã bắt tay vào công việc dịch thuật khó khăn này, cho dù dịch văn học cũng không khác sáng tác văn học là bao trong tính chất “cá thể” của hoạt động. Họ có thể cùng nhau tự đào tạo ngay ở những cộng đồng ảo trên mạng thế này. Một phông văn hóa sâu, rộng, được trau dồi theo năm tháng luôn quan trọng đối với người dịch. Dịch giả Trần Văn Công cho biết:

“ Ở Việt Nam, nghề dịch cũng giống nghề viết văn, nghĩa là ai cũng cho rằng bản dịch của mình là hay nhất. Vì vậy, khái niệm cộng đồng dịch thuật không tồn tại. Các dịch giả văn học đều làm việc đơn lẻ, ít hoặc không trao đổi với đồng nghiệp. Cá nhân tôi, khi gặp khó khăn trong dịch, tôi dành nhiều thời gian tra cứu, hỏi những chuyên gia về lĩnh vực có liên quan để tìm ra từ đúng, phù hợp, nhờ bạn người Pháp giải thích cho những chỗ mình còn mắc. Khi dịch tác phẩm VH sang tiếp Pháp, tôi nhờ nhà văn Pháp đọc bản dịch và góp ý kiến để chỉnh sửa.”.

Dịch giả trẻ Hồ Thanh Vân cũng chia sẻ: “Đối với tôi, cho đến giờ, việc dịch văn học vẫn là câu chuyện sáng tạo cá nhân; nhưng giá như có một cộng đồng thì sẽ tốt hơn nhiều, vì tôi nghĩ, chúng ta có thể trao đổi và chia sẻ được cả về việc xử lý văn bản lẫn các vấn đề lý thuyết nữa thì vô cùng tốt. Và trên thực tế là tôi vẫn thường trao đổi với một vài người bạn qua e-mail.”

Bên cạnh những cộng đồng dịch thuật nho nhỏ tự phát trên mạng, tôi còn nhìn thấy những… dự án. Chẳn hạn: “Góp chữ thành sách” là một trong những dự án khiến tôi cảm thấy thú vị và nhìn thấy tương lai lâu dài của nó vì nhóm tập hợp được những người trẻ, năng động, vô cùng say mê sách và khao khát cống hiến. Góp chữ thành sách (gọi tắt là Góp Chữ) đặt cho mình mục đích hỗ trợ các dự án xuất bản sách phục vụ cộng đồng, hoàn toàn phi lợi nhuận, phi chính trị. Hoạt động trọng tâm của Góp Chữ, là làm cầu nối giữa các nhà hảo tâm với các dự án dịch sách phục vụ cộng đồng cần quyên góp tài trợ. Góp Chữ sử dụng hình thức quyên góp tài trợ số đông (crowd funding) thông qua công cụ thanh toán của Amazon Payment Inc. (một công ty con thuộc Amazon). Công cụ này cho phép quyên góp các khoản hảo ngân cực nhỏ (micro payment) từ các nhà hảo tâm trên khắp thế giới. Đây là một cách làm khá táo bạo và năng động. Góp Chữ sẽ quyên tiền tài trợ cho các việc mua bản quyền dịch và tổ chức dịch, hiệu đính, biên tập. Ở đây có điều thú vị là, cộng đồng dịch giả và độc giả chủ động đề xuất các dự án. Mỗi một tựa sách ứng với một dự án riêng biệt, hoàn toàn độc lập. Theo thông tin cá nhân tôi qua trang Facebook của Góp Chữ, họ đã lôi cuốn được sự chú ý và góp sức của khá nhiều dịch giả, nhà văn, nhà thơ.

Như vậy, có thể thấy rằng, những cộng đồng dịch thuật đang hình thành ở khắp nơi, đang hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, chuyên môn, lý thuyết, thực hành và cả về… tài chính nữa.

Những tín hiệu như thế không đáng mừng sao?

Thụy Anh

XEM THÊM:


Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga


xin trân trọng kính mời

các dịch giả tiếng Nga;

các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học;

các phóng viên báo chí;

các nhà giáo, các bạn sinh viên

và những người quan tâm tới văn học Nga

tới dự buổi gặp mặt lần thứ nhất của Quỹ

sẽ diễn ra vào 19h00 tối thứ 6, ngày 25/05/2012

địa điểm: Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 11A Trần Quý Kiên, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Nội dung buổi gặp mặt:

Giám đốc Quỹ, dịch giả Thúy Toàn sẽ trình bày các vấn đề liên quan đến quy chế, hình thức họạt động Quỹ và hướng phát triển Quỹ trong tương lai

Quỹ mong đợi sự hưởng ứng của đông đảo các dịch giả, những người vẫn đang thực hiện công việc dịch thuật văn học Nga hoặc muốn tham gia vào các dự án dịch thuật trong tương lai do Quỹ chủ trương. Lập danh sách dịch giả và những đề xuất của các dịch giả về tiêu chí chọn lựa tác phẩm dịch.

Bàn luận về việc đào tạo đội ngũ dịch thuật trẻ và những vấn đề liên quan

Văn nghệ: cùng nhau hát những bài hát Nga yêu thích.

Rất mong các dịch giả và các bạn quan tâm đến dự và mang theo những đề án tâm huyết của mình để chia sẻ cùng chúng tôi.

Trân trọng thông báo và hân hạnh được đón tiếp,

Giám đốc Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – Văn học Nga

Dịch giả Thúy Toàn.

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ với:

1. Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. Tel: 0982 980108. Hotline: 0912030303

2. Dịch giả Thụy Anh. Mobile: 0936707174


Nguồn: PHONGDIEP.NET