PHAN TUẤN ANH

Mở đầu cuốn Những cuộc đời song hành, Plutarque viết: “Sossius Sénécion ạ, khi miêu tả Trái đất, các sử gia đẩy ra sát mép bản đồ của họ những vùng đất mà họ không biết và chú ở bên cạnh: “vượt qua ranh giới này chỉ còn là sa mạc hoang vu và thú hoang nguy hiểm” hay “đầm lầy u tối”1. Hẳn rằng, nếu như không có sự ảnh hưởng trực tiếp, thì Trần Đức Tĩnh viết Đối cực cũng với một cảm hứng gần như tương đồng với Plutarque trên góc độ quan niệm có những thế giới song hành, khác biệt nhưng lại tương tác nhân quả lẫn nhau. Đối cực là một tác phẩm mang nhiều “cái khác”. Tiểu thuyết này vừa có chất suy tư, chiêm nghiệm, nhưng lại không nặng nề và thuyết lý, lại được viết dưới hình thức một tác phẩm hình sự với không ít những thủ pháp, “gia vị”, “chiêu trò” ăn khách thời thượng như bạo lực, tính dục, phi lý, thế giới ngầm, xã hội đen. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tất cả những “gia vị” ấy chỉ là cái vỏ bọc hình thức bên ngoài, nhằm giúp tác giả triển khai cấu trúc và quan niệm nghệ thuật sâu xa về những thế giới song hành, những thế giới khác, hiện thực khác, tồn tại dưới cái thế giới và hiện thực mà chúng ta đang sống. Cái thế giới ấy là siêu thực, là hư vô, nhưng nó mang ý nghĩa cho thực tại, giúp chúng ta truy tầm bản ngã và chiêu tuyết cho những giá trị nhân bản bị đánh mất trong thực tại. Ai dám vượt qua ranh giới thực tại siêu thực ấy, sẽ được đắm mình trong thế giới mà Plutarque từng miêu tả: “vượt qua ranh giới này chỉ còn là vùng đất của những con quái vật và những truyền thuyết, nơi trú ngụ của các thi sĩ và các nhà viết huyền thoại, không thể chắc chắn về điều gì hết” 2.

Đối cực là một cuốn tiểu thuyết tham vọng, khi tác giả muốn triển khai câu chuyện cả trên hai nền thế giới: thế giới của hiện thực và thế giới của cõi âm ty. Như thế, câu chuyện vừa có tính chất hiện thực, lại có tính chất huyền ảo. Hai thế giới này không tương thông trực tiếp, cái huyền ảo không xâm lấn, tham dự vào thế giới hiện thực, nhưng chúng lại giúp giải nghĩa và giải thoát cho nhau. Cả hai thế giới đều viết về hành trình nhân sinh của nhân vật Trần Thạch Sơn. Nếu trong thế giới hiện thực là quá trình tha hóa của Sơn, thì trong thế giới huyền ảo ở chốn âm ty, đó là quá trình hồi thiện, chuộc lỗi và phục hồi nhân tính của nhân vật này. Ngay mở đầu cuốn tiểu thuyết, tác giả đã viết về cái chết của Trần Thạch Sơn, khi nhân vật này gieo mình từ giàn giáo cao xuống cọc nhọn, để chết cùng đối thủ truyền kiếp là tay trùm xã hội đen Huy Philip. Câu chuyện được mở đầu bằng cái chết của nhân vật chính, tạo ra sự tò mò thú vị. Từ đó, hai câu chuyện viết về hai thế giới, hai cuộc hành trình được tái hiện. Nếu như câu chuyện trong hiện thực là một sự hồi cố, quay ngược lại quãng đời sinh viên của Trần Thạch Sơn, nhằm lí giải cho câu hỏi: con người đã bị tha hóa như thế nào? Hay  chính xác hơn, hoàn cảnh nào đã xô đẩy khiến một cá nhân tha hóa? Thì câu chuyện trong cõi âm ty siêu thực lại là một cuộc hành trình về phía tương lai, nhằm truy tìm bản ngã, sám hối tội lỗi, khôi phục nhân vị và đầu thai tái sinh làm người. Thành công của Trần Đức Tĩnh đó là anh đã xây dựng rất thành công hai câu chuyện, hai thế giới nghệ thuật chỉ trong một tác phẩm. Nếu trong thế giới hiện thực, tác giả đã thể hiện rõ cái nhìn quan sát hiện thực tinh tế, nguồn tri thức phong phú về thế giới ngầm, các băng nhóm xã hội đen, các chiêu ám sát, thanh toán, trốn chạy, buôn bán ma túy… thì trong thế giới siêu thực, Trần Đức Tĩnh đã thể hiện một óc tưởng tượng bay bổng, phóng vượt đầy ám ảnh. Hẳn chúng ta khi đọc cuốn tiểu thuyết này sẽ ấn tượng với những hình tượng siêu thực, phi lý như: đàn sâu nhiều khủng khiếp đến nỗi khi chết đi biến thành nước suýt ngập chết Thạch Sơn trong hang đá, lũ quỷ hút máu người, con trăn đứt làm đôi vẫn nuốt chửng được người để rồi nạn nhân chui ra từ phía thân bị đứt. Đối cực là một cuốn tiểu thuyết không dễ đọc, có thể vượt ngưỡng tâm lý của một số người đọc thông thường, nhưng lại là một tác phẩm dung hợp nhiều thể loại khác nhau, một tác phẩm nằm trên những lằn ranh thể loại.

Quan niệm về sự tha hóa của con người trong thế giới hiện thực ở Đối cực có nhiều điểm đặc biệt, cho dù không hẳn mọi chi tiết nghệ thuật, diễn biến tâm lý và lựa chọn hành vi đã thực sự thuyết phục người đọc. Trần Thạch Sơn là một nhân vật tha hóa điển hình, hắn từ một sinh viên chăm chỉ, có tương lai xán lạn, đã trượt dài trong tội ác và tệ nạn. Ban đầu là quan hệ với gái điếm, sau đó là quan hệ xác thịt không cần tình yêu với Hoài, tiếp đến là máu điên cuồng chém giết tại quán của Hoài và tại bãi vàng, và lên đến đỉnh điểm với sự kiện giết người diệt khẩu khi đã là ông chủ khu du lịch. Có thể nói, trong mọi tội ác mà con người có thể mắc phải, Trần Thạch Sơn đã không thể tránh được bất kỳ một kiếp nạn tha hóa nào. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của Đối cực đó là tác giả mặc dù miêu tả về kẻ xấu, nhưng không phải để phê phán, mà là để thể nghiệm một cá nhân có thể tha hóa đến mức nào, hoàn cảnh gây ra sự tha hóa, và đâu là nét thiên lương còn lại trong một con người tha hóa. Trong mọi quá trình sa ngã, chúng ta có thể thấy Sơn hoàn toàn là nạn nhân của hoàn cảnh, ví dụ nhằm bảo vệ quán của Hoài, ra tay nghĩa hiệp nên anh mới đánh lại bọn xã hội đen Huy Philip, để cuối cùng bị chúng truy đuổi. Việc quan hệ xác thịt với Hoài là do chị chủ động, cám dỗ. Việc chém giết tại bãi vàng là do hoàn cảnh tự vệ và ước muốn bảo vệ công sức lao động khổ nhọc, việc buôn bán ma túy ban đầu là do không ý thức được thực chất Phương Hoa mướn anh vận chuyển hàng gì, việc giết hai tên nghiện ăn trộm tại khu du lịch là do ngộ sát giết người và nỗi lo sợ tất cả việc làm ăn bại lộ… Trần Đức Tĩnh có cái nhìn nhân đạo về hiện thực. Tác giả từ chối chấp nhận sự thất bại của con người trước cái ác, bởi đằng sau nó là giấc mơ thoát ra khỏi vòng danh lợi, sự sám hối luôn thường trực trong Sơn. Cuối cùng Sơn đã chấp nhận chết nhằm cứu vớt thiện ngã cuối cùng trong lòng mình. Cuốn tiểu thuyết vì thế, dù nói nhiều đến cái ác, miêu tả kĩ những thủ đoạn trong thế giới ngầm, cũng như sự tàn ác tận cùng của bạo lực, nhưng luôn thấm đẫm chất nhân văn, có thể dẫn dắt con người làm quen cái thiện. Tuy nhiên, có thể cũng vì tính giáo dục đó, mà cuốn tiểu thuyết xuất hiện một vài chi tiết, nhân vật khiên cưỡng, thiếu thực tế và cũng chưa thật logic. Các nhân vật đó đầy lòng tốt và sự chính trực như trung úy Hưng, chị Hoài, anh Hào, mà đặc biệt là nhân vật võ sư già ở cuối truyện. Tất cả các nhân vật này hầu như không có tính cách cụ thể, số phận mập mờ và chỉ phục vụ cho ý đồ thuyết giáo, luận đề của tác giả.

Thế giới âm ty trong Đối cực làm chúng tôi thú vị và chú ý hơn thế giới hiện thực. Có thể nói, tác giả đã gần như dành mọi dự phóng sáng tạo, với trọn vẹn cả ý thức triết học và vô thức tính dục nhằm kiến tạo nên thế giới này. Đọc đến những đoạn viết về thế giới âm ty trong Đối cực, chúng ta như lạc vào một thế giới khác, thế giới huyền ảo của Tây du ký, của Thần khúc, của Ngàn lẻ một đêm. Linh hồn của Trần Thạch Sơn sau khi chết đã bị đày xuống âm ty, phải đi qua rất nhiều chặng đường gian nan, đối mặt với vô số kẻ thù, cửa ải thử thách và những kiếp nạn khủng khiếp. Những hình tượng và cửa ải kiếp nạn trong thế giới âm ty nhìn chung phức tạp, tồn tại dưới dạng những hình tượng chìm sâu trong vô thức tập thể, đó là những hình tượng có tính chất biểu tượng, là những mẫu gốc hơn là những hình tượng cụ thể. Do vậy, việc giải mã hệ thống hình tượng này là không hề dễ dàng.

Chúng tôi quy các hình tượng trong thế giới âm ty thành ba nhóm cơ bản, nhằm hiểu rõ dụng ý nghệ thuật của tác giả. Nhóm thứ nhất là những hình tượng liên quan đến tính dục và tình yêu, mà tiêu biểu là nàng Bạch cốt, nàng ngựa cái và người đàn bà hứng dục có chồng bị lũ thợ săn hại chết và ăn thịt. Nhóm thứ nhất biểu thị cho Id (cái ấy) trong con người, nó là những hình tượng được kiến tạo nên từ vùng tối bản năng tính dục. Những hình tượng này có tính chất thử thách con người trước bản năng, cảnh báo con người trước nguy cơ sa ngã bởi bản năng, và là sự thử thách bản ngã của Trần Thạch Sơn sau những lỗi lầm tính dục mà anh đã mắc phải trên dương gian. Nhóm thứ hai là những hình tượng liên quan đến bạo lực và sức mạnh như đàn sói và cảnh tàn sát đàn sói, đàn sâu, con hổ, lũ đà điểu, lũ yêu tinh, con yêu tinh đầu chó, lũ trâu, con trăn, con lợn lòi, cảnh tra tấn bằng cách luộc chín tù nhân… Nhóm hình tượng này biểu thị cho bản năng tàn phá, bản năng chết (thanatos) trong sâu thẳm vô thức của con người. Trần Thạch Sơn là một kẻ quen dùng và có sở trường dùng bạo lực trong thực tại. Nhưng trong thế giới âm ty, anh đã dùng bạo lực và khả năng tàn phá của mình nhằm bảo vệ cái thiện, bảo vệ cái yếu và biết chế ngự cái ác trong lòng mình một cách tối đa có thể. Anh từ chối đánh trả linh hồn anh Hào, anh chỉ giết đàn sói, hổ, đàn trâu rừng, con trăn… nhằm tự vệ và bảo vệ bạn bè, anh đã giúp cho Tướng quân xây cung điện, giúp cho Chủ tướng đánh tan quân thù, anh đã vượt qua thù hận với linh hồn Huy Philip, từ chối dùng bạo lực khi đi vào một ngôi làng dù đã rất đói… và như thế, Sơn đã vượt qua được ải bạo lực, gột rửa được tội ác đã mắc phải ở nhân gian. Nhóm thứ ba là những vị thần, phật cai trị dưới âm ty như Thái Sơn Vương, Đô Thị Vương, Bình Đẳng Vương, Chuyển Luân Vương, Tần Quảng Vương, Địa Tạng Bồ Tát, vị sư phụ ở vô cực đã ban cho Trần Thạch Sơn binh khí đại đao… và những thế thân của họ như Chủ tướng, Tướng quân. Đây là nhóm hình tượng đại diện cho cái siêu tôi (sur moi) trong vô thức con người, một hệ thống hình tượng có tính cổ mẫu trong văn hóa dân gian, nằm ở tầng vô thức tập thể, lại vừa tồn tại trong vô thức cá nhân mỗi người như những cảnh giới ngăn ngừa con người làm điều ác. Trần Thạch Sơn đã luôn thần phục và hỗ trợ cho những vị thần và Bồ Tát, nhưng anh không cúi đầu trước họ, mà chỉ hướng theo chính nghĩa.

Về mặt hình thức nghệ thuật, chúng ta có thể thấy Đối cực có một kết cấu dựa trên hai câu chuyện, kể về hai thế giới, và chiều thời gian nghệ thuật của hai câu chuyện này là ngược nhau. Câu chuyện trong hiện thực là hồi cố, bởi ngay từ khi câu chuyện bắt đầu, nhân vật Trần Thạch Sơn đã tự sát và sắp sửa đón nhận cái chết. Câu chuyện ở âm ty là sự phát triển tịnh tiến đến tương lai, sau khi nhân vật đã chết, từ khi mới chết vài ngày cho đến mốc 49 ngày và cả sau đó. Cả hai câu chuyện dù ngược chiều thời gian, nhưng lại cùng chung một đích đến, đó là giải thích (câu chuyện trong thực tại) và giải thoát (câu chuyện dưới âm ty) cho thực tại. Tác phẩm cũng có hai người kể chuyện, người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “tôi” và người kể chuyện ngôi thứ ba có tính toàn tri. Tuy người kể chuyện thứ nhất xưng “tôi” chiếm ưu thế, nhưng chúng ta cần tinh ý rằng, “tôi” này là tôi đã chết, tức là một linh hồn đang kể chuyện, chứ không phải cái tôi đang sống trong thực tại. Về thực chất, cái tôi đang sống chỉ hiện hữu trong vài dòng ngắn ngủi ở đầu truyện. Việc sử dụng nhân vật tôi – tức người kể chuyện là một kẻ đã chết hẳn có dụng ý nghệ thuật của tác giả, cái tôi này như thế vừa phần nào mang tính toàn tri (vì nó đã chết và là một linh hồn hồi cố), lại vừa tạo tính tương thông giữa hai thế giới: hiện thực và âm ty. Nó là một cái tôi chiêm nghiệm trong một thế giới hỗn độn, gấp gáp và xoay vòng trong bạo lực.

Trần Đức Tĩnh là một nhà văn trẻ sinh năm 1976. Đối cực là cuốn tiểu thuyết đầu tay, tuy còn nhiều điểm trong cốt truyện chưa thật hợp lý, tính chất tư tưởng cần thâm sâu hơn, tránh lộ liễu như ở cuối truyện, nhưng chúng tôi cho rằng, bất chấp những hạn chế ấy, Đối cực vẫn là cuốn tiểu thuyết đáng đọc và suy ngẫm hiện nay của các cây viết trẻ trên văn đàn nước nhà. Chúng tôi cũng tin rằng, Đối cực chỉ là một thể nghiệm ban đầu cho sự nghiệp sáng tạo đường dài đầy nội lực của nhà văn ở phía trước

P.T.A

———-

1, 2. Plutarque (2007), Những cuộc đời song hành, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.75.

 

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Exit mobile version