Hình như mọi sự vật đều ở trong trạng thái sẵn sàng cựa quậy, biến thiên, và sự vật nào cũng được tác giả gắn cho một đặc trưng riêng: trăng gầy, gió chạy rông, nắng trinh bạch, đò run run sóng… Hiếm khi người đọc tìm thấy sự “đứng im” xuyên suốt một bài thơ. Cái tạng của Hoàng Anh Tuấn là ưa sự khám phá, sự dịch chuyển nhưng không thiếu những gắn kết với mọi điều bình dị thiêng liêng. Tuấn đi Phố huyện, Cao Bằng, Ngày xuân đi lễ đền Phúc Khánh, trải lòng mình với Nỗi buồn cổ mộc, Uống rượu đêm Sa Pa, nhưng lại nhớ Những chiều tam giác mạch, Mùa Y Tý lúa vàng mây trắng, Tết xưa, Chùa làng… và đặc biệt là hình ảnh người bà với đùm cơm nắm, người mẹ gánh mưa trên đồng.
Bên cạnh một vài bài đôi lúc hoạt ngôn nhưng thiếu điểm nhấn (do thể loại và vần nhịp Tuấn lựa chọn), điểm được nhất của ngôn ngữ thơ Hoàng Anh Tuấn là sự truyền cảm mà không cũ mòn, tránh được nhiều cách viết quen thuộc dễ đoán. Từ những hình tượng được phác ra, quá trình tạo nghĩa tạo nên những cách hiểu đa nghĩa. Tuấn nên gia tăng những lựa chọn từ ngữ làm “nhãn tự” nổi hình nổi sắc cho toàn bài. Ví như:
Diều em gánh cả chiều hè
Đàn trâu thong thả trôi về xóm thôn
Gọi đò tìm lại ngày xưa
Lom khom dáng mẹ gánh mưa trên đồng
Gánh
Chỉ với từ “trôi” miêu tả đàn trâu thong thả, khiến người ta dễ đồng cảm với bức tranh của thiên nhiên cộng hưởng con người, nơi đó là ấm êm, no đủ và bình yên tuyệt đối. Cũng như khi Trịnh Công Sơn nói về nỗi cô độc tuyệt đối chỉ với hình ảnh “người về soi bóng mình trên tường trắng lặng câm”. Khi viết về những phong tục, tập quán, những ký ức, Tuấn thường tạo ra trong thơ mình những hình tượng sống động, đôi khi sáng lên những liên tưởng nho nhỏ trong toàn bài mà thú vị: Xương mọc cây nuôi máu nở thành hoa… Sự ấn tượng đến từ những lựa chọn cách truyền đạt, khi là những cách điệp cấu trúc gia tăng những cung bậc cảm xúc:
Mang vị ngọt suối bắt tự ngày xưa
Mang vị rừng thảo quả mùa sắp tới
Mang vị chàm vải lanh phiên chợ mới
Mang vị đau gái vấn tóc theo chồng
Mang vị khèn trai thổi buốt chiều đông
Mang vị khát khuya tôi nằm siết vợ…
Uống rượu đêm Sa Pa
Có khi là những linh hoạt của ngôn từ khiến thơ không bị nhàm chán:
Tiếng chim – giọt mực xanh tròn
Rơi trên lá nõn vỡ giòn vườn quê
Cỏ gà se se chân đê
Đò run run sóng chở về heo may
Đôi lúc là những so sánh tạo những liên tưởng sâu:
Thời gian – cơn bão vô tình
Em – viên ngói rạn đầu đình ngấm mưa
Đèn em đỏ mắt
Nhũ hoa tam giác mạch
Nở hồng trên ngực đồi
Nắng tháng Mười trinh bạch
Chiều ngập ngừng không trôi
Những chiều tam giác mạch
Sinh một ở một nơi, trưởng thành trên một miền đất khác, công việc đòi hỏi dịch chuyển nhiểu, đó cũng là cái duyên để Tuấn va chạm với nhiều nền văn hóa. Bởi thể, nhiều bài thơ của Hoàng Anh Tuấn dễ tìm sự đồng điệu nơi người đọc bởi cách lựa chọn giọng điệu nhiều cởi mở, đối thoại. Đó cũng là phong cách của một người trẻ xông xáo. Khi mà nhiều tác giả bây giờ hay lựa chọn những ngẫm ngợi suy tư bằng sự độc thoại, thì thơ Tuấn đem đến một cung đàn lạ, nhiều âm thanh, sắc màu. Những chuyển động không ngừng trong thơ đến từ cách sử dụng ngôn ngữ nhiều mời gọi cho thấy sự tương thông và gắn kết của tạo vật – con người:
– Cỏ mềm gánh giọt sương mai
Bờ tre gọi sẻ hát bài bình minh
– Phố chiều mơ giữa biển mây
Tiếng chim mùa hạ gọi ngày sang đông
Củi thông đượm bếp lửa hồng
Đêm nằm nghe gió chạy rông ngoài thềm…
– Mặt trời gọi chiều đi ngủ sớm
Những con đường sợi chỉ vá thung sương
Gió dỗ ngọt mật ong rừng rơm rớm
Khói lam bay đội cả mái trình tường…
Thơ Hoàng Anh Tuấn nhiều động từ, cách nói của khẩu ngữ mà không khiến thơ bị vụng, ngược lại nó gợi ra sự chuyển động và cựa quậy của một thực thể nhiểu năng lượng: lội, gọi, cõng, gánh, chở, chạy, đuổi… đầy hứng khởi. Trái với năng lượng ùa tràn trong thơ, dường như tâm sức của Hoàng Anh Tuấn trong thơ tình chưa dành được ấn tượng mạnh như thơ viết về quê hương, con người xung quanh. Có yêu thì lại buồn, và dường như cũng không quyết liệt, mạnh bạo. Nó là những tình yêu đi nửa cung đường. Có khi là chút xao xuyến không trọn vẹn:
Thế rồi phượng nhạt thềm năm ấy
Năm ấy là năm em lấy chồng
Mỗi độ đông tràn tôi tự hỏi:
Em nợ chầu ngô, em nhớ không?
Có khi là những nỗi buồn âm thầm một mình không cách nào nguôi ngoai:
Những chiều tam giác mạch
Cứ dâng hương bẽ bàng
…
Tôi bỏ lên đồi cũ
Thương một vùng nát hoa.
Dù không xuất hiện quá nhiều, nhưng thơ Tuấn viết hay về lời ru, về những hình ảnh thân thương của bà, của mẹ. Những điều cốt tử ấy để Tuấn neo vào sáng tạo, có thể nói không quá rằng tình cảm với quê hương là điểm tựa, là chất liệu thành công cho thơ Hoàng Anh Tuấn. ấn tượng và xúc động nhất là hình ảnh người dì hiện lên đầy yêu thương:
Hao gầy một sợi tơ vương
Buộc miền lam lũ mà thương con chồng
…Bàn tay vàng móng ruộng chua
Bàn chân nứt gót chiêm mùa gối nhau.
Đắm đuối và thiết tha với mảnh đất Tuấn gắn bó, nơi đó là con người, là những chất liệu dân gian, là thiên nhiên kì vĩ thanh bình… Ở Mùa phơi váy, cảm hứng về những con người vùng cao, thiên nhiên, phong tục và đặc biệt là những ứng xử trong nhiều ngẫm ngợi tạo nên sự tươi mới. Nó lạ hơn, gây hiếu kỳ hơn nữa là bởi cách thể hiện của một người “ngoại đạo” thuộc một nửa về nơi đó. Sang đến Những chiều tam giác mạch, cảm xúc còn, sự nồng nhiệt được tiếp nối nhưng đôi lúc hình tượng thơ đã có sự lặp lại. Trong tập thứ hai này, cảm giác rõ rệt nhất tạo thành vệt riêng cho thơ Hoàng Anh Tuấn là sự thông minh, nhiệt thành được bộc lộ khá đậm. Đọc những câu thơ nhiều sắc màu, hình ảnh và “không tĩnh”, ta có cảm giác mâu thuẫn khi cuộc sống ấy nhiều khoảng yên bình nhưng con người cứ muốn gấp gáp chiếm lĩnh trọn vẹn nó.
Bỏ qua sự ít ỏi trong các thể thơ Tuấn lựa chọn, sự táo bạo và dũng cảm của Hoàng Anh Tuấn khi chú tâm vào thể loại thuộc hàng kinh điển trong thơ Việt Nam rất đáng khích lệ. Thể lục bát hiện nay tuy không còn ở thời kỳ hoàng kim rực rỡ, nhưng chất cổ điển và hiện đại đan xen vẫn tạo nên một sức sống mới lạ, phong phú. Lục bát “vinh quang tột đỉnh mà vẫn tồn tại để tiếp tục cống hiến” (Nguyễn Phan Cảnh), cái khó của người làm thơ lục bát cũng chính bởi tính chất của thể loại. Đây là “thể thơ dễ làm nhưng rất khó hay. Nó đi cheo leo trên một sợi dây vô hình giữa một bên là thi phẩm làm rung động lòng người và một bên là bài vè thô thiển”[1]. Đôi khi chỉ cần giản dị như Lê Đình Cánh: Đêm đêm lưng chẳng dính giường/ Nhớ chông chênh võng trên đường Trường Sơn; hay mới lạ như Đào Phong Lan khi tạo nên một dáng vẻ độc đáo với cách chia tách dòng:
Thế rồi
Em
Đến và đi
Góc sân
Một túm lá si rũ buồn
Bây giờ còn lại trong vườn
Tôi
Đêm
và lũ chuồn chuồn ngẩn ngơ…
Lẽ nào
Buồn rất vu vơ?
Trời vừa bong bóng
Bây giờ lại hanh
Lẽ nào nhớ rất nhẹ tênh
Như trăng không khuyết
Như đành Em qua?
Chẳng vì đường ngái, ngõ xa
Tiếc rằng lối cũ trước nhà phủ rêu…
(Không đề)
Với Hoàng Anh Tuấn, lục bát với nhiều bài thực sự hay và tạo thành nét khác lạ: Tò he, Dì ghẻ, Một nét cổng làng, Rét lộc rét đài…
– Cuốc kêu đêm đã pha màu
Trăng gầy theo gió dãi dầu trong mây
– Rủ nhau đi cấy sáng trăng
Thoảng mơ tiếng mõ đêm rằm nhặt khoan…
– Dậy đi sương đọng cỏ lành
Con sẻ gọi bạn trên nhành hoa cau
Lá khô rủ gió đuổi nhau
Mảnh sân vấn chiếc khăn màu gạch non
– Gánh hàng mẹ bước ven đê
Bán ban mai để mua về hoàng hôn…
Giọng thơ đa dạng, cùng một thể lục bát, nhưng lúc thì trầm tư: Cánh chuồn cõng đỏ giấc mơ/ Tìm miền xanh thẳm bao giờ hiện ra, lúc lại tưng tửng:
– Thôi thì gom cái lẳng lơ
Ra sông đánh đổi giấc mơ cỏ nhàu
– Làng mình mở hội hay chưa?
Đi xem múa rối ao chùa canh đêm
Tễu cười toét miệng ngoi lên
Trăng rằm rơi tõm in nền nước xanh
Cái chưa ổn nhất của thơ Tuấn có lẽ nằm ở sự dàn trải. Trong rất nhiều lựa chọn thông minh của mình, Tuấn lại thường hay bị “tham” chi tiết khiến đôi khi một bài thơ không có được cái đọng, dù người ta vẫn thích thú đọc hết từ đầu đến cuối. Nhưng tứ gọn, kết sắc sẽ đem lại nhiều hơn, đôi khi Hoàng Anh Tuấn tạo được như với Mùa phơi váy, Về quê ăn giỗ.
Sớm mai bà gói đùm cơm tám
Lá chuối ủ thơm nỗi nhớ nhà
Cổng làng mưa bụi tôi ngoái lại
Bà thành hoa gạo cuối trời xa.
Về quê ăn giỗ
Thơ Hoàng Anh Tuấn cho thấy một cách viết thông minh, cá tính sáng tạo luôn trong trạng thái vận động. Say mê, đọc nhiều thơ tiền nhân, thậm chí ảnh hưởng không ít và cũng từ đó cố gắng làm mới mình: “phơi nỗi nhớ ngoài giậu tre” gợi nhớ Lưu Trọng Lư, “đi cấy sáng trăng” từ dân ca; hay nhắc nhớ Đồng Đức Bốn của Em bỏ chồng về ở với tôi không trong Rồi đêm mai em về ngủ với chồng, nhắc nhớ Qua nhà (Nguyễn Bính):
Giếng làng bèo nhuộm mà xanh
Má em nắng nhuộm mà quanh năm hồng
Giếng làng soi mái đình cong
Em đi gánh nước cứ vòng đường xa
Giếng làng
Tuy nhiên, đôi khi lựa chọn hình tượng hơi cũ mòn:
– Đi qua hai cuộc chiến tranh
Tóc xanh giờ đã hóa thành mây bay
– Cỏ may khâu áo ven đường
Cánh chim vướng sợi mây vương khắp trời
Bài Nhà tôi có thể coi là sự kết đọng nhất của phong cách thơ Hoàng Anh Tuấn với ngôn ngữ trẻ trung, ví von duyên dáng, phong vị chân chất kiểu Nguyễn Bính với Sáng giăng chia nửa vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau…
Nhà tôi nép dưới chân đê
Ao cá trước mặt, bờ tre sau nhà
Đêm trăng cau thả ngàn hoa
Trắng ngần vại nước tưởng là sao rơi
Mảnh sân ngửa mặt nhìn trời
Ngày mùa thóc lúa nằm phơi nắng hè
Hương ổi ngọt lịm gió se
Chào mào, sáo sậu bay về vườn xưa
Mái nhà bạc phếch nắng mưa
Ngó lên lỗ dột mây đưa xanh trời
Đông tràn trâu thở ra hơi
Gió lùa kẽ liếp vào chơi trong nhà
Tựa song trông nắng tháng Ba
Thắp lửa cây gạo đỏ hoa cổng làng
Tìm đâu mái rạ chín vàng?
Che tôi lớn giữa mơ màng lời ru…
Hoàng Anh Tuấn có cái tinh tế nhưng đôi khi chưa thật kĩ, cái này nghe chừng có vẻ khó khi yêu cầu ở một người viết trẻ nhưng nhiều lúc vẫn có thể xác đáng hơn. Nhưng dẫu sao, với những gì đã công bố, ấn tượng về một nhà thơ trẻ với những thành công bước đầu thể hiện đề tài quê hương là một nỗ lực đáng ghi nhận của Hoàng Anh Tuấn.
Song Quyên – Nguồn: Tạp chí Thơ
[1] Quang Huy, Nguyễn Bùi Vợi, Võ Văn Trực (tuyển chọn), Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, 2000; tr. 5.