Nhà thơ Y Phương
Thậm chí nhiều nhà nghiên cứu văn chương có vẻ “dị ứng” với cụm từ trên. Đúng là ngày nay nói quan niệm văn học đỉnh cao không dễ, có phần mơ hồ. Bởi đỉnh cao là phải được cộng đồng công nhận. Ở từng thời kỳ có những giai đoạn phát triển khác nhau, theo đó, quy chuẩn, tiêu chí đánh giá tác phẩm cũng phải đặt trong bối cảnh lịch sử đó. Lâu nay, sách văn học Việt Nam chịu “lép vế” để sách ngôn tình – những cuốn sách tình yêu không có chút giá trị gì về văn chương lên ngôi, thu hút giới 9X. Nói như GS Phong Lê thì trong “bối cảnh khủng hoảng văn hoá đọc mà nhắc đến tác phẩm đỉnh cao thì hơi vô duyên”.
Mặc dù hàng năm vẫn có một số lượng tác phẩm và tác giả đoạt giải thưởng của các tổ chức văn học (Giải thưởng dù muốn hay không cũng được coi đã qua kiểm định), nhưng khó thấy có tập thơ nào đoạt giải thưởng lại được công chúng đón nhận hồ hởi và lùng sục tìm mua. Người đọc và người viết đều biết những giá trị thực của nó. Thậm chí, những người quản lý, người trao giải cũng không lạ, thực chất thơ đến đâu. Nói thì nói vậy, nhưng làm sao không có giải thưởng được. Vẫn không thể khác được, vẫn phải tồn tại và đây là sự ghi nhận đóng góp của người lao động sáng tạo. Đành rằng không hiếm khi bằng sự động viên, khích lệ, nâng đỡ… và đặt cái tình lên trên cái chuẩn mực thẩm mỹ nghệ thuật. Không hiếm thói quen “dĩ hòa vi quý”, xuê xoa trong quan hệ đời thường dẫn đến dễ dãi khi thẩm định tác phẩm. Thế nên mới có chút mâu thuẫn giữa giải thưởng với sự thờ ơ từ phía công chúng. Thiếu thơ đạt giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật và công chúng thơ lại thừa “sự khôn ngoan”, tinh nhạy để cảm nhận, nên vì thế không dễ bị “mắc lừa” bởi những giá trị ảo.
Lâu nay, mọi người vẫn thắc mắc tác phẩm có giá trị đang ở đâu? Vì sao chưa có tác phẩm hay đến? Tài năng người viết hay cơ chế xã hội? Có người thì cho rằng lỗi ở khách quan, ở cơ chế. Có nhiều ý kiến thì cho rằng tài năng nhà văn chưa đủ độ. Vv… và vv…
Câu trả lời thật không dễ.
Thử truy tìm căn nguyên từ lịch sử, có thể thấy chúng ta đã quá quen với nếp sống sinh hoạt văn hóa thời chiến. Quán tính chiến trận vẫn lăn miệt mải đến bây giờ. Các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Cánh đồng 5 tấn”… nở rộ đã thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Không phủ nhận vai trò công nông binh trong hoạt động văn hóa quần chúng. Ít nhiều cũng có vai trò tích cực. Thơ ca đã làm nóng không khí chiến tranh, động viên người lính xung trận “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, động viên người dân “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; động viên công nông “tay búa, tay súng”, “tay cày, tay súng”… Điều đó thật quý và cần thiết. Nó thực sự đã làm nên những tác phẩm thơ có đời sống trong chính thời điểm đó, lại “cộng hưởng” cùng nhạc để tạo thành những “Bài ca đi cùng năm tháng”, như: “Ta tự hào đi lên ơi Việt Nam”, “Dáng đứng Việt Nam”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Vàm Cỏ Đông”… Nhưng mặt khác nếu tư duy cứ ám ảnh cái một thời vang bóng ấy thì vô hình chung nó sẽ tác động làm ảnh hưởng không nhỏ tới tư duy sáng tạo của người lao động nghệ thuật chuyên nghiệp. Không ít người cầm bút bị ảnh hưởng, thậm chí có phần “nhiễm” thói quen văn nghệ quần chúng và từ đó sinh ra thói lười biếng lao động sáng tạo; lười biếng tư duy nghệ thuật; thiếu tôn trọng bạn đọc và chính bản thân mình. Cái thói quen dễ dãi “cờ đèn kèn trống”, chỉ xảo ngôn, hoạt khẩu một cách vô hồn, nhạt nhẽo. Vì thế, tình trạng bạn đọc thờ ơ, ngoảnh mặt, lạnh nhạt, vô cảm… với thơ xuất hiện là điều khó tránh khỏi. Thơ có mặt mức độ đậm đặc, tràn lan trên tất cả các tờ báo văn nghệ chính thống, ngoài một số bạn đọc quan tâm (vì yêu thơ ca, vì cần nghiên cứu, vì có thơ của mình, hoặc các nhà thơ đọc lẫn nhau…) cũng thường ế ẩm, ít ai ngó ngàng, quan tâm. Đội ngũ người làm báo văn nghệ trong phạm vi cả nước không phải ai cũng có khả năng đọc, hoặc có sự tinh nhạy trong việc cảm thụ nghệ thuật thơ, nhất là thơ hiện đại hôm nay. Thêm nữa, một bộ phận “người gác thơ” vẫn thường mang chung tâm hồn, có cùng khuôn mặt, chung tâm lý, suy nghĩ thời kháng chiến chống Mỹ theo kiểu “nụ cười tiễn đưa con ngàn bà mẹ như nhau” (Chế Lan Viên). Trong số đó, không ít người vẫn quen tư duy “nhàu” và cũ. Thiển nghĩ, hình như họ không chấp nhận các phong cách thể hiện tìm kiếm mới mẻ. Tình trạng này diễn ra đã quá lâu, quá bền, quá dài vắt từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ XX cho đến hôm nay. Với tình trạng đó thì không lạ khi trong điều kiện đất nước đổi mới đã 30 năm nhưng thơ thì vẫn ì ạch, vẫn “dậm chân tại chỗ”, vẫn “em còn bé lắm mấy anh ơi”… Những ấn phẩm “dưới thơ” vẫn “xuất xưởng” và thậm chí còn được coi là “hàng hóa đặc biệt”.
Ngoài tài năng, nhà văn nào cũng đều trang bị kiến thức văn hóa, thấm nhuần ý thức chính trị, tư tưởng và văn hóa. Song nhiều khi người lao động sáng tạo lại luôn đồng hành với “nhà biên tập cho chính mình”.
Thêm nữa, cơ chế tự trang trải đã buộc các nhà xuất bản phải nới lỏng tiêu chí thẩm mỹ, hạ thấp các giá trị nghệ thuật làm mới ngôn từ trong sáng tạo văn học. Không ít nhà thơ chỉ quan tâm đến đầu vào. Đầu tài chính được coi là quan trọng. Không ít người gọi đùa đó là “nồi cơm” của những con người trong cơ quan xuất bản. Vì thế, có hiện tượng nhận bản thảo vô tội vạ, thiếu chọn lọc, thậm chí có nhà còn “dính” vào “khu vực cấm”, nhạy cảm. Có người gọi đây là thời kì tháo khoán trong công tác xuất bản. Dẫn đến tình trạng náo loạn thơ nghiệp dư dài dài… Chúng tôi lấy làm tiếc cho những NXB danh giá một thời.
Sau hơn 40 năm chúng ta sống trong không khí hòa bình. Đời sống vật chất, tinh thần của con người ngày một nâng cao. Trình độ dân trí ngày càng phát triển… Cuộc sống muôn màu, đa dạng của con người, xã hội… đã đi vào thơ. Thơ xuất bản nhiều, nhanh với “tốc độ ánh sáng” từ Trung ương đến địa phương, len lỏi vào các câu lạc bộ. Nhưng không khó để nhận thấy trong thơ vẫn chỉ loanh quanh với những mảnh vụn cảm xúc, với tâm trạng “thương vay khóc mướn”, với những mối tình éo le, tan nát, đau đớn quằn quại… Có người thường gọi đó là “hàng sến” với nhạc sến, thơ sến… Có người gọi là “cải lương” với thơ cải lương, nhạc cải lương… Chưa kể, xuất hiện không ít tác phẩm thơ lai căng, mất gốc… Thơ vì thế chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc; không rõ nét lý tưởng xã hội và thẩm mỹ; còn hạn hẹp về ý nghĩa xã hội… Một số nhà thơ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước. Có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Tình trạng nghiệp dư hoá các hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên…
Trước thực trạng trên, Hội Nhà văn Việt Nam đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn nhằm tôn vinh người lao động sáng tạo thơ: Ngày thơ, hội thảo thơ, bàn tròn thơ, kỷ niệm ngày sinh các nhà thơ Việt Nam năm chẵn, năm tròn… trong đó phải kể đến Ngày Thơ Việt Nam vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm. Ngày thơ Việt Nam đã bước sang năm thứ 14 diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và các địa phương trong cả nước với nhiều hoạt động thơ thiết thực theo chủ đề hàng năm. Ngày Thơ Việt Nam thực sự đã làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Nó là một ngày hội của người làm thơ, yêu thơ, xuất bản thơ…
Song văn chương nghệ thuật nếu chỉ quan tâm đến hình thức bên ngoài qua các lễ lạt, “cúng cụ”… thôi thì chưa đủ. Thơ cần sự đầu tư chất xám cho nghệ thuật đích thực. Làm thơ là việc khó. Nhà thơ cần có đủ thời gian “thai nghén” đầu tư tác phẩm. Tránh tình trạng làm thơ theo kỳ cuộc, không có đầu tư dài hơi, không tạo điều kiện thực tế mà chỉ gặp chăng hay chớ thì làm sao tránh sao khỏi ra đời những tác phẩm trung bình.
Thiếu những tài năng lớn là do thiếu không gian tự do sáng tạo. Tài năng lớn ở thời nào cũng thế. Nơi nào trên thế giới cũng đều thế. Luôn luôn hiếm. Nhưng không phải không có. Trong hàng trăm hàng ngàn nhà thơ chân chính miệt mài lao động sáng tạo, thể nào cũng xuất hiện những thi phẩm xuất sắc. Tuy mức độ ấy có khác nhau. Có điều nó chưa lộ diện. Thế rồi, nói đi cũng phải nói lại. Có phải được tự do tuyệt đối thì mới có tài năng lớn, tác phẩm lớn. Thử hỏi còn ai tự do tuyệt đối hơn những nhà thơ, nhà văn hải ngoại Việt đang sống ở các nước tư bản. Hàng mấy chục năm qua, các nhà văn Việt kiều đã có tác phẩm văn chương nào khiến chúng ta trầm trồ thán phục. Không! Không thể nói đòi tự do tuyệt đối mới có tác phẩm đỉnh cao.
Tài năng lớn đồng thời phải là nhà tư tưởng lớn, nhân cách lớn, tình cảm lớn. Trong chúng ta đã có ai thực sự là người dám tử vì đạo. Dám đặt cược cả đời mình chuyên tâm cho một việc sáng tạo thơ ca. Nhưng ở ta thì điều đó có vẻ chỉ đúng với phương diện lý thuyết. Không ai dám từ bỏ ngôi vị của mình cho thơ. Dù ngôi vị quan chức văn chương không đáng gì. Song, không ai dám từ bỏ mức lương chuyên viên, cán sự trong biên chế nhà nước. Đã có ai vào rừng sâu núi cao, lăn lộn cùng nhân dân, cảm thông với nhân dân, để đi tìm nguồn thi hứng. Ai ai cũng phải lo nồi cơm hiện hữu mỗi ngày, cho cả gia đình mình. Đấy có phải tư tưởng nhỏ hẹp tẹp nhẹp “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” (Chế Lan Viên).
Sáng tạo ra tác phẩm lớn phải đồng nghĩa với tâm huyết lớn, đau nỗi đau nhân tình rộng lớn. Nhưng khi đặt bút viết thì hầu như ai cũng phân vân, sợ mình không vượt qua nổi, sẽ biến tác phẩm văn chương thành nỗi đau không lối thoát. Nói thật, nhà thơ nào ở ta cũng cứ ám ảnh lưỡi tầm sét luôn luôn lơ lửng ở trên đầu. Và như vậy, chúng ta chỉ thấy xuất hiện những tài hoa tầm tầm, chứ chưa có những nhà thơ tài năng tầm cỡ. Nói chung, nội lực chúng ta có vấn đề. Chúng ta chưa được chuẩn bị hành trang kỹ lưỡng, khó mà xây nổi “Vạn lý trường thành” văn học.
Khó vậy đấy. Không phải cứ rót thật nhiều tiền là có tác phẩm lớn. Không phải có tự do tuyệt đối là xuất hiện tác phẩm hay. Cũng không phải vì nhà thơ xa rời cuộc sống nhân quần mà tác phẩm viết ra hời hợt vv và vv. Phải chăng, chúng ta chưa xuất hiện những tài năng lớn?
Cuộc sống chúng ta không thiếu người tốt việc tốt. Cũng không thiếu những mảnh đời khốn khó bi đát. Nhưng họ biết cách vượt lên để thay đổi cuộ đời và làm giàu chính đáng. Càng không thiếu những số phận cười ra nước mắt. Đau đớn đắng cay lắm thay. Mỗi gia cảnh đều có những bi hài kịch không lớn thì nhỏ. Vậy, những tác phẩm lớn đang ngủ quên ở đâu? Nó nằm trong các hộc bàn, trong các rương hòm chỉ chờ ngày sinh nở. Chúng tôi cũng rất muốn tin ở những điều kì diệu này.
Y Phương – Nguồn: Văn Nghệ