Với độc giả Việt Nam, Mạc Ngôn đã từng là một cơn sốt với hàng loạt tác phẩm có sức ám ảnh như Đàn hương hình, Báu vật của đời, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ… Hãy cũng nhìn lại những tác phẩm đã mang đến giải Nobel văn học cho Mạc Ngôn
“Châu chấu đỏ” là tập hợp những câu chuyện lặt vặt mà nhân vật chính hồi tưởng lại về những gì mình từng trải qua hoặc từng chứng kiến. Đó có thể là một vị giáo sư Đại học có vẻ ngoài đạo mạo, đáng kính khi đứng trên bục giảng nhưng những bí mật trong cuộc đời ông lại là một sự sa đọa về đạo đức. Đó có thể là cặp vợ chồng dù đã căm ghét nhau nhưng vẫn cố gắng sống chung dưới một mái nhà để rồi người chồng luôn luôn say xỉn và người vợ luôn ngoại tình. Những câu chuyện phản ánh một Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển mình với nhiều thói xấu hoành hành trong cuộc sống nơi phồn hoa đô hội, cùng lúc đó, những hủ tục cùng sự đói nghèo đang làm xơ xác những miền quê xa xôi hẻo lánh.
“Cao lương đỏ” (1987) là tác phẩm đưa tên tuổi của Mạc Ngôn đến với văn đàn thế giới khi tác phẩm được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim điện ảnh và sau đó phim đã giành được giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994.
“Cao lương đỏ” đưa độc giả trở về thập niên 1920-1930, trên mảnh đất quê hương của chính tác giả – mảnh đất Cao Mật của tỉnh Sơn Đông. Những nhân vật trong truyện hiện ra đầy cá tính, khí phách, sống ngang tàng, lạc quan như những ngọn cao lương thẳng tắp vút lên trên bầu trời Cao Mật. Đây là nét tính cách điển hình của người dân Cao Mật mà chúng ta sẽ gặp lại trong rất nhiều các tác phẩm sau này của Mạc Ngôn. Ông thường lấy hình ảnh của người dân sống trên mảnh đất quê hương để nhào nặn thành các hình tượng văn học. “Cao lương đỏ” ca ngợi tình yêu và sự tự do. Tác phẩm vừa khốc liệt, vừa bay bổng, vừa rất thực mà lại hòa trộn cả những yếu tố kỳ ảo, phi thường.
“Cây tỏi nổi giận” (1988) đi vào một trong những đề tài nóng bỏng và giàu tính hiện thực nhất trong các sáng tác của Mạc Ngôn. Bằng ngòi bút sắc sảo và giàu tính nhân văn của mình, Mạc Ngôn đã đề cập tới bệnh quan liêu cửa quyền và hậu quả ghê ghớm của nó trong đời sống người dân. Tác phẩm “Cây tỏi nổi giận” là một ví dụ tiêu biểu cho đề tài gai góc này của ông, người nông dân vốn bình thường hiền lành, nhẫn nhịn tựa như cây gừng cây tỏi nhỏ bé, nhưng “con giun xéo lắm cũng quằn”, một khi đã bị dồn nèn quá sức chịu đựng, họ sẵn sàng vùng lên phản kháng như vũ bão.
“Báu vật của đời” (1995) là một tác phẩm nổi tiếng khác trong “vốn liếng” văn chương của Mạc Ngôn. Nó từng là hiện tượng của nền văn học Trung Quốc, tác phẩm được Hội Nhà văn Trung Quốc trao giải nhất ở thể loại tiểu thuyết năm 1995. “Báu vật của đời” đem lại cái nhìn khái quát về giai đoạn lịch sử hiện đại của Trung Quốc, vẫn lấy bối cảnh chính là huyện Cao Mật, Mạc Ngôn đã đưa tới cho người đọc những mảng sáng – tối, khuất – tỏ của lịch sử Trung Quốc trong vòng 100 năm. Tác phẩm là đại diện tiêu biểu cho phong cách sáng tác dựa trên đề tài lịch sử của ông.
“Đàn hương hình” (2001) sử dụng chất liệu văn học dân gian làm phông nền khắc họa một giai đoạn lịch sử đẫm máu ở Trung Quốc từ năm 1895-1915. Khi đó Trung Quốc trở thành chiếc bánh ga-tô ngon lành để các đế quốc chia nhau xâu xé. Triều đình Mãn Thanh thối nát, bất lực. Quan lại đương thời hoặc tiếp tay cho giặc hoặc ươn hèn, thối chí. Đời sống nhân dân vô cùng rối loạn, “lãnh tụ” của cuộc khởi nghĩa chống quân Đức ở huyện Cao Mật khi đó chỉ là một ông bầu gánh hát. Tác phẩm này đã đem về cho Mạc Ngôn giải Mao Thuẫn – giải thưởng văn học danh giá nhất tại Trung Quốc.
Chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng trong “Đàn hương hình” là hý kịch Miêu Xoang, một loại nhạc dân gian phổ biến ở vùng đông bắc Cao Mật. Tiểu thuyết một lần nữa khắc họa tính cách ngang tàng, khí khái, lạc quan của người dân Cao Mật trên cái nền là những sự kiện cách mạng nóng hổi. “Đàn hương hình” ngoài việc giới thiệu về lịch sử của hý kịch Miêu Xoang còn cho người đọc biết về lịch sử các ngón đòn tra tấn, tử hình ở Trung Quốc.
Theo đánh giá của dịch giả Trần Đình Hiến – người đã dày công nghiên cứu tác phẩm của Mạc Ngôn và chuyển thể nhiều tác phẩm của ông sang ngôn ngữ Việt, nét độc đáo của giọng văn Mạc Ngôn nằm ở hai khía cạnh chính. Thứ nhất, ông học tập những nhà văn nổi tiếng bằng cách đi sâu nghiên cứu tác phẩm của họ, tìm hiểu thế giới quan, nhân sinh quan của họ rồi từ đó áp dụng vào hoạt động sáng tác chuyên nghiệp. Sau quá trình nghiên cứu, học hỏi đó, thứ “vàng ròng” mà ông thu nhận được tuyệt đối không phải là của đi sao chép, nhái lại, hoặc nhang nhác một ai đó. Ông đã gạn lọc học hỏi và tự thai nghén ra một giọng văn mới đặc chất Mạc Ngôn.
Thứ hai, Mạc Ngôn thường đưa vùng đất Cao Mật quê ông vào trong các tác phẩm văn học của mình. Khi đó, Cao Mật là hình ảnh do ông tưởng tượng ra trên cơ sở những trải nghiệm thực tế của tuổi thơ, ông biến nó thành một Trung Quốc thu nhỏ, rồi đồng hoá niềm vui nỗi buồn của người dân Cao Mật với niềm vui nỗi buồn, những vấn đề thường thấy của nhân loại. Từ đó, ông thu hút được sự quan tâm của người đọc trên toàn thế giới. Ông dùng quá khứ để viết văn nhưng không “ăn mày dĩ vãng”, thay vào đó ông nâng tầm những những ký ức đó lên trở thành những vấn đề nhân sinh quan của nhân loại và không ngừng tự làm mới câu chuyện của mình, dù trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm nhưng Cao Mật và người dân nơi đây vẫn luôn gây bất ngờ.
Nguồn: Dantri