Giữa guồng quay hối hả, sôi động của cuộc sống hiện đại, người ta băn khoăn, nghi ngại rằng, giới trẻ ngày nay có xu hướng quay lưng với văn hóa truyền thống, lịch sử cha ông. Qua thực tế, vẫn có nhiều bạn trẻ đang chứng minh điều ngược lại bằng đam mê, nỗ lực hết mình để nhân rộng tình yêu, sự hiểu biết về văn hóa, đất nước đến bạn bè cùng trang lứa thông qua những dự án văn hóa phi lợi nhuận.
Lan tỏa tình yêu văn hóa
Thành lập từ năm 2012, đến nay, dự án Tôi xê dịch đã trở thành điểm hẹn sinh hoạt văn hóa quen thuộc của hàng nghìn bạn trẻ Hà Nội. Tên gọi của dự án được gợi nguồn từ cảm hứng những trang tùy bút nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân. Hay nói như cô gái trẻ sinh năm 1991 Nguyễn Thu Hà, người sáng lập dự án, xê dịch không chỉ đơn thuần là di chuyển, mà là đi để được sống sâu hơn, được hiểu biết nhiều hơn các giá trị văn hóa dân tộc. Dự án đi vào hoạt động đã trở thành cầu nối đưa các bạn trẻ đến gần hơn di sản cha ông thông qua ba nội dung hoạt động chính với những tên gọi đầy bay bổng: Những ngày đầy gió, Việc làng và Điểm hẹn xê dịch. Nếu Những ngày đầy gió mang đến các tua du lịch văn hóa trải nghiệm thông qua những chuyến đi cụ thể, những chủ đề cụ thể như: tới Văn Miếu tìm hiểu Nho học thời cực thịnh; tới Hoàng thành Thăng Long tìm hiểu những hiện vật và tài liệu khảo cổ về đời sống vua chúa, thị dân của kinh thành xưa; tới Phủ Tây Hồ tìm hiểu về Đạo Mẫu…; thì Việc làng là chuỗi chương trình mang tính trao đổi, đối thoại cởi mở giữa các bạn trẻ và chuyên gia về một vấn đề, sự kiện văn hóa nóng hổi như: Biển Đông và chuyện yêu nước, Sơn Đoòng và chuyện bảo tồn di sản… Trong khi đó, Điểm hẹn xê dịch lại là diễn đàn thu hút sự theo dõi thường xuyên của gần mười nghìn thành viên trên trang fanpage của dự án với những chủ đề văn hóa hấp dẫn xuất hiện đều đặn hằng tháng như: tìm hiểu về phong tục thờ cúng, ý nghĩa các tục lệ trong hôn lễ, ký ức thời bao cấp…
Với không dưới 20 hoạt động ý nghĩa được tổ chức trong gần ba năm hoạt động, Tôi xê dịch đã giúp những người trẻ tìm được cách tiếp cận riêng và hiệu quả để khám phá văn hóa cha ông. Những đêm diễn chèo cổ ngay tại sân đình, những buổi say sưa tìm hiểu về nghệ thuật hầu đồng, hay những lần được tự tay thực hiện tranh dân gian Đông Hồ để hiểu thế nào là màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp đã giúp bạn trẻ trở về quá khứ một cách chủ động và đầy hấp dẫn. Thu Hà từng chia sẻ: Không phải người trẻ không mặn mà với văn hóa cha ông, mà bởi các bạn trẻ đang rất thiếu những kênh để tiếp cận nguồn di sản vô giá đó. Khi đã hiểu và thấy thú vị, tức khắc họ sẽ yêu, trân trọng và bảo vệ văn hóa truyền thống bằng niềm tự hào dân tộc. Bằng chứng là số lượng bạn trẻ tham gia các hoạt động của dự án luôn ổn định bền vững và ngày càng tăng lên. Hay những đêm diễn chèo ở sân đình, có buổi do trục trặc kỹ thuật, mất điện tới ba lần mà các bạn vẫn kiên trì ngồi xem trong sự háo hức và cổ vũ nhiệt tình… Điều bất ngờ là song hành cùng Tôi xê dịch luôn có những chuyên gia hàng đầu ở nhiều lĩnh vực như: TS Nguyễn Đức Mậu, nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Văn Khuê, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn, GS Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế…, những người mà theo chia sẻ từ các thành viên của Tôi xê dịch là tham gia chương trình không có kinh phí; đến với các bạn trẻ hoàn toàn bằng nhiệt huyết, bằng cái tâm muốn trao truyền văn hóa của cha ông. Bởi trên hết, họ là những người ý thức rõ thế hệ trẻ mới là đối tượng giữ gìn và truyền bá văn hóa dân tộc nhiệt thành, hiệu quả nhất.
Cũng với mong muốn tăng cường tình yêu lịch sử, văn hóa dân tộc cho các bạn trẻ, song khác với Tôi xê dịch, Hanoikids club chọn hướng tiếp cận riêng thông qua việc trở thành bạn đồng hành của khách du lịch quốc tế đến Hà Nội. Bằng cách này, những sinh viên tình nguyện của câu lạc bộ không chỉ có cơ hội thực hành tiếng Anh, mà còn có môi trường để học hỏi, tìm hiểu thêm vẻ đẹp văn hóa đất nước, từ đó góp phần đem lại hình ảnh thân thiện, tích cực cho du lịch Việt Nam và cổ vũ ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa trong giới trẻ Việt Nam. Trải qua hơn chín năm thành lập, cũng là hơn chín năm dự án hướng dẫn tua miễn phí cho khách quốc tế tới Hà Nội được duy trì, đến nay, Hanoikids club đã thật sự trở thành một điểm đến có uy tín và hữu ích đối với khách quốc tế muốn tìm hiểu về Thủ đô, nhất là những Tây ba-lô đi du lịch theo hình thức muốn được tự do tìm hiểu, khám phá. Theo thống kê của Hanoikids, trung bình mỗi năm, các bạn trẻ ở đây đã thực hiện hướng dẫn du lịch cho khoảng 2.000 đến 2.500 tua du lịch, một con số đáng ngỡ ngàng đối với một câu lạc bộ được điều hành bởi toàn những sinh viên vẫn đang bận rộn học tập. Ngoài dự án dài hơi này, Hanoikids còn ghi dấu ấn với nhiều dự án văn hóa được khởi động trong những năm gần đây như: Mảnh ghép văn hóa kéo dài mười tháng trong năm 2010 giúp các bạn sinh viên Thủ đô được trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau, khám phá những điểm tương đồng và khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và các nước trên thế giới; City Tour đưa các bạn sinh viên đến với phố cổ Hà Nội, khám phá trái tim của Thủ đô, cũng là nơi ẩn chứa nhiều tầng lớp giá trị văn hiến; hay mới đây nhất là Dự án Hành trình 1750, một chương trình được xây dựng theo định dạng truyền hình thực tế giúp các bạn trẻ có được một sân chơi lý thú, bổ ích tìm hiểu văn hóa đất nước…
Cùng với Tôi xê dịch và Hanoikids Club, còn nhiều bạn trẻ khác đang thực hiện sứ mệnh của những sứ giả văn hóa, giúp người trẻ hiểu văn hóa cha ông không xa xôi, mà ở ngay quanh ta. Đó là nhóm sinh viên của Dự án Đi và mở muốn thông qua chương trình nhạc kịch vì cộng đồng Dòng sông không chảy ngược để nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, góp phần hồi sinh con sông Nhuệ và sông Đáy đang ô nhiễm, giúp người dân huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) có cuộc sống khỏe mạnh, bền vững hơn. Trong khi đó, nhóm bạn đến từ Dự án Chèo 48h muốn thông qua những khóa học chèo, những chuyến đi thực tế về các làng chèo để đưa loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông đến gần lớp trẻ hơn.
Cần sự hỗ trợ, định hướng đúng mức
Những năm gần đây, các bạn trẻ cùng những dự án nêu trên, góp phần mang đến một môi trường sinh hoạt văn hóa sôi động, mang lại hiệu quả thiết thực cho giới trẻ Việt Nam. Xu hướng bồi đắp khoảng trống về văn hóa của người trẻ thông qua những dự án nêu trên đang mở ra một hình thức giáo dục mới, mà theo cách gọi của các chuyên gia là giáo dục khai phóng, tức nằm ngoài chương trình học chuyên nghiệp, nhưng vẫn giúp người học tích lũy những kiến thức, kỹ năng nhất định. Người tham gia không chịu sự tiếp nhận thông tin thụ động mà được chủ động trải nghiệm bằng những tua du lịch văn hóa, cho nên cách giáo dục này dễ tạo sức lan truyền và hiệu ứng cao. Trong lúc giáo dục nước ta vẫn còn nặng sự máy móc, rập khuôn, nhất là khi những hoạt động bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống đến người trẻ do các cấp, ngành đảm nhiệm còn chưa đạt được hiệu quả thiết thực, thì rõ ràng không thể phủ nhận thế mạnh của những dự án văn hóa do người trẻ thực hiện. Đây cũng là xu hướng phát triển tích cực cần được nhân rộng, khuyến khích nhằm làm dày thêm hành trang văn hóa của giới trẻ Việt Nam, song cũng đặt ra vấn đề cần hỗ trợ, định hướng để các dự án hoạt động đúng mục đích và phát triển bền vững, ổn định.
Nguyễn Kim Anh, cô sinh viên năm thứ ba Học viện Ngoại giao, đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ Hanoikids cho biết, để có thể duy trì được hoạt động của nhóm là cả một nỗ lực lớn của ban điều hành. Bởi tất cả các hoạt động đều là tình nguyện, không thu phí từ khách đặt tua. Các thành viên còn đi học, cho nên thời gian vô cùng eo hẹp, gây khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự, nhất là những đợt du lịch cao điểm, khách quốc tế có nhu cầu cao trong việc tìm người hướng dẫn. Ngay cả việc tập hợp thông tin về các địa danh, thắng cảnh, món ăn và những câu chuyện liên quan để cung cấp cho các thành viên phục vụ trong quá trình hướng dẫn khách, cũng đều do câu lạc bộ tự mày mò, tìm hiểu, tổng hợp chứ không nhận được sự hỗ trợ từ bất kỳ chuyên gia hay tổ chức nào- Kim Anh chia sẻ.
Với Tôi xê dịch, toàn bộ kinh phí để tổ chức các hoạt động đều do các thành viên trong nhóm tự bỏ ra và duy trì thông qua các hoạt động như bán đồ hand-made, thu phí đồ uống khi tham dự sự kiện… Thu Hà, người sáng lập dự án Tôi xê dịch cho biết: Hơn 20 thành viên của nhóm luôn nỗ lực hết sức để tự thực hiện mọi việc, từ khâu lên kế hoạch, xây dựng kịch bản tới truyền thông, mời chuyên gia, thuê địa điểm… nhằm tiết kiệm chi phí nhưng phần lớn các sự kiện vẫn lỗ, may ra thì hòa. Cô gái trẻ cũng thẳng thắn thừa nhận, các dự án văn hóa do sinh viên tổ chức chủ yếu được thực hiện bằng đam mê, mà nhiều khi quá đam mê thì dễ đánh mất sự tỉnh táo. Do đó, các dự án văn hóa rất cần sự định hướng từ các cơ quan chức năng, các chuyên gia văn hóa…
Tuổi trẻ là lứa tuổi giàu nhiệt huyết nhưng dẫu sao còn thiếu kinh nghiệm. Vì thế, những dự án văn hóa được thực hiện bởi những người trẻ và dành cho giới trẻ nhiều khi dễ bị chệch hướng, thậm chí có thể bị lợi dụng. Những dự án này nếu được bảo trợ thông qua sự kết nối từ các tổ chức Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên thì có lẽ sức lan tỏa và hiệu quả sẽ còn cao hơn. Hành trình để đưa người trẻ trở thành những sứ giả thật sự của văn hóa truyền thống, cần sự đồng lòng, giúp sức về kinh phí, chuyên môn, kỹ năng từ các cơ quan quản lý văn hóa và cả cộng đồng xã hội.
Theo Hồng Trang – Nhân dân online