(Vấn đề lịch sử văn học hay làm cách nào để triết lí với quả lắc?)

Dao động của tính thể không nằm trong ý hướng đặt để từ phía chủ thể, nó kiến tạo trung giới hai chiều của ý thể [1]. Vậy hiển nhiên, ý thể không chỉ nằm ở ý nghĩa được chủ thể gán cho hữu thể (being), kiến lập tưởng tượng từ quá trình hư cấu. Quả lắc cũng không hẳn nằm ở tính cơ học được chủ thể đong đưa theo những dao động “nghịch biến: đóng – mở” (open – ended paradoxes) mà Eduardo De La Fuente[2] trích dẫn khi nói về Tính hiện đại của tri thức, về tính chủ động tất định của tư duy, của đặc trưng lý tính (reason). Quả lắc, tự nội thể bất tuân theo ý thức tha thể ở những dao động khả thể của nó, mà trong đó, ý thức chủ thể phó thác ý niệm được gọi tên theo những hoài niệm hiện tại – quá khứ. Vậy, quả lắc là tập hợp những số nhiều của tư duy, mà trong tính vận động không ngừng biện chứng ấy, nó ngẫu nhiên thừa nhận sự hòa hợp của tính thể tồn tại với ý hướng tính chủ thể…

Nói như vậy, quả lắc trở thành trung giới, tập hợp vô số biện chứng pháp về nhận thức, tuy nhiên, nội thể quả lắc trong tính dao động của nó đã che khuất tính thể tự nó có trong ý hướng tính chủ thể. Làm thế nào để tính thể nội thể [3] dao động của quả lắc được phơi bày trong chân lý diễn giải? Diễn giải của chủ thể ý hướng tính về đối tượng sẽ trở nên khó khăn khi muốn khai mở thể tính chân lý của đối tượng, nói như vậy thì tính dao động của quả lắc không hẳn nằm ở thể thức (formal) dao động của nó. Nó đặt để tính bất khả- tri nhận bằng lý tính, ở đặc trưng hư cấu của chủ thể về tồn tại. Và chân lý từ thể tính quả lắc tư duy được chủ thể nhận thức tìm kiếm trong tính hư cấu [4] mà chủ thể sáng tạo sắp đặt theo những giá trị gần đúng nhất với thể tính hữu thể.

Tính thể của tư duy không nằm ở sự dao động thời tính, mà nằm ở hệ hình ký ức được hoài niệm xô đẩy theo những xúc cảm ngẫu hợp, nó bất tuân thể thức ngoại trị (out formal) từ các hệ biến thái [5]văn hóa hóa trật tự xã hội, hoặc từ ý thức toàn trị của tư duy[6]. Thời tính (Time) không quyết định tính trật tự trong nội thể hoài niệm của tưởng tượng, của biện chứng thực tại/ quá khứ, của dấu kín/ lộ thể trên văn bản. Thời tính can thiệp nhiệt tình ở hữu hể hiện hữu, cho phép biện chứng pháp của tư duy ngược dòng suy tưởng truy tìm bản thể luận (Ontologies) của hiện hữu, xuyên qua vô số nhận thức luận được lịch sử nhận thức ghi chép trong tính hệ thống của nó. Đồng thời, chủ thể tính không ngừng soi lại dòng suy tưởng của mình bằng những kinh nghiệm lý tính của hiện thể trong vai trò là mình. Tuy nhiên, khi chủ thể kiểm duyệt nhận thức tính thể của lịch sử nhận thức trong vai trò là mình thì điều ấy không đồng nghĩa với tính thể của hữu thể đạt chân lý. Để khai lộ kinh nghiệm suy tưởng ấy về tính thể của hữu thể thì chủ thể cần đặt nó trong hình thức diễn giải mới mang đặc trưng tư duy cá biệt chủ thể. Trong thế giới biểu tượng được tạo dựng mang sắc màu chủ quan ấy, nhiệm vụ phê phán thực tại được chủ thể ý hướng tính tìm kiếm trong tính hư cấu của tư duy. Đặc trưng hư cấu là điều kiện cần thiết để hữu thể hiển thể dọn chỗ cho sự thể nghiệm những kinh nghiệm kế tiếp cung cấp các ý nghĩa đủ để chứng minh hữu thể hiển thể là chân lí,sau khi đã được chủ thể dựng lên từ hữu thể tại thể thể tính của hiện hữu. Do đó, hữu thể hiển thể cần có cú hích mạnh để tha thể kế tiếp[7], thực hiện tính dao động biện chứng trong kinh nghiệm [8] cá biệt ở họ. Những kinh nghiệm cá biệt ấy của chủ- tha thể được lặp lại trong biện chứng pháp tư duy để xác nhận ý nghĩa gần đúng như là kết quả đối với hữu thể hiển thể mà chủ thể đi trước đã khai mở tính đúng đắn trong diễn giải. Bằng nhiều phương pháp thử sai[9], chủ- tha thể tìm thấy ở văn bản được tái- diễn giải của mình lý lẽ minh định cho tính gần nhất về ý nghĩa đối với văn bản diễn giải của chủ thế tính trước đó, thì điều ấy có nghĩa, tính thể nằm trong hữu thể được nhận thức là chân lí, ngược với điều ấy, thì hoặc là diễn giải của chủ thể tính trước đó hoặc diễn giải của chủ- tha thể là giả- chân lí, điều ấy cũng khẳng định, thể tính của hữu thể không được khai mở theo chiều hướng đúng đắn. khoa học, từ những đặc trưng hệ hình thẩm mỹ, hay lịch sử tư tưởng được

Quy luật của tư duy là quy luật hồi cố của hoài niệm, do đó, nó gắn chặt với thế giới ngôn từ của chủ thể sáng tạo. Thế giới ấy là chuỗi những lấp chồng của kinh nghiệm giao tiếp, đồng thời không ngừng được tư duy lại, nó chứa đựng tính kép giữa thế giới kinh nghiệm và thế giới ý niệm. Một mặt tư duy kinh nghiệm phản ánh sự can thiệp đồng thời của ý thức cá nhân sáng tạo, mặt khác tính bất khả cưỡng từ những tập quán lây nhiễm tập thể có trong văn hóa, đạo đức xã hội cũng chi phối phương thế suy tư của chủ thể. Do đó, khi chủ thể sáng tạo hướng về quá khứ kinh nghiệm, thì cùng với ý thức kiếm tìm giá trị tinh thần nhân loại, họ cũng làm thay nhiệm vụ của nhà khảo cổ tìm kiếm và phê phán tri thức được thu nhận từ thực tiễn. Vậy là lịch sử của sáng tạo không phải là lịch sử của sự kiện được sáng tạo, cũng không nằm ở tính kế tiếp về mặt thời tính của các tác phẩm, vượt lên điều ấy, lịch sử của sáng tạo là lịch sử – được nhận thức lại của tinh thần chủ thể. Nói như vậy thì lịch sử văn học không phải là vận động một chiều cả về nội thể[10] lẫn ngoại thể [11] của những vấn đề văn học, ngược với điều ấy, lịch sử văn học cần được khi nhận ở đặc tính kép của nó: tính tư duy ngược về lịch sử của chủ thể sáng tạo và tính xuôi dòng lịch sử của những người làm nhiệm vụ gia cố cho văn học. Nói như Fischer thì quá trình này không phải là quá trình đi tìm sự kiện theo hệ hình thư duy từ “đặc tính” đến “tổng thể” hay ngược lại từ “tổng thể” đến “đặc tính”, mà đó là “quy luật của việc giải quyết vấn đề”[12], như vậy, nhà lịch sử văn học theo đúng nghĩa cần thiết là người có ý thức tư duy ngược về quá khứ tinh thần của sáng tạo văn học. Tai sao lại có tính hệ quả ấy?

Người làm lịch sử văn học không phải là người sao chép văn bản văn học, mà là nhà biên kịch lại thế giới sống quá khứ và tái hiện lại một cách sinh động giống như thật trước người tiếp nhận hiện thời thông qua các phác thảo sống động sau một quá trình hồi cố, tìm hiểu bằng kinh nghiệm tự thân, cũng như nương nhờ ở các bộ môn khoa học. Nhà văn học sử không chỉ có nhiệm vụ “đánh cắp” quá khứ một cách khôn khéo, mà còn là một nhà giả kim biết sáng chế lại tư liệu tinh thần bị đánh cắp ấy thành những văn bản mới. Nghĩa là nhà văn học sử và chủ thể sáng tạo được hòa hợp là một trong bản thể văn học, như thể ranh giới của một nhà khoa học và nghệ sĩ bị xóa nhòa theo những dư trấn từ thế giới tinh thần của họ. Để làm điều ấy, chủ thể tinh thần phải sẵn sàng gạt bỏ danh dự kiêu cao của con người này[13] để trở thành kẻ “ăn mày” quá khứ. Khi một kẻ ăn mày biết tìm về quá khứ để cầu xin sự hòa nhập tinh thần mình với tinh thần tiền nhân, điều ấy có nghĩa, người sáng tạo hiện thời vứt bỏ “thành kiến” với quá khứ để bình thản và đón nhận kinh nghiệm thẩm mỹ của người xưa: một hệ hình kinh nghiệm thường bị con người hiện thời bác bỏ với nguyên cớ áp đặt được dựng lên về tính lỗi thời của nó. Nguyên cớ ấy được thời gian vùi lấp bằng hệ thống những thành kiến do đạo đức xã hội hay thành kiến chính trị mạng lại, làm mờ, che khuất hạt nhân thánh thiện của nó, cũng như thời đại của nó từng ca ngợi khi nó đăng quang trong tư tưởng thẩm mỹ. Vậy, hiển nhiên, lịch sử văn học không phải là lịch sử của những ghi chép, mà là lịch sử của những suy tưởng.

Nếu thế, có lí nào, lịch sử văn học lại nằm trọn về quá khứ của tập hợp các trào lưu văn học hay tập hợp của số đông các diễn giải văn học[14] ?

Khi tư duy chủ thể viết hướng về phía trước của ký ức, điều ấy cũng đồng nghĩa, nhà văn “đong đưa” tư tưởng của mình cùng ký ức, sáp nhập nó gần những nén đọng tri thức đến từ quá khứ. Đó là thế giới, nơi, những ám thị quá khứ được hòa giải với thế giới lí tính hiện thời, quá trình ấy không ngừng diễn tiến theo hướng “ý thức một cách vô thức”[15]. Khi kí ức đối diện với những thức nhận tự phản tỉnh của lối suy tư hiện thời thì hiển nhiên, nó vừa tái lặp lại vừa tái diễn, giống như quả lắc vừa hướng về phía trước nhưng đồng thời cũng hướng về phía sau theo biên độ vừa xáo trộn nhưng cũng vừa hệ thống. Xáo trộn vì, nội thể của tư duy không khuôn theo hướng tất định bị chi phối bởi các thiết chế xã hội, đạo đức hay hệ hình thẩm mỹ. Nó thỏa sức liên tưởng nhưng đồng thời với quá trình ấy tính tự phê phán của tư duy trong sự liên đới với xúc cảm hiện thời, khiến quả lắc dù có dao động theo hướng nào thì tính hướng tâm của nó vẫn là điểm trung giới cho mỗi lần dao động. Trong giây phút tái lặp tinh thần của chủ thể viết, chúng ta vẫn thấy ở chủ thể viết “hoạt năng” tái diễn đồng thời với quá trình tái lặp ấy trong thế giới kí hiệu được lí niệm hóa về mặt hình thức. Và thế giới lí niệm ấy được phương thức huyền thoại[16] – huyền thoại hóa về hình thức kí hiệu. Đó là tính hệ thốngphản ánh giây phút chủ thể tìm về chính mình, nhưng đồng thời cũng phản ánh giây phút chủ thể tư duy tự- phê phán trong tư cách người khác. Do vậy, nó bao hàm tính chân thực của xúc cảm và tính hỗn dung trong thế giới lí niệm về “những chân trời tri thức” có trong tư duy của chủ thể viết. trong tự thân văn bản của Chủ thể sáng tạo.Văn bản của chủ thể viết

Thái độ chân thực trong sáng tạo nghệ thuật rất dễ biến tư duy sáng tạo trở thành nô lệ của kí ức, diễn giải theo những động thái nội thể tự- khép kín, như thể, sáng tạo là để kể lể, rập khuôn theo hướng Chủ nghĩa tự nhiên về tinh thần. Tính chân thực trong sáng tạo nghệ thuật cần thiết được ghi nhận theo đặc tính “kép” của tư duy: chân thực xúc cảm và chân thực lí tính. Quá trình đó là sự phối- kết hợp giữa hai luồng logic: logic xúc cảm và logic lí tính[17]. Nếu logic xúc cảm là quá trình xuyên thấu kí ức, tìm về ẩn ức thì logic lí tính có nhiệm vụ diễn giải chính- kí ức của mình bằng những phê- phán- lí- tính hiện thời: thời điểm mà chủ thể viết đang tư duy, chịu sự tác động bởi các ý hướng xã hội. Quá trình diễn giải và tự phê phán chính mình ấy của chủ thể viết sẽ là quá trình tự làm đầy của ý thức hiện thời đối với hệ thống ẩn ức quá khứ, là quá trình bị thúc ép và tự diễn giải chính mình của nhà văn. Trong đó, trách nhiệm xã hội trở thành “bóng ma” (Spectre) neo bám họ trong ý thức cải tạo xã hội, nằm trọn về phía tương lai của văn bản sẽ được viết. Quá trình đó không chỉ thuần túy là tái- diễn kí ức, vượt trên điều ấy, nó còn là quá trình không ngừng tái diễn về mặt nhận thức xã hội, về trách nhiệm xã hội thường trực nơi chủ thể sáng tạo.

Văn bản được chủ thể viết kiến tạo không bao hàm thời tính xã hội đặt để trong nó. Đó là quá trình thời tính bị “lưu lạc” trong thể tính của tư duy chủ thể viết và thường biến điệu theo những xúc cảm cá biệt phi trật tự xã hội. Kí ức bị lãng quên được chủ thể hồi cố trong hiện tại tưởng tượng nhưng cũng không ngừng vận động, vượt thoát thế giới sống mất tự do, buồn chán và cô đơn của thể trạng lí tính. Tư duy lí tính bị mất tự do vì tinh thần bị vong thể và lưu lạc trong vô số tinh thần ấy, có mưu cầu hòa nhập mình vào thời tính quá khứ huy hoàng hoặc tương lai mang đặc trưng lí tưởng hóa hiện thực. Vậy là, trong khoảng khắc tư duy về hiện thực, tư tưởng chủ thể viết cũng không đồng thuần với thực tại xã hội, nếu có chăng, thì đó là quá trình hình thức hóa hiện thực xã hội bằng ngôn ngữ diễn giải. Khi ngôn ngữ diễn giải phản ánh bản chất hiện thực xã hội, mang trong nó những ước vọng quyền lực diễn ngôn nhuốm sắc màu văn hóa- hóa trật tự xã hội thì điều ấy không đồng nghĩa với việc trật tự xã hội được văn hóa- hóa- hiện thời tác động và biến chuyển tư tưởng chủ thể viết theo các khuynh hướng xã hội đương nhiệm. Điều ấy đã chứng minh tính sai lầm trong nhận thức của các nhà biên khảo lịch sử văn học khi phân kỳ các giai đoạn văn học, và khái niệm hóa các hiện tượng văn học thành các trào lưu khuynh hướng sáng tạo.

Khi nhà biên khảo quan tâm đến việc phân kỳ văn học thì điều ấy đồng nghĩa với việc, diễn giả làm nhiệm vụ thống kê các hình thức diễn giải văn bản theo những trạng huống xã hội và thường mang màu sắc xã hội hóa văn bản. Còn với chủ thể viết thì sao? Có lí nào, khi xây xựng văn bản họ cũng nhằm hướng đến sự lệ thuộc vào các thiết chế xã hội, chấp nhận sự ràng buộc vô điều kiện vào ý thức hệ thống trị, vào đạo đức xã hội được lí thuyết hóa về bản chất mang sắc thái thống trị của cá nhân mang quyền lực? Hiển nhiên, điều ấy thật nực cười và nhạt nhẽo với tư duy luôn dao động của chủ thể viết. Vậy hẳn là việc khái niệm hóa thành các trào lưu văn học là việc làm sai lầm và ảo tưởng của các nhà văn học sử. Việc làm ấy không nằm ở yếu tính văn bản, lại càng khó để biện- luận về yếu tính của tư tưởng chủ thể sáng tạo, ngược với điều ấy, việc biên khảo thành các bộ lịch sử văn học thực chất là công việc gia cố lại các hình thức xã hội có trong văn bản, và tái lặp nó trong một nhóm văn bản cùng cùng chủ đề xã hội để ảo tưởng hóa thể tính của tinh thần chủ thể viết theo những đặc trưng đạo đức xã hội hơn là bản chất của tinh thần có trên văn bản, đó là việc làm xuyên tạc bản chất của lịch sử văn học. Vì, lịch sử văn học cần thiết phải là lịch sử của tinh thần nhân loại, của xúc cảm tưởng tượng hơn là lịch sử của hình thức văn bản được xã hội hóa về diễn ngôn. Đó là quá trình vận động liên tục và đồng thời cũng lấp đầy không ngừng đối với những khoảng trống tinh thần của chủ thể viết. Là quá trình, chủ thể viết truy tìm bản thể tinh thần, vượt qua vô số những lấp chồng của các chi nhánh tinh thần khác nhau phi thời tính, phi không gian- tính văn học để tiệm cận với gốc rễ bản chất của nhận thức nhân loại. Do đó, khi một trào lưu văn học được nhà biên khảo văn học dựng lên, chiếm lĩnh một khoảng không nhận thức của cộng đồng diễn giải thì đó là lúc “lịch sử hình thức của văn học” bị vấp vào hài hước tính[18] của chính chủ thể biên khảo. Trong mối quan hệ giữa tiến trình tư tưởng văn học không ngừng dao động tự nội- thể ấy, tư tưởng chủ thể viết đã trở thành quan tòa của các phán sử hài hước tính đối với nhà biên khảo, như thể, chính tiến trình tư tưởng nhân loại đã đẩy nhà biên khảo văn học vào trạng huống lúng túng trước khả năng sát thực của việc họ làm như: tính thiếu căn cứ, phi cơ sở của những văn bản được họ nhóm họp trong những định thức khung chuẩn từ các trào lưu văn học, buộc cá nhân biên khảo văn học tự bộc lộ những ảo tưởng đối với chủ thể viết và hệ thống tác phẩm bằng các nghi vấn: tôi với chủ thể viết ra các văn bản có phải đặt để tư tưởng của mình vào tính chủ đích khi hướng tới trào lưu như các nhà lịch sử văn học áp đặt không? Hay là tư tưởng của tôi vốn dĩ nằm trọn trong tiến trình tư tưởng nhân loại, mà, về bản chất là phi thời tính, phi không gian tính, ngẫu nhiên và tự làm đầy? Và rằng, văn bản của tôi viết ra có phải chỉ nhất nhất thuộc về hiện thực được tương lai văn học phân kỳ, đồng thời tự quy văn bản của tôi vào hiện thực được phân kỳ ấy không? Liệu có khi nào, các nhà biên khảo văn học hiểu thấu tâm trạng, xúc cảm của tôi khi viết văn bản ?

Vậy hiển nhiên, các trào lưu văn học hay lối phân kỳ văn học về bản chất là quá trình tập hợp hệ thống văn bản, hệ thống tiểu sử của chủ thể viết, đặc biệt là hệ thống biểu tượng hơn là yếu tính của tư tưởng chủ thể sáng tạo. Khi một biểu tượng làm trung giới giữa hữu thể- ẩn thể [19] và hữu thể- hiển thể [20] thì nó không đủ sức lột tả thể tính của hữu thể- hiển thể, lại càng tăm tối và mù mịt với thể tính của hữu thể- ẩn thể. Khi hữu thể- hiển thể được khai lộ thì nó là quá trình diễn giải của nhiều vấp ngã và sai lầm để sáp nhập với tính thể ẩn thể của hữu thể theo nghĩa hợp lí nhất của hiện hữu. Vậy là, quá trình diễn giải văn bản văn học không phải là lịch sử của những diễn giải cộng đồng mà là tiến trình tự khai lộ của logic xúc cảm và logic lí tính tự nội thể của cá thể diễn giải.

Lịch sử văn học tìm đến với thế giới hiện tượng văn học không phải là để thu lượm, góp nhặt những dữ kiện có trong/ liên quan đến văn bản, mà là cố gắng xác lập một cấu- trúc- tinh thần văn học của một giai đoạn, một khoảnh khắc, một khu vực văn học cụ thể. Vì thế giới của con người phản ánh bản chất thế giới trên văn bản. Mà tôi- hiện hữu tại thế và tôi- mô tả kinh nghiệm của tôi cần thiết thống nhất về ý niệm hướng tới đối tượng. Vì con người là một- sinh- hoạt tại thế, cho nên sẽ có sắc thái ý hướng tính khác nhau về đối tượng được tri giác qua mỗi thời kỳ – giai đoạn, chi phối cách sống, cách suy tư, ứng xử giữa con người với tự nhiên, con người với con người, con người với chính nó. Văn học cũng vậy, thi nhân, văn nhân, triết nhân, ở mỗi giai đoạn khác nhau có sự in hằn tri giác về hiện thực khác nhau. Có thời kỳ thì nguyên khởi là sợ hãi trước hiện thể, quy định cách suy tư sợ hãi và cách ứng xử dè dặt trước tự nhiên, sản sinh ra tập quán sử dụng huyền thoại như là phương thức giao tế trong cuộc đời; có giai đoạn siêu hình học- tôn giáo trở thành gốc rễ của mọi nhận thức như thời trung cổ Tây âu, đưa đến lối suy tư sống là để phụng vụ Chúa trời, quy định cách ứng xử “phải biết lỗi với chính mình”…Do đó, trách nhiện của sử gia văn học là nhìn thấy ở mỗi thời kỳ, giai đoạn văn học những đặc tính giúp nối kết các vấn đề riêng biệt thành một hệ thống cơ cấu- tinh thần [21] mang đặc trưng riêng mỗi thời kỳ, phản ánh đúng cách ứng xử của con người, cách con người tri giác về hiện thực, là thái độ sống và suy tư cụ thể. Pho lịch sử văn học thế giới là toàn thể đa diện đa sắc muôn mặt đời sống thực, mà các giai đoạn thời kỳ văn học là quá trình tương tác dị biệt, nó phải tường trình một cách nghiêm túc cách thế con người ứng xử và suy tư. Và đó cũng là quá trình, các sử gia văn học vực dậy những nền văn hóa đã thất lạc, những khoảng trời tư duy từng- bị/ được quên lãng. Và mô tả chính là cách thức chính yếu để văn học trở về với chính nó, để thế giới được hồi quy về nơi mà “thế giới sáng tạo ra thế giới”: Tri giác- tính. Mô tả và cái được- mô tả là những thiết yếu cho các giai đoạn tái- hiện cấu trúc sinh hoạt sống của ta, của tôi và của nó, thiếu vắng nó, hiện thực được ta thu nạp chỉ là một nguyên khởi bị méo mó, xô lệch, xa rời với lịch sử hiện hữu mang tên nó.

Ngô Hương Giang

_________________

[1] Ý thể: ý niệm về hữu thể trong tính kép, vừa là hiển thể vừa là ẩn thể.

[2] “The last of the modernists – Adorno, Foucault and modern intellectual”: Meanjin magazine (1993), Intellectuals in Europe, Meanjin Publisher, Australian, p.93.

“Cái chết của Chúa” đã từng buộc [chúng ta] phải suy nghĩ đối với việc tiếp tục trang bị tri thức về “chủ nghĩa hiện đại”, những người nhấn mạnh đến điều đó như Foucault và Adorno đã làm minh bạch hóa về: hình thức, sự tương thông, về những nghịch biến đóng – mở, về tính tự phản chiếu và về việc truyền lại nhận biết “chủ đề” hay “cái tôi của ai đó chưa khắc sâu với chính nó” (ibid, p.93)“nghịch biến: đóng – mở” (open – ended paradoxes): Những thay đổi theo hướng ngược quy luật của tồn tại.

[3] “Tính thể nội thể” hay “tính ẩn thể”, “tính tiềm thể”, “hữu thể ẩn thể”… là những thuật ngữ nhằm diễn giải về bản chất của sự vật (La Nature des Choses).

[4] Tính hư cấu, được xem như là đặc trưng của Hữu thể hiển thể. Xin xem Martin Heidegger – Trần Công Tiến (dịch) (1975), Về yếu tính của chân lý, Ca Dao xuất bản, Sài Gòn; Karl Jaspers (2008), Chân lý và biểu tượng, NXB Phương Đông, tr. 15-24, 26 -33; Và, Lê Tôn Nghiêm (1970), Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây Phương, Lá Bối Xuất bản, Sài Gòn, tr. 14 -31.

[5] Hệ biến thái khoa học: Thuật ngữ được Thomas Kuhn xây dựng khi viết công trình kinh điển The Structure of Scientific Revolutions năm 1962. Xin xem bản Việt ngữ: T. Kuhn (2008), Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, NXB Tri thức, H.

[6] Ý thức toàn trị của tư duy: Hégel đã xây dựng hệ thống lý niệm nội thể trong tính quy chiếu với thể giới hiện tượng của chủ thể nhận thức. Ông nuôi ý định xây dựng một pho lịch sử phổ quát bằng thế giới lý niệm. Xin xem thêm:Hégel, G.W.F (2006), Hiện tượng học tinh thần, NXB Văn học, Hà Nội.

[7] “Tha thể kế tiếp”, nghĩa là, các chủ thể diễn giải tiếp nối nhiệm vụ diễn giải đã qua của “chủ thể là mình”.

[8] Kinh nghiệm gồm kinh nghiệm lý tính và kinh nghiệm cảm tính.

[9] Popper Karl (1989),  Conjectures  and Refutations: the Growth of Scientific Knowledge, Routledge Press, London, p. 312-335.

Popper xem phương pháp thử sai là cách thức chính yếu để khẳng định tính bền vững hay nhất thời của lý thuyết khoa hoc. Khi một lý thuyết khoa học không vượt qua phương pháp này thì điều ấy có nghĩa lý thuyết khoa học ấy là phi- biện chứng và cách thức để nó giữ lại tính biện chứng trong nội thể là tính sụp đổ tự thân, làm nền cho những lý thuyết khác phê phán và tồn tại.

[10] Lịch sử nội thể của văn học đi theo một chiều: Thế giới khách quan – chủ thể sáng tạo – văn bản – bạn đọc – thế giới khách quan.

[11] Lịch sử ngoại thể của văn học là sự kế tiếp nhau về mặt thời gian hình thành (tính phân kỳ văn học), tồn tại và phát triển của tác phẩm, trào lưu văn học

[12] Fischer, D. H (1970), Historian’ Fallacies: Toward a Logic of Historical Thought, Harper & Row Publishers, New York, U. S. A, p. xv.

Trong tác phẩm này, Fischer cho rằng: “logic của tư tưởng sử học không nằm ở logic hình thức phán đoán của diễn giải. Nó không nằm ở cấu trúc đối xứng của những tam đoạn luận Aritxtote, hay những biện chứng pháp của Ramean cũng như những cân bằng của Boolean… Nó bao gồm không những trong lý tính của suy diễn từ đặc tính tới tổng thể, cũng chẳng nằm ở lí tính diễn giai từ tổng thể tới đặc tính. Đúng ra, đó là quá trình giải- lí tính ở tri giác giản đơn của việc viện dẫn nhữg câu trả lời cho những câu hỏi rõ ràng, đưa đến từng “đợt”  [sóng] giải thích được thỏa mãn. Những câu trả lời có thể nằm ở tổng thể của đặc tính, giống như những câu hỏi phải dùng để (có thể) được hỏi  .Lịch sử, trong tính ngắn gọn của nó là quy luật của việc giải quyết vấn đề”.

[13] Ecco Homo: Con người hiện thời (con người hiện đại).

[14] Tiễn trình cỷa diễn giải văn học hay còn gọi là tiến trình của sự đọc.

[15] Từ dùng của Theodor Adorno (1903 – 1969) trong Aesthetic Theory. Xin xem: Rosen Stanley (2006), Triết học nhân sinh, NXB Lao động, Hà Nội, tr. 245.

[16] Phương thức huyền thoại cần được hiểu theo hai hướng vừa huyền thoại hóa về mặt tinh thần, đồng thời vừa huyền thoại hóa về mặt kí tự biểu đạt. Xin xem: Barthes Roland (1957), Mythologies, Éditions du seuil press, p.193, 197, 200.

[17] Chari (1990), Sanskrit Criticism,University of Hawaii Press, U. S. A. Xin xem hai phần: “The logic of the Emotions”, p. 48 – 75 (C, 48-49; 63-66); “The logic of Interpretation”, p. 161 – 195 (C, 161-162; 164-167, 182-183, 187 -189).

[18] Hài hước tính: là phương pháp mà hiền triết Socrates sử dụng để truy vấn đối tượng tranh biện. Bằng việc đặt ra liên tiếp các cấu hỏi để đối tượng bị/được tra vấn tự bộc lộ những giới hạn, tự- cười lại mình, đồng thời, chủ thể của tranh luận cũng nhận ra giới hạn và sai lầm của anh ta trong khi đặt ra những nghi vấn. Đó là cách mà Socrates hạ bệ các “tượng đài” ngụy biện về tư tưởng như: Phédon, Gorgias… Xin xem: Plato (1960) (Trịnh Xuân Ngạn dịch), Gorgias hay kháng biện luận về tu từ pháp, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn. Plato (1960) (Trịnh Xuân Ngạn dịch), Phédon hay khảo về linh hồn theo thể luân lí, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn…Đây là những tác phẩm do Plato học trò của Socrates ghi chép lại thành một hệ thống các kháng biện luận của ông.

[19] Hữu thể- ẩn thể: là thuật ngữ dùng để chỉ bản chất Vật-tự nó, là khoẳng lặng tự thân trong thế giới hiện tượng.

[20] Hữu thể- hiển thể: Là thuật ngữ dùng để chỉ biểu hiện của Cái-cho ta, là khoảng khắc ta chiếm lĩnh thế giới hiện tượng thông qua tri giác, qua thế giới tiên nghiệm.

[21] Đây chính là quan điểm nền tảng mà Claude lévi Strauss sử dụng để viết nên tác phẩm kinh điển Nhân loại học cấu trúc. Trong đó, ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khoa học nhân văn trong việc tái-cấu trúc nền tảng tinh thần của các giai đoạn lịch sử sự sống, thậm chí cả những nền văn hóa đã từng bị/ được lãng quên, những biểu tượng sống thất truyền: “Ở lĩnh vực khoa học xã hội, trái lại, đối tượng nghiên cứu tất yếu nằm ở cảm xúc tính được đưa vào bởi người quan sát chúng, cũng như việc dẫn đến những biến đổi [có trong tôi về nó]… đều có cùng chung một lớp vỏ giống như hiện tượng mà tôi cố ý [làm cho nó thay đổi]”( Claude lévi strauss (1963), Structural Anthropology, “language and the analysis of social laws”, Basic books, Inc.., publishers, New York, USA, p. 56). Nếu như J. Lacan xem “vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”, từ đó sáng lập ra khoa Phân tâm học về văn bản. Còn với H. Gadamer, từ việc quan niệm “cái nhìn ngôn ngữ, [thực chất] là cái nhìn về thế giới” (“a language-view is a worldview” (Gadamer (2004), Truth and Method, Ibid, P. 440)), ông xem tính- chủ đích của tác giả đối với nghĩa văn bản là sự gợi mở để tạo sinh nhất tính đối với sự hòa trộn của những chân trời hiểu (Gadamer (2004), Truth and Method, Ibid, P. 397- 406), trong đó, đối thoại được xem như là cách thức để văn bản cho phép chúng ta hướng tới một sự hiểu thật sự về nó qua trung giới là ngôn ngữ (“On the other hand, however, it must be emphasized that language has its true being only in dialogue, in coming to an understanding” (Gadamer (2004), Truth and Method, Ibid, P. 443)). Xin xem thêm “Language as determination of the hermeneutic object” (Gadamer (2004), Truth and Method, Ibid, P.391-397), “langue as horizon of a hermeneutic ontology” (Gadamer (2004), Truth and Method, Ibid, p. 436-469). Với, Lévi Strauss thì ít rườm rà hơn, song không kém phần sâu sắc với định đề: “Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, và đồng thời cũng là tất cả các hiện tượng xã hội” (“Language is a social phenomenon; and, of all social phenomena”: Claude lévi strauss (1963), Structural Anthropology, “language and the analysis of social laws”, Ibid, p. 56) , do đó tìm hiểu ngôn ngữ của một nền văn hóa là nền tảng để tái cấu trúc tinh thần sống đối với nền văn hóa ấy

Exit mobile version