Những câu chuyện ẩn chứa đằng sau mỗi tàn tích lịch sử càng khiến cho chúng trở nên cuốn hút hơn.
Dưới đáy sông hồ, đại dương bao la kia vẫn ẩn chứa những tài sản vô cùng quý giá của lịch sử nhân loại. Đó là những thành phố của các nền văn minh cổ đại. Trong số đó, có những thành phố bị nhấn chìm bởi các trận động đất kinh hoàng, cơn sóng thần hay thảm họa tự nhiên xảy ra hàng ngàn năm về trước.
Những kỳ quan này mới được con người phát hiện trong 2 thập kỷ gần đây. Cho đến nay, chúng vẫn là những đề tài được các nhà khoa học nghiên cứu và tranh luận xoay quanh lịch sử văn minh nhân loại.
Dưới đây là một số kỳ quan của những nền văn minh cổ đang nằm sâu dưới mặt nước:
1. Cung điện Cleopatra ở Alexandria, Ai Cập
Năm 1996, các nhà khảo cổ bất ngờ phát hiện ra cung điện huyền thoại của Cleopatra ở độ sâu từ 10 – 15m dưới biển phía ngoài cảng của thành phố Alexandria, Ai Cập.
Các thợ lặn đã tìm được hàng ngàn cổ vật lịch sử, trong đó có 26 tượng nhân sư, nhiều kết cấu kiến trúc granite lớn mà mỗi tảng nặng tới 56 tấn và những di vật mà người ta cho rằng đó là đèn ở ngọn hải đăng Alexandria.
Ngoài một số cổ vật đã được trục vớt, hầu hết khu phế tích của quần thể cung điện của Cleopatra – nữ hoàng Ai Cập nổi tiếng sống ở thế kỷ I TCN vẫn đang chìm sâu dưới nước.
Các nhà khoa học cho rằng, chính những trận động đất và thủy triều hơn 1.500 năm về trước đã nhấn chìm toàn bộ hoàng thành rộng lớn này xuống đáy biển, cùng các tác phẩm nghệ thuật, pho tượng và phần cung điện khác của Cleopatra.
2. Tàn tích Samabaj, hồ Atitlan, Guatemala
Trong khi thám hiểm di tích khảo cổ bên dưới mặt nước Samabaj năm 1996, các thợ lặn Guatemala đã tìm thấy nhiều món đồ gốm còn nguyên vẹn với màu sắc đẹp và các chi tiết chạm khắc rất ấn tượng mặc dù chúng đã trải qua hàng ngàn năm bên dưới đáy hồ Atitlan.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, những món đồ tạo tác này từng có mặt trên một hòn đảo có cả di tích Samabaj cho đến khi một biến cố thảm khốc xảy ra như núi lửa phun trào hoặc lở đất đã khiến mực nước hồ dâng lên và nhấn chìm hòn đảo này, khoảng 1.700 năm trước đây.
3. Thành phố nguy hiểm nhất thế giới – Port Royal, Jamaica
Đôi khi các sự kiện thảm khốc để lại trong lòng đại dương như một xác tàu hay hàng hóa, lưu giữ lại cả khoảnh khắc thời gian. Đây được coi là một trong những lợi thế giúp ích nhiều cho ngành khảo cổ học.
Được thành lập năm 1518, Port Royal (Jamaica) là trung tâm vận chuyển thương mại trong vùng biển Caribe trong nửa sau của thế kỷ XVII.
Từng được biết đến với cái tên “Thành phố nguy hiểm nhất Trái đất” vì là nơi tập trung cướp biển, gái mại dâm, thành phố cảng xa hoa Port Royal là mồi ngon của các toán cướp biển nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới.
Bị phá hủy và chìm đắm một phần sau trận động đất vào năm 1692, cuộc khai quật đã mang lại những tài liệu lịch sử quý giá cho các nhà khảo cổ học hàng hải.
4. Những ngôi đền bị nhấn chìm ở Mahabalipuram, Ấn Độ
Tháng 4/2002, một tàn tích lớn đã được phát hiện ngoài khơi Mahabalipuram tại Tamil Nadu, phía Nam Ấn Độ. Các nhà khảo cổ đã nghiên cứu mỗi địa điểm và phát hiện các loại đá hình vuông, hình tam giác và một bục lớn có thang dẫn lên trên…
Các nhà sử học cho rằng, hệ thống đền này có từ triều đại Pallava, khoảng thế kỷ thứ 7TCN. Pallava nổi tiếng vì đã xây dựng nhiều ngôi đền ở Mahabalipuram và Kanchipuram.
Có truyền thuyết kể lại rằng, vì ghen tị nên các vị thần lớn đã gửi một đợt lụt lớn để nhấn chìm chuỗi 7 ngôi đền rực rỡ này. Đền Shore từng là ngôi đền duy nhất còn tồn tại trong chuỗi 7 ngôi đền, 6 ngôi đền còn lại đã bị nhấn chìm trong nước ở vịnh Bengal. Tuy nhiên, trận sóng thần tháng 12/2004 đã làm ảnh hưởng đến ngôi đền này.
5. Thành phố dưới nước Yonaguni Jima, Nhật Bản
Tàn tích này được phát hiện bởi một hướng dẫn viên lặn vào năm 1995, trên bờ biển phía Nam của Yonaguni, Nhật Bản. Điểm thu hút đặc biệt là cấu trúc này được coi như một tác phẩm nghệ thuật nhân tạo làm bằng đá rắn, ước tính khoảng 8.000 năm tuổi.
Những cấu trúc này dường như đã được chạm khắc ngay trên khối đá, khung vòm của nó được làm bằng những khối đá đẹp tương tự kiến trúc xây dựng của nền văn minh Inca.
6. Thành phố cổ Pavlopetri, Hy Lạp
Thành phố cổ Pavlopetri nằm ngoài khơi bờ biển phía Nam Laconia của Hy Lạp. Tàn tích này có niên đại ít nhất 2.800 năm tuổi, đó là những tòa nhà, đường phố, đền đài không hề bị hủy hoại cùng với khoảng 37 ngôi mộ đá thuộc thời kỳ Mycenaean (1600 – 1150 TCN). Theo nghiên cứu, thành phố cổ này đã bị nhấn chìm vào khoảng 1.000 năm trước