HOÀI NAM

Tháng 10-2017, khi Ủy ban Nobel xướng tên chủ nhân giải thưởng văn chương của năm, một cái tên Nhật Bản, hẳn nhiều người đã rất bất ngờ. Vì không phải nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, ứng cử viên thường trực của Nobel văn chương suốt nhiều năm nay, mà là Kazuo Ishiguro (sinh năm 1954), nhà văn Anh gốc Nhật, người từng thắng giải Man Booker năm 1989, tác giả của ba cuốn sách được dịch sang Việt ngữ từ trước khi ông thắng giải Nobel năm 2017. Một trong ba cuốn sách ấy là tập truyện ngắn có tên “Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông”.

Năm truyện ngắn trong tập là năm câu chuyện, ở những mức độ đậm nhạt khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp, đều kể về âm nhạc và về những mối quan hệ chung quanh âm nhạc. Kazuo Ishiguro nói, âm nhạc là một gợi ý không tồi để những người trẻ tuổi có thể lựa chọn, theo đuổi, đặng tạo dựng công danh sự nghiệp cho mình. Tuy nhiên, đây cũng là con đường dài, đầy nghiệt ngã. Vì tài năng nghệ thuật đích thực là thứ mà Thượng đế thường cực kỳ hà tiện khi chỉ ban phát cho một số ít người, để mặc số nhiều còn lại phải sống trong ảo tưởng, và có cố gắng đến mấy thì, nói như nhân vật bà Eloise McCormark trong truyện “Nghệ sĩ cello”: “họ chỉ là những gã tầm thường được đào tạo bài bản”. Nhưng những tài năng đích thực, ngay cả khi đã “có Nó”, cũng chẳng có gì bảo đảm rằng họ sẽ thành công lớn trong cái thế giới ngày càng trở nên lộn xộn và phù phiếm này. Như nghệ sĩ saxophone Steve trong truyện “Dạ khúc”, tài năng đấy, nhưng đến nước cùng vẫn đành phải nhờ bàn tay bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ (và tiền của gã tình địch) để có một bộ mặt mới, ngõ hầu làm thay đổi vận số…

Mặt khác, Kazuo Ishiguro vẫn không quên nói rằng, dù thế nào thì âm nhạc vẫn vô cùng cần thiết cho thế giới tinh thần của con người. Nó cho người ta cách để gìn giữ những ký ức ngọt ngào. Nó cho người ta mơ ước. Và trên hết, nó cho người ta biết chấp nhận thực tại. Đêm trước cuộc chia tay không tránh khỏi (theo một “luật chơi” lạnh lùng của giới nghệ sĩ Mỹ) danh ca Tony Gardner hát cho người bạn đời của mình nghe những bản tình ca chất chứa kỷ niệm hai mươi bảy năm chồng vợ giữa hai người. Hát giữa bầu trời đêm Venice, trên chiếc gondola dập dềnh, hướng giọng hát về phía cửa sổ đang mở ra trên cao… sự tái lặp của hình ảnh lãng mạn đặc chất Italia ấy đã khiến cho cuộc chia tay của các nhân vật trong truyện “Người hát tình ca” trở nên một cuộc chia tay đẹp.

Cả năm truyện ngắn trong tập đều được kể từ đại từ ngôi thứ nhất số ít. Văn phong chủ đạo ở đây rất gần với “văn nói”. Nó đơn giản, thân mật, và nhiều khoảng lặng, giống như những quãng nghỉ lấy hơi, những ưu tư bất chợt, những ngập ngừng tìm chữ diễn đạt trong câu chuyện dài kể lúc đêm muộn. Tập truyện ngắn của Kazuo Ishiguro, có thể nói, là những nốt nhạc đêm. Rất khẽ, nhưng ngân rất dài, như sầu muộn, như nuối tiếc trước cái đẹp thoáng chốc của nghệ thuật và của đời người…

(Tập truyện ngắn “Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông”, Kazuo Ishiguro, An Lý dịch, Nhã Nam & NXB Văn học).

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/baothoinay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version