Theo các nhà tướng số học, người tuổi Thân có một số đặc điểm về tính cách như: thông minh, có tài, hiếu động, phản ứng nhanh, biết nắm bắt thời cơ, ý chí kiên định, niềm tin vững vàng, ý thức cạnh tranh mạnh mẽ, tính toán khôn khéo, đầu óc tỉnh táo. Họ đa tài đa nghệ, cảm nhận tốt, ăn nói hài hước, giỏi ứng phó, có sách lược rõ ràng, làm việc chín chắn, giao tiếp xã hội tốt, có thể nhanh chóng tạo dựng quan hệ với người khác, song không thích bị người khác chi phối, thích tìm kiếm sự vật mới mẻ, biện luận giỏi, mong muốn thể hiện mình một cách mạnh mẽ,… VNQĐ điện tử xin giới thiệu cùng độc giả những nhà văn tuổi thân có thành tựu văn chương dưới đây:

9nv
9 nhà văn tuổi thân nổi tiếng

1. TỐ HỮU
Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/ 1920 (năm Canh Thân) tại làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, là một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ ca cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp thơ ca của ông đã được khẳng định qua các giải thưởng cao quý và ông cũng là người có nhiều thơ được sử dụng giảng dạy trong nhà trường, từ bậc học phổ thông đến đại học. Ông đã từng nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật, năm 1996.


Nhà thơ Tố Hữu là người nửa thế kỷ lĩnh xướng hùng ca vì tính từ năm ông gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản (1936) đến khi ông rời chính trường (1986), vừa tròn nửa thế kỷ. Còn sau đấy dường như mọi việc đã khác. Tố Hữu không chỉ là người sớm giác ngộ cách mạng, mà còn là người đến với thơ ca cách mạng từ độ tuổi bẻ gãy sừng trâu (năm 1937).

Ngay từ những ngày đầu cầm bút, Tố Hữu luôn ý thức và xác định rằng phải hát vang bản hùng ca cách mạng trong thơ. Hai tư cách chiến sĩ cộng sản và thi sĩ cách mạng trong ông luôn quện chặt làm một với nhau gần nửa thế kỷ. Ông quan niệm về thơ ca cách mạng khá rõ: Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân. Ngoài ra, các nhà thơ Cách mạng còn phải kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những biểu hiện lệch lạc, với cái xấu, cái ác. Tóm lại, viết thơ phải xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Ở một góc nhìn khác, nếu không có cách mạng thì cũng không có nhà thơ Tố Hữu. Người chiến sĩ cộng sản là cái gốc, còn thơ ca cách mạng chỉ là những giây phút “xao lòng” của người chiến sĩ ấy. Càng về sau, thơ ông càng tỏ rõ là công cụ, là vũ khí tuyên truyền trong đấu tranh cách mạng. Với Tố Hữu không có nhà thơ đứng ngoài người chiến sĩ cộng sản. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, cũng là hoạt động nghệ thuật của mình, Tố Hữu đã xuất bản các tập thơ: Từ ấy (1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1962-1971), Máu và Hoa (1977), Một tiếng đờn (1992), Ta với ta (1999).

Năm tập thơ đầu, ông luôn là người lĩnh xướng của dòng thơ ca cách mạng với tư cách là một thi sĩ. Còn với tư cách người chiến sĩ cách mạng, ông lại là người chỉ huy của giàn hợp xướng thơ ca ấy. Với cả hai tư cách, tiếng nói của ông trên chính trường cũng như trên thi trường đều có ảnh hưởng lớn và mang tính quyết định đối với dòng thơ ca cách mạng trong diễn trình thơ ca Việt Nam hiện đại.

2. CHẾ LAN VIÊN
Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20/10/1920 (năm Canh Thân), tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nhưng lại lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, Bình Định đến khi tốt nghiệp Thành chung, rồi thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Ông mất ngày 19/6/1989 tại Bệnh viện Thống nhất, TP HCM, hưởng thọ 69 tuổi. Ông đã từng nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, năm 1996.


Có thể xem Quy Nhơn, Bình Định là miền đất có nhiều duyên nợ với ông trong việc hình thành phong cách thơ tuổi thiếu thời. Ông làm thơ rất sớm và năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, đã xuất bản tập thơ đầu tay mang tên Điêu tàn, với lời tựa đồng thời là tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm Trường thơ Loạn, mà ông là linh hồn của nhóm ấy. Cũng từ đấy, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là Bàn thành tứ hữu của đất võ Bình Định. Ông có nhiều thơ được giảng dạy trong nhà trường từ bậc phổ thông đến đại học. Chế Lan Viên là người viết nhiều cả về số trang và thể loại. Về Thơ, ông có đến gần 20 tập, tiêu biểu như: Điêu tànÁnh sáng và phù sa,Hoa ngày thường – Chim báo bãoĐối thoại mới,… Văn cũng có: Vàng sao, Những ngày nổi giận, Bác về quê ta,… rồi Tiểu luận phê bình: Nói chuyện thơ vănPhê bình văn họcSuy nghĩ và bình luậnTừ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân,…     

3. TÔ HOÀI
Nhà văn Tô Hoài có tên khai sinh là Nguyễn Sen. Ông sinh ngày 07/9/ 1920 (năm Canh Thân), tại xã Kim An, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ). Nhưng tuổi thơ ông sống ở quê ngoại gắn liền với con sông Tô Lịch ở làng Nghĩa Đô, thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ), nên ông lấy bút danh là Tô Hoài. Ngoài ra ông còn có nhiều bút danh khác như: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa, Phạm Hòa. Ông bước lên văn đàn Việt Nam từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX, đến nay đã hơn 80 năm cầm bút. Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, năm 1996, cho cụm tác phẩm: Dế mèn phiêu lưu ký, Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ, Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ,...

 


Đặc biệt nhà văn Tô Hoài có biệt tài quan sát tập tính các loài vật hơn bất cứ nhà văn Việt nào từ trước tới nay. Ông mô tả loài chuột gồm đủ mặt từ chuột nhắt, chuột cống, đến chuột cộc, chuột bạch, chuột xù,… Tất cả bọn chúng đều ngơ ngác nhìn quanh quẩn. Như là họ hít phải cái không khí lạ. Như là họ chẳng quen bò giữa nơi khoáng đãng. Và họ lại nối đuôi nhau, tha thẩn, từ từ bò vào, cũng như lúc bò ra.

Ông viết giản dị đến mức tự nhiên, như là hít thở khí giời, cơm ăn, nước uống. Có lẽ trời đã phú cho ông một bộ óc quan sát tinh tế, một con mắt tình đời.

 

Theo Viên An – Văn nghệ quân đội

Exit mobile version