Nền văn học nước nhà được làm nên bởi những đóng góp của các thế hệ người cầm bút kế tiếp nhau, chưa bao giờ có sự đứt đoạn ngưng nghỉ. Nếu ta lấy cái mốc từ năm 1930 đến nay thì bây giờ đội ngũ nhà văn Việt Nam đang ở trong cảnh Tứ đại đồng đường. Bốn thế hệ cùng chung một ngôi nhà văn chương Việt Nam. Đó là thế hệ các nhà văn xuất hiện trước Cách mạng tháng Tám (tuy nhiên còn rất ít); thế hệ nhà văn chống Pháp; thế hệ nhà văn chống Mỹ và thế hệ nhà văn sau năm 1975. Trong thế hệ nhà văn sau năm 1975 có thể phân chia nhỏ ra thành các lớp; lớp xuất hiện sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, lớp xuất hiện sau thời kỳ đổi mới vẫn được tính từ mốc năm 1986…Nhiều độ tuổi đang cùng đi trên con đường sáng tạo văn học; có bậc tiên chỉ đã gần chạm ngưỡng bách niên, khá nhiều người đã thất thập cổ lai hi; không hề ít ở tuổi ngũ tuần, lục tuần và đang đông dần lên các bạn tứ tuần trở xuống.
Có một điều cần phải nghĩ tới: tuổi nhà văn bao nhiêu thì được gọi là trẻ? Bốn mươi? Ba mươi? Nên chọn mốc nào? Thực ra, nếu so với lớp nhà văn thời trước Cách mạng tháng Tám như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…thì ba mươi tuổi cũng đã là già. Còn so với lớp nhà văn chống Pháp như Hữu Mai, Nguyên Hồng, Trần Mai Ninh…đặc biệt là chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ…thì tuổi ba mươi trở thành tác giả cũng chưa có gì lạ lẫm. So sánh thì bao giờ cũng khập khiểng, khập khiểng lắm nhưng cũng thử đối chiếu vậy để hậu thế biết mình biết ta. Văn chương không nên có chuyện chiếu trên, chiếu dưới, ai có tài có tâm viết được nhiều tác phẩm hay cho đất nước, cho nhân dân thì đều được yêu quý kính trọng như nhau. Trong dòng chảy văn học chỉ có lớp nhà văn trước và lớp nhà văn sau, nối tiếp dấn thân vào con đường sáng tạo chữ nghĩa đầy cam go, nhọc nhằn và cô độc. Tuổi tác nếu có tính tới cũng chỉ là vô cùng tương đối đối với hành trình sáng tạo văn chương.
Nhìn vào đội ngũ những người cầm bút hiện nay, theo tôi những ai ở độ tuổi từ 40 trở xuống nên “xếp” vào lớp nhà văn trẻ. Đây là lớp nhà văn vừa phong độ tươi trẻ về vóc dáng, khí chất vừa sung sức mạnh dạn trong sáng tác. Nếu không quá khe khắt, ta có thể khẳng định họ đã tạo được dấu ấn trong nền văn học nước nhà vào mấy năm gần đây. Thế hệ nhà văn tiền chiến hầu hết đã trở thành người thiên cổ, thế hệ nhà văn chống Pháp cũng còn lại rất ít thôi, chiếm phần đông là thế hệ chống Mỹ cùng với thế hệ hậu chiến đông đúc hăm hở. Một bộ phận thế hệ nhà văn chống Mỹ vẫn tiếp tục có những sáng tác mới với sự từng trải không ai sánh kịp và nhiều chiêm nghiệm về nhân tình thế thái. Nhưng nhìn chung tác phẩm của họ vẫn nằm trong cái quen thuộc, nếu có đôi ba tác phẩm hay cũng là cái hay quen thuộc.
Tôi mạo muội muốn nói điều này, không biết có chuẩn xác không: thế hệ nhà văn hậu chiến, trong đó có nhiều nhà văn trẻ đang dần dà chiếm lĩnh văn đàn. Lớp nhà văn xuất hiện ngay sau năm 1975 cơ bản đã định hình về phong cách sáng tác. Rất tiếc là họ bị kẹt giữa thế hệ nhà văn chống Mỹ và lớp nhà văn xuất hiện sau thời mở cửa nên có vẻ như ít được nói đến. Đây là một thiệt thòi của lớp nhà văn này vì họ đã có đóng góp quan trọng cho nền văn học Việt Nam sau chiến tranh chống Mỹ. Nhưng đó là vấn đề khác, chúng ta không bàn luận, đi sâu ở bài viết này. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là lớp nhà văn trẻ đã có những đóng góp gì cho nền văn học nước nhà trong mấy năm qua và xã hội phải đối xử với họ như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?
Sau năm 1986, đã xuất hiện khá nhiều những người viết trẻ. Văn xuôi, thơ, lý luận phê bình ở lĩnh vực nào cũng có sự tham gia của các nhà văn trẻ. Cái chung của họ là trẻ. Trẻ trong cách nhìn cuộc sống. Trẻ trong phương pháp thể hiện. Cá tính bộc lộ rõ và sớm, nói chính xác hơn là không cần giấu diếm che đậy trong tác phẩm của mình cũng là một nét đáng quan tâm khi nhìn nhận nhà văn trẻ. Họ luôn hướng về phía trước, tràn trề hy vọng và không ít quyết liệt. Họ có những hoạt động ngoài văn chương để tiếp thị, tự quảng bá cho tác phẩm của mình tuy hiệu quả không phải lúc nào cũng như ý muốn và ai cũng đồng tình.
Có những tài năng đáng trân trọng trong lớp nhà văn trẻ mấy năm nay. Nói về văn xuôi không thể không nhắc tới Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Đức Lợi, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Tống Ngọc Hân, Hoàng Hải Lâm, Chu Thị Minh Huệ…Nói về thơ không thể không điểm danh Lê Vĩnh Tài,Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi, Nguyễn Phan Quế Mai, Đinh Thị Như Thúy, Đông Hà, Huỳnh Thúy Kiều, Lữ Thị Mai, Du Nguyên, Nguyễn Quang Hưng, Hoàng Chiến Thắng…Nói về lý luận phê bình không thể không kể Đoàn Ánh Dương, Hoàng Thụy Anh, Hoàng Đăng Khoa, Đoàn Minh Tâm…Tôi đọc các bạn trẻ, thấy họ vừa lấp lánh những tài hoa vốn sẵn trời cho vừa được vun đắp thêm bởi sự học hành bài bản và những kiến thức về ngoại ngữ tin học.
Trong số họ có những người đang sáng tác rất sung mãn như Nguyễn Đình Tú đã là tác giả của 6 tiểu thuyết dày dặn hay đa tài như Nguyễn Ngọc Tư vừa có nhiều truyện ngắn hay vừa có cả tiểu thuyết và thơ đọc được. Tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư sẽ là một giá trị văn học dài lâu của nước nhà, đến bây giờ tôi vẫn tin như thế. Gần đây, Tống Ngọc Hân thể hiện bút lực rất dồi dào và ấn tượng trong mảng truyện ngắn. Đoàn Ánh Dương và Hoàng Thụy Anh là những nhà phê bình văn học trẻ có bản lĩnh và bản sắc.
Thái độ đối với người cầm bút trẻ của các nhà văn lớp trước cũng có nhiều chiều khác nhau. Cùng một nhà văn trẻ nhưng có người khen ngợi tung hô hết lời lại có kẻ chê bai thậm tệ. Tôi nghĩ rằng, khen chê quá mức đều có hại cho các nhà văn trẻ cả. Khen quá mức sẽ làm cho họ ngộ nhận về mình, chê không đúng sẽ làm cho họ ấm ức chán nản. Cái đáng lưu tâm không phải chỉ biết khen chê cái gì mà phải nên khen chê như thế nào. Không phải không có những nhà thơ đàn anh khen những người làm thơ trẻ theo kiểu một tấc lên trời, bao nhiêu lời có cánh tung ra hết. Không phải không có những nhà văn lớp trước chê bai những người viết trẻ đến thậm tệ. Tôi nghĩ, khen chê gì cũng đều phải ôn tồn đúng mức, tung hô hay chì chiết đều không phải.
Nhìn chung, các nhà văn trẻ chưa được tin cậy mấy. Có vẻ như họ đang còn bé nhỏ trong đôi mắt của nhiều nhà văn lớp trước. Phải chăng, họ chưa được đánh giá cao về tài năng. Họ chưa đủ từng trải, chiêm nghiệm để viết hay. Họ chưa đủ bản lĩnh và tri thức để gánh vác những trọng trách. Họ hay giở những chiêu trò ngoài văn chương để đánh bóng tên tuổi mình một cách mau chóng…Có thể còn những lý do khác nữa mà những nhà văn trẻ dễ bị hoài nghi. Vì thế, họ vẫn còn là số ít, rất ít trong đội ngũ Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Họ không phải là đối tượng được chú ý trong đầu tư sáng tác, đi trại viết, đi giao lưu học tập nước ngoài, xét trao giải thưởng và cuối cùng là ít được cất nhắc vào các vị trí lãnh đạo.
Điều dễ thấy nhất là tương lai nền văn chương nước nhà với cái đích cần phải đạt tới: tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đang ở trong tay những người viết trẻ. Vẫn còn những ẩn số, những tiềm năng chưa lộ diện ở họ. Những năng lượng đầy đặn còn giấu mình đây đó, những tài hoa thực sự chưa phát tiết hết, những khả năng tổ chức chưa được tận dụng, những ý tưởng mới mẻ chưa có cơ hội thực thi…đấy chính là phần đặc trưng của tuổi trẻ nói chung và của những người cầm bút trẻ nói riêng hiện nay. Những nhà văn trẻ như vầng trăng khuyết, khuyết rồi sẽ tròn cũng như ai đã qua rằm rồi sẽ phải cong cong hao mỏng. Đấy là một lớp nhà văn, một thế hệ nhà văn mới đang dần dà đến rằm; không xa nữa đâu họ sẽ vành vạnh, sẽ sáng trong, sẽ đầy đặn.
Không nghi ngờ gì nữa, đấy chính là thê đội thay thế xứng đáng của các lớp nhà văn đi trước. Cần phải nâng dìu, chắp cánh cho những nhà văn trẻ vững tin bay lên!
Văn nghệ Trẻ