Năm sinh của mỗi người được phân biệt dựa theo 10 Thiên Can và 12 Địa Chi. Những người sinh cùng Địa Chi thường có những tính cách chung nhất định. Nhưng sự khác biệt của Thiên Can có thể ảnh hưởng rất nhiều tới tính cách của mỗi người. Sẽ là hoàn chỉnh hơn nếu tính đến ảnh hưởng Ngũ hành của cả Can và Chi lên tính cách mỗi người. Đối với các nghệ sĩ nổi tiếng, sự chi phối của Thiên Can và Địa chi lên tính cách cá nhân cũng như phong cách tác giả có vẻ còn rõ nét hơn.

* Thi Thánh nổi tiếng “ngông”

Nhà thơ Cao Bá Quát sinh năm Kỷ Tỵ 1809, mất năm Giáp Dần 1854. Ông là danh sĩ đời Tự Đức, quê làng Phú Thị xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội và là anh em sinh đôi với Cao Bá Đạt, người nổi tiếng văn chương một thời. Từ nhỏ Cao Bá Quát đã nổi tiếng hay chữ. Có lẽ so với các thi sĩ đương thời, cũng như hiện nay danh sĩ họ Cao là người có nhiều giai thoại vào bậc nhất nhì. Nhiều nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Giai,…đều là bạn rất thân của thi sĩ họ Cao. Vì thế, qua giai thoại về ông, vua Tự Đức dù có ra roi phạt ông vì tội “khinh quân”, nhưng do trọng tài thi sĩ họ Cao nên chỉ giơ cao đánh khẽ.

Cao Bá Quát, ngoài thơ hay, còn là một người uyên bác. Giai thoại nước Nam có bốn bồ chữ, nhưng danh sĩ họ Cao lại chiếm tới hai bồ. Thế nhưng theo các nhà nghiên cứu, Cao là người cô đơn nhất đi giữa dòng đời. Bởi lối học, lối nghĩ, lối viết, lối hiểu đời của ông chẳng giống ai, nên có người bảo ông ngông bên cạnh danh xưng Thi Thánh cũng chỉ dành riêng cho ông. Có lẽ vì thơ ông hay rất hay, nên dù mắc tội đại nghịch bị chu di đến tam tộc, vẫn không thể làm “loãng” thơ ông được. Vậy nên “Cao Chu thần thi tập” vẫn còn lưu lại mãi đến sau xa. Có người nói thơ hay, thì đời giữ hộ.

Thơ Cao Bá Quát toát ra từ tứ thơ mạnh mẽ, hào sảng, mà hầu như ở bài thơ nào của ông, chúng ta cũng dễ dàng cảm nhận được điều ấy: “Sóng biển trào lên như đầu bạc lô nhô/ Gió giận dữ đánh chìm cả những chiếc thuyền to/ Chớp giật sấm ran ai nấy đều xanh mắt/ Giữa cảnh, chim âu vẫn nhởn nhơ”. Nhìn dòng sông Hương như một thanh kiếm dựng giữa trời xanh thì quả chỉ có thi sĩ họ Cao mới có cái nhìn như vậy: “Muôn núi quanh co diễu cánh đồng/ Trời xanh gươm dựng một dòng sông/ Giặm đò văng vẳng vài chài cá/ Co cẳng lim dim mấy chú mòng”… Còn đây là Hòn Vọng Phu: “Đứng sững đầu non đỉnh tuyệt vời/ Phấn son phai lạt biết vì ai?/ Người nơi nao vắng không tin tức/ Đường mấy trùng xa cách biển trời!

* Ông đồ tân thời bậc nhất uyên thâm

Nhà văn Ngô Tất Tố sinh năm 1893 (Quý Tỵ) ở làng Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Lúc nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học. Năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu xứ Tố, rồi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khóa thi hương cuối cùng ở Bắc Kỳ…

Thời kỳ 1936-1939, Ngô Tất Tố viết nhiều tác phẩm chỉ trích quan lại tham nhũng phong kiến. Tiểu thiểu “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố sau này được NSND Phạm Văn Khoa chuyển thể sang điện ảnh đổi tên thành “Chị Dậu” và là một trong những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh nước nhà. Trong “Nhà văn hiện đại”, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét về sự thay đổi ở Ngô Tất Tố: “ông vào số những nhà Hán học đã chịu ảnh hưởng văn học Âu Tây và được người ta kể vào hạng nhà nho có óc phê bình, có trí xét đoán có tư tưởng mới”. Ngô Tất Tố là đại diện tiêu biểu cho những thay đổi của một lớp người trí thức trong giai đoạn giao thời, sự dung hòa tương thích giữa nền văn hóa mới và cũ.

Trong lời giới thiệu “Lều chõng” (xuất bản năm 2002), có đoạn: “Tác phẩm của Ngô tất Tố như một lời cải chính, hơn thế, một bản tố cáo chế độ khoa cử lỗi thời và thấp thoáng sau mỗi chương, mỗi hàng chữ là một nụ cười chế giễu, có khi là tiếng cười ra nước mắt”.

Người đầu tiên cho “anh Chí” đi lùi

Nhà văn Nam Cao sinh năm Đinh Tỵ 1917, mất năm Tân Mão 1951. Thực ra

Nam Cao là bút danh của nhà truyện ngắn tài ba Nguyễn Hữu Trí. Ông sinh ngày 29/10, tại làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Trước Cách mạng tháng Tám, ông dạy học tư và sáng tác văn chương. Năm 1943, ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc, tham gia hoạt động tích cực ở quê thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Năm 1946, Nam Cao gia nhập đoàn quân Nam tiến. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác tuyên truyền, báo chí và văn nghệ ở Việt Bắc. Ngày 30/11/1951 ông hi sinh tại bót Hoàng Đan, Gia Viễn, Ninh Bình trên đường đi công tác vào vùng địch.

Nam Cao có nhiều truyện ngắn và truyện vừa thuộc loại đỉnh cao như “Đôi mắt”, “Giăng sáng”, “Đời thừa”,…đặc biệt là bộ ba truyện vừa “Chí phèo”, “Sống mòn” và “Lão Hạc” của ông đã được NSND Phạm Văn Khoa dàn dựng thành bộ phim nhựa nổi tiếng “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Có thể nói cách đi lùi để trở về bản ngã của Chí Phèo là một con đường độc đáo và đắc dụng.

Trong trò chơi ú tim săn tìm bản ngã, Chí Phèo là hình tượng duy nhất trong văn chương Việt Nam đã làm được một việc phi thường là đi lùi để tự trở về với bản ngã chính mình. Cuối cùng cái lương thiện mà Chí Phèo đòi chính là bản ngã đích thực, cái luôn tiềm ẩn và thường trực trong vô thức của hắn.

* Người “hẳn hoi” trong làng thi ca Việt

Nhà thơ Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt sinh ngày 10/09/1929 (Kỷ Tỵ). Ông tham gia cách mạng ngay sau khi cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Gần như trong suốt quá trình hoạt động ông đều công tác ở ngành Tuyên huấn, sau lên Tuyên huấn Trung ương, trực tiếp theo dõi phong trào văn nghệ, văn hóa và giáo dục. Vì vậy ông có dịp tiếp xúc với gần như tất cả giới văn nghệ Cách mạng Việt Nam. Hòa bình lập lại năm 1954, ông về Hà Nội làm biên tập viên, bí thư chi bộ của báo Văn Nghệ,…

Bình sinh, Lê Đạt tự nhận mình là phu chữ, vì thơ ông viết rất kỹ tính, cẩn thận từng câu chữ, chọn lọc, suy nghĩ và dằn vặt rất nhiều và ông đã vác cả cuộc đời mình ra đánh cược với số phận để đổi lấy một đường thơ không lẫn với bất kỳ ai và là con đường cho bao lớp nhà thơ đồng thời và hậu thế đi theo nếu muốn đặt chân vào “cõi thơ” đích thực. Vì thế về khía cạnh thi pháp sáng tạo, ông rất xứng đáng được tôi vinh là người hẳn hoi nhất trong làng thi ca Việt đương đại. Nhà thơ Lê Đạt, ròng rã 30 năm âm thầm và chờ đợi để đến ngày trường ca “Bác” được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành đúng vào dịp thế giới kỷ niệm 100 năm sinh danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, năm 1990. Đối với ông, thế cũng là thỏa nguyện lắm rồi.

Năm 2007, cùng với ba nhà thơ khác của Phòng trào Nhân văn-Giai phẩm là Trần Dần, Phùng Quán và Hoàng Cầm, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

* Ông “Văn Ngan tướng công”

Nhà văn Vũ Tú Nam sinh năm 1929 (Kỷ Tỵ), tên khai sinh của ông là Vũ Tiến Nam, tại thôn Lương Kiệt, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nhà văn Vũ Ngọc Bình và nhà thơ Vũ Cao là hai anh ruột của ông.

Thưở nhỏ Vũ Tú Nam theo học Trường Tiểu học Pháp- Việt ở thị xã Hòa Bình, sau đó lên Hà Nội tiếp tục học bậc Trung học. Năm 1947, ông nhập ngũ và nhờ khả năng viết văn, ông được phân công công tác tại báo Chiến sĩ (Liên khu IV), sau đó chuyển về công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Ông cũng là một trong những biên tập viên đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1957.

Tháng 6 năm 1958, ông được chuyển sang công tác tại báo Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đấy, ông lần lượt công tác tại các vị trí: Thư ký tòa soạn báo Văn học, Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III, và Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV. Nhà văn Vũ Tú Nam đã được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa IX.

Các tác phẩm chính của ông gồm có: “Bên dường 12” (truyện vừa, 1950, Giải

nhất văn xuôi Văn nghệ liên khu 4); “Quê hương” (truyện ngắn 1960); “Sống với thời gian hai chiều” (tập truyện, 1983); “Mùa xuân tiếng chim” (truyện ngắn, 1985 ); “Có và không có” (Tuyển thơ dịch, 2003),…

Về đề tài thiếu nhi, ông có “Văn Ngan tướng công” (1963) được nhiều người

đón nhận và được nhà văn Liên Xô Marian Tkachov dịch sang tiếng Nga và xuất bản ở Liên Xô (cũ). Cũng từ tác phẩm này mà mọi người thường gọi ông với biệt danh là “Văn Ngan tướng công”. Ông là một trong những nhà văn được trao tặng Giải thưởng Nhà nước 2001 về văn học & nghệ thuật.

* Người lang bang trong cõi mộng du

Phạm Tiến Duật sinh ngày 14/1/1941 (Tân Tỵ) ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Cha ông là nhà giáo, dạy tiếng Hán và tiếng Pháp, còn mẹ làm ruộng, không biết chữ. Ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định đi chiến trường. Trong thời gian này, ông sống và chiến đấu chủ yếu trên tuyến đường Trường Sơn. Đây cũng là thời gian ông sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng. Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ.

Có thể nói dấu ấn đậm nhất trong suốt hơn 40 năm cầm bút của Phạm Tiến Duật là những bài thơ được sáng tác trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Bởi lẽ bằng những tác phẩm nghệ thuật, anh đã nói hộ bao người và những vần thơ của anh thực sự đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ thanh niên nước ta trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thân yêu của mình. Đấy là những gì có ý nghĩa nhất mà nhà thơ- chiến sĩ Phạm Tiến Duật đã để lại cho đời.

Điều đó đã được phản ánh khá rõ trong các tác phẩm, đặc biệt là những bài thơ để lại dấu ấn trong lòng thế hệ trẻ thời bấy giờ nói riêng và công chúng yêu thích thơ ca thời chống Mỹ nói chung, đó là các bài thơ: “Lửa đèn”, “Tiểu đôi xe không kính”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn Tây”, … Những bài thơ này đã đưa anh lên vị trí hàng đầu của thơ ca Việt Nam thời kỳ chống Mỹ với Giải nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ, năm 1970 và Giải thưởng Nhà nước 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh 2012 về Văn học- Nghệ thuật./.

Nguồn: vannghequandoi

Exit mobile version