Với nhiều nhà văn đã thành danh trên văn đàn quốc tế, danh tiếng là điều không thể tránh khỏi nhưng không phải tất cả họ đều vui vẻ chấp nhận. Nhiều nhà văn đã chọn lối sống khép kín, tránh xa dư luận và cộng đồng. Họ là những người thích sự riêng tư, và sự nổi tiếng đối với họ chỉ là hiệu ứng đi kèm với những trang viết chứ không phải mong muốn từ trong sâu thẳm. Nhân sự kiện công bố cuốn tiểu sử mới về JD Salinger, người nổi tiếng thích sống ẩn dật, hãy cùng tìm hiểu về một vài nhà văn nổi tiếng nhất của thế kỉ 20 đã chọn cho mình lối sống này.

JD Salinger

Khi Bắt trẻ đồng xanh của Salinger được xuất bản vào năm 1951, cuốn sách đã ngay lập tức có được thành công về mặt thương mại, và cậu thiếu niên Holden Caufield với lối ăn nói rặt tiếng lóng cũng được đón nhận nhiệt liệt trong văn hóa đương đại. Điều này không thực sự khiến Salinger vui. Ông chán ngán sự nổi tiếng đến nỗi đã yêu câu các nhà xuất bản bỏ ảnh của mình khỏi bìa sách của những lần tái bản sau đó và ra lệnh cho viên trợ lý đốt hết thư từ của người hâm mộ. Đến năm 1953, ông từ giã trung tâm thành phố New York để tới vùng nông thôn New Hampshire và hiếm khi rời khỏi đó ngoại trừ khi đi nghỉ ở Florida hoặc quay trở lại New York để gặp người bạn biên tập William Shawn ở khách sạn Biltmore cũ kĩ.

Ông viết ít dần rồi dừng hẳn. Sau khi tập Nine Stories được phát hành vào năm 1953, Salinger đã không cho ra một cuốn sách khác cho đến năm 1961, khi cuốn Franny and Zooey, một tuyển tập truyện ngắn viết từ trước được công bố trên tờ The New Yorker . Cùng năm đó ông đã xuất hiện trên trang bìa của Time Magazine. Tác phẩm mới cuối cùng được sự cho phép của ông xuất hiện trong những ấn phẩm là Hapworth 16, một câu chuyện dài 25,000 từ được đăng vào ngày 19/6/1965 trong số ra của tờ The New Yorker.

Trong khi nhiều nhà báo vẫn cố gắng liên lạc với ông sau nhiều năm, Salinger chỉ phá vỡ sự im lặng khi lên tiếng về vấn đề xuất bản trái phép những câu chuyện rời rạc của ông vào năm 1974. Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên tờ thời báo New York, ông giải thích: “Có một sự bình an tuyệt vời khi không xuất bản. Đó là sự thanh bình. Vẫn còn. Việc xuất bản là một cuộc xâm lược khủng khiếp đối với sự riêng tư của tôi. Tôi thích viết lách. Tôi yêu viết lách. Nhưng tôi chỉ viết cho chính mình và để giải trí cho riêng tôi…tôi đã phải trả giá cho thái độ này. Tôi được biết đến như một kẻ kỳ lạ, một loại người sống tách biệt”.

Năm 1984, Salinger tuyên bố từ chối yêu cầu viết tiểu sử về ông của nhà phê bình văn học người Anh, Ian Hamilton và nói ông đã “chịu đựng đủ sự khai thác và mất riêng tư mà tôi có thể chịu đựng trong một đời”. Hamilton vẫn tiếp tục dự án khiến Salinger phải đệ đơn kiện cuốn sách sử dụng tư liệu từ những lá thư chưa được công bố của ông và thắng kiện

Salinger đã tuân thủ những quy tắc về quyền riêng tư và sống ẩn dật cho đến lúc chết. Khi ông qua đời vào tháng 1/2010, người đại diện của ông nói trong một tuyên bố: “Thể theo ý nguyện cả đời của ông, với mong muốn không thỏa hiệp đối với việc bảo vệ và che chở sự riêng tư của mình, lễ tang sẽ không được thực hiện, và những người thân trong gia đình cũng yêu cầu các cá nhân hay tập thể hãy tôn trọng con người, sự nghiệp và quyền riêng tư của ông trong khoảng thời gian này”. Như ông đã nói với họ trước đó, ông tin rằng “ông sống trong thế giới này những không thuộc về nó”.

Marcel Proust

Marcel Proust đã dành nhiều thời gian một mình với những cuộc độc thoại nội tâm – cuốn tiểu thuyết của ông đã nói lên tất cả. Suy nhược thần kinh, yếu đuối và nhạy cảm, Proust vẫn ở lì trong tầng lớp thượng lưu Pháp cho đến những năm giữa độ tuổi 30. Nhưng sau cái chết của người cha vào năm 1903 và mẹ vào năm 1905, sức khỏe của Proust xấu đi, và ông dần từ bỏ cuộc sống ăn chơi. Ông đã dành 17 năm còn lại của cuộc đời như một người ẩn dật thực sự để sáng tác tiểu thuyết.

Cho đến năm 1919, Proust hiếm khi rời căn hộ ở Paris của mình, căn hộ được cách âm hoàn toàn với một phòng ngủ bọc trong bức tường có gắn nút chai để tránh tiếng ồn. Ông làm việc trong một phòng thu không có ánh mặt trời với cửa sổ đóng kín như để bảo vệ, chống chọi lại căn bệnh hen suyễn đã mắc kể từ khi lên 9. Sự cô lập đã giúp căn bệnh thuyên giảm khá nhiều. Nhà văn Leon -Paul Fargue nhớ về Proust trong khoảng thời gian này vô cùng xanh xao với đôi tay dường như đóng băng. “Ông ấy trông giống như một người đàn ông không còn sống ngoài trời hoặc ban ngày, một ẩn sĩ đã không ra khỏi hang động của mình trong một thời gian dài” – Fargue viết.

Khi viết kiệt tác 3,200 trang, Đi tìm thời gian đã mất, Proust thường ngủ vào ban ngày và làm việc vào ban đêm. Ông đã từng quá nhập tâm khi sáng tác đến nỗi không ngừng viết trong ba ngày. Một lần khác, ông đi bộ đến bảo tàng Louvre để ngắm lại một bức tranh, và chỉ nhận ra rằng đó là nửa đêm khi đã đến nơi. Khi Proust gặp James Joyce vào năm 1922, hai thiên tài văn học hầu như không lên tiếng. “Dĩ nhiên tình trạng đó là bất khả kháng. Ngày của Proust chỉ mới bắt đầu khi của tôi đã kết thúc” – Joyce nói sau này. Proust đã sáng tác đến hơi thở cuối cùng tới tận khi qua đời vì bệnh viêm phổi và áp xe phổi vào năm 1922.

Thomas Pynchon

Pynchon sinh năm 1937 ở Long Island, New York. Sau một thời gian ngắn nghiên cứu vật lý kỹ thuật tại trường Cornell, ông gia nhập hải quân. Hai năm sau đó, khi quay lại Cornell, ông chọn làm chuyên đề tốt nghiệp về tiếng Anh. Vladimir Nabokov là một trong những giáo sư đã hướng dẫn cho Pynchon. Ông tốt nghiệp vào năm 1959 và bắt đầu làm việc trên cương vị một một người mô tả kỹ thuật tại hãng Boeing, trước khi chuyển hẳn sang viết tiểu thuyết và đến Mexico. Năm 1963, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, V, được xuất bản. Cuốn sách đã nhận được những phản hồi tích cực và giúp ông giành được giải thưởng Faulkner. Khi tờ Time gửi một nhiếp ảnh gia đến Mexico City để chụp hình ông, Pynchon được kể là đã nhảy lên một chiếc xe buýt và lái vào núi.

Pynchon đã sống ở New York và Mexico đôi lần trước khi chuyển đến California trong hầu hết thập niên 60 và đầu thập niên 70, nơi ông sống ở Berkeley, bãi biển Manhattan, và Aptos. Do những thông tin trong tiểu sử của ông còn khá sơ sài, khi được thông báo đã giành giải thưởng Sách quốc Gravity’s Rainbow vào năm 1974, Pynchon đã nhờ diễn viên hài Irwin Corey đến nhận giải, và rất nhiều người có mặt đã nhầm tưởng đó chính là tác giả.

Những tin đồn bắt đầu xoáy sâu về lý do tại sao Pynchon, một ngôi sao văn học thời điểm đó lại muốn giữ kín danh tính. Một số người đã cho rằng ông chính là JD Salinger. Phản ứng lại, Pynchon chỉ là cười khấy khi nói: “Không tệ. Cứ tiếp tục nghĩ đi”. Một số người cho rằng ông có mối liên hệ nào đó với Wanda Tinasky, một phụ nữ đã viết những lá thư đầy căm giận về nhiều nhà văn nổi tiếng khác gửi đến một tờ báo ở Bắc California. Pynchon sau đó đã lặng lẽ đính chính với CNN rằng ông không hề viết lá thư nào cả.

Cho đến khi tờ New York Magazine cho theo dõi ông vào năm 1996, Pynchon đã không tham gia bất cứ cuộc phỏng vấn nào trong bốn thập kỷ. Thời gian này, ông đã trở lại New York được sáu năm hoặc lâu hơn, và theo đuổi một lối sống rất ít vật chất. Theo như những gì thu thập được, “Ông mua sắm tại cửa hàng tại các cửa hàng gần nhà. Ông ăn trưa với các nhà văn khác. Ông dành ngày cuối tuần ở miền quê với gia đình của mình”.

Một năm sau đó, một đội quay phim của CNN theo chân ông xuống tận căn nhà ở Manhattan, nhưng sau đó lại chấp nhận yêu cầu không công bố đoạn phim của ông. Trong một chi tiết đáng đáng lưu ý khác, một năm sau, Pynchon đã tặng hơn 120 lá thư mà ông viết cho người đại diện lâu năm từ 1963 đến 1982 cho Thư viện Morgan. Theo yêu cầu của ông, họ đã đồng ý để niêm phong các bức thư cho đến sau khi ông qua đời.

Cormac McCarthy

Ở nhiều góc độ, sự nghiệp của Cormac McCarthy (và lối sống ẩn dật sau này) dường như trái ngược với Salinger. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, The Keeper Orchard, được xuất bản vào năm 1965 đã không mang lại cho ông sự quan tâm nào cho đến năm 1992, khi giải thưởng National Book và National Book Critics Circle công bố chiến thắng thuộc về cuốn All The Pretty Horses của McCathy, ông mới được biết đến rộng rãi.

McCarthy chỉ đồng ý tiếp chuyện tờ New York Times khi người đại diện của ông hứa đó sẽ là cuộc phỏng vấn duy nhất mà ông tham gia trong nhiều năm. Đó quả thực cũng là lần cuối cùng ông tham gia phỏng vấn trong hơn 15 năm qua, và chưa bao giờ thực sự xuất hiện trên truyền hình.

Bài báo viết: “Thật khó khi nghĩ về một nhà văn lớn của nước Mỹ rằng ông đã tham dự khá ít vào đời sống văn học. Ông chưa bao giờ giảng dạy hoặc viết báo, tham dự các buổi đọc, quảng cáo một cuốn sách hay thực hiện phỏng vấn. Không cuốn nào trong số tác phẩm tiểu thuyết của ông bán được hơn 5,000 bản sách bìa cứng. Trong hầu hết sự nghiệp của mình, ông thậm chí còn không có một người đại diện”.

Địa vị của McCarthy ngày càng được khẳng định sau đó với hai cuốn sách thành công. Cuốn No Country for Old Men (2005) được chuyển thể bởi the Coen Brothers và giành một giải Academy. Cuốn The Road (2006) sau đó cũng được chuyển thể thành phim, nhưng quan trọng hơn, đã mang về cho ông giải thưởng Pulitzer văn chương . Năm 2007, nữ hoàng talkshow Oprah Winfrey đã mời ông đến trò chuyện sau khi cuốn The Road lọt vào danh sách yêu thích trong câu lạc bộ sách của bà. McCarthy, người sống ở Santa Fe với vợ và đứa con trai nhỏ đã giải thích với Oprah rằng ông muốn trở thành cố vấn khoa học cho những nhà văn khác.

Harper Lee

Không giống như người bạn hàng xóm cùng lớn lên Truman Capote, Harper Lee đã chọn tránh xa dư luận và cộng đồng. Năm 1960, Giết con chim nhại được xuất bản rộng rãi và giúp Lee giành giải Pulitzer tiểu thuyết một năm sau đó. Cũng bắt đầu từ đây, Lee né tránh các cuộc phỏng vấn, hạn chế xuất hiện trước công chúng cũng như viết lách, ngoại trừ một vài bài luận ngắn và cuốn tiểu thuyết thứ hai còn dang dở tựa đề The Long Goodbye.

Lee từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 1964 với tác giả Roy Newquist: “Tôi chưa bao giờ mong đợi bất kỳ thành công nào với con chim nhại. Tôi đã hy vọng một cái chết nhanh chóng và đầy lòng thương xót dưới bàn tay của các nhà phê bình nhưng, đồng thời, tôi cũng hy vọng một ai đó sẽ thích cuốn sách đủ để khuyến khích tôi. Sự khuyến khích của công chúng. Tôi đã hy vọng chỉ một chút, như tôi đã nói, nhưng hình như tôi lại nhận được quá nhiều, và trong một vài khía cạnh, điều đó cũng đáng sợ như cái chết nhanh chóng đầy thương xót mà tôi đã mong đợi”.

Lee đã phá vỡ sự im lặng kéo dài hơn bốn thập kỷ vào năm 2006. Sau nhiều năm, bà đã mạo hiểm bước ra để tham dự buổi phát biểu tại Đại học Alabama trong một cuộc thi viết luận về cuốn Giết con chim nhại; trong khoảng thời gian này bà cũng đồng ý phỏng vấn với tờ New York Times , nhưng chỉ nói về buổi lễ. Một năm sau đó, Lee vinh dự được nhận huân chương Tự do do Tổng thống Bush trao.

Lần đây nhất, khi Lee – hiện đã 87 tuổi, vẫn được nói tiếp tục lịch sự từ chối các yêu cầu phỏng vấn bằng thư tay – được thuyết phục ở quê nhà Monroeville bởi một nhà báo từ The Daily Mail lặn lội tới cùng hộp sôcôla mang theo. Bà vẫn tỏ ra vô cùng thân thiện đối với cuộc xâm phạm đời tư và nói: “Chúng tôi sắp đi cho lũ vịt ăn, nhưng hãy gọi cho tôi nếu lần tới anh đến đây. Chúng tôi có rất nhiều lịch sử ở đây. Anh sẽ thích điều đó”.

 

TUYẾT HƯỜNG theo Flavorwire

Exit mobile version