Lịch sử ngành giáo dục thế giới đã từng ghi dấu ấn những nhà giáo tài năng, nhiệt huyết và nổi tiếng đến tận bây giờ.
Khổng Tử (551 – 479 trước Công nguyên)
Khổng Tử là một nhà tư tưởng và triết học nổi tiếng của Trung Quốc. Những học thuyết của ông có tầm ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với Trung Quốc mà còn lan truyền sang những nước lân cận khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam.
Người Trung Quốc gọi ông là “Vạn thế sư biểu” nghĩa là “Bậc thầy của muôn đời”. Học thuyết của ông nhấn mạnh sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân với những tiêu chuẩn cụ thể đặt ra cho mỗi người thuộc những địa vị khác nhau trong xã hội. Nam nhi phải gắn mình với những tiêu chuẩn như “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Nữ giới phải đề cao “công, dung, ngôn, hạnh” v.v…
Khổng Tử đề ra những ranh giới giữa các mối quan hệ xã hội rất rõ ràng và khắt khe để đảm bảo tôn ti trật tự trong gia đình, xã hội. Các giá trị đó đã có tầm ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc trong suốt triều đại nhà Hán và đã được phát triển thành một hệ thống triết học gọi là Khổng giáo.
Aristotle (384–322 trước Công nguyên)
Aristotle là một nhà triết học và bác học nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại, là học trò xuất sắc của Platon. Học trò nổi tiếng nhất từng được Aristotle dạy dỗ là Alexander Đại đế. Các nghiên cứu mà Aristotle thực hiện trong suốt cuộc đời trải rộng trong nhiều lĩnh vực như vật lý, hình học, văn thơ, kịch nghệ, âm nhạc, lý luận, ngôn ngữ, chính trị, sinh học…
Cùng với Platon và Socrates, Aristoteles là một trong ba cột trụ của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Sau khi hoàn tất việc dạy dỗ cho hoàng tử xứ Macedonia, ông quay về Hy Lạp và mở trường học của riêng mình, lấy tên là Lyceum. Sau này Lyceum đã trở thành một danh từ để chỉ trường trung học nói chung – “lycée”.
Trường do Aristotle mở ra được nhận xét là tiên tiến nhất trong thời kỳ cổ đại và mang lại đầy đủ lợi ích cho người học với khu vườn rộng trồng đủ mọi loại cây và trở thành viện bảo tàng thực vật tại chỗ cho thầy và trò cùng nghiên cứu. Ngoài ra, ông cũng lập nên một thư viện sách đồ sộ ngay trong trường học.
Ở đây, ông chỉ dạy học trò vào buổi sáng. Buổi chiều là những bài học “mềm”, khi đó thầy trò sẽ cùng nhau đi bộ trên những quãng đường dài, cùng quan sát, bàn luận và học hỏi từ những quan sát đó. Sau này, cách giảng dạy của Aristotle đã hình thành nên một trường phái trong ngành giáo dục có tên là “peripatos” (tiêu dao học).
Johann Amos Comenius (1592–1670)
Comenius là một nhà giáo sinh ra tại vùng đất nay thuộc Cộng hòa Séc. Ông là người đầu tiên trong lịch sử xây dựng nên những khái niệm về một nền giáo dục hiện đại đang tồn tại trên thế giới hiện nay.
Trong cuốn sách nổi tiếng mang tên “Didactica Magna” (Nền giáo dục tuyệt vời), ông đã chỉ ra một hệ thống giáo dục lý tưởng mà ngày nay hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng. Đó là sự phân cấp bậc học với trường mầm non, tiểu học, trung học, trường cao đẳng dạy nghề và đại học.
Ông cũng là người đầu tiên đề cập đến khái niệm “giáo dục tự nhiên”, theo đó, mỗi người có những thiên hướng khác nhau và nhiệm vụ của giáo dục là phát hiện và phát triển những thiên hướng tiềm ẩn trong mỗi cá nhân.
Comenius cũng là người áp dụng những bộ sách giáo khoa đầu tiên vào quá trình giảng dạy. Những bộ sách đầu tiên được ông “xuất bản” là bộ Janue Linguarum Reserata dành cho bậc tiểu học, và các bộ dành cho các cấp học cao hơn như Vestibulum và Atrium. Những bộ sách của Comenius không chỉ toàn thông tin mà còn chú trọng phần minh họa và được coi là thử nghiệm làm sách giáo khoa thành công đầu tiên trong lịch sử.
John Locke (1632–1704)
John Locke là nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Anh. Ngoài ra, với vai trò là một nhà giáo dục, ông đã đưa ra những tư tưởng vô cùng mới mẻ, mang tính cách mạng lúc bấy giờ. Ông khích lệ mỗi cá nhân hãy biết dùng lý trí để đi tìm chân lý thay vì chấp nhận ý kiến áp đặt tồn tại trong xã hội, sinh ra từ niềm tin mù quáng.
Ông cũng là người đưa ra những khái niệm mới về quyền tự nhiên, khế ước xã hội… và trở thành một nhà tư tưởng lớn của phong trào Khai sáng. John Locke cố vũ cho quan niệm giáo dục là sự dạy dỗ. Ông cho rằng giáo dục trước tiên cần chú trọng vào tính cách và đạo đức, sau đó mới là tri thức, nghĩa là giáo dục bắt đầu từ gia đình, sau đó mới tới nhà trường.
Locke tin rằng giáo dục được một con người có nhân cách, đạo đức tốt thì những giá trị do người đó tạo ra đối với xã hội sau này sẽ vượt xa những đóng góp mà một cá nhân chỉ nhận được sự giáo dục hàn lâm có thể tạo ra.
Anne Sullivan (1866–1936)
Anne Sullivan là cô giáo nổi tiếng trong lịch sử ngành giáo dục. Người học trò được nhắc tới nhiều nhất trong suốt sự nghiệp giảng dạy của cô giáo người Mỹ gốc Ai-len là Helen Keller. Helen là một cô gái khuyết tật bị khiếm thị và khiếm thính từ khi cô bé chưa tròn 2 tuổi.
Sau đó, cô giáo Sullivan đã được mời tới để dạy cho cô bé. Người ta không thể hình dung ra cô Sullivan sẽ làm gì với học trò của mình. Keller vừa không thể nhìn thấy những gì cô giáo viết vừa chẳng thể nghe được những lời hướng dẫn và động viên của cô.
Nhưng cô giáo Sullivan đã vượt qua tất cả mọi trở ngại bằng tình yêu thương và sự kiên trì dành cho cô học trò thiệt thòi. Kỳ diệu thay, sau đó Keller đã có thể đọc được bảng chữ cái rồi biết đánh vần. Tất cả phương pháp giảng dạy của cô nằm ở xúc giác, cô để Keller dùng tay chạm vào những giáo cụ của mình và giao tiếp bằng các ký hiệu vạch lên lòng bàn tay cô bé.