Trong di sản văn chương của nhà văn Nam Cao bao gồm bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết. Bút ký thì nhà văn không hư cấu là lẽ đương nhiên rồi. Nhưng ngay cả truyện ngắn và tiểu thuyết, là hai thể loại được phép hư cấu nhà văn cũng thường lấy nguyên mẫu từ đời thực mà xây dựng nhân vật.

Một lần tâm sự với nhà văn Vũ Bằng, nhà văn Nam Cao đã nói về quan niệm sáng tác của mình:  “Tôi quan niệm cuộc đời giản dị lắm. Đời không có nhiêu khê như người ta vẫn viết trong tiểu thuyết trữ tình. Đói thì ăn, khát thì uống. Tôi thấy thế nào cứ viết y như thế, không thêm bớt. Thế cũng đủ rồi, lọ là phải bầy đặt thêm ra làm gì”. Dĩ nhiên đó là một cách nói trong lúc bạn bè trà dư tửu hậu, chứ thực ra, từ những con người trong đời thực thô sơ và nhàm tẻ trở thành những nhân vật sống động, góc cạnh, vạm vỡ  và ám ảnh như trong các tác phẩm của Nam Cao lại là cả một quá trình lao động sáng tạo đầy tài năng của một cây bút lớn.

Quan niệm bám chắc hiện thực đời sống để sáng tạo nên tác phẩm hầu như đã quán xuyến toàn bộ đời văn của Nam Cao. Những chuyện buồn tủi, trớ trêu của cuộc đời giáo Thứ (Sống mòn), Điền (Giăng sáng), Hộ (Đời thừa), hay có tinh thần ái quốc như Độ (Đôi mắt) đều được chắt ra từ chuyện cuộc đời của chính nhà văn.

Còn những Thị Nở, Bá Kiến, Binh Chức, Lão Hạc, Dì Hảo, Lang Rận, Trạch Văn Đoành… đều là những mẫu người thật ở cái làng Đại Hoàng nghèo, heo hút bên bờ sông Châu Giang, nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn. Những tác phẩm đặc sắc nhất, căn cốt nhất làm nên tên tuổi, sự nghiệp của Nam Cao đều lấy bối cảnh, mẫu nhân vật trong cái làng Đại Hoàng ấy.

Nam Cao ngồi ngay trong ngôi nhà gỗ ba gian hai chái, lợp mái rạ trong khu vườn xanh mát cỏ cây mà viết. Này đây là ông trùm San, nhà cách nhà Nam Cao một  vườn chuối. Ông lão nghèo nhưng tốt bụng. Lão có con chó vàng mà lão thương nó như con. Gần nhà trùn San có nhà cụ trùm Luông. Bị cái nghèo bủa vây, đã có lúc cụ trùm Luông sang nhà hàng xóm xin bả chuột về quyên sinh. Nam Cao đã quan sát từ hai con người này mà xây dựng nên nhân vật Lão Hạc.

Trong làng Đại Hoàng có một anh thanh niên tên là Chí. Chí thuộc loại tứ cố vô thân, nghèo kiết xác, nhưng vì vóc người cao to, lại có máu liều nên những nhà giầu thường thuê Chí đi đòi nợ. Xong việc Chí được trả công vài xu. Chí mua rượu uống say rồi chui vào ngôi điếm canh đê nằm khèo mà ngủ, ngáy phì phèo, nên người làng gọi là Chí Phèo. Chí có căn lều dựng bên bờ sông Châu, cạnh bến đò. Có một chị đi chợ buôn trứng hay đi qua bến đò vào lúc sớm chưa tỏ mặt người, chẳng hiểu Chí cưa cẩm thế nào mà chị này siêu lòng, chui vào lều ngủ với Chí. Bị người làng bắt được, chị này bỏ làng đi biệt tăm. Chí cũng bỏ làng đi lính cho Tây. Nam Cao đã lấy nguyên mẫu người thanh niên ấy xây dựng thành nhận vật Chí Phèo. Ông giữ nguyên tên người thanh niên ngoài đời cho tên nhân vật.

Còn nhân vật Thi Nở cũng là một nhân vật có thật ở làng Đại Hoàng. Tên chị ta là Trần Thị Nở, con một ông phó cối. Trần Thị Nở xấu người, tính lại dở hơi, vô tâm. Làm việc gì cũng mau chán. Mỗi khi chán lại nằm lăn ra đất mà ngủ. Trần Thị Nở có họ hàng với nhà văn Nam Cao; thị đã từng là người giúp việc cho bà ngoại nhà văn nên ông dễ dàng “chộp” được bà mang vào tác phẩm.

Nhân vật Dì Hảo thì ngoài đời Nam Cao phải gọi dì Thảo, là người vú nuôi trong gia đình nhà văn. Thủa Nam Cao còn nhỏ đã được người vú nuôi này bế ẵm, nâng giấc. Phải có tình thương yêu sâu nặng người đàn bà nghèo khổ ấy Nam Cao mới xây dựng nên truyện ngắn Dì Hảo cảm động đến thế.

Truyện Tư cách mõ thì Nam cao lại quan sát, chọn lọc tính khí của năm người đàn ông đã và đang làm mõ ở làng Đại Hoàng, đó là mõ Nhắng, mõ Nhưng, mõ Tí Tèo, mõ Vân, mõ Quyên…để xây dựng nên nhật vật mõ Lộ khá điển hình.

Và kia, nhân vật nhà văn Hoàng trong tác phẩm Đôi mắt thì y hệt nhà văn Vũ Bằng ngoài đời vậy.

Còn có thể kể nhiều con người thật ngoài đời nữa, nhờ ngòi bút hiện thực tài tình, đã vinh hạnh bước chân vào tác phẩm của nhà văn.

Coi trọng phương pháp lấy nguyên mẫu con người thật ngoài đời xây dựng nhân vật trong tác phẩm nên các nhân vật trong tác phẩm Nam Cao rất chân thực, sống động, cứ như ta vừa bắt gặp họ ở đâu đó. Các nhân vật như thế đã cột chặt niềm tin của độc giả vào giá trị hiện thực, giá trị nhân văn của tác phẩm. Nhiều thập kỷ, nhiều thế kỷ trôi qua, người ta muốn hiểu biết về cái làng Đại Hoàng nói riêng, nông thôn đồng bằng bắc bộ nói chung vào nửa đầu thế kỷ 20, chỉ cần đọc tác phẩm Nam Cao sẽ được đáp ứng.

Nhưng cũng có những phen Nam Cao gặp phải những hệ lụy. Chẳng hạn như trong truyện ngắn Chí Phèo, con người có thực ngoài đời được Nam Cao lấy nguyên mẫu để xây dựng nên nhân vật Bá Kiến có tên là Trần Duy Bính. Người làng Đại Hoàng vẫn gọi là Nghị Bính, vì ông ta thuộc hàng chức sắc không những ở Đại Hoàng mà cả tổng Nam Sang đều biết tiếng.

Gia tộc Nghị Bính trước đó đã có năm đời làm lý trưởng. Đến đời Trần Duy Bính, tuy con nhà “dòng dõi” nhưng Bính vẫn phải mua chức phó lý rồi mới lên được lý trưởng. Nghị Bính rất được lòng quan trên, nhờ thế mà ông ta đã nhoi lên được tới chức chánh tổng Cao Đà, thành nghị viên Bắc Kỳ, từng được nhà vua triệu vào kinh đô Huế dự lễ tế đàn Nam Giao. Nghị Bính đi đâu thường cưỡi một con ngựa màu nâu thẫm, có người cắp tráp theo hầu.

Ngôi nhà Nghị Bính ở làng Đại Hoàng rất bề thế. Nhà toàn tòng bằng gỗ lim, thượng bò hạ kẻ, bàn thờ có lư hương, đỉnh nến, hạc chầu. Nghị Bính vời một đồ nho nổi tiếng hay chữ khắp vùng tên là Hùng Sơn đến nhà lập đôi câu đối, tạc vào gỗ vàng tâm treo hai bên cột cạnh bàn thờ. Chỉ đọc lên, chưa cần giải nghĩa, thì cái âm thanh của đôi câu đối đã tỏ rõ cái uy, cái sang của quyền biến, thế phiệt:

Thập lý vân lôi thiên bất hạn
Cửu trùng vũ lộ địa do dư

Nghĩa là:

Mười dặm sấm mây trời không hạn
Chín trùng mưa móc đất còn dư.

Nghị Bính đến công đường làm việc thì áo the khăn sếp, giày Gia Định, ô lục soạn; về làng thì mặc bộ đồ sa tanh màu mỡ gà, thường hay la cà ở quán xá chơi tổ tôm, xóc đĩa. Quyền bính khuynh loát, nhưng mỗi lần bắt gặp ông giáo nghèo Trần Hữu Tri (tức nhà văn Nam cao) bao giờ Nghị Bính cũng cất lời chào trước.

Nghị Bính có năm vợ, mười hai con. Ba trai, chín gái.

Bà cả, người làng không nhớ tên, thường gọi bà Nghị cả, tính tình chân thật, hiền hòa nên được ông Nghị giao cho quản lý tiền nong. Bà cả chỉ có một con trai tên là Trần Duy Tảo.

Bà hai tên là Trần Thị Khuyến. Bà này được ông Nghị cưới làm vợ hai trong lúc bà cả bị ốm nặng, tưởng không qua khỏi. Bà hai sinh được bốn người con là Trần Thị Quế, Trần Duy Hòe (ông này nhà văn Nam Cao lấy làm mẫu xây dựng nhân vật Lý Cường, con trai Bá Kiến), Trần Thị Trinh, Trần Thị Nhài.

Bà ba là Trần Thị Yêm. Bà Yêm con nhà quyền quý, xinh đẹp, khi lấy Nghị Bính bà mang theo về khá nhiều của hồi môn, lại biết chiều chồng nên rất được ông Nghị sủng ái, cho dù bà này chỉ sinh cho ông có ba mụn con gái, tên là Trần Thị Dung, Trần Thị Yến, Trần Thị Xuyến.

Bà tư, dân làng cũng không nhớ tên tục, thường chỉ gọi là bà Tư Nghị, cũng sinh hạ ba người con gái là Trần Thị Sen, Trần Thị Cúc, Trần Thị Hồng.

Bà năm tên là Trạch, quê Thái Bình (bốn bà trước đều cùng quê làng Đại Hoàng với Nghị Bính, mà làng này ngày đó hầu như cả làng mang họ Trần). Bà Trạch làm nghề buôn bán. Nghị Bính làm quen với bà trong một chuyến đi kinh lý, rồi cưới làm vợ nhưng không cho ai ở làng biết. Bà Trạch có với Nghị Bính một đứa con trai. Đứa con trai lớn lên, lấy vợ, sinh con, khi ấy Nghị Bính mới đưa “một góc gia đình” này về quê ra mắt bốn bà vợ trước và họ hàng.

Giàu có vào hạng nhất làng, Nghị Bính lo cho mỗi bà vợ một dinh cơ riêng. Nghị Bính ở với bà ba, nhưng chuyện phòng the, chăn gối với các bà kia đều được ông ta lên lịch, không muốn để bà nào quá thiệt thòi. Các bà cũng tỏ ra “biết điều” lắm, hôm nào đến phiên mình tiếp chồng, bà đó đều tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị mấy quả trứng gà để chồng tẩm bổ, lấy sức phục vụ.

Tuy ông Nghị không để lỡ, để sót bà nào, nhưng vì sức ông phục vụ năm bà có vẻ hơi quá tải nên đôi khi các bà cũng có cách đi ngang về tắt, mà chủ yếu dan díu với đám canh điền. Nhờ có của nả, lại muốn an nhàn nên bà nào cũng nuôi canh điền khỏe mạnh trong nhà. Phần lớn những chuyện dan díu của các bà đều kín như bưng, nhưng cũng có lúc bại lộ. Chẳng hạn cái vụ bà ba dan díu với một anh canh điền đã bị một người hầu để ý, mặc dù bà ba đã rất khôn khéo bịt được miệng anh ta, nhưng sau này vẫn có chỗ hở, dân làng xì xào. Nam Cao chộp luôn tình tiết đó dựng nên trường đoạn Chí Phèo bóp chân cho vợ ba Bá Kiến trong tác phẩm.

Nghị Bính thâm hiểm, lộng hành và trụy lạc, không được lòng dân nên đã có người sáng tác một bài vè về ông ta, còn truyền tụng đến ngày nay: Nam/ Sang nhất tổng Cao Đà/ Có ngài Bá Nghị gọi là “sọc nhăng”/ Ông mà lại hóa ra thằng/ Khôn ngoan nhất mực nói năng ai tày/ Sáu đời lý trưởng trong tay/ Bao chiếm điền thổ xưa nay hỗn hào; và:

Thuế tháng năm nhà nghèo bần khổ/ Mày lại còn lạm bổ lạm thu/ Mang về xây dựng cơ đồ/ Lắng  tai tao sẽ bảo cho ân cần/ Hay gì cái của phù vân/ Nó vào cửa trước nó lần cửa sau/ Của phi nghĩa chẳng bền đâu/ Ở cho ngay thật ngày sau mới còn…

Cái đận truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi (sau đổi tên là Chí Phèo) ra đời đã trở thành một “sự kiện nóng” trong làng Đại Hoàng. Thực ra, khi viết truyện này Nam Cao còn trẻ, ông cứ viết phóng sinh phóng địa theo nguồn cảm hứng và chất liệu thực tế ngồn ngộn tuôn trào, chứ ông không tin truyện sẽ được đăng. Nhân vật Bá Kiến dưới ngòi bút của ông hiện nguyên hình nguyên dạng là kẻ quyền cao chức trọng nhất làng: Nghị Bính.

Một phó lý muốn tâng công nịnh thần cấp trên đến ghé vào tai Nghị Bính: “Thưa cụ lớn, con đọc cái truyện “Đôi lứa xứng đôi” do ông giáo Trần Hữu Tri viết thì thấy ông ta chửi cả làng ta, mà người bị chửi nhiều nhất chính là… là… cụ lớn đấy ạ”. Phó lý vừa xun xoe vừa đưa tờ báo cho Nghị Bính. Nghị Bính ngoắc kính lên, đọc xong liền đập bàn một cái, mắt trợn ngược, nghiến răng kèn kẹt, chửi: “Tiên sư cái đồ dở ông dở thằng! Ta đây không thèm nói với cái loại này cho bẩn mồm! Ta sẽ ném đi vài mẫu ruộng là đủ cho nó rũ tù!”.

Nghị Bính nói là làm. Y chuẩn bị khá chu đáo để đưa Nam Cao vào vòng lao lý. Ông phó Huệ, phụ thân của nhà văn đã phải nhắn lên phủ, nơi Nam Cao đang trú ngụ dạy học, rằng hãy tìm nơi chốn nào thật xa xôi hẻo lánh mà ẩn náu, rằng tránh voi chẳng xấu mặt nào… Nhưng thật may cho Nam Cao, đúng lúc ấy huyện Nam Sang thay tri huyện mới. Một hôm, Nghị Bính và đám sai nha lên huyện xin thỉnh thị gì đó. Nghị Bính chưa kịp thưa gửi gì thì quan tân tri huyện đã nói:

– Các chư vị từ làng Đại Hoàng lên đấy phải không? Tôi có người bạn học tên là Trần Hữu Tri, hiện làm nghề dạy học, các chư vị về gặp cho tôi gửi lời thăm…

Nghe đến đó, trong con người Nghị Bính đang sôi sục tâm địa trả thù nhà văn bỗng hạ nhiệt. Y đành phải dạ dạ vâng vâng để lấy lòng bề trên.

Nam Cao thoát vòng lao lý là vì thế.

Theo Lê Hoài Nam – Vanvn.net