Châu Trần

Mượn tứ thơ của nhà thơ Trần Ninh Hồ, tên tập sách mới của Vũ Từ Trang phần nào đã nói lên cuộc đời của các nhân vật mà ông lựa chọn viết.

Các chân dung văn học mà ông phác họa là nhà thơ Vũ Quần Phương, Pờ Sảo Mìn, Tô Hà, Nguyễn Phan Hách, Anh Vũ, Nguyễn Thanh Kim, Vương Tùng Cương, Phạm Ngọc Luật, Xuân Diệu, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Văn Chương, Tạ Vũ, Tạ Hữu Yên, Chử Văn Long; nhà văn Lê Minh Khuê, Nhật Tuấn; và dịch giả Thúy Toàn.

Tác giả đã dựng nên một không khí yêu và say văn chương thuần khiết của các văn nhân trong những năm tháng thăng trầm. Có thể coi đấy là thời gian đẹp nhất bởi con người tìm đến văn chương bằng tình yêu và sự thăng hoa cảm xúc thuần túy. Pờ Sảo Mìn hồn nhiên khoe mình là dân tộc Pa Dí tập làm thơ và sau này cũng làm nên “những câu thơ khỏe khoắn, ngang tàng mà rất đáng yêu”. Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim đến với con đường văn chương không suôn sẻ, trải qua bao nghề, cuối cùng vẫn quay lại nghiệp cầm bút. Nhà văn Nhật Tuấn tự tạo cho mình một trại viết – không gian sáng tạo riêng sau khi trải qua ba, bốn bận đổ vỡ hạnh phúc, để được sống trong niềm vui duy nhất “là viết, là dốc hết niềm vui nỗi buồn vào từng con chữ”.

Với bài cuối cùng của tập sách là Niềm khát khao thánh thiện ban đầu, hẳn bạn đọc sẽ không thể kiềm chế ước muốn được là một học sinh Trường Viết văn Nguyễn Du khi nghe tác giả say sưa nói về Khóa 6 Quảng Bá, Hà Nội với thầy hiệu trưởng là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, hiệu phó là nhà văn Nguyên Hồng và nhà văn Đoàn Giỏi. Một lớp học quy tụ rất nhiều tác giả nổi tiếng như Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Tô Ngọc Hiến… Còn thầy giáo đứng lớp là những nhà thơ, nhà văn xuất sắc tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Hoàng Trung Thông, Tô Hoài, Tố Hữu…

Bằng giọng văn nhẹ nhàng, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ, Vũ Từ Trang đã truyền được thần thái sống động của từng nhân vật và phát hiện được những đặc điểm cá tính sáng tạo riêng biệt trong mỗi người. Gấp sách lại mà ta vẫn thấy lưu lại trong trí nhớ từng câu thơ của “con ngựa hoang trên núi Mường Khương” – nhà thơ Pờ Sảo Mìn; âm thanh “tiếng vuốt nhẹ cần đàn trong gió heo may” của nhà thơ Tạ Vũ; cặp mắt mở to, rực sáng luôn hướng về cái đẹp nội tâm của con người của “ngôi sao xa xôi, thuở ấy” Lê Minh Khuê; hay từng “con chữ còn lại trên bàn tay” Phạm Ngọc Luật. Cái nhìn hồn hậu của một người trong cuộc, biết nhận ra chân giá trị trong mỗi cá thể sáng tạo, trân trọng con người từ mỗi khác biệt đã giúp Vũ Từ Trang làm nên một tập chân dung văn học lay động và ấm áp tình người.

(Tập chân dung văn học “Vì ai ta mãi phong trần” của nhà thơ Vũ Từ Trang (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2017).

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version