Nhà thơ Mai Quỳnh Nam

Nhà thơ Mai Quỳnh Nam

Sự hi sinh của người lính là một mảng đề tài được các văn nghệ sĩ quan tâm thể hiện khá nhiều. Riêng ở lĩnh vực thơ, một số bài thơ hay viết về liệt sĩ đã được biết đến, như Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân), gần đây nhất là bài thơ bốn câu Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ… của Lê Bá Dương.

Trong những người làm thơ về đề tài liệt sĩ, nhà thơ Mai Quỳnh Nam để lại dấu ấn khá đặc biệt. Khi giới thiệu tập thơ Biến thể khác của Mai Quỳnh Nam (Nxb Hội Nhà văn, 2012), tác giả Đặng Huy Giang có nhận định rằng: “Đề tài người lính, đề tài chiến trận vẫn là nỗi ám ảnh trở đi trở lại trong hồi ức của người lính Mai Quỳnh Nam”.Những ký ức đó được thể hiện qua các bài thơ viết ở binh trạm số một, Đồng đội, Quân đội là vinh quang, cả ba bài trong tập thơ này đều nói đến sự hi sinh của người lính trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, khoảng thời gian mà thời trai trẻ Mai Quỳnh Nam đã có bảy năm làm lính tại mặt trận miền Đông Nam bộ. Song, những bài thơ viết về sự hi sinh của đồng đội không chỉ có ở tập thơ mới nhất này, mà trước đó khá lâu trong tập Phép thử thuật tư biện (Nxb Hội Nhà văn, 2007) Mai Quỳnh Nam đã viết về cuộc chiến khốc liệt với những câu thơ:

ai trúng bom ở binh trạm 15,

ngay chặng đường hành quân?

ai ngã gục dưới pháo bầy,

pháo chụp,

máu lênh loang Vàm Cỏ Đông?

ai bị trực thăng Mỹ cắp lên,

rồi ném xuống

từ lưng chừng trời Rạch Bắp?

ai đuổi theo xe tăng, bắn B40 vào

xe tăng,

rồi bị xe tăng nghiến nát trên

con lộ Bốn?

(Những câu hỏi, trong tập thơ Phép thử thuật tư biện)


Năm năm sau, khi viết về sự hi sinh của người lính, thơ Mai Quỳnh Nam đã có cách thể hiện thật sự khác lạ:

Người đi trước vẫn chưa về trước

người đi sau chẳng thấy về sau

chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác

trên trời cao mây trắng một màu

(Viết ở binh trạm số một, trong tập thơ Biến thể khác)

Bài thơ bốn câu ngắt dòng, liền mạch không chấm phẩy, giàu chất nhạc, như dòng nước lạnh chảy vào trái tim người đọc. Ai cũng hiểu nhưng vẫn tự hỏi: Những người lính trẻ ấy (theo cách gọi của nhà thơ Tố Hữu trong bài Nước non ngàn dặm là những chàng lính trẻ măng tơ) họ đang ở đâu? Những chiến sĩ trẻ măng hi sinh cho độc lập, thống nhất Tổ quốc với niềm tin vững vàng/ hi sinh là vinh quang, không hề tính toán, đã để lại hàng ngàn hàng vạn bia mộ liệt sĩ vô danh trên nghĩa trang Trường Sơn và nhiều nghĩa trang khác nữa trên mọi nẻo đường đất nước. Đọc thơ Mai Quỳnh Nam, có thể thấy những ký ức về chiến trận, về sự mất mát hi sinh khiến cho nhà thơ không ngừng tự vấn, với những nỗi khắc khoải – có biết bao câu hỏi, trong đầu Mai Quỳnh Nam (bài Những câu hỏi) – vậy mà khi thể hiện những ký ức đó thành ngôn từ, thì nhà thơ lại khiến người đọc đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác với sự nhẹ nhàng, dung dị khi nói về cái chết:


Anh vẫy chào tôi

rồi rẽ xuống đồng bằng

tôi chốt lại trận càn Tháng Bảy

ba mươi năm, từ đấy

… ba mươi năm

bàn tay anh vẫy

gương mặt anh thật hiền

trên nấm mồ ở nghĩa địa

Bình Xuyên

(Đồng đội, trong tập thơ Biến thể khác)

Nói đến sự chia ly, tôi nhớ câu thơ Những bàn tay vẫy những bàn tay trong bài thơ Những bóng người trên sân ga của thi sĩ Nguyễn Bính, còn ở bài Đồng đội của Mai Quỳnh Nam, câu Anh vẫy chào tôi gợi hình ảnh những bàn tay vẫy chào nhau giữa những người lính trước khi đi nhận nhiệm vụ, tưởng cũng như bao nhiêu cuộc chia tay khác trong cuộc đời. Chỉ có điều, rất nhiều cuộc chia tay như thế trong chiến tranh, đã trở thành lần chia tay cuối cùng, như trường hợp người lính trong bài thơ Đồng đội.

Ai cũng hiểu, chiến tranh là hi sinh, mất mát. Với những người lính, sự ra đi của các anh thật nhẹ nhàng, thanh thản. Còn với nhà thơ, trong những năm tháng cầm súng, không chỉ chứng kiến sự hi sinh anh dũng của đồng đội, mà chính anh đã bao lần chôn cất họ: Tôi đã chôn rất nhiều/ rất nhiều/ những đồng ngũ thân yêu. Có lẽ vì thế, mà mấy thập niên sau khi cuộc chiến kết thúc, ký ức chiến tranh vẫn hằn in trong trái tim nhạy cảm của thi sĩ.
Khi nói về sự hi sinh của người lính, Mai Quỳnh Nam có cách nói của riêng mình. Có lẽ chỉ ở thơ anh, ý thức kỷ luật của người lính mới được diễn tả bằng hình ảnh ấn tượng như thế này:


quân đội là nghiêm trang

đến chết

những nấm mồ thẳng tắp,

thẳng tắp

hương khói ngút trời mây

(Quân đội là vinh quang, trong tập thơ Biến thể khác)


Những nấm mồ thẳng tắp, giữa trời cao mây trắng một màu là những ký hiệu nghệ thuật có sức gợi mãnh liệt về sự mất mát, hi sinh, hiện lên như một khoảng trống mênh mông không gì bù đắp nổi. Và cái chết mòn, cái chết bởi di chứng chiến tranh, đang đối mặt với người lính năm xưa, cũng hiện hình khắc nghiệt trong một cách nói giản dị, như nói một chuyện thường tình:


Ai đạp phải mìn cụt một chân ở

chi khu Xuân Lộc

rồi bằng nạng gỗ với một chân

lại về quê Bắc

lấy vợ, đẻ con

giờ chết dần, chết mòn vì

chất độc da cam?
(Những câu hỏi, trong tập thơ Phép thử thuật tư biện) Có thể nói, với hình ảnh những người lính trẻ ra đi ngày ấy không về, Mai Quỳnh Nam đã tạc nên tấm mộ chí bằng thơ để tưởng nhớ những đồng đội thân yêu của mình. Và, đó cũng là dấu ấn riêng của thơ anh, một cựu chiến binh, một nhà nghiên cứu khoa học về con người.

Ngày 3 tháng 7 năm 2012


HOÀNG BÁ THỊNH

Nguồn: Vannghequandoi