“Quân An Nam thối lui mang theo giáo mác, súng lớn và súng tay của họ. Quân An Nam lùi lại một bước thế thôi, gần như thản nhiên, giống như những người thợ đang làm việc rồi ngưng tay; quả thật là lạ lùng”.
|
Khu vực lính liên quân Pháp – Tây Ban Nha từ cánh đồng mồ mả nhìn về đại đồn Chí Hòa – Tranh tư liệu |
“Lính Việt ở đại đồn Chí Hòa khinh thường cái chết” – Một tháng sau khi chiếm được đại đồn Chí Hòa, viên sĩ quan Pháp Philippe Aude viết thư về gia đình như vậy.
Viên sĩ quan này nêu cụ thể về “lòng can đảm” của lính Việt khi đối đầu với liên quân Pháp – Tây Ban Nha vốn có vũ khí hiện đại hơn hẳn: “Khi hai bên giáp chiến, họ dùng giáo, một loại vũ khí chỉ có thể đâm địch trong vòng 4m, một lối tự vệ rất can đảm mà quân Trung Hoa cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến” (Nguyễn Tri Phương – Phan Trần Chúc).
Còn báo cáo về Pháp của lực lượng đánh chiếm đại đồn Chí Hòa khẳng định: “Quân ta đã tấn công thành lũy. (…) Người Nam dũng cảm hơn người Tây nhiều” (Nguyễn Tri Phương – Đào Đăng Vỹ, Văn hóa Tùng thư, SG 1974).
Cảnh tượng kỳ lạ trước mắt đội quân viễn chinh
Sau khi giải quyết xong mối quan hệ với nhà Thanh với Hòa ước Bắc Kinh năm 1860, vua Pháp Napoléon III cử đề đốc Léonard Charner chỉ huy toàn bộ quân Pháp ở Viễn Đông.
Số quân Pháp ở Trung Hoa liên tục đổ về Sài Gòn. Theo GS Theo Trần Văn Giàu, cùng với 800 quân có sẵn, đầu năm 1861 lính Pháp chuẩn bị cho cuộc đánh chiếm đại đồn Chí Hòa khoảng 5.000 quân và 50 chiến thuyền.
Sau khi dàn thuyền chiến và pháo trên các con sông rạch xung quanh đại đồn, các chùa của “phòng tuyến chùa chiền”, 5g30 sáng 24-2-1861, lính Pháp bắt đầu tiến quân sau khi hàng ngàn viên pháo bắn xối xả vô khu vực đại đồn trước đó một giờ. Trong đó, riêng đồn Hữu (Pháp gọi là Redoute) phải hứng dồn dập 500 viên.
Quân dân nhà Nguyễn ngay lập tức nổ pháo đáp trả và dàn trận kháng cự. Lịch sử viễn chinh Nam kỳ 1861 ghi nhận: Đối phương lập tức đốt khói để che và mặc dầu súng nhỏ và các điều kiện quân sự thua thiệt, họ vẫn kháng cự quyết liệt… Pháo binh chịu trận trước tiên; chỉ trong vài phút nhiều pháo thủ và ngựa bị trúng đạn… Mặc dù tầm đạn của ta chính xác, liên tục và ưu thế hơn, nhưng sức kháng cự của bọn An Nam không bị đánh tan cũng không nao núng chút nào.
Một loạt sĩ quan chỉ huy cao cấp của liên quân trúng đạn bị thương nặng phải đưa về tuyến sau như tướng de Vassoigne, đại tá Tây Ban Nha Palanca Gutierrez, chuẩn úy Lesèble…
Đề đốc Léonard Charner phải trực tiếp cầm quân và chỉ huy, thúc lính xông về phía đồn Hữu. Hàng chục thớt voi và hàng ngàn quân từ đại đồn xông ra và lao tới chi viện cho đồn Hữu dù vũ khí hai bên cực kỳ chênh lệch…
Cuối cùng, hàng ngàn lính Pháp đã áp sát đồn Hữu và đồn Tiền ở mặt nam đại đồn và leo lên tường chiến lũy nối hai đồn Khi vô được bên trong, họ nhìn thấy một cảnh tượng kỳ lạ trong đời lính viễn chinh của mình: Quân An Nam thối lui mang theo giáo mác, súng lớn và súng tay của họ. Quân An Nam lùi lại một bước thế thôi, gần như thản nhiên, giống như những người thợ đang làm việc rồi ngưng tay; quả thật là lạ lùng (…). Họ thối lui nhưng không chạy, khoảng cách vẫn còn nhìn thấy nhau. Mấy phút sau, họ rút về phía đại quân có cờ đuôi nheo phấp phới bên trong thành Kỳ Hòa. (Lịch sử viễn chinh Nam kỳ 1861).
Và đến tối 24-2-1861, liên quân Pháp – Tây Ban Nha chỉ tiến được 1km, sau một ngày công kích dữ dội bằng vũ khí hơn hẳn dân quân nhà Nguyễn.
|
Ngày 24-2-1861, liên quân Pháp – Tây Ban Nha chuẩn bị đánh chiếm đồn Hữu (Redoute), phía nam đại đồn Chí Hòa trước khi đánh chiếm đại đồn – Tranh tư liệu |
Ngày 25-2-1861, liên quân Pháp – Tây Ban Nha dàn trận đánh chiếm đại đồn Chí Hòa – Tranh tư liệu |
Lược đồ hành quân, tập kết quân tạm thời của liên quân Pháp – Tây Ban Nha hai ngày 24 và 25-2-1861 đánh chiếm đại đồn Chí Hòa với các đường ngắt khúc. Đồn màu vàng là khu vực đóng quân của liên quân. Màu đỏ là các đồn lũy của quân dân Việt. Màu cam là đại đồn Chí Hòa. Màu hồng là thành Gia Định bị Pháp chiếm năm 1859. Màu xanh lá cây là khu mộ Lăng Cha Cả (nay là vòng xoay Lăng Cha Cả). Bản đồ này thiếu đồn Tây Thới của ta nằm giữa hai đồn Thuận Kiều và Rạch Tra – Đồ họa: Trị Thiên |
“Trận chiến kịch liệt nhất giữa người An Nam và người Âu châu”
Đó là nhận định của trung úy hải quân Pháp Léopold Pallu, sĩ quan tổng hành dinh đề đốc chỉ huy Leonard Charner và bản thân cũng tham gia trận đánh này vào buổi thứ hai của nó, 25-2-1861, đánh chiếm đại đồn Chí Hòa.
Ông viết: Pháo binh vừa đạt vị trí 1.000 thước đã thấy có thiệt hại. Ðã có người và ngựa chết hoặc bị thương; một xe tải đạn có một bánh xe vỡ tan tành từng mảnh. (…) Hai bên bắn nhau kịch liệt…Trên ruộng không có chỗ nào ẩn nấp, chỉ biết đưa thân cho súng đạn. Thiệt hại đã khá rõ (…) Thủy sư đề đốc Léonard Charner ra lệnh cho hai cánh quân tiến lên.
Quân sĩ nào mà leo lên được tường thành (…) thì bị bắn ngay mặt, hoặc bị mồi lửa của địch ném phỏng mặt, hoặc bị giáo đâm lọt ra ngoài. Những người trèo lên trước nhất trên tường thành, và trước khi bị đánh bật trở xuống đều thấy một cảnh tượng khác hẳn khi trèo lên tường ngày hôm trước: bên trong trên bệ đứng bắn đầy lính phòng ngự, kẻ súng dài, kẻ mang giáo hay súng ngắn, chờ quân ta bên ngoài trèo vào…
(…) Ba quân lính chui qua trước, một bị giết ngay; hai người bị thương. Cả ba bị xô ngược ra phía sau và rớt xuống hào…
Khi thế trận đã nghiêng về liên quân, “quân An Nam ngưng đánh vì thấy rào gai bị phá thủng, rút xa vài phút trước khi quân Pháp ập vào, họ rút lui rất trật tự, thật chậm dọc theo bờ tường thành. Một nhóm lính của ta rượt theo nhưng không ăn thua gì; vì địch quân rút hết vào một lớp thành khác trước khi quân Pháp đuổi tới…”.
Vũ khí chênh lệch quá rõ: súng ta bắn từng viên một, pháo cũng là đạn gang, sức công phá không lớn nên đại đồn Chí Hòa thất thủ cũng không khó hiểu.
Theo các báo cáo và số liệu của người Pháp sau trận đánh, năm 1861 phía liên quân có khoảng 12-19 người chết (có 5 sĩ quan) nhưng bị thương trên dưới 300 người (một chứng minh cho sức công phá của đạn pháo quân ta không cao).
Quân dân Việt không rõ con số cụ thể nhưng theo nhiều số liệu thì khoảng 1.000 người chết và bị thương. Tham tán Phạm Thế Hiển, lang trung Nguyễn Duy (em trai Nguyễn Tri Phương), tán tương Tôn Thất Trĩ hy sinh. Tướng chỉ huy là Nguyễn Tri Phương bị thương nặng…
Quân ta rút về đồn Thuận Kiều (nay thuộc Tân Thới Nhứt, Q.12). Ba ngày sau, liên quân tấn công Thuận Kiều. Nguyễn Tri Phương gượng đau bỏ ba đồn Thuận Kiều, Tây Thới (nay thuộc Hóc Môn), Rạch Tra (Hóc Môn – Củ Chi) kéo quân về Biên Hòa. Một viên chỉ huy là Trương Định chia tay đại quân về Gò Công tự tổ chức đánh Pháp.
Có thể nói đây là trận đánh Pháp lớn nhất của quan quân triều đình nhà Nguyễn trước 1945; diễn ra giữa Sài Gòn.
Theo Cù Mai Công – Tuổi trẻ