Có một nhà thơ đã nói về lính Trường Sa là “Những người kê Tổ Quốc cao thêm”, còn ở đây giữa đại ngàn trập trùngTây Bắc có những người đã từng là lính Trường Sa, lính Trường Sơn, và các thế hệ đồng đội họ ngày đêm đang miệt mài làm Tổ Quốc xanh thêm, đó là những người công nhân Apatits Việt Nam…

Cách đây ít tháng Giám đốc nhà máy tuyển quặng Apatít Tằng Loỏng thuộc Công ty Aptits Việt Nam Nguyễn Trọng Phú gọi điện nhã ý mời đến thăm, qua điện thoại giọng anh có vẻ phấn khích lắm: “Ông xuống chơi đi, có nhiều cái chắc ông sẽ thích…” lại còn bật mí: “Chúng tôi mới hoàn thành một đề án tiền khả thi cấp Nhà nước, đề tài này đã được Hội đồng khoa học chấp nhận và đang được áp dụng thực tế triển khai.”. Trời ạ! vui vẻ thế ai mà chả thích. Tôi bấm bụng nghĩ, chắc còn nhiều điều đang bí mật nên ông bạn cựu binh Trường Sa, kỹ sư tuyển quặng sáng giá này mới xăng xái thế! Rất may, đúng dịp tham dự trại viết do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức tại Sa Pa, chuyến đi điền dã Công ty Apatít, nhà máy tuyển Tằng Loỏng, tôi mới đến thăm anh Phú và những người công nhân đâng ngày đêm làm việc ở tuyến đầu biên cương này.
Đã nói đến Lào Cai thì không thể không nói đến đến Aptits. Chuyện những viên “vàng nâu” có nguồn gốc từ mỏ Apatits lớn nhất đất nước làm giầu cho đồng ruộng ViệtNam và xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới thì rất nhiều người biết nhưng chuyện người đầu tiên tìm ra viên quặng Apatít rất ít người hiểu rõ. Đó là câu chuyện đầy chất ly kỳ, nhuốm màu huyền bí: Mùa hè năm 1924 ông thày cúng Trần Văn Nỏ, người dân tộc Tày ở Làng Hẻo xã Cam Đường. Trong một lần đi cúng cho một nhà ở bản xa không kịp về trong đêm ông phải ngủ lại giữa rừng. Để xua đi lạnh giá, hoang vắng của rừng già ông đã gom củi để sưởi, kê đá để nấu nước. Những tia lửa màu xanh phát ra từ những hòn đá làm ông giật mình, vùng chạy. Những ngày sau đó tia lửa ma mị từ những hòn đá “ma” đã làm ông rồi bời tâm trí, ông kể chuyện đó với dân làng, rồi mười đồn trăm, trăm đồn ngàn câu chuyện đó lan truyền đến tai công sứ Lao Kay, viên công sứ cho người kiểm tra và biết được vùng đất này có mỏ quý. Chuyện được báo lên tòa Khâm sứ Bắc Kỳ và người Pháp đã gấp rút tổ chức nghiên cứu, khảo sát. Từ năm 1931 đến năm 1933 đã có 11 đoàn kỹ sư Pháp sang triển khai việc thăm dò, khảo sát, khai thác mỏ, rồi công bố bản đồ trữ lượng Apatít Lào Cai. Chúng tiến hàng ra sức chiêu dụ ngươi dân khắp nơi về làm phu khai thác mỏ vơ vét tài nguyên về làm giầu “Mẫu quốc”. Bị bóc lột sức lao động thậm tệ,lại sống trong cảnh đói rét, bệnh tật, nhiều người đã ngã nước chết, cuộc sống người dân chìm trong tăm tối. Vì thế đã từng có câu ca rằng “À ơi! Tiếng đồn Mỏ Cóc thảnh thơi / Lên đây chỉ thấy những xơi cặc bò /Thằng Tây đầu nhỏ bụng to/ Luôn mồm chửi “mẹc, xà lù, cu soong”.  
Phải đến sau hòa bình lập lại, năm 1955 tài nguyên Apatít mới thực sự được trở về tay nhân dân ta, những người dân của một nước độc lập.
Tìm hiểu về nhà máy Tuyển, tôi được biết mỏ Apatít được phân bố dọc theo bờ phải sông Hồng thuộc địa phận Lào Cai, có chiều dài hơn 100km, bắt đầu từ phía Bắc thuộc huyện Bát Xát giáp biên giới Trung Quốc đến phía đông Nam thuộc xã Bảo Hà – Bảo Yên – Lào Cai, chiều dày thân quặng hơn 200m, rộng từ 1- 4 ky lô mét. Theo các tài liệu đánh giá tổng trữ lượng bể quặng trầm tích này theo khảo sát đánh giá đạt khoảng 2,55 tỷ tấn. Do hàm lượng quặng mỗi một thân khác nhau, thành phần lý hóa cũng khác nhau nên được phân làm bốn loại. Loại một có hàm lượng lân (P2O5) từ  28 đến 40%; loại hai từ 18 đến 25 %; Loại ba  13 đến 18%; Loại bốn  từ 8 đến 10%.  Đã quý thường lại hiếm, ở đây cũng vậy. Theo kết quả khảo sát thăm dò địa chất đánh giá trữ lượng quặng loại một không vượt quá 31 triệu tấn, còn lại chủ yếu là quặng loại 2 và loại 3. Trong khi đó hàm lượng quặng đưa vào sản xuất phân bón phải đạt được hàm lượng từ 30 đến 33% P2O5, độ ẩm dưới 15%, chính bởi lẽ đó công nghệ tuyển khoáng làm giàu quặng buộc phải ra đời để biến nguồn quặng nghèo loại 2,3 thành nguyên liệu hàm lượng cao phục vụ cấy trồng.
Nhà máy tuyển là móc xích quan trọng, bởi công nghệ tuyển làm giàu quặng là xương sống cho sự phát triển của công ty. Ai cũng biết không thể vác xẻng, cuốc ra đào xúc đem về mà dùng được. Xuất bán quặng thô để mua phân bón, khác nào đổi vàng lấy ngãi, đó là bài học đắt giá của vòng luẩn quẩn đói nghèo “bán lúa non” đã từng xảy ra nhiều năm. Đảng và Chính phủ đã chủ trương quyết tâm xây dựng nhà máy tuyển vào những năm của thập niên 80. Con đường gập ghềnh  khúc khuỷu của những năm tháng gian khổ ấy còn in đậm trong ký ức của nhiều lớp thợ mỏ. Kỹ sư Nguyễn Trọng Phú thuộc một trong những lớp người như thế. Anh khiêm tốn khi nói về mình nhưng ai cũng biết là người có thâm niên trong nghề tuyển khoáng. Được Ban giám đốc Công ty giao cho làm giám đốc nhà máy, nhạc trưởng trong dàn hợp xướng, mà bản hùng ca ấy đã cất vang những khúc trầm hùng lan tỏa. Chất xông xáo của người lính cộng với kiến thức hiểu biết rộng, giỏi nghiệp vụ chuyên môn cùng với men say đam mê nghề nghiệp đã tạo nên phẩm chất một nhà quản lý trong anh. Anh là chủ của nhiều đề tài sáng kiến hợp lý hóa trong sản xuất được áp dụng làm lợi hàng chục tỷ đồng cho đơn vị. Là chiến sĩ thi đua toàn quốc, đã vinh dự được nhận bằng “Lao động sáng tạo” và “Bằng sáng chế” cấp Nhà nước, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba.

Ảnh: Xuân Thủy


Biết Phú từ ngày là quân tình nguyện trên đất bạn truy quét tàn quân Khơ Me Đỏ tại Campuchia, rồi ít năm sau nghe tin anh đã ngang dọc trên tàu tuần tiễu bảo vệ quần đảo Trường Sa “Kê Tổ quốc thêm cao” chiến đấu oanh liệt chống quân cướp đảo. Đi qua bom đạn bề bề như thế! Bọn hải tặc thâm độc ác hiểm như thế! Sóng gió mênh mông mờ mịt tưởng người lính nhỏ bé ấy đã chìm trong sóng dữ biển khơi. Nguyễn Trọng Phú trở về vẹn nguyên. Năm năm trên giảng đường trường Đại học Mỏ – Địa chất đã cho anh một kho kiến thức ăm ắp và nuôi dưỡng niềm đam mê góp sức nhỏ bé vào nghề chế biến tài nguyên khoáng sản. Chính cái chất đam mê hối thúc, khi ra trường với tấm bằng đỏ Nguyễn Trọng Phú hăng hái khoác ba lô lên nhận công tác tại Công ty Apatit Việt Nam. Gặp lại Nguyễn Trong Phú, cứ nghĩ người bạn chiến đấu năm xưa nay làm Giám đốc một nhà máy lớn, tiền hô, hậu ủng thì cái tình, cái tính nó sẽ khác đi, song, không phải vậy, cái chất người lính từ thời trận mạc trong anh không thay đổi. Giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, thẳng thắn, quyết đoán trong công việc, yêu văn chương, nghệ thuật. Đó là Nguyễn Trọng Phú hôm nay và vẫn là Nguyễn Trọng Phú của ngày hôm qua với chất lính hồn nhiên, lãng mạn, hài hước đã tạo lên sự đồng thuận, gắn bó, cùng tập thể làm lên sự tỏa sáng nơi trận tuyến xanh này.
Nguyễn Trọng Phú say sưa kể cho những nhà văn nghe về những ngày tháng gian truân vất vả của những người thợ ở đây. Vừa lúc nước ta vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh được sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các chuyên gia Liên Xô, Viện công nghệ thiết kế mỏ Liên Xô đã thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ tuyển cho chúng ta. Dự án thiết kế với công xuất  900 nghìn tấn/năm. Năm 1986 nhà máy chính thức bắt tay vào thi công xây dựng. “Sau sông Đà là Tằng Loỏng” câu khẩu hiệu quen thuộc với ngành xây dựng lúc ấy. Với sự vào cuộc của 22 xí nghiệp, đơn vị thi công như; Bộ xây dựng, Bộ năng lượng, Tổng cục đường sắt, Bộ công nghiệp nặng…, Ban quản lý công trình có 294 người, trong đó có 41 kỹ sư, đặc biệt là sự có mặt giám sát của các chuyên gia Liên Xô. Các thiết bị máy móc của bạn giúp ta đã vượt hàng vạn cây số trùng dương đến Tằng Loỏng. Cả Lào Cai sôi lên trong không khí bừng bừng của đại công trường xây dựng. Trong lúc tiến độ công trình đang thuận buồm xuôi gió thì đến năm 1990 – 1991 Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã. Các chuyên gia Liên Xô về nước, việc xây dựng nhà máy bị gián đoạn, hàng loạt các khó khăn phát sinh. Viện trợ kỹ thuật bị cắt, công trình phải đình lại chờ Nhà nước xem xét. Hàng ngàn công nhân mất việc làm, các vấn đề xã hội nảy sinh phức tạp. Không chịu bó tay cam chịu, bằng những nỗ lực và tinh thần sáng tạo các kỹ sư và công nhân mỏ Lào Cai đã phát huy nội lực vượt qua mọi khó khăn. Ngày 26/9/1994 nhà máy được khánh thành và đi vào hoạt động giai đoạn I. Việc đưa nhà máy đi vào hoạt động đã đánh dấu sự thắng lợi và tin tưởng vào trình độ, bản lĩnh, tay nghề người thợ Việt Nam, tạo ra một bước đệm nối tiếp cho sự phát triển những năm sau. Thật cảm động khi Giám đốc Nguyễn Trọng Phú cho xem tấm ảnh và kể câu chuyện của Công trình sư Mivlalốp, người đã từng gắn bó 10 năm chỉ huy xây dựng nhà máy. Khi trở lại thăm ông đã rất ngạc nhiên khi thấy  các người thợ trẻ Việt Nam vận hành nhà máy một cách hiệu quả. Ông đã thốt lên đầy khâm phục “Tôi không thể tin các đồng chí có thể làm được như vậy…”.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Hải, Phó phòng công nghệ điều độ dẫn chúng tôi thăm nhà máy. Không khỏi ngỡ ngàng bởi rất nhiều các hạng mục thiết bị, các hệ thống dây chuyền, các công trình phụ trợ dọc ngang, cái gì cũng lạ, cũng muốn tìm hiểu. Anh Hải vui vẻ giới thiệu từng thông số kỹ thuật của toàn bộ hệ thống dây chuyền tuyển. Đặc biệt hệ thống thiết bị đã được các bàn tay “phủ thủy” tài hoa người thợ ở đây cải tiến nhiều chi tiết mang tính ưu việt, điều khiển tự động hóa nên giảm thiểu lao động trực tiếp. Hệ thống camera giám sát kỹ thuật trong toàn hệ thống truyền hình ảnh về trung tâm điều hành. Các bể chứa những trục xoắn khoắng lên sùng sục, những cánh quạt gạt tinh quặng sang máng dẫn cứ đều đều mềm mại như tay con gái Thái múa xòe. Dòng quặng tinh sền sệt sóng sánh ánh nâu chảy theo máng vào ống bơm, réo lên ùng ục… Tất cả hệ thống dây chuyền tuyển của nhà máy nhộn nhịp, tạo ra những âm thanh râm ran như một bản nhạc trầm hùng, hòa cùng với gió ngàn mênh mang tấu lên, giai điệu âm hưởng của thời “công nghiệp hóa – hiện đại hóa”.

Nhà máy tuyển đang bước vào tuổi 20. Hai mươi năm đối với một đời người có thể là dài nhưng đối với sự phát triển một nhà máy mang tầm chiến lược quốc gia thì vẫn chỉ là những bước đi đĩnh đạc ban đầu. Có được những bước đi đĩnh đạc đầy tự tin thật không đơn giản, đó là cả một thiên trường gian khổ, luyện tập, thử thách gian nan. Đó không chỉ là mồ hôi công sức, mà còn là máu và vô vàn nếm trải đắng cay. “Vạn sự khởi đầu nan” gian nan trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gian nan trong điều hành quản lý, trong cả tầm nhìn, cách nghĩ. Đến nay thế hệ lớp đầu đã và đang chuyển giao cho thế hệ tiếp theo thay cha anh đảm trách công việc. Đó là sự chuyển giao một cách  đầy trách nhiệm và có tính kế thừa ân nghĩa, ngọt ngào. Năm 1994 sau khi nhà máy khánh thành đi vào hoạt động chỉ sản xuất được 9 nghìn tấn/ năm. Đến năm 1999 theo kế hoạch của dự án nhà máy tiếp tục triển khai giai đoạn hai nâng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Giai đoạn này vô cùng khó khăn vì các thiết bị vẫn chưa được cải tiến là mấy, năng suất thấp, tỷ lệ thu hồi thấp, điện năng tiêu thụ cao. “Vậy giải pháp gì để thực hiện nhiệm vụ giao?”. Nguyễn Trọng Phú tưng tửng nói: “bất phẫn thì bất phát” “cái khó đã ló cái khôn” Trong tình thế đó tinh thần sáng tạo, đoàn kết đã được phát huy, một loạt các đề tài cải tiến kỹ thuật được CBCNV nhà máy phát huy đưa vào áp dụng. Năng xuất sản lượng đã tăng lên, năm 2002 đạt ngưỡng 300 ngàn và 2008 vượt lên con số 600 ngàn tấn. Anh Phú nói “Qua thực tế vận hành chúng tôi đã tìm ra được nhiều điểm yếu cần cải tiến. Hàng năm Hội đồng sáng kiến đã công nhận và đưa vào thực hiện nhiều sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất được đưa vào áp dụng đã làm lợi cho công ty” Tiếp đà thắng lợi. Năm 2009 quyết tâm của lãnh đạo Công ty, tiến hành cải tạo nâng công suất giai đoạn ba đưa dây chuyền chạy hết công suất thiết kế. Và đến hôm nay bước vào  xuân 2013 không khí xuẫn  vẫn đang tràn ngập, sản lượng nhà máy đạt hơn 900 nghìn tấn vượt 20% kế hoạch, tiêu thụ đạt hơn 900 nghìn tấn. Đây là năm đầu tiên sản lượng đạt cao nhất chưa từng có trong hai mươi năm qua. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà máy phân bón trong nước và nhu cầu xuất khẩu. Công ty đã mở rộng sản xuất đầu tư tiếp nhà máy tuyển Cam Đường 125 nghìn tấn/năm và nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn 350 nghìn tấn/năm. Nâng tổng công xuất quặng tinh của Công ty lên 1.375 nghìn tấn, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất phân bón trong nước. Sự lớn mạnh của ngành tuyển khoáng Lào Cai nó như cánh én báo hiệu một mùa xuân ấm áp, của việc công nghệ chế biến sâu khoáng sản, hướng đến một nền công nghiệp khai thác, chế biến tài nguyên manh tính bền vững. Quanh lại câu chuyện đề tài khoa học cấp Nhà nước phối hợp giữa Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Công ty Apatít mà Nguyễn Trọng Phú khoe thì hôm nay không còn là điều bí mật nữa. Công nghệ tuyển quặng I2 đã đang chạy trên dây chuyền công nghiệp, đạt kết quả tốt, khẳng định một hướng mở cho ngành tuyển Apatit Việt Nam.

Tôi cũng như các nhà văn dự trại viết, vui mừng nhìn những đoàn tầu hối hả chuyển quặng như những con trăn khổng lồ trườn mình trên thảm xanh mỡ màng hoa lá, dưới ánh nắng đầu hạ lung linh, nhảy múa trên vòm xanh. Mỗi ngày hơn hai trăm toa xe lửa miệt mài cõng quặng từ khai trường về nhà máy và rồi gần phần nửa số toa thành phẩm lại vươn xa, tỏa về các nhà máy phân bón. Mỗi nhịp đoàn tầu đi nghe rộn rã tiếng còi, đem niềm vui về các miền quê làm xanh non thêm bờ bãĩ.

Trong mười năm trở lại đây Công ty luôn đạt mức tăng trưởng bình quân từ 17 đến 20%. Chỉ cần điểm một vài số liệu cũng đủ thấy tâm thế của một đơn vị với danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Lấy năm 2008 là năm có sản lương cao nhất để so sánh, tổng sản lượng khai thác đạt 2,0 triệu tấn quặng, doanh thu đạt kỷ lục là 1,750 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Lào Cai vào topten “Câu lạc bộ ngàn tỷ”. Đến 2012 tổng sản lượng khai thác, tăng lên 2,5 triệu tấn quặng, doanh thu lập kỷ lục 2,700 tỷ đồng, nộp ngân sách 293 tỷ, thu nhập người lao động bình quân 10 triệu đồng/ tháng. Phó tổng giám đốc Lê Xuân Thái, khái quát đầy tự tin về chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh nào là xây dựng chiến lược giai đoạn đến năm 2017- 2020, tầm nhìn  2030. Nào là ngoài hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất photspho vàng. Nào là phân bón và hoá chất các loại, mở rộng sản xuất kinh doanh một số ngành nghề khác… Và hướng phát triển trong giai đoạn tới xây dựng thành cụm Công nghiệp phân bón – Hóa chất trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, theo phương châm: khai thác – chế biến – và chế biến sâu quặng apatit.
Tôi nghĩ, tài nguyên nào cũng có giá trị, có sắc có hương riêng của nó tạo đến tính hoàn thiện. Song, quy luật có vay có trả, tài nguyên quặng Apatít là loại quặng có nghĩa, có tình, sòng phẳng với cây, với đất. Sản sinh ra từ lòng đất và trở về làm giầu đất. Một vòng quay tuần hoàn, hoán đổi đầy chất nhân văn. Chỉ có điều con người biết ứng sử với thiên nhiên như thế nào, để có tình có nghĩa. Mọi sự thành bại đều bất đầu từ, cái tâm, cái tầm, bản lĩnh người cầm lái. Phải biết dung hòa lợi ích, biết mình, biết người, biết hướng đến nghiệp chung, cao cả, trọn vẹn, trước sau, thì mọi sự mới trở nên hài hòa và bền vững.

Đi giữa không gian tươi xanh của thành phố Lào Cai đang mùa phượng đỏ, ngắm bức tượng đài công nhân mỏ sừng sững uy nghiêm, nơi tôn vinh các thế hệ công nhân Apatits Việt Nam, tôi bỗng thấy bồi hồi xúc động khi nhìn tấm ảnh Cụ Hồ lên thăm công nhân mỏ cách đây vừa tròn 55 năm. Chính Người một vĩ nhân, tấm lòng bao dung, yêu giống, thương nòi, quan tâm tới giai cấp công nhân, người lao động. Và chính Người đã và chỉ ra cho những công nhân nơi đây cách gìn giữ, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên quí giá phục vụ cho công cuộc xây dựng nước nhà giầu mạnh. Lời Người còn mãi khắc ghi trong tâm khảm các thế hệ công nhân mỏ, để họ tiếp tục  phát huy truyền thống cha anh, lập lên nhiều kỳ tích mới.

C.T

Trại viết Tạp chí VNQĐ, Sa Pa – 5/2013
Exit mobile version